3.4. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG ĐẾN SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
3.4.1. Đề xuất các giải pháp cấp bách cho các vùng bị ô nhiễm
Qua kết quả nghiên cứu và phân tích áp lực môi trường và hiện trạng môi trường Thị Xã Dĩ An trên đây, có thể kiến nghị các giải pháp cấp bách cần triển khai để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khoẻ cộng đồng như sau:
3.4.1.1. Giải pháp cho các vùng ô nhiễm vi sinh trong nước mặt
Các địa điểm quan trắc từ 2005 - 2014 tại Suối Siệp và Cầu Bà Hiệp trên Rạch Dĩ An là các địa điểm có lớn về chỉ tiêu Coliform. Nguồn gốc ô nhiễm vi sinh trên các sông rạch theo ý kiến của Phòng Tài nguyên môi trường Dĩ An là do các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên thực tế với các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, được trải đều trên khắp các địa phương trong Thị xã cùng hàng ngàn hộ dân chăn nuôi trong khu
dân cư với quy mô nhỏ lẻ với việc xả thải vào hệ thống cống, rạch… là các nguồn gây ô nhiễm Coliform chính.
Có thể nói, chất thải từ chăn nuôi được tạo nên từ 3 loại: Chất thải rắn (phân, thức ăn, xác gia súc, gia cầm chết); chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước dùng để tắm gia súc); chất thải khí (CO2, NH3...) đều là những loại khí chính gây ra ô nhiễm môi trường.
Việc xử lý chăn nuôi ở những khu vực này nhìn chung chưa đảm bảo theo quy định, công nghệ xử lý chưa triệt để, chủ yếu là chôn lấp thông thường hoặc để lộ thiên, tốn nhiều diện tích đất và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Đặc biệt, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, mới chỉ được xử lý sơ bộ và thải vào rãnh thoát nước ra các thủy vực.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước đối với Coliform.
Giải pháp đề nghị:
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong những năm qua, luận văn có các đề nghị:
- Triển khai các dự án khí sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ô nhiễm vi sinh. Vì vậy cần thực hiện phổ biến và phát triển việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là một trong những biện pháp mang lại tác dụng to lớn được rất nhiều địa phương lựa chọn. Nguồn phân hữu cơ sau khi đưa vào bể chứa được phân hủy hết làm giảm thiểu mùi hôi, ruồi, muỗi và ký sinh trùng hầu như bị tiêu diệt hết trong bể chứa này. Sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch từ phế thải chăn nuôi tạo ra khí CH4 phục vụ việc đun nấu, thắp sáng.
- Khi triển khai phổ biến Biogas cần chú ý hiện tượng một số hầm sử dụng có hiệu quả không cao do xây dựng quá lớn hoặc quá nhỏ so với quy mô chăn nuôi, hoặc
việc lựa chọn vật liệu xây dựng không đảm bảo nên hầm nhanh chóng bị thấm, ngấm, một số hầm còn xảy ra sự cố do kỹ thuật xây dựng.
- Cùng với triển khai giải pháp khí sinh học, chế phẩm sinh học EM (Effective microorganis ms) cũng là một trong những giải pháp đang được rất nhiều hộ dân sử dụng nhằm hạn chế, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu chăn nuôi.
- Chế phẩm sinh học EM có tác dụng tạo ra nguồn nước trong sạch, khử mùi hôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cây trồng, góp phần cải thiện môi trường, giảm ruồi muỗi, côn trùng có hại, tăng chất lượng thịt động vật do làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc thú y, kháng sinh, uống hoặc ăn thức ăn khô có trộn chế phẩm EM còn làm giảm độc, giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột cho vật nuôi.
- Bên cạnh hai hướng giải pháp phổ biến cho nhân dân tự làm, về phía cơ quan quản lý môi trường, cần tăng cường công tác kiểm tra và mạnh dạn, cương quyết xử lý các hộ chăn nuôi vi phạm để răn đe, giáo dục; xây dựng các mô hình, các phong trào để tập hợp, vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, từng bước tạo thành thói quen, ý thức cho nhân dân;
- Thị xã Dĩ An cần tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý môi trường cho đội ngũ cán bộ môi trường cấp phường;
- Phòng Tài nguyên Môi trường Thị xã cần hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp phường giải quyết các trường hợp phức tạp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và môi trường trong chăn nuôi, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát môi trường; tổ chức ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện môi trường trong chăn nuôi,…
3.4.1.2. Giải pháp trước mắt (ngắn hạn) cho các vùng ô nhiễm nước ngầm tại thị xã Dĩ An
Qua kết quả quan trắc của Trung Tâm Quan trắc Môi trường Tỉnh Bình Dương, ở Dĩ An đã bắt đầu ô nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Cần phải có các nghiên cứu bổ sung để khẳng định, nhưng qua xem xét các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực Nam Bình Dương, có thể thấy rằng nước ngầm ở Dĩ An bị ô nhiễm không phải chỉ do nguồn ô nhiễm tại chỗ mà có nguyên nhân từ ô nhiễm nước mặt (nước trên Rạch Dĩ An, sông Thị Tính và Sông Sài Gòn), tác động của Bãi chôn lấp Nam Bình Dương. Nước mặt ô nhiễm ngấm vào các tầng nước do các lỗ khoan khai thác của người dân. Trước tình hình đó, một số giải pháp kiến nghị chung cho các vùng nước ngầm đã và sẽ bị ô nhiễm như sau:
Giải pháp đề nghị:
- Thị xã Dĩ An cần thực hiện truyền thông, khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm cho ăn uống, kể cả tắm rửa để hạn chế và ngăn phơi nhiễm đối với kim loại nặng trong nước ngầm.
- Kiểm soát nghiêm ngặt việc xử lý nước thải của các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Dĩ An. Đặc biệt phải có kiểm soát mật, chống lại xả thải lậu của các doanh nghiệp đơn lẻ trên địa bàn các Huyện, Thị có mật độ công nghiệp hoá cao.
- Trong các Khu Công nghiệp tại thị xã Dĩ An, cần triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn, đặc biệt là tiết kiệm nước, giảm thiểu sử dụng nguyên liệu, hoá chất độc hại nhằm hạ giá thành, thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài các khu CN.
- Triệt để thu gom nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý nước thải tập trung, hạn chế tối thiểu lượng nước thải xả thải ra hệ thống kênh rạch.
- Kiểm soát và giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi, khuyến khích phát triển Biogas, giảm lượng phân thải ra ra sông, suối, rạch.
3.4.1.3. Giải pháp cho các vùng ô nhiễm không khí trong giao thông
Qua kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí, tại các khu vực giao thông có AQI cao phần lớn thuộc các đô thị có mật độ dân số và hoạt động công nghiệp cao, một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép như bụi, tiếng ồn.
Nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép cũng gây ra nhiều tác hại về phổi cho người dân. Nguyên nhân của ô nhiễm bụi là do hoạt động công nghiệp: sử dụng nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều chất thải, Công nghệ sản xuất của một số ngành nghề còn lạc hậu như: sản xuất gỗ, công nghiệp sản xuất, gốm sứ…Phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm ngoài khu công nghiệp chưa có biện pháp xử lý và giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa rất lớn. Lượng phương tiện giao thông đông đúc là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một lĩnh vực như nông nghiệp, hoạt động sinh hoạt, khai thác khoáng sản…cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường không khí.
Giải pháp đề nghị:
- Triệt để triển khai chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất riêng lẻ trên địa bàn thị xã Dĩ An vào các Cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
- Cần có chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi phục vụ đổi mới công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công nghệ gây ô nhiễm không khí như Chế biến Gỗ, chế biến hạt Điều, Sản xuất hoá chất thuốc trừ sâu…. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, giám sát các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các cơ sở gây ô nhiễm không khí.
- Cần khuyến khích và có chương trình truyền thông trên Đài truyền hình Bình Dương về việc khuyến khích người dân tăng cường trồng cây xanh quanh nhà trong khuôn viên các hộ dân để lưu giữ bụi, hạn chế bụi trong không khí vào trong nhà.
- Cần truyền thông về tác hại của bụi ô nhiễm không khí trong các trường phổ thông cơ sở, mẫu giáo trong thị xã. Trong đó, khuyến cáo trẻ em đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường.