Chương 1: LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Lý luận về quản lý tín dụng tại ngân hàng thương mại
1.1.3. Quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại
Đối với bất cứ một hoạt động kinh doanh nào, khi rủi ro xảy ra đều kéo theo nó những ảnh hưởng khó lường và hậu quả của chúng cũng không dễ dàng khắc phục. Với rủi ro trong hoạt động tín dụng cũng vậy. Chính vì thế, quản lý RRTD được coi là hoạt động trọng tâm trong các tổ chức tài chính - NHTM, bởi kiểm soát và quản lý RRTD chặt chẽ đồng nghĩa với việc sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn huy động. Mặt khác, nền kinh tế thị trường nếu không chấp nhận rủi ro thì không thể tạo ra các cơ hội đầu tư và kinh doanh mới. Do đó, quản lý RRTD là một nhu cầu tất yếu đặt ra trong quá trình tồn tại và phát triển của NHTM.
Theo quan điểm của luận văn, Quản lý RRTD: Là việc xây dựng chiến lược, chính sách và quy trình tín dụng; tổ chức, điều hành, triển khai và thực hiện chiến lược, chính sách và các quy trình liên quan đến việc cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn tín dụng, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất mà ngân hàng có thể chấp nhận được.
Công tác quản lý này được thực hiện ngay từ khi xem xét hồ sơ xin vay vốn, thẩm định khách hàng, ký kết hợp đồng tín dụng và việc thực hiện giải ngân và kiểm soát khi cho vay đến việc thu nợ và xử lý nợ quá hạn. Đó cũng không phải là một vấn đề dễ dàng thực hiện.
1.1.3.2. Mục tiêu của quản lý rủi ro tín dụng
Khi thực hiện quản lý tốt rủi ro tín dụng, ngân hàng sẽ đạt được những mục tiêu sau:
Thứ nhất, tăng lợi nhuận
Khi rủi ro tín dụng xảy ra sẽ phát sinh các khoản nợ khó thu hồi. Ảnh hưởng trước mắt của nó đến hoạt động ngân hàng là sự ứ đọng vốn dẫn đến làm giảm vòng quay vốn của ngân hàng. Mặt khác, khi có quá nhiều các khoản nợ khó hoặc không thu hồi được sẽ lại phát sinh các khoản chi phí quản lý, giám sát, thu nợ… Các chi phí này còn cao hơn khoản thu nhập từ việc tăng lãi suất các khoản nợ quá hạn bởi vì thực ra đây chỉ là những khoản thu nhập ảo, thực tế ngân hàng rất khó có khả năng thu hồi đầy đủ được chúng.
Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền huy động được trong khi một bộ phận tài sản của ngân hàng không thu được lãi cũng như không chuyển được thành tiền để cho người khác vay và thu lãi. Do đó khi làm tốt công tác quản lí rủi ro tín dụng ngân hàng sẽ đảm bảo được mục tiêu tăng lợi nhuận.
Thứ hai, đảm bảo khả năng thanh toán
Ngân hàng thường lập kế hoạch cân đối dòng tiền ra (trả lãi và gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới…) và dòng tiền vào (tiền nhận gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay…) tại các thời điểm trong tương lai. Khi các món vay không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến sự không cân đối giữa hai dòng tiền. Các khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm của khách hàng vẫn phải thanh toán đúng kì hạn trong khi các khoản tiền vay của khách hàng lại không được hoàn trả đúng hẹn. Nếu ngân hàng không đi vay hoặc bán các tài sản của
mình thì khả năng chi trả của ngân hàng sẽ bị suy yếu và hạn chế, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong khâu thanh toán. Quản lý rủi ro tín dụng tốt ngân hàng sẽ đảm bảo được lượng tiền mặt trong thanh toán.
Thứ ba, đảm bảo uy tín
Nếu tình trạng mất khả năng chi trả tái diễn nhiều lần hay những thông tin về rủi ro tín dụng của ngân hàng bị tiết lộ ra công chúng, uy tín của ngân hàng trên thị trường tài chính sẽ bị giảm sút. Hậu quả là khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường sẽ yếu đi, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc huy động tiền gửi của dân cư và thiết lập giao dịch với các doanh nghiệp, ngân hàng khác. Các ngân hàng hoạt động trong nền kinh tế thị trường khi đã để mất niềm tin của khách hàng thì việc khôi phục lại được là điều hết sức khó khăn. Như vậy quản lý rủi ro tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng tạo được uy tín tốt đối với khách hàng của mình. Khiến họ tự tin và yên tâm khi gửi tiền tại ngân hàng.
Khi ngân hàng làm tốt quản lý rủi ro tín dụng sẽ đem lại cho khách hàng tranh được một số tình huống xấu như sau: Không phải đem trả thêm tiền lãi phạt do nợ quá hạn, ngoài ra, khi ngân hàng không thu được nợ của khách hàng đầy đủ và đúng hạn, đây sẽ là dấu hiệu xấu nói lên hoạt động kinh doanh yếu kém không hiệu quả của khách hàng và làm giảm uy tín của khách hàng đối với ngân hàng. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp tục xin vay tại ngân hàng những lần sau đó. Mặt khác, do hệ thống thông tin về khách hàng giữa các ngân hàng ngày càng được cập nhật và phát triển, họ cũng sẽ khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các ngân hàng khác. Đồng thời, các bạn hàng của doanh nghiệp cũng sẽ do dự khi thiết lập quan hệ kinh tế với doanh nghiệp. Thậm chí các chủ nợ khác của doanh nghiệp cũng sẽ đến dòi nợ doanh nghiệp dù các món nợ chưa đến hạn. Dù doanh nghiệp có thể thanh toán được tất cả các món nợ đó thì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường vẫn bị suy giảm.
1.1.4. Nội dung quản lý rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng thương mại 1.1.4.1. Xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tín dụng
Mỗi ngân hàng thương mại có một chiến lược riêng trong ứng phó với rủi ro tín dụng, gắn với chiến lược phát triển kinh doanh.
Một ngân hàng chủ trương phát triển bền vững sẽ chấp nhận đánh đổi giữa tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận với mức độ rủi ro tín dụng. Một ngân hàng khách, muốn tăng trưởng thật nhanh, có thể sẽ có chiến lược chấp nhận rủi ro ở một mức độ tương ứng, phù hợp.
Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, do vậy gắn liền với triết lý kinh doanh của ngân hàng trong từng giai đoạn.
Xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả
Theo quy tắc về quản lý rủi ro tín dụng: đối với một hệ thống hoặc một ngân hàng độc lập, Hội đồng quản lý của ngân hàng là phải có trách nhiệm phê duyệt và định kỳ xem xét lại chiến lược quản lý RRTD của chính mình.
Thứ nhất, căn cứ vào các quy định của cơ quan quản lý: Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của Uỷ ban Basel về quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NHNN đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác quản lý rủi ro tín dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế tổn thất cho ngân hàng.
Thứ hai, căn cứ vào môi trường hoạt động kinh doanh: Bất kì một hoạt động kinh doanh nào của ngân hàng cũng diễn ra trong một môi trường nhất định. Do đó, khi xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, ngân hàng cần phải xem xét đến sự tác động của các yếu tố môi trường: tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn hoạt động của ngân hàng, tính chất lĩnh vực mà ngân hàng cấp tín dụng, khả năng của các đối thủ cạnh tranh trong ngân hàng.
1.1.4.2. Xây dựng chính sách quản lý rủi ro tín dụng
Chính sách quản lý rủi ro tín dụng là công cụ để thực hiện chiến lược quản lý rủi ro tín dụng. Các chính sách này chính là các quy định cụ thể mà các đơn vị
trực thuộc, các cán bộ ngân hàng và khách hàng phải tuân thủ để giúp cho ngân hàng có thể nhận biết, đo lường, giám sát, phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra và và xử lý được một cách tốt nhất hậu quả của rủi ro, một khi nó xảy ra.
Chính sách tín dụng cung cấp cho cán bộ tín dụng và nhà quản lý một khung chỉ dẫn chi tiết để ra các quyết định tín dụng và định hướng danh mục đầu tư tín dụng của ngân hàng như sau:
- Mục đích của danh mục tín dụng ngân hàng (bao gồm các đặc điểm của một danh mục tín dụng tốt, xét theo các tiêu chí như: các loại tín dụng, kỳ hạn tín dụng, chất lượng tín dụng...)
- Phân cấp thẩm quyền cho vay đối với từng cán bộ tín dụng và từng hợp đồng tín dụng (quy định mức cho vay tối đa, các loại tín dụng được phép và chữ kí của người có trách nhiệm).
- Phân cấp chịu trách nhiệm trong công việc và báo cáo thông tin trong nội bộ phòng tín dụng; phân cấp chịu trách nhiệm trong nội bộ ngân hàng, phân công cán bộ chịu trách nhiệm duy trì và kiểm tra hồ sơ tín dụng.
- Quy trình tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá và ra quyết định đối với đơn xin vay của khách hàng, hồ sơ bắt buộc đối với từng đơn vị vay…
- Các chỉ dẫn, định giá và hoàn tất hồ sơ đảm bảo tín dụng.
- Quy định chính sách và quy trình ấn định mức lãi suất tín dụng, các điều kiện hoàn trả nợ vay.
- Quy định những tiêu chuẩn áp dụng chung cho tất cả các loại tín dụng, quy định giới hạn tín dụng tối đa.
- Quy định lĩnh vực hoạt động chính của ngân hàng, từ đó hướng tín dụng vào những lĩnh vực này.
- Các phương pháp ưu tiên trong việc phát hiện, xử lý những khoản tín dụng có vấn đề.
1.1.4.3. Nhận diện rủi ro tín dụng
Đây là bước đầu tiên trong quá trình QLRRTD tại ngân hàng. Nhận diện rủi ro tin dụng được xét trên 2 góc độ:
- Về phía ngân hàng, rủi ro tín dụng sẽ được phản ánh rõ nét qua quy mô tín dụng, cơ cấu tín dụng, nợ quá hạn, nợ xấu và đề phòng rủi ro.
- Về phía khách hàng, khi khách hàng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, ngân hàng cần nhận biết khả năng rủi ro để ứng phó kịp thời.
Nhận diện rủi ro trong quá trình cho vay là quá trình xác định liên tục và có hệ thống rủi ro bất định của ngân hàng. Bất kỳ khoản vay nào cũng có thể có vấn đề, việc thu thập sớm các thông tin, dấu hiệu nhận diện rủi ro tín dụng giúp ngân hàng có thể sớm nhận biết và có giải pháp một cách hiệu quả.
Các nội dung chủ yếu trong giai đoạn nhận diện rủi ro gồm có:
- Phân tích danh mục tín dụng của ngân hàng: Phân tích chung toàn bộ danh mục của ngân hàng để nhận biết những rủi ro về quy mô tín dụng, cơ cấu tín dụng, về ngành, về loại tiền. Cần kết hợp với dự báo kinh tế vĩ mô để đánh giá rủi ro chung của toàn bộ danh mục tín dụng.
- Phân tích đánh giá khách hàng: Phân tích đánh giá khách hàng nhằm phát hiện các nguy cơ rủi ro trong từng khách hàng, từng khoản nợ cụ thể;
Phân tích đánh giá khách hàng được thực hiện từ khi bắt đầu tiếp xúc khách hàng, phân tích trong quá trình cho vay và phân tích sau khi cho vay. Để có thể phân tích đánh giá khách hàng cần: Thu thập thông tin về khách hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định cho vay. Hiện nay, việc khai thác thông tin về khách hàng thường dựa vào báo cáo tài chính trong những năm gần đây của khách hàng. Bên cạnh việc thu thập thông tin từ khách hàng, cần thu thập thông tin về đối tác của khách hàng, từ những ngân hàng mà ngân hàng có quan hệ, từ cơ quan quản lý khách hàng, từ Trung tâm phòng ngừa rủi ro, từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC)…
Ngoài ra có thể nhận diện rủi ro tín dụng thông qua các dấu hiệu sau:
* Nhóm dấu hiệu liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng
Trong quá trình cho vay, ngân hàng thường xuyên tiếp xúc với khách hàng thông qua việc ngân hàng theo dõi các tài khoản tiền vay, tiền gửi của
khách hàng, theo dõi nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn vay của khách hàng, theo dõi những thay đổi biến động về pháp lý, kinh doanh hay nhân sự của khách hàng. Vì vậy, các dấu hiệu rủi ro tín dụng biểu hiện và có thể nhận biết như sau:
- Về tài khoản của khách hàng: có sự giảm sút mạnh số dư cũng như số lượng giao dịch của tài khoản tiền gửi thanh toán, không có hoặc có rất ít các Hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn so với thời gian trước, số dư bình quân của tài khoản tiền vay gia tăng. Những biểu hiện này cho thấy doanh số bán hàng/các nguồn thu của khách hàng bị giảm sút hoặc khách hàng có dấu hiệu chuyển doanh thu sang các TCTD khác mà không chuyển về để trả nợ ngân hàng.
- Thường xuyên cần nguồn hỗ trợ/vay vốn lưu động (VLĐ) từ nhiều nguồn khác nhau, số lần đề nghị vay gia tăng bất thường. Hoặc đề nghị các khoản vay với các ngân hàng vượt nhu cầu dự kiến của phương án kinh doanh.
- Không thanh toán được các khoản nợ đến hạn gốc và lãi, thường xuyên đề nghị ngân hàng cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Có dấu hiệu “săn đón” cán bộ ngân hàng, chấp nhận chịu lãi suất vay cao và mọi điều kiện tín dụng miễn là ngân hàng cho vay vốn; có biểu hiện bất hợp tác, trì hoãn, cản trở ngân hàng thực hiện kiểm tra vốn vay tại đơn vị.
* Nhóm dấu hiệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, điều hành của khách hàng
- Về hoạt động kinh doanh: khách hàng thường xuyên không đạt kế hoạch tháng/quý/năm về sản xuất và bán hàng; các sản phẩm của khách hàng tiêu thụ chậm (hàng tồn kho nhiều, lâu ngày), có sự lạc hậu, kém chất lượng so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; ký kết các hợp đồng lớn nhằm đánh bóng tên tuổi mà không quan tâm đến lợi nhuận hay khả năng thực hiện hợp đồng; cắt giảm các chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản, chi phí nghiên cứu sản phẩm; chịu tác động mạnh từ các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh như: tỷ giá, lãi suất thay đổi theo chiều hướng bất lợi, thay đổi trong chính sách của Nhà
nước theo hướng tiêu cực cho khách hàng, xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới, xuất hiện các sản phẩm thay thế, thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng…
- Về hoạt động điều hành, môi trường nhân sự của khách hàng: có sự thay đổi đột xuất nhiều lần về nhân sự cấp cao (HĐQT, ban điều hành, các chức vụ chủ chốt); phương thức quản trị/cách thức điều hành không thống nhất, thường có sự bất đồng, tranh chấp trong quá trình quản lý; đề bạt những vị trí điều hành là những người ít có kinh nghiệm, quản lý có tính gia đình trị;
thuyên chuyển nhân viên diễn ra thường xuyên, không xác định được sự phù hợp của nhân viên với từng vị trí công tác; thiếu quan tâm đến lợi ích của cổ đông, chủ nợ…
* Nhóm dấu hiệu liên quan đến báo cáo tài chính của khách hàng
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp là bức tranh toàn diện phản ánh tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp. Do vậy, đối với ngân hàng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp là công cụ quan trọng để thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm soát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, đồng thời nhận diện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro tín dụng của khách hàng.
Những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro tín dụng thông qua báo cáo tài chính gồm: không cung cấp đầy đủ số liệu tài chính hoặc chậm trễ/trì hoãn trong việc nộp báo cáo tài chính, không thực hiện kiểm toán độc lập trong một thời gian dài. Phân tích báo cáo tài chính nhận thấy một số chỉ tiêu hoạt động của khách hàng có dấu hiệu đi xuống như: sự gia tăng không cân đối về tỷ lệ nợ thường xuyên, tiền mặt giảm mạnh, tăng doanh số bán nhưng lãi ít hoặc gần như không có, tài khoản hạch toán vốn điều lệ không khớp, thay đổi về tỷ lệ lãi gộp và lãi ròng trên doanh số bán, phải thu khách hàng tăng nhanh và thời gian thanh toán của các khoản nợ bị kéo dài, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn quá lớn…
Căn cứ những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro tín dụng mà ngân hàng nhận diện được trong quá trình vay vốn của khách hàng, phân tích cụ thể từng dấu hiệu