Chương 4: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH TỈNH BẮC KẠN
4.2. Giải pháp hoàn thiện quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn
4.2.1. Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, chiến lược, chính sách quản lý rủi ro tín dụng
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường biến động phức tạp, một chiến lược quản lý rõ ràng, chính xác trong dự báo đảm bảo cho bản thân các Ngân hàng có thể linh hoạt trong phòng ngừa và xử lý những RRTD có thể xảy ra.
Nó góp phần định hướng cho các hoạt động tín dụng trong tương lai nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn và lợi nhuận cao.
Mục tiêu hoạt động tín dụng của Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn trong những năm tới là tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tỷ lệ cho vay có đảm bảo bằng tài
sản. Phấn đấu bằng mọi biện pháp thu hồi các khoản nợ xấu. Riêng các khoản nợ tồn đọng đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, cần tích cực tìm mọi biện pháp để tận thu. Cải thiện danh mục đầu tư, ưu tiên mở rộng cho vay đối với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm dần tỷ trọng cho vay đối với những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động kém hiệu quả.
Từng bước mở rộng tín dụng đối với thể nhân trên cơ sở bám sát chương trình tín dụng như: Cho vay du học, cho vay trả góp mua nhà, mua ô tô, bất động sản có giá trị, cho vay tiêu dùng đối với cá nhân.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, chính sách tín dụng chỉ thực sự có hiệu quả nếu phù hợp với xu thế của nền kinh tế, môi trường pháp luật và thực trạng của chính mình. Đổi mới chính sách và quy trình tín dụng là quá trình liên tục và lâu dài, có kế thừa và phát triển theo thông lệ quốc tế tốt nhất về quản lý khách hàng, quản lý rủi ro để tạo ra những bước đột phá của hoạt động tín dụng, không những tăng trưởng về quy mô, đảm bảo an toàn mà còn nâng cao khả năng sinh lời đã được điều chỉnh rủi ro trên mỗi đồng vốn, đẩy nhanh sự phát triển của các dịch vụ khác. Chính vì vậy, trong thời gian Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách và quy trình tín dụng theo những mặt trọng yếu như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy tín dụng theo nguyên tắc thương mại, thị trường, coi trọng hiệu quả bền vững trên cơ sở lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro là yêu cầu cơ bản nhất xuyên suốt quá trình hoạt động.
Hai là, xây dựng văn hoá tín dụng, có phát huy tinh hoa truyền thống, kết hợp với những kỹ năng, công nghệ tín dụng hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến, với đặc trưng cơ bản là: Lợi ích của Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn, chính là lợi ích của người lao động; Chủ động lựa chọn khách hàng trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn tín dụng, khả năng trả nợ đúng hạn để cấp tín dụng; Tự giác tuân thủ cơ chế, chính sách và quy trình.
Ba là, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, nhu cầu tín dụng.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và tiện lợi người thực thi chính sách tín dụng.
- Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới chính sách tín dụng theo hướng linh hoạt, thích ứng với môi trường kinh tế, trên cơ sở cập nhật thông tin, phân tích, đánh giá thực trạng và dự báo triển vọng từng ngành hàng, sản phẩm.
- Tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm trọn gói bằng việc gắn sản phẩm tín dụng với các tiện ích khác của Ngân hàng.
- Nâng cao hiệu quả của việc thiết lập luân chuyển tài liệu, hồ sơ điện tử, giảm tải lượng hồ sơ giấy nhằm tiết kiệm về cả chi phí và thời gian, đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác lưu trữ và luân chuyển tài liệu, hồ sơ.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro tín dụng theo thông lệ tốt nhất, phù hợp với bản chất, quy mô và mức độ phức tạp của hoạt động tín dụng, để:
- Đo lường rủi ro không chỉ đối với từng khoản tín dụng mà đo lường rủi ro của toàn bộ danh mục tín dụng, trong mọi hoạt động tín dụng nội bảng và ngoại bảng.
- Hình thành hệ thống thông tin quản lý cung cấp đầy đủ thông tin về cơ cấu và chất lượng danh mục tín dụng, bao gồm xác định sự tập trung rủi ro và kiểm định các giới hạn rủi ro.
- Thực hiện giám sát hiệu quả, liên tục diễn biến các khoản tín dụng trong những điều kiện kinh tế bình thường, cũng như các tình huống xấu nhất để phát hiện sớm và xử lý các khoản nợ có vấn đề. Đặc biệt là nhanh chóng đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tự động nhằm đưa ra những ứng xử tín dụng kịp thời trong trường hợp có dấu hiệu rủi ro xảy ra.
Năm là, hoàn thiện và cải thiện hệ thống định giá tín dụng có điều chỉnh rủi ro trên cơ sở đánh giá chính xác chi phí sử dụng vốn, chi phí hoạt động, chi phí vốn chủ sở hữu, chi phí rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
Sáu là, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý tín dụng theo thông lệ quốc tế, theo đó thành lập bộ phận quản lý nợ thực hiện giải ngân, thu nợ và quản lý dữ liệu trên hệ thống phần mềm.