Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TẠI NHÀ VĂN HÓA VÀ KHÁI QUÁT VỀ NHÀ VĂN HÓA CÁC XÃ NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN THỌ XUÂN
1.2. Khái quát về phong trào xây dựng nông thôn mới và hệ thống nhà văn hóa ở huyện Thọ Xuân
1.2.1. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Thọ Xuân
Huyện Thọ Xuân nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 40 km về phía tây. Trung tâm kinh tế, chính trị - văn hóa của huyện nằm ngay bên bờ hữu ngạn sông Chu - con sông lớn thứ hai ở Thanh Hóa. Toàn huyện có 38 xã và 03 thị trấn, với diện tích tự nhiên trên 300km2, dân số hơn 240.000 người, có 3 dân tộc Kinh, Mường, Thái cùng sinh sống.
Là vùng đất có nền văn hoá phát triển lâu dài và liên tục, Thọ Xuân là nơi sinh thành các bậc hiền tài, danh sỹ, tướng lĩnh và các nhà khoa học làm rạng rỡ cho quê hương đất nước. Trong phong trào Cần Vương, Thọ Xuân là một trong những căn cứ địa chống Pháp với nhiều địa danh quan trọng như: Thung Voi (Xuân Tín), Thung Khoai (Quảng Phú), Thung Mây (Thọ Lâm). Nhiều trận đánh đã trở thành mồ chôn giặc Pháp, điển hình như trận đánh ở Bái Thượng (đêm 8/11/1885), trận đánh đồn Vạn Lại (30/11/1889), đồn Yên Lược (2/12/1889)…
Thọ Xuân là huyện có bề dày lịch sử văn hóa xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Từ xa xưa, nhân dân
cả nước biết đến Thọ Xuân không chỉ là vùng đất lịch sử phát triển lâu đời, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của dân tộc, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Có thể nói Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.
Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng.
Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ Trụ...
Với nhận thức về du lịch là ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là từ khi Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch được ban hành, du lịch huyện Thọ Xuân đã có những bước chuyển biến tích cực. Công tác tôn tạo, tu bổ văn hóa và phát huy giá trị các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thọ Xuân được các cấp, ngành quan tâm như: Dự án Khu di tích lịch sử Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh, Di tích cách mạng Lê Văn Sỹ...
Trong những năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch ở huyện Thọ Xuân chủ yếu thông qua các tổ chức lễ hội truyền thống như lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Xuân Phả, lễ hội Cao Sơn, lễ hội Lê Thánh Tông, qua đó du lịch đã bước đầu được quan tâm và đầu tư bằng những chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn và những gian hàng chợ quê truyền thống, những phòng trưng bày triển lãm. Do đó đã đón và giới thiệu hàng triệu lượt du khách về tham quan du lịch và dâng hương tại địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc
phòng được xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Thực hiện Quyết định số 1730/QĐ - TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 4312/2015/QĐ - UBND ngày 27/10/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 22/37 xã đạt chuẩn NTM; toàn huyện đạt 621 tiêu chí, bình quân 16,78 tiêu chí/xã, tăng 32 tiêu chí so với đầu năm 2017. Phấn đấu đến hết năm 2017, huyện Thọ Xuân có 10 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Huyện đang tiếp tục thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt là nỗ lực hoàn thành các tiêu chí khó, chủ trương xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”; gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại...
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2019. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt; xây dựng hoàn chỉnh các công trình đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông;
ưu tiên nguồn lực xây mới hoặc tu bổ các trung tâm văn hóa, thể thao đảm bảo đạt chuẩn. Để cải thiện đời sống khu vực nông thôn, UBND huyện đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trong đó lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để hình thành các vùng sản xuất tập trung và phấn đấu xây dựng mỗi
xã 1 sản phẩm; xây dựng mô hình vườn mẫu tại các hộ gia đình theo hướng cải tạo, xóa bỏ vườn tạp không có giá trị, quy hoạch lại các vườn hộ.
Xác định tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, huyện Thọ Xuân xác định ứng dụng khoa học, công nghệ cao là một trong những động lực quan trọng của xây dựng nông thôn mới, phát triển theo hướng chuyển từ “lượng” sang
“chất”, bảo đảm liên tục và lâu dài. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi sản phẩm cấp tỉnh và địa phương. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình xây dựng năm 2017 cũng như tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.