Trên thế giới, những nghiên cứu về lĩnh vực stress đã được nhiều nhà khoa học thực hiện trên các đối tượng là người lao động nói chung và NVYT nói riêng:
Một số nghiên cứu trên đối tượng là người lao động nói chung như:
Nghiên cứu cắt ngang trên đối tượng là công nhân đường sắt được thực hiện tại Malaysia năm 2016 của tác giả Sami Abdo Radman Al-Dubai và cộng sự.
Nghiên cứu sử dụng thang đo PSS-10 với sự tham gia của 729 công nhân. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ stress trung bình (SD) là 18,8 (4,3) và điểm số dao động từ 0,0 đến 34,0 [40]. Một nghiên cứu cắt ngang khác trên đối tượng là công nhân trong các nhà máy được thực hiện tại Ấn Độ năm 2015 của các tác giả Sheldon Rao và Naveen Ramesh. Nghiên cứu sử dụng thang đo DASS 21 nhằm đo mức độ trầm cảm, lo âu và stress của 90 công nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Không có công nhân nào bị trầm cảm, có 36% số công nhân có các biểu hiện lo lắng và 18% số công nhân bị stress [42].
Một số nghiên cứu trên đối tượng là NVYT như: Nghiên cứu của các tác giả RK Mehta và IK Singh tại bệnh viện Nepal vào năm 2014 trên tổng số 50 nhân viên điều dưỡng và sử dụng thang đo ENSS, kết quả cho thấy: có 56% số ĐDV có biểu hiện của stress ở mức trung bình, theo sau là mức nhẹ với 34%, 6% số ĐDV có stress ở mức rất nặng và chỉ có một số lượng rất ít (4%) số ĐDV trả lời hầu như không gặp stress trong công việc của họ [34].
Một nghiên cứu cắt ngang của Tadesse Dagget, Ashagre Molla và Tefera Belachew thực hiện năm 2016 nhằm tìm hiểu về căng thẳng liên quan đến công việc của các y tá đang làm việc tại các bệnh viện công khu vực Jimma, phía Tây Nam Ethiopia. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 314 y tá đang làm việc tại các bệnh viện công thuộc khu vực Jimma. Kết quả cho thấy: Mức độ cao nhất của stress nghề nghiệp (SNN) là khi đối mặt với cái chết và hấp hối với tỷ lệ là 62,94%.
Tiếp theo là sự không chắc chắn đối với điều trị bệnh nhân là 57,72 % và khối lượng công việc là 57.6 %. Trong khi đó, SNN thấp nhất là bị quấy rối tình dục với tỉ lệ 46,19 % [44].
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại các Khoa chăm sóc tích cực của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Serbia năm 2012. Mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu và giải thích nguyên nhân gây ra SNN, đánh giá mức độ stress của ĐDV tại các Khoa chăm sóc tích cực và đánh giá mối liên quan giữa nhận thức về stress và tâm lý, các triệu chứng lâm sàng hoặc biểu hiện bệnh của các ĐDV. Cỡ mẫu của nghiên cứu là 1000 ĐDV và thang đo ENSS được sử dụng để tiến hành nghiên cứu.
Tỷ lệ ĐDV các Khoa chăm sóc tích cực đánh giá môi trường làm việc liên quan đến thể chất và tâm lý dẫn đến stress cao nhất, trong khi các tình huống liên quan đến môi trường làm việc xã hội là ít căng thẳng hơn. Yếu tố đặc điểm của những người tham gia (tuổi tác, tình trạng hôn nhân và trình độ học vấn) ảnh hưởng đến nhận thức về sự căng thẳng trong công việc [31].
1.3.2. Tại Việt Nam
Ở nước ta trong thời gian gần đây đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng stress của NVYT nói chung và của ĐDV nói riêng như:
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Trung Tần năm 2012 về stress của NVYT tại bệnh viện tâm thần Tiền Giang. Nghiên cứu được thực hiện trên 150 NVYT (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và nhân viên làm việc gián tiếp) để tìm hiểu sự hiểu biết về stress, các mức độ stress, các biểu hiện stress, các nguyên nhân gây stress và cách ứng phó với stress của NVYT. Kết quả cho thấy: Về mức độ hiểu biết stress của NVYT: Trong năm mức độ về sự hiểu biết về stress của NVYT thì ở mức độ hiểu biết stress tương đối chiếm tỉ lệ cao nhất với 65,5%, ở các mức độ chưa biết gì
về stress hoặc biết về stress rất ít chiếm 19,9%, còn lại là biết nhiều và rất nhiều về stress chiếm 17,7%. Trong 3 mức độ tự đánh giá stress của NVYT là thường xuyên, thỉnh thoảng và hiếm khi bị stress thì ở mức độ thỉnh thoảng bị stress được NVYT lựa chọn nhiều nhất chiếm 75,7%, còn lại thường xuyên bị stress chiếm 14,7% và hiếm khi bị stress chỉ chiếm 9,6%. So sánh mức độ tự đánh giá stress của NVYT so với công việc hiện tại thấy rằng, không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa mức độ stress của bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ lý và nhân viên làm việc gián tiếp [17].
Nghiên cứu của tác giả Mai Hòa Nhung năm 2014 về tình trạng stress và một số yếu tố liên quan ở ĐDV lâm sàng tại bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương.
Nghiên cứu sử dụng thang đo DASS 21 và được thực hiện trên 147 ĐDV, kết quả như sau: Tỷ lệ stress ở Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là 40,8%; trong đó các mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng lần lượt là 22,4%, 13,6%, 3,4% và 1,4%
[13].
Một nghiên cứu khác của tác giả Ngô Thị Kiều My về tình trạng stress của 370 điều dưỡng và hộ sinh Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng năm 2014. Nghiên cứu sử dụng thang đo DASS 21 và kết quả như sau: Tỷ lệ điều dưỡng và hộ sinh có biểu hiện stress là 18,1%. Trong đó, mức độ nhẹ là 9,7%, mức độ vừa là 5,7% và mức độ nặng là 2,7%. Tỷ lệ điều dưỡng bị stress là 20,2% và hộ sinh là 15,4% [12].
Nghiên cứu của Trần Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Liên Hương nhằm tìm hiểu tình trạng căng thẳng và một số yếu tố nghề nghiệp liên quan đến căng thẳng ở ĐDV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2015. Nghiên cứu sử dụng thang đo DASS 21 để thu thập thông tin trên 600 ĐDV và kết quả cho thấy: 18,5% số ĐDV có biểu hiện căng thẳng trong khoảng 1 tuần trước khi trả lời câu hỏi. Tỷ lệ căng thẳng ở mức độ nhẹ là 9%, mức vừa là 7%, mức nặng và rất nặng là 2,5% [20].
Nghiên cứu của các tác giả trên không những nêu được cụ thể thực trạng stress của NVYT mà còn tập trung vào đối tượng là ĐDV khối lâm sàng, là nhóm đối tượng có thời gian tiếp xúc, trao đổi và chăm sóc nhiều tới bệnh nhân. Các nghiên cứu đều sử dụng thang đo DASS 21 để xác định tỷ lệ ĐDV có biểu hiện stress và sử dụng các kiểm định thống kê để tìm hiểu các yếu tố liên quan đến thực trạng stress như yếu tố cá nhân, gia đình, xã hội và công việc. Tuy nhiên, kết quả
của các nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc mô tả chung chung về các yếu tố mà chưa phân tích sâu các yếu tố đó ảnh hưởng đến tình trạng stress như thế nào, đặc biệt là các yếu tố về công việc. Để khắc phục những điểm này, nghiên cứu của chúng tôi đã sử dụng hai thang đo là thang đo DASS 21 để tìm hiều thực trạng stress của ĐDV và thang đo ENSS nhằm tìm hiểu các yếu tố về công việc thực sự là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của ĐDV. Hơn nữa, chúng tôi sử dụng những yếu tố trong thang đo ENSS để gợi ý trong các cuộc PVS và TLN, vì vậy những thông tin mà chúng tôi thu được là những vấn đề mà ĐDV thực tế gặp phải trong công việc của mình. Từ những kết quả đó, chúng tôi có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp nhằm cải thiện tình trạng stress của ĐDV.