Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH TỈNH BẮC KẠN
3.5. Đánh giá chung về quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn
3.5.3. Nguyên nhân của hạn chế
* Nguyên nhân khách quan
- Chính sách tài chính của Chính phủ thông qua Agribank tác động tới Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém của ngân hàng trong công tác quản lý RRTD. Một mặt, Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn phải cấp tín dụng theo chương trình phát triển kinh tế của địa phương, của Chính phủ. Mặt khác, thực hiện khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân gặp dịch bệnh, thiên tai. Thực trạng cho vay theo chính sách của Nhà nước dẫn đến hai điều bất lợi cho quản lý RRTD: một là, Chi nhánh, nhất là cán bộ tín dụng, không được thẩm định và lựa chọn khách hàng vay vốn theo nguyên tắc cho vay thương mại nên khả năng xảy RRTD cao;
hai là, Nhà nước không có chính sách bảo hiểm RRTD cho các khoản mà Chi nhánh cho vay theo chính sách của Nhà nước nên còn lẫn lộn giữa chức năng của NHTM và ngân hàng chính sách. Vì sự không rõ ràng này nên việc phân định đó có là RRTD hay không, có thuộc phạm vi trách nhiệm của Chi nhánh hay không cũng không rõ ràng, ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý RRTD của Chi nhánh.
- Môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo điều kiện tốt cho hệ thống ngân hàng nói chung, Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn nói riêng quản lý RRTD một cách chính xác. Trước hết là thị trường chưa phát triển. Do tính chưa phát triển của nhiều loại thị trường, nhất là thị trường đấu giá và thị trường bất động sản, nên việc dùng tài sản thế chấp và thanh lý tài sản để xử lý RRTD của Chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn. Môi trường pháp lý chưa đầy đủ, chưa
đồng bộ, nhất là hiệu lực thi hành luật pháp còn thấp đã làm giảm tác dụng của các biện pháp hạn chế RRTD của ngân hàng.
- Tình trạng thông tin không cập nhật kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và Agribank cũng là nguyên nhân làm cho quản lý RRTD ở Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn có chất lượng chưa cao. Bởi lẽ, với khả năng của mình, Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn không thể tự thu thập tất cả thông tin cần thiết để quản lý rủi ro, Chi nhánh cần sự hỗ trợ thông tin có hệ thống của các tổ chức quản lý thị trường vốn và của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua sự hỗ trợ thông tin này là chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu thông tin làm cho công tác dự báo và phòng ngừa RRTD chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Là đơn vị phụ thuộc, mọi kỹ thuật nghiệp vụ quản lý RRTD của Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn đều thực hiện theo các qui định của Agribank, Chi nhánh chưa thật sự chủ động trong công tác quản lý RRTD.
* Nguyên nhân chủ quan
Mặc dù đã được quán triệt về yêu cầu quản lý RRTD, nhưng trong thực tế, hoạt động quản lý RRTD trong Chi nhánh vẫn xếp sau các hoạt động khác của ngân hàng. Hơn nữa, do việc quản lý RRTD theo quy trình của NHTM hiện đại còn là lĩnh vực mới mẻ với đa phần cán bộ trong Chi nhánh nên quá trình triển khai thực hiện không khỏi bỡ ngỡ. Có thể nói, việc quản lý RRTD mới đi được những bước đầu tiên nên chỉ chú ý được về lượng, chưa có điều kiện nâng cao chất lượng. Công tác điều tra, theo dõi khách hàng cũng chưa được đầu tư thích đáng nên thông tin về khách hàng chưa đầy đủ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý RRTD chưa đi vào chiều sâu. Nhiều cán bộ của Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn được đào tạo theo các chương trình cũ, chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề quản lý RRTD. Chi nhánh chưa chú trọng đến công tác đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ,
chưa cập nhật và phổ biến kịp thời kinh nghiệm, kỹ thuật mới hỗ trợ cho công tác quản lý RRTD, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý rủi ro.
Do kiến thức chắp vá, kỹ năng quản lý RRTD chưa thành thạo, thực trạng cán bộ như vậy làm cho quản lý RRTD ở Agribank Chi nhánh Tỉnh Bắc Kạn có chất lượng chưa cao.
Cán bộ tín dụng chưa có nhiều kinh nghiệm, trình độ hạn chế để có thể thẩm định các món vay lớn dẫn đến việc không phát hiện ra sự thiếu trung thực, không chính xác, bất hợp lý trong thông tin của khách hàng cung cấp, từ đó, nhận định và đưa ra quyết định sai. Ngoài ra, sự lơ là, chủ quan trong quá trình kiểm soát sau, cán bộ cũng không phát hiện ra các dấu hiệu bất thường mang đến rủi ro cho khoản vay, không kiểm soát được dòng tiền của khách hàng…Đây là nguyên nhân chính gây ra rủi ro tín dụng tại Chi nhánh.
Sự chỉ đạo của lãnh đạo Chi nhánh đối với quản lý RRTD chưa thật sự sát sao. Mặc dù đã quán triệt yêu cầu quản lý RRTD đến từng bộ phận, đến từng cán bộ tín dụng, nhưng công tác giám sát của Chi nhánh chưa chặt chẽ, các dự án đầu tư kém hiệu quả của các đơn vị phụ thuộc chưa được ngăn chặn kịp thời để tránh rủi ro. Trách nhiệm quản lý RRTD cũng chưa thật sự đúng mức trong mỗi khâu của qui trình cấp tín dụng.