CHƯƠNG 3: TỔNG QUAN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.4. Nghiên cứu chính thức
Sau khi có được thang đo chính thức, thì thang đo này được dùng cho nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu này dùng để kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu. Các thang đo này được kiểm định bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha, phân tích yếu tố khám phá EFA và sau đó tiếp tục được kiểm định bằng phương pháp phân tích yếu tố khẳng định CFA.
Trước tiên, các biến có hệ số tương quan biến-tổng < 0.30 trong phân tích Cronbach Alpha sẽ bị loại bỏ và hệ số Cronbach Alpha của thang đo phải lớn > 0.6 thì mới đạt độ tin cậy. Tiếp theo, các biến quan sát có trọng số (factor loading) < 0.4 trong EFA sẽ tiếp tục bị loại bỏ và kiểm tra tổng phương sai trích phải ≥ 50%. Sau đó, các biến quan sát có trọng số <0.5 sẽ tiếp tục bị loại bỏ trong phương pháp phân tích yếu tố khẳng định CFA. Giá trị hội tụ, tính đơn hướng và giá trị phân biệt cũng được kiểm định trong bước này. Sau khi kiểm định thang đo các biến quan sát còn lại sẽ được sử dụng để kiểm định mô hình lý thuyết.
Phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM được sử dụng để kiểm định mô hình lý thuyết và các giả thuyết trong nghiên cứu.
Phương pháp phân tích tần số được sử dụng để phân tích hành vi CDTTC và phân tích sự khác biệt hành vi CDTTC giữa các nhóm khác nhau bằng phương pháp t-test.
3.4.1. Thiết kế bảng câu hỏi
Phụ lục 3.4 là phiếu khảo sát được gửi đến đối tượng nghiên cứu, nội dung của phiếu khảo sát bao gồm 3 phần chính như sau:
Phần đầu có một câu hỏi nhằm mục đích chọn lọc mẫu cho phù hợp với đối tượng cần khảo sát, và một số câu hỏi khác dùng cho việc thống kê phân loại về sau
như số năm công tác tại doanh nghiệp FDI hiện tại, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, vị trí công tác của đối tượng tham gia khảo sát.
Phần thứ hai, đối tượng tham gia khảo sát trả lời về thái độ của họ về sự hài lòng công việc, công bằng trong tổ chức, động lực nội tại và lãnh đạo chuyển đổi. Đồng thời người tham gia khảo sát cũng trả lời thái độ của họ về hành vi công dân trong tổ chức, tất cả tổng cộng có 49 câu hỏi ở phần hai.
Bảng câu hỏi ở phần hai sẽ được thiết kế với thang đo Likert 5 mức độ: (1) Hoàn toàn không đồng ý, (2) Không đồng ý, (3) Trung dung, (4) Đồng ý, (5) Hoàn toàn đồng ý
Phần thứ ba là một số câu hỏi về thông tin nhân khẩu học của đối tượng nghiên cứu như giới tính, độ tuổi, trình độ văn hóa dùng cho mục đích thống kê phân loại sau này.
3.4.2. Thu thập mẫu
Mẫu được chọn theo phương pháp thuận tiện (phi xác suất), đối tượng được chọn là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội,.. nằm trong mạng lưới vốn xã hội của người nghiên cứu. Ngoài ra, thông qua những đối tượng này người nghiên cứu sẽ yêu cầu họ giới thiệu những đồng nghiệp, bạn bè cũng đang làm trong các doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát. Mẫu được thu thập thông qua gửi thư điện tử có chứa đường dẫn trên mạng internet đến các đối tượng nghiên cứu. Một số công ty có đối tượng tham gia khảo sát là công ty TNHH Perfetti Van Melle Việt Nam, công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam, công ty TNHH Schenker Việt Nam, công ty TNHH URC Việt Nam,…
Kích thước mẫu dự tính là 240. Như đã trình bày ở trên, phương pháp phân tích dữ liệu chính được sử dụng cho nghiên cứu này là phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đều đồng ý là phương pháp này đòi hỏi phải có kích thước mẫu lớn vì nó dựa vào lý thuyết phân phối mẫu lớn (Raykov &
Widaman, 1995). Tuy nhiên, kích thước mẫu bao nhiêu được gọi là lớn thì hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Hơn nữa kích thước mẫu còn tùy thuộc vào phương
pháp ước lượng sử dụng (ví dụ ML, GLS hay ADF). Có nhà nghiên cứu cho rằng, nếu sử dụng phương pháp ước lượng ML thì kích thước mẫu tối thiểu phải từ 100- 150 (Hair & ctg, 1998). Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng kích thước mẫu tới hạn phải là 200 (ví dụ Hoelter, 1983). Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng kích thước mẫu tối thiểu là năm mẫu cho một tham số cần ước lượng (Bollen, 1989). Số lượng biến quan sát trong nghiên cứu này là 49 quan sát, nên kích thước mẫu có thể là 245. Trong nghiên cứu này, người nghiên cứu chọn kích thước mẫu là 240.
3.4.3. Thông tin mẫu
Kết quả ghi nhận lại được số lượng người tham gia khảo sát là 250, qua sàng lọc, thu được 240 mẫu hợp lệ.
Dữ liệu sau khi thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20. Thống kê mô tả của 240 mẫu nghiên cứu cho kết quả bảng sau:
Bảng 3.8: Đặc điểm mẫu quan sát
Lĩnh vực Số lượng Tỷ lệ %
Dịch vụ, thương mại 128 53.3
Sản xuất 112 46.7
Thâm niên Số lượng Tỷ lệ %
Dưới 1 năm 36 15.0
Từ 1- dưới 3 năm 94 39.2
Từ 3- dưới 5 năm 57 23.7
Từ 5 năm trở lên 53 22.1
Vị trí công tác Số lượng Tỷ lệ %
Chuyên viên/nhân viên 161 67.1
Trưởng nhóm/giám sát 51 21.3
Trưởng phòng/phó phòng 27 11.3
Giám đốc/phó giám đốc 1 0.4
Giới tính Số lượng Tỷ lệ %
Nữ 123 51.3
Nam 117 48.7
Độ tuổi Số lượng Tỷ lệ %
Dưới 25 tuổi 29 12.1
Từ 25 - dưới 35 tuổi 188 78.3
Từ 35- dưới 45 tuổi 22 9.2
Trên 45 tuổi 1 0.4
Trình độ Số lượng Tỷ lệ %
Phổ thông, trung cấp 5 2.1
Cao đẳng, đại học 182 75.8
Sau đại học 53 22.1
Giới tính của mẫu quan sát: Qua thống kê cho thấy mẫu có số lượng nam giới và nữ giới đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát là gần bằng nhau, cụ thể nam chiếm 48.7%, nữ chiếm 51.3%.
Độ tuổi của mẫu quan sát: Qua thống kê từ mẫu cho thấy độ tuổi tham gia khảo sát nằm khoảng từ độ tuổi 25 đến dưới 35 tuổi. Như vậy phần đông nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI thường nằm ở độ tuổi này. Cụ thể dưới 25 tuổi chiếm 12.1%, từ 25 đến dưới 35 tuổi chiếm 78.3%, từ 35 đến dưới 45 tuổi chiếm 9.2%, trên 45 tuổi chiếm 0.4%. Qua đó có thể thấy số lượng những người trên 45 tuổi thường ít làm việc tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Lĩnh vực làm việc của mẫu quan sát: Qua thống kê mẫu cho thấy lĩnh vực làm việc của đối tượng tham gia khảo sát nằm trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và lĩnh vực sản xuất là khá bằng nhau, cụ thể lĩnh vực sản xuất chiếm 46.7%.
Thâm niên công tác tại doanh nghiệp hiện tại của mẫu quan sát: Qua thống kê mẫu cho thấy, thâm niên làm việc tại công ty hiện tại của đối tượng tham gia khảo sát nằm rải đều ở tất cả các năm, cụ thể dưới 1 năm chiếm 15.0%, từ 1 đến dưới 3 năm chiếm 39.2%, từ 3 đến dưới 5 năm chiếm 23.7%, trên 5 năm chiếm 22.1%.
Vị trí công tác của mẫu quan sát: Qua thống kê mẫu cho thấy, vị trí công tác của đối tượng tham gia khảo sát phần lớn là chuyên viên, nhân viên. Cụ thể chuyên viên, nhân viên chiếm 67.1%; trưởng nhóm, giám sát chiếm 21.3%; trưởng phòng, phó phòng chiếm 11.3%; giám đốc, phó giám đốc chiếm 0.4%.
Trình độ văn hóa của mẫu quan sát: Qua thống kê mẫu cho thấy, trình độ văn hóa của đối tượng tham gia khảo sát phần lớn là đại học, cao đẳng. Cụ thể phổ thông, trung cấp chiếm 2.1%; cao đẳng, đại học chiếm 75.8%; sau đại học chiếm 22.1%.