Tình trạng stress của NVYT nói chung và ĐDV nói riêng có thể do nhiều yếu tố tác động và chi phối. Có khá nhiều nghiên cứu đã tìm ra những yếu tố này như sau:
Yếu tố cá nhân:
Một nghiên cứu của D. Milutinovic và cộng sự được thực hiện tại Serbia vào năm 2012 đã tìm ra mối liên quan có ý nghĩa thống kê của tình trạng stress với các yếu tố: tuổi, tình trạng hôn nhân và trình độ học vấn của ĐDV. Những người điều dưỡng đã kết hôn có biểu hiện stress ở mức cao hơn khi phải làm việc trong môi trường có nguy cơ gây ra tử vong (p<0,05) và quá tải với công việc (p<0,05) so với những điều dưỡng đã ly hôn hoặc độc thân. Về tuổi, nghiên cứu chỉ ra, điều dưỡng trong nhóm tuổi từ 30-39 có nguy cơ stress ở mức cao hơn với nhóm “gặp vấn đề với đồng nghiệp” (p<0,01) và “gặp vấn đề với người giám sát” (p<0,05) so với những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn. Ngoài ra, những người có trình độ học vấn thấp hơn thì có nguy cơ mắc stress cao hơn so với những người có trình độ học vấn cao hơn [31].
Nghiên cứu của Ngô Thị Kiều My và cộng sự tại bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng vào năm 2014 đã chỉ ra rằng, tình trạng sức khỏe của bản thân điều dưỡng có mối liên quan với tình trạng stress của điều dưỡng, hộ sinh và mối liên quan này có ý nghĩa thống kê trong phân tích đơn biến (P<0,05). Những điều dưỡng, hộ sinh
cảm thấy sức khỏe của bản thân không tốt có khả năng bị stress gấp 2,64 lần so với những điều dưỡng, hộ sinh cảm thấy họ có sức khỏe tốt [7]. Tác giả Nguyễn Văn Tuyên trong nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình năm 2015 cũng chỉ ra rằng, điều dưỡng viên có tình trạng sức khỏe không tốt có nguy cơ mắc tình trạng căng thẳng gấp tới 3,2 lần những đối tượng có sức khỏe tốt, sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê (95% CI: 1,5 – 6,8) [12].
Nghiên cứu của Trần Thị Thanh Huyền tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp đã tìm ra tình trạng uống rượu của điều dưỡng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng stress của họ. Những người uống rượu, bia thì có nguy mắc stress cao hơn nhóm không uống rượu bia [8].
Yếu tố công việc:
Nghiên cứu sử dụng thang đo ENSS của tác giả Abd Rahim Damit năm 2007 được thực hiện tại Brunei cho thấy, các nguồn gây căng thẳng thông thường là không chắc chắn liên quan đến điều trị bệnh nhân, đối phó với bệnh nhân và gia đình của họ, tình trạng quá tải công việc, sự chuẩn bị không đầy đủ, xung đột với bác sĩ, các vấn đề liên quan đến người giám sát, tử vong và tử vong, xung đột liên quan đến bạn đồng giới và sự kỳ thị [39].
Nghiên cứu của D. Milutinovíc và cộng sự thực hiện tại Serbia năm 2012 và sử dụng thang đo ENSS cho kết quả như sau: điều dưỡng viên đánh giá “tử vong và nguy cơ tử vong” là yếu tố gây ra stress lớn nhất cho họ (trung bình = 2,87 và độ lệch chuẩn = 0,92), trong khi đó, nhóm “vấn đề với đồng nghiệp” có điểm trung bình trong thang đo là 2,09 ± 0,93 và được xem là yếu tố gây stress ít nhất đối với điều dưỡng. Ngoài ra, khi phân tích trên tất cả 57 nội dung, chỉ ra rằng, những yếu tố có thể đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của điều dưỡng gây ra stress nhất với họ (điểm trung bình 3,17 ± 0,91) [31].
Tác giả Lam Leung Chun đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2013 tại bệnh viện công của Hồng Kong, Trung Quốc cho thấy, nhóm 3 yếu tố gây ra stress nhiều nhất cho người điều dưỡng trong 9 nhóm yếu tố trong thang đo ENSS đó là sự giám sát, sự không chắc chắn về việc điều trị và quá tải công việc. Cụ thể, trong nhóm giám sát, điều dưỡng viên thường xuyên cảm thấy stress nhất với nội
dung “Phải chịu trách nhiệm cho những điều mà tôi không thể kiểm soát được” (với điểm trung bình là 2,85, độ lệch chuẩn là 0,77), còn cảm thấy ít bị stress nhất với việc “thiếu sự hỗ trợ từ nhà quản lý chăm sóc sức khỏe” (đạt số điểm là 2,53 ± 1,02). Với sự không chắc chắn trong điều trị, người điều dưỡng gặp phải tình trạng stress nhiều nhất với việc “sợ rằng sẽ mắc lỗi khi điều trị cho người bệnh”, với điểm trung bình là 2,87, ít stress nhất với việc “không giải thích gì cho người bệnh hoặc người nhà của họ về tình trạng của người bệnh và cách điều trị” (điểm trung bình là 2,44 ± 0,64). Yếu tố quan trọng tiếp theo đó chính là sự quá tải công việc,
“không đủ nhân viên để làm công việc của một khoa” là nội dung gây căng thẳng nhiều nhất cho người điều dưỡng, còn ít gây ra stress nhất là nội dung “sự đòi hỏi, yêu cầu của hệ thống phân loại người bệnh” [35].
Nghiên cứu của Bạch Nguyên Ngọc đã tìm ra một số yếu tố có mối liên quan có ý nghĩa thống kê đến tình trạng stress của các ĐDV hiện đang làm việc tại bệnh viện đa khoa Gia Lai (năm 2015) đó là: Nội dung công việc; Môi trường làm việc;
Sự động viên khuyến khích và phát triển nghề nghiệp. Cụ thể như sau: những điều dưỡng là hợp đồng ngắn hạn dễ có biểu hiện stress cao gấp 2,81 lần so với những đối tượng làm hợp đồng dài hạn (hoặc đã là biên chế) (p<0,05); đối tượng làm việc ở nơi có nhiệt độ khoa phòng làm việc quá nóng hay quá lạnh có nguy cơ mắc stress gấp 2 lần nhóm còn lại. Ngoài ra, những điều dưỡng cảm thấy thu nhập không phù hợp so với mức lao động có nguy cơ bị stress gấp 2,14 lần nhóm cảm thấy mức thu nhập phù hợp với công sức lao động mà họ phải bỏ ra [14].
Kết quả thu được trong phân tích hồi quy logistic đa biến của tác giả Mai Hòa Nhung thực hiện nghiên cứu các điều dưỡng lâm sàng, bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (2014) đã xác định được các yếu tố thuộc nhóm nghề nghiệp là:
tiếp xúc với tác nhân độc hại trong quá trình làm việc (OR=7,8), mối quan hệ với cấp trên (OR=2,4), số buổi trực (OR=3,0) và mức độ ổn định với công việc (OR=3,2) có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng mắc stress [13].
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định của tác giả Nguyễn Văn Tuyên, năm 2015 cho thấy các yếu tố nghề nghiệp như: bộ phận làm việc, làm thêm việc ngoài chức năng, sự tôn trọng của người bệnh
cũng có liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng căng thẳng mà điều dưỡng viên gặp phải. Cụ thể như sau: đối tượng làm việc tại khối khoa nội, ngoại mắc stress cao gấp 2 lần khoa khác; điều dưỡng phải làm thêm việc ngoài chức năng, nhiệm vụ có nguy cơ mắc tình trạng căng thẳng gấp 2,2 lần nhóm không phải làm thêm việc khác; hay thậm chí, những người cảm thấy trong quá trình làm việc không được bệnh nhân tôn trọng lại cũng có nguy cơ mắc stress gấp 2,3 lần [24].
Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng stress của NVYT từ các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy các yếu tố đến từ đặc thù công việc chiếm một tỷ trọng đáng kể. Các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc stress cho NVYT và làm giảm hiệu suất làm việc của họ. Những kết quả nghiên cứu này đặt ra vấn đề cho những người làm quản lý trong bệnh viện về việc làm sao để giảm bớt các yếu tố nguy cơ của tình trạng stress cho NVYT đến từ đặc thù công việc của họ.