Giới thiệu thang đo stress sử dụng trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của điều dưỡng viên khối lâm sàng bệnh viện trung ương huế năm 2017 (Trang 26 - 31)

Tùy thuộc vào từng chủ đề nghiên cứu mà người nghiên cứu có thể quyết định sử dụng thang đo nào cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế - văn hóa – xã hội. Hiện nay, có nhiều thang đo đánh giá trầm cảm, lo âu, stress đã được chuẩn hóa và sử dụng, mỗi loại thang đo đều có hệ thống tính điểm, điểm càng cao thì mức độ trầm cảm, lo âu, stress càng nặng. Tuy nhiên, các thang đo chỉ là sàng lọc mà không thể thay thế được các chẩn đoán lâm sàng cần thiết trước khi đi đến kết luận.

Thang đánh giá trầm cảm Beck (BDI):

Thang BDI do tác giả Beck, Ward, Mendelson, Mock, và Erbaugh xây dựng năm 1961 và được thích ứng bởi Hisli năm 1989 [43]. Bao gồm 21 mục đo lường về sự xuất hiện và cường độ của các biểu hiện về cơ thể, cảm xúc và nhận thức của trầm cảm. Tổng số điểm cao hơn sẽ thể hiện mức độ trầm cảm nặng hơn (<10 điểm:

Không có biểu hiện trầm cảm; 10-19 điểm: trầm cảm nhẹ; 20-29 điểm: trầm cảm vừa;  30 điểm: trầm cảm nặng). Thang BDI đã được dịch sang tiếng Việt và được sử dụng ở Việt Nam trong lâm sàng và nghiên cứu hơn 20 năm nay [25].

Thang đánh giá lo âu Zung (SAS):

Do tác giả William W. K. Zung xây dựng năm 1965. Thang tập trung vào đánh giá những loại lo âu phổ biến nhất. Thang bao gồm 20 câu hỏi với 15 câu về mức độ tăng của lo âu và 5 câu về mức độ giảm của lo âu. Với mỗi câu trả lời được cho điểm từ 1-4, xác định với 4 tần suất xuất hiện triệu chứng theo thời gian từ

“Không có hoặc Rất ít khi có”; “Đôi khi”; “Phần lớn thời gian” cho đến “Hầu hết hoặc Tất cả thời gian ”. Tổng điểm từ 20-80 chia ra 4 mức độ: 20-44 là giới hạn bình thường, 45-59 là mức độ lo âu nhẹ hoặc trung bình; 60-74 là mức độ lo âu trầm trọng; 75-80 là mức độ lo âu rất trầm trọng [27].

Thang đánh giá Trầm cảm - Lo âu - Stress (DASS 21):

Thang đo DASS 21 được giới thiệu năm 1997 là phiên bản rút gọn của thang đo DASS 42. Thang đo DASS 42 được Lovibond S.H và Lovibond P.F thiết kế năm 1995, là bộ công cụ tự điền gồm có 42 mục nhằm đo lường 3 trạng thái cảm xúc tiêu cực của con người: lo âu, trầm cảm, stress. Các nghiên cứu cần thiết đã được tiến hành và khẳng định tính nhất quán giữa thang đo DASS 42 và phiên bản DASS 21 [41]. Thang đánh giá stress, lo âu, trầm cảm của Lovibond (DASS 42 và DASS 21) đã được Viện sức khỏe tâm thần quốc gia dịch và đã được xác nhận như một công cụ sàng lọc lo âu, trầm cảm và stress ở Việt Nam trong một nghiên cứu thuần tập dựa vào cộng đồng phụ nữ nông thôn miền Bắc Việt Nam bởi Trần Đức Thạch, Trần Tuấn và Jane Fisher [45]. Thang đo DASS 21 đã được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu tại Việt Nam nhằm mục đích sàng lọc ban đầu những đối tượng có biểu hiện stress từ đó khuyến cáo họ nên tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý sớm và có chế độ điều trị, chăm sóc, nghỉ ngơi phù hợp.

Thang đo DASS 21 bao gồm, 21 câu hỏi với các mức độ từ 0 đến 3 [26]. Các đối tượng nghiên cứu sẽ đọc hết tất cả các câu hỏi và khoanh vào mức độ tương ứng với trạng thái cảm xúc của mình. Điểm của lo âu, trầm cảm và stress được tính bằng cách cộng điểm của 21 đề mục thành phần rồi nhân hệ số 2. Sau đó sẽ được phân loại mức độ như sau:

Bảng 1.1: Đánh giá mức độ Trầm cảm - Lo âu - Stress (thang đo DASS 21)

Mức độ Trầm cảm Lo âu Stress

Bình thường 0 - 9 0 - 7 0 - 14

Nhẹ 10 - 13 8 - 9 15 - 18

Vừa 14 - 20 10 - 14 19 - 25

Nặng 21 - 27 15 - 19 26 - 33

Rất nặng ≥28 ≥20 ≥34

Thang đo ENSS (Expanded Nursing Stress Scale):

Thang đo ENSS là một phiên bản mở rộng và cập nhật của thang đo NSS (Nursing Stress Scale) được phát triển bởi Gray-Toft và Anderson (1981). NSS là công cụ đầu tiên để đánh giá căng thẳng trong công việc của điều dưỡng mà không phải căng thẳng trong công việc nói chung. Thang đo NSS có 34 mục, 4 điểm nhằm đánh giá các nguồn chính của căng thẳng trong những tình huống chăm sóc bệnh nhân [32] .Thang đo ENSS đã được chuẩn hóa và sử dụng trong các nghiên cứu về căng thẳng ở một số nước trên thế giới và Châu Á, tuy nhiên, ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại chưa có một nghiên cứu nào sử dụng thang đo ENSS.

Thang đo ENSS bao gồm 9 mục với 57 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 5 phương án chọn từ 0 là “không ở trong hoàn cảnh đó”, 1 là “không bao giờ gây căng thẳng”

đến 4 là “cực kỳ gây căng thẳng”. Thang ENSS cũng được sử dụng để đánh giá các yếu tố gây ra căng thẳng của ĐDV.

Thang đo bao gồm 9 yếu tố cụ thể gồm: (1) Yếu tố tử vong và nguy cơ tử vong. (2) Xung đột với bác sỹ. (3) Sự chuẩn bị không đầy đủ. (4) Những vấn đề với đồng nghiệp. (5) Những vấn đề với người giám sát. (6) Quá tải công việc. (7) Không chắc chắn liên quan đến xử trí. (8) Người bệnh và người nhà của họ. (9)Sự phân biệt đối xử.

1.5.2. Thang đánh giá stress được sử dụng trong nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, mục tiêu 1 của chúng tôi là tìm hiểu thực trạng stress của ĐDV nên thang đo phù hợp nhất mà chúng tôi sử dụng là: “Thang đánh giá Trầm cảm - Lo âu - Stress (DASS 21) để đánh giá tình trạng stress của ĐDV đang

làm việc tại các khoa lâm sàng bệnh viện Trung ương Huế năm 2017. Bên cạnh đó, phần đánh giá mức độ, chúng tôi chỉ đánh giá theo thang điểm của phần stress.

Đối với mục tiêu 2, chúng tôi sử dụng thang đo: “Expanded Nursing Stress Scale (ENSS) nhằm phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của ĐDV. Chúng tôi sử dụng các nội dung trong thang đo ENSS để chuyển thành các chủ đề phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm sẽ được phân tích dựa trên 9 nội dung của thang đo ENSS. Mục đích sử dụng thang đo này là chúng tôi muốn tìm hiểu sâu những yếu tố đặc trưng có ảnh hưởng đến công việc của ĐDV nói riêng mà không phải stress trong công việc chung, từ đó, có những khuyến nghị phù hợp cho đối tượng ĐDV.

1.5.3. Một số nghiên cứu đã sử dụng thang đo DASS 21 và ENSS Một số nghiên cứu đã sử dụng thang đo DASS 21:

Những nghiên cứu về stress được thực hiện tại Việt Nam chủ yếu sử dụng thang đo DASS 21 như: Nghiên cứu của tác giả Mai Hòa Nhung năm 2014 về tình trạng stress và một số yếu tố liên quan ở ĐDV lâm sàng tại bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương được thực hiện trên 147 ĐDV [13]. Nghiên cứu của tác giả Ngô Thị Kiều My về tình trạng stress của 370 điều dưỡng và hộ sinh Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng năm 2014 [12]. Nghiên cứu của Trần Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Liên Hương nhằm tìm hiểu tình trạng căng thẳng và một số yếu tố nghề nghiệp liên quan đến căng thẳng trên 600 ĐDV tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2015 [20].

Nghiên cứu của Bạch Nguyên Ngọc năm 2015 tại tỉnh Gia Lai, nhằm tìm hiểu thực trạng SNN và một số yếu tố liên quan của 250 ĐDV khối lâm sàng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai [14].

Một số nghiên cứu đã sử dụng thang đo ENSS:

Có khá nhiều nghiên cứu trên thế giới sử dụng thang đo ENSS tiêu biểu như:

Nghiên cứu của Abd Rahim Damit (2007) và cộng sự về xác định nguồn gốc của căng thẳng và mức độ hài lòng trong công việc của các y tá làm việc tại bệnh viện Raja Isteri Pengiran Anak Saleha (R.I.P.A.S.) thuộc Brunei Darussalam. Nghiên cứu được thực hiện trên 120 y tá cả nam và nữ có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong nghề điều dưỡng [39]. Nghiên cứu của Dragana Milutinović, Boris

Golubović, Nina Brkić và cộng sự (2012) thực hiện tại các Khoa chăm sóc tích cực của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Serbia. Cỡ mẫu của nghiên cứu là 1000 ĐDV và thang đo ENSS được sử dụng để tiến hành nghiên cứu [31]. Nghiên cứu của các tác giả RK Mehta và IK Singh tại bệnh viện Nepal vào năm 2014 trên tổng số 50 nhân viên điều dưỡng [34].

Một phần của tài liệu Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của điều dưỡng viên khối lâm sàng bệnh viện trung ương huế năm 2017 (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)