CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của điều dưỡng viên
Kết quả nghiên cứu định tính trên 8 đối tượng phỏng vấn sâu và 10 đối tượng tham gia thảo luận nhóm cho thấy, những yếu tố chính ảnh hưởng đến tình trạng stress của ĐDV trong số 9 yếu tố được gợi ý dựa trên thang đo ENSS khi phỏng vấn là các yếu tố về công việc như: Tử vong và nguy cơ tử vong; Xung đột với bác sỹ; Những vấn đề với đồng nghiệp; Quá tải công việc; Không chắc chắn liên quan đến xử trí; Người bệnh và người nhà của họ.
Một số yếu tố khác không có trong thang đo ENSS cũng được đối tượng nghiên cứu đề cập đến như: Điều kiện làm việc, cơ sở vật chất không được trang bị đầy đủ và làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh. Những yếu tố cá nhân hay gia đình không ảnh hưởng nhiều đến thực trạng stress của ĐDV.
Yếu tố tử vong và nguy cơ tử vong:
Tử vong và nguy cơ tử vong của người bệnh là vấn đề gây căng thẳng rất lớn đối với ĐDV.
Tại một số khoa, việc bệnh nhân tử vong làm cho điều dưỡng vô cùng lo sợ, họ sợ vì ngay cả khi chưa biết rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân do bệnh lý hay do nguyên nhân khác, thì họ vẫn phải làm những công việc thuộc chức trách của một ĐDV như tiếp xúc, xử lý và làm thủ tục cho người tử vong, đặc biệt là áp lực từ người thân của người bệnh tử vong là rất lớn đối với điều dưỡng. Thêm vào đó là khi có bệnh nhân tử vong mà không có mặt bác sỹ thì điều dưỡng gặp khó khăn trong việc xử trí vì chưa có lệnh của bác sỹ, chia sẻ của một điều dưỡng khoa Ngoại Thần Kinh: “Cũng lo lắng lắm khi bệnh nhân chết mà bác sỹ không có mặt nên điều dưỡng các chị không biết phải xử trí thế nào” (TLN, nữ ĐDV khoa Ngoại Thần Kinh, 41 tuổi).
Bên cạnh đó, theo lời chia sẻ của một ĐDV thì việc ĐDV hằng ngày phải tiếp xúc với những người bệnh đang đối diện với cái chết, chứng kiến những khoảnh khắc đau đớn mà người bệnh phải trải qua cũng khiến họ không thoải mái: “Các bệnh nhân tại khoa hiện nay chủ yếu là bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối. Mỗi khi đến thăm khám bệnh nhân thường phải nghe người bệnh than vãn là đang lo lắng, sợ sệt vì đang phải đối diện với cái chết. Rồi thì mỗi đêm đi trực phải nghe những tiếng kêu than vì đau đớn mà người bệnh phải chịu. Phải đối mặt với những người bệnh tại khoa đôi khi cũng làm cho tôi hoang mang, lo sợ và cảm thấy khó mà thoải mái” (TLN, nữ ĐDV khoa Ung bướu, 32 tuổi).
Nhưng với chức trách và nhiệm vụ của mình, những ĐDV cũng phải vượt qua những nỗi lo sợ đó và hoàn thành công việc của mình, họ cần phải giải thích và chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân về
bệnh nhân ở giai đoạn cuối hay giai đoạn khó khăn nhất thì cần có sự giúp đỡ, ân cần của các điều dưỡng vì đó là một trong những công tác chuyên môn của ngành ung bướu đối với diều dưỡng làm trong ngành ung bướu” (PVS, nam ĐDV khoa Ung bướu, 42 tuổi).
Yếu tố xung đột với bác sĩ:
Vấn đề xung đột giữa điều dưỡng và bác sĩ luôn luôn hiện hữu tại các cơ sở Y tế. Điều dưỡng không đồng ý với y lệnh hoặc cách điều trị của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ nhưng họ không thể nêu lên ý kiến, vì vậy họ sẽ cảm thấy ấm ức và khi đối mặt với nhau thì sẽ cảm thấy không được thoải mái, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giữa bác sĩ và điều dưỡng. Một chia sẻ của điều dưỡng khoa Sản như sau: “Đôi lúc do bác sĩ chính bận mổ thì có những bác sĩ nội trú còn trẻ và thiếu kinh nghiệm có những chẩn đoán không được chính xác nên mình cảm thấy khó chịu nhưng mình vẫn phải thực hiện” (PVS, nữ ĐDV khoa Sản, 47 tuổi).
Bên cạnh đó, sự không đồng nhất ý kiến giữa các bác sĩ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khó xử và áp lực cho điều dưỡng, một điều dưỡng khoa Sản tâm sự rằng: “Hai bác sĩ, một bác sĩ trưởng phòng và một bác sĩ điều trị cho hai y lệnh khác nhau ví dụ cho tiêm hai thuốc khác nhau thì bên mình cũng cảm thấy khó xử, đó cũng là những khó khăn gây nên căng thẳng cho bên mình” (TLN, nữ ĐDV khoa Sản, 28 tuổi).
Một vấn đề nữa là sự công nhận về chẩn đoán của điều dưỡng trước bác sĩ, khi bệnh nhân có vấn đề gì đó, điều dưỡng có thể giải thích và trao đổi với bác sĩ để định hướng công tác chẩn đoán tốt hơn, nhưng không phải lúc nào điều dưỡng cũng thuyết phục được bác sĩ hoặc bác sĩ hoàn toàn tin tưởng vào điều dưỡng, vì điều này cũng cần thời gian và kinh nghiệm sau nhiều năm tích lũy khi làm lâm sàng. ĐDV phải luôn luôn tự khẳng định mình trong việc chẩn đoán để có thể có vị trí đứng phối hợp với bác sĩ. Điều này cũng gây ra những áp lực nhất định đối với điều dưỡng trong công việc hằng ngày.
Yếu tố những vấn đề với đồng nghiệp:
Các đối tương được phỏng vấn trong nghiên cứu này đều cho rằng, những vấn đề xung đột hay bất mãn với đồng nghiệp của họ thường ít khi xảy ra. Ý kiến của một điều dưỡng trưởng khoa như sau: “Những việc đó hầu như là không xảy ra vì đa số những điều dưỡng hay hộ lý làm việc dưới sự chỉ đạo của điều dưỡng trưởng một cách nhịp nhàng và mọi công việc đều có điều dưỡng trưởng giải quyết với trưởng khoa hay phó khoa gọi là ban chủ nhiệm” (PVS, nữ ĐDT khoa, 45 tuổi).
biệt là giữa các điều dưỡng nam và điều dưỡng nữ, ví dụ như “Thông thường những đồng nghiệp nữ hay nhờ đồng nghiệp nam của mình trong việc vận chuyển bệnh nhân, lấy các thiết bị y tế nặng. Tuy nhiên, đôi lúc có những ứng xử không được tế nhị nên các đồng nghiệp nam có cảm giác như bị sai khiến, đặt biệt là những người vào sau” (PVS, nữ ĐDT khoa, 38 tuổi).
Yếu tố quá tải công việc:
Các ĐDV trong nghiên cứu này cũng chia sẻ rằng, quá tải công việc là phổ biến tại nơi làm việc của họ, đặc biệt là không có đủ nhân viên trong khi khối lượng công việc rất lớn, ví dụ như khi đông bệnh nhân, một điều dưỡng trưởng khoa cho biết: “Ở khoa mình bệnh nhân thường đông, quá tải nhưng chỉ có 5 nữ hộ sinh, mà nhiều lúc phải đỡ sinh 20 ca và nếu trường hợp sinh mổ thì phải hỗ trợ mổ 15-20 ca đó nên công việc của bọn mình rất vất vả” (PVS, nữ ĐDT khoa, 51 tuổi).
Bên cạnh đó, một ĐDV thường phải làm nhiều công việc khác nhau như vừa làm công việc của điều dưỡng, vừa lo vấn đề thủ tục hành chính, vừa tham gia cấp cứu… Trong cuộc thảo luận nhóm, một điều dưỡng khoa Xạ trị chia sẻ: “Đối với mình ngoài công việc tham gia trực sau đó mình cũng phải ở lại làm những công việc hành chính, đâu có được nghỉ” (TLN, nam ĐDV khoa xạ trị, 34 tuổi).
Vấn đề bố trí công việc chưa hợp lý và thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp cũng làm cho ĐDV thêm căng thẳng.
Quá tải công việc, thiếu nhân lực dẫn đến điều dưỡng phải làm việc cả những ngày nghỉ hoặc khó xin nghỉ phép khiến họ cảm thấy áp lực và mệt mỏi, việc không được nghỉ ngơi hợp lý có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và công việc của ĐDV. Nhận xét của một điều dưỡng trưởng khoa:
“Ở khoa mình có ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ bù nhưng do số lượng điều dưỡng thiếu nên khi họ xin đăng kí nghỉ phép cũng rất khó khăn, họ cảm thấy khó chịu và không được thoải mái” (PVS, nữ ĐDT khoa, 38 tuổi). Ngoài ra, việc quá tải công việc làm cho điều dưỡng không có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình, điều này cũng khiến tâm lý của ĐDV mệt mỏi và dễ cáu.
Đặc biệt, lưu lượng bệnh nhân một số khoa đông, cùng một lúc phải giải quyết và chăm sóc nhiều bệnh nhân nên ĐDV không còn thời gian để giao tiếp, tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh (PVS, nữ lãnh đạo bệnh viện, 52 tuổi).
Các điều dưỡng trong nghiên cứu này đã báo cáo rằng, không có đủ nhân viên để hoàn thành công việc vì vậy, họ luôn phải tập trung cao độ, làm việc cường độ cao để bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân. “Một điều dưỡng đi trực sẽ có nhiệm vụ trong đêm là phải đi thăm hỏi tất cả các bệnh nhân, theo dõi tình trạng bệnh nhân. Trong khoa có những bệnh nhân ban ngày hoặc ban đêm họ
họ có nhu cầu. Nên một điều dưỡng sẽ làm vất vả và cũng có thể họ sẽ làm việc suốt đêm” (TLN, nữ ĐDV khoa Y học cổ truyền, 36 tuổi).
Quá tải công việc còn làm cho các ĐDV không có cơ hội được nói chuyện, chia sẽ những vấn đề khó khăn gặp phải trong công việc, theo chia sẻ của một ĐDV khoa Ngoại Thần Kinh cho biết thêm: “Phần lớn ai trong bệnh viện cũng đều bận cả, nên cơ hội để nói chuyện cởi mở với lãnh đạo về các vấn đề của Khoa là rất hiếm” (TLN, nữ ĐDV, 29 tuổi).
Yếu tố không chắc chắn liên quan đến xử trí:
Đối với một ĐDV thì nhiệm vụ trong công việc của họ là luôn phải thực hiện theo đúng y lệnh của bác sĩ, nhưng đôi khi do thiếu nhân lực, ít bác sĩ mà bệnh nhân đông nên điều dưỡng buộc phải đưa ra những quyết định điều trị kịp thời cho bệnh nhân ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, với kiến thức chuyên môn của mình họ cảm thấy lo lắng và không tự tin. Họ lo sợ sẽ xảy ra sai sót và luôn trong tình trạng căng thẳng. Một điều dưỡng trưởng chia sẻ rằng: “Khoa mình bác sĩ ít mà bệnh nhân đông nên đôi lúc điều dưỡng phải tự chủ động đưa ra quyết định của mình, có nhiều khi họ cũng thấy mệt mỏi nếu xảy ra xung đột” (PVS, nữ ĐDT, 37 tuổi).
Một số ĐDV còn tâm sự rằng, có những người tâm huyết với nghề thì khi đi làm họ luôn sợ xảy ra sai sót chuyên môn, họ luôn cảm thấy căng thẳng và mong công việc được suôn sẻ: “Mình công tác tại khoa sản, nên họ thường nói thiên đàng và địa ngục như trở bàn tay. Ví dụ như: nếu mình sơ suất thì sẽ đem lại sự mất mát đau khổ cho họ” (TLN, nữ ĐDV khoa Sản, 29 tuổi).
Yếu tố người bệnh và người nhà của họ:
Các vấn đề về người bệnh và người nhà của họ cũng là nguồn lớn gây căng thẳng cho ĐDV.
ĐDV có khi bị đe dọa từ phía bệnh nhân và người nhà của họ: “Bệnh nhân bây giờ rất manh động, nhất là vào ban đêm” (PVS, nam ĐDT khoa, 43 tuổi). Ngoài ra, ý kiến của đại diện lãnh đạo bệnh viện cho rằng: “Do người bệnh ốm đau, thay đổi tâm lý, nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên khó tính dẫn đến hành vi mất kiểm soát, bức xúc và quát tháo ĐDV, gây tổn chương lòng tự trọng cho ĐDV.
Thêm nữa là người bệnh nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của ĐDV nên có thái độ không phù hợp, không hợp tác” (PVS, nữ đại diện lãnh đạo bệnh viện, 52 tuổi).
Một số trường hợp gặp phải người nhà của bệnh nhân khó tính hoặc có những đòi hỏi bất hợp lý: “Đôi lúc do sự quá tải bệnh nhân làm cho điều dưỡng chăm sóc nhiều bệnh nhân trong cùng một phòng. Nhưng khi họ chăm sóc cho người này, chưa kịp chăm sóc cho người kia, người nhà bệnh nhân không hiểu lại to tiếng với điều dưỡng” (TLN, nữ ĐDV khoa Cấp cứu, 30 tuổi). Hoặc
“Đôi lúc họ hay có những yêu cầu rất vô lý như: thích nằm phòng này, thích điều dưỡng này nhưng
không chịu nghe và muốn theo ý mình” (TLN, nam ĐDV khoa Nội, 31 tuổi).
Đặc biệt, gia đình bệnh nhân không chịu hợp tác hoặc phản bác lại điều dưỡng cũng làm cho điều dưỡng khó hoàn thành được công việc được giao dẫn đến các điều dưỡng bị đặt vào các tình huống khó xử, tâm sự của một điều dưỡng:“Nhiều lúc do người nhà bệnh nhân để đồ đạc lộn xộn, thì mình đến nhắc nhở nhưng họ không chịu hợp tác hay mời người nhà ra ngoài để bên mình thăm khám, chuyền thuốc thì họ cũng nói lại” (TLN, nữ ĐDV khoa Nội, 27 tuổi).
Bạo lực trong bệnh viện cũng là yếu tố gây ám ảnh, căng thẳng và lo sợ đối với điều dưỡng không những ngay tại thời điểm bị bạo lực mà còn ảnh hưởng đến họ trong một khoảng thời gian rất dài. Một điều dưỡng khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ về câu chuyện của mình khi bị người nhà bệnh nhân bạo lực: “Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày hôm đó, đang chuẩn bị chích thuốc cho bệnh nhân bỗng dưng một người đàn ông thẳng tay tát vào mặt tôi và nói: sao mi không chích cho ba tau trước. Suốt một thời gian dài sau đó, tôi vẫn thấy vô cùng căng thẳng, mỗi ngày đi làm tôi đều thấy lo sợ vì cứ bị ám ảnh mãi cái tát của người đàn ông kia” (TLN, nữ ĐDV khoa Ngoại tổng hợp, 33 tuổi). Hoặc chia sẻ của một điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình về việc hằng ngày phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực của mình: “Đôi khi gặp một số bệnh nhân được đưa vào do tai nạn giao thông hay do đánh nhau, lúc đối mặt với những bệnh nhân này thì điều dưỡng phải thật bình tĩnh vì tâm lý người bệnh cũng như người nhà lúc này không được tốt lắm, đôi khi người ta nổi nóng và xô xát với nhân viên y tế” (TLN, nam ĐDV khoa Chấn thương chỉnh hình, 36 tuổi).
Không những bị bạo lực, một số trường hợp điều dưỡng còn bị người nhà bệnh nhân miệt thị bằng lời nói, câu chuyện của một điều dưỡng khoa Nội tiết trong cuộc thảo luận nhóm: “Tôi vẫn còn nhớ có một em điều dưỡng sau khi làm vệ sinh cho người bệnh xong, bước ra ở khỏi phòng bệnh nhân mồ hôi nhễ nhại đã đứng sững người khi nghe người nhà bệnh nhân nói với nhau những lời khinh miệt mình” (TLN, nữ ĐDV khoa Nội tiết, 40 tuổi).
Yếu tố khác:
Vấn đề điều kiện làm việc, cơ sở vật chất không được trang bị đầy đủ được ĐDV nhắc đến khá nhiều trong cuộc thảo luận nhóm như: luôn phải làm việc trong môi trường ngột ngạt, nóng bức khó chịu, tâm sự của một điều dưỡng khoa Ngoại Nhi: “Chẳng hạn như thời tiết, nhất là mùa hè trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ tăng cao, bệnh nhân đông đã thế khoa chúng tôi bệnh nhân lại là các em nhỏ nên khi trời nóng bức các em lại còn hay khóc do đau nên điều dưỡng luôn phải làm việc trong một môi trường ngột ngạt, nóng bức, áp lực từ công việc. Mặc dù như thế nhưng chẳng ai
nhận được lại không như mình mong muốn” (TLN, nữ ĐDV khoa Ngoại Nhi, 32 tuổi).
Làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh như: Viêm gan B, HIV hay phải hít thở những mùi hoại tử của bệnh nhân cũng là yếu tố gây căng thẳng cho ĐDV:
“Có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do bệnh đái tháo đường. Bàn chân của những bệnh nhân này bị hoại tử và bốc mùi hôi thối. Nói thật, người nhà của bệnh nhân còn muốn tránh càng xa càng tốt. Thế nhưng, các điều dưỡng hàng ngày vẫn lau rửa, vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh. Có nhiều người sau khi làm việc xong thì không ăn được cơm” (TLN, ĐDV khoa Nội tiết, 47 tuổi).
4.1. Thực trạng stress của điều dưỡng viên khối lâm sàng bệnh viện Trung ương Huế năm 2017.
Độ tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 35,8, trong đó, nhóm tuổi từ 31 đến 40 chiếm tỷ lệ cao nhất (51,6%). Độ tuổi trung bình của đối tượng tham gia nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với độ tuổi trung bình trong nghiên cứu của Ngô Thị Kiều My và cộng sự, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong nghiên cứu này là dưới 30 tuổi (70,3%). Nguyên nhân của sự khác biệt này có thể là do đối tượng nghiên cứu của Ngô Thị Kiều My chủ yếu là lao động thuộc diện hợp đồng ngắn hạn và thử việc (53,8%), thời gian làm việc tại bệnh viện dưới 3 năm chiếm hơn một nửa (51,4%), trong khi đó nghiên cứu của chúng tôi có 87,2% số đối tượng thuộc diện hợp đồng dài hạn/biên chế, thời gian làm việc tại bệnh viện từ 5 đến 10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (32,0%) [12].
Để đánh giá thực trạng stress của 320 ĐDV khối lâm sàng bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi sử dụng thang đo DASS 21 với 21 câu hỏi và 4 phương án chọn. Kết quả cho thấy, có 28,1% số ĐDV bị stress. Tỷ lệ ĐDV bị stress trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của tác giả Mai Hòa Nhung trên 147 ĐDV làm việc tại bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương năm 2013 (40,8%) [13]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Dương Thành Hiệp năm 2014 về tình trạng stress nghề nghiệp của 246 điều dưỡng, hộ sinh ở 8 khoa lâm sàng bệnh Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre, tỷ lệ nhân viên điều dưỡng, hộ sinh ở 8 khoa lâm sàng có nguy cơ bị stress là 56,9% [7]. Và thấp hơn nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thúy năm 2011 về đánh giá trạng thái stress của CBYT khối lâm sàng bệnh viện Ung bướu Trung ương Hà Nội, với tỷ lệ stress chung của CBYT khối lâm sàng là 36,9% [19].
Tuy nhiên, kết quả này lại cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Ngô Thị Kiều My trên 370 điều dưỡng và nữ hộ sinh tại bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng năm 2014, với tỷ lệ điều dưỡng – hộ sinh có biểu hiện stress là 18,1% [12]. Và nghiên cứu của Đậu Thị Tuyết năm 2013 trên CBYT khối lâm sàng tại bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An và bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, kết quả stress chung là 20,4%, trong đó, bệnh viện đa khoa 115 là 24,5% và bệnh viện đa khoa thành phố Vinh là 16,8% [23].
Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi và các nghiên cứu trên đều sử dụng thang đo DASS 21 để tìm hiểu thực trạng stress của NVYT nói chung và ĐDV nói riêng, tuy nghiên, kết quả nghiên cứu lại có sự chênh lệnh rất lớn, sự chênh lệch này có thể do đối tượng nghiên cứu khác nhau. Chúng tôi chỉ thực hiện trên một phần ĐDV khoa lâm sàng của bệnh viện Trung ương Huế, còn nghiên cứu của tác giả Mai Hòa Nhung là trên toàn bộ ĐDV khoa lâm sàng, nghiên cứu của tác giả Dương