Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.2. Một số khái niệm công cụ
Có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý:
H. Koontz cho rằng: “Quản lý là một hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo những phối hợp nỗ lực hoạt động cá nhân nhằm đạt được các mục đích của tổ chức”
[12, tr.18].
Theo các tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc, “Hoạt động quản lý là hoạt động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức” [7, tr.12].
Với mỗi cách nhìn nhận khác nhau, các tác giả có những cách diễn đạt khác nhau về quản lý nhưng đều thể hiện một nội dung cơ bản, trong luận văn này được hiểu như sau: Quản lý là quá trình nhà quản lý sử dụng phương pháp quản lý một cách khéo léo vào việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá việc phân công và phối hợp các lực lượng để thực hiện và đạt được mục tiêu mà tổ chức đã đề ra.
Như vậy, bản chất của quản lý là một loại lao động để điều khiển lao động.
Đó là quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường. Xã hội ngày càng phát triển các loại hình lao động ngày càng phong phú, phức tạp, tinh vi thì hoạt động quản lý càng có vai trò quan trọng và quyết định để tổ chức hướng tới đích bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Với bản chất là một khoa học và nghệ thuật trong việc điều khiển và phối hợp sự nỗ lực của con người vì mục tiêu chung. Trong xã hội hiện đại, tính khoa học và nghệ thuật của quản lý được đề cao.
Sự tác động này phải phù hợp với quy luật khách quan, tuân thủ đúng nguyên tắc quản lý và thể hiện đúng ý tưởng của nhà quản lý.
1.2.2. Hoạt động phát triển nhận thức
Nhận thức (tiếng Anh: cognition) là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan, bao gồm
các quy trình như là tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lí luận, sự tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ.
Trong tâm lý học, từ "nhận thức" (cognition) thường được xem như là một quá trình xử lý thông tin của các chức năng tâm lý của một cá nhân [24].
Phát triển là một phạm trù của triết học, là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, quá trình diễn ra theo đường xoắn ốc và hết mỗi chu kỳ sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở mức (cấp độ) cao hơn [10].
Phát triển nhận thức là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn việc xử lý thông tin của các chức năng tâm lý của một cá nhân.
Sự phát triển nhận thức thường có mối quan hệ với khả năng vận dụng trí óc, khả năng ghi nhớ và sự phát triển các giác quan. Bên cạnh yếu tố di truyền thì môi trường sống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức của trẻ. Những trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường tốt và khuyến khích phát triển kĩ năng đúng cách thường phát triển tốt hơn và có thể có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn.
1.2.3. Hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo
Hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo là quá trình tập trung vào việc dạy cho trẻ mẫu giáo cách xử lý thông tin, hình thành các khái niệm, tập có quan điểm riêng và tăng cường khả năng ngôn ngữ. Mục tiêu chính của sự phát triển nhận thức là tăng cường khả năng phát triển của não, qua đó giúp trẻ hiểu và ứng xử được trong thế giới xung quanh.
Phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo là tập trung giáo dục trẻ mẫu giáo qua 3 lĩnh vực chủ đạo, bao gồm: Khám phá khoa học, Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về Toán và Khám phá xã hội.
Phát triển nhận thức cho trẻ nên được thực hiện theo từng lộ trình cụ thể.
Đây là một hoạt động cực kỳ quan trọng và cấp thiết, bởi việc theo sát từng giai đoạn phát triển nhận thức cho trẻ ngay từ cấp học mầm non sẽ là nền tảng để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình phát triển nhận thức của trẻ mai sau.
Bên cạnh tăng cường thể chất và định hướng cảm xúc tích cực cho các bé, việc hình thành và phát triển khả năng nhận thức cũng là cách để trẻ hoàn thiện bản thân, trang bị những kĩ năng cần thiết để phát hiện và giải quyết vấn đề.
1.2.4. Quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo
Từ các khái niệm: Quản lý, quản lý hoạt động phát triển nhận thức đã nêu ở trên, có thể hiểu:
Quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo là quá trình nhà quản lý (Hiệu trưởng) sử dụng phương pháp quản lý một cách khéo léo vào việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá việc phân công và phối hợp các lực lượng để thực hiện việc dạy cho trẻ mẫu giáo cách xử lý thông tin, hình thành các khái niệm, tập có quan điểm riêng và tăng cường khả năng ngôn ngữ, qua đó giúp trẻ hiểu và ứng xử được trong thế giới xung quanh.
Hiệu trưởng trên cơ sở nắm vững các chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức các hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo để đi đúng hướng, mềm hóa nội dung, đa dạng hóa về hình thức, thực hiện từng bước việc quản lý hoạt động PTNT cho trẻ tại các trường mầm non theo các nội dung sau: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động PTNT cho trẻ MG; Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động PTNT cho trẻ MG; Tổ chức, chỉ đạo hoạt động PTNT cho trẻ mẫu giáo; Kiểm tra đánh giá kết quả PTNT cho trẻ mẫu giáo; Bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên tham gia vào hoạt động PTNT cho trẻ mẫu giáo; Xây dựng điều kiện quản lý hoạt động PTNT cho trẻ mẫu giáo.