Chương 3: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON HUYỆN HOÀNG SU PHÌ, TỈNH HÀ GIANG
3.1. Các nguyên tắc đề xuất biện pháp
3.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính mục đích
Nguyên tắc này có tính xuyên suốt, chỉ đạo mọi hoạt động PTNT cho trẻ MG huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Mọi hoạt động PTNT cho trẻ MG luôn hướng tới mục đích đã đề ra. Mục đích gần là những mục tiêu cụ thể mà người học cần đạt được trong thời gian ngắn, là phương tiện để đạt mục đích dài hạn. Mục đích xa thường là hướng tới cách làm, cách ứng phó, cách giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Mục đích cuối cùng của hoạt động PTNT cho trẻ MG là đạt được chỉ số về phát triển nhận thức theo đúng chuẩn của từng độ tuổi.
3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn
Nguyên tắc này đòi hỏi biện pháp đưa ra phải thiết thực, cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và sự đồng thuận của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên. Khi xây dựng các biện pháp tổ chức hoạt động PTNT cho trẻ MG phải dựa trên thực tiễn giáo dục của nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ của nhà trường, điều kiện thực tiễn của địa phương, bởi mỗi nhà trường, địa phương đều có những đặc điểm, điều kiện riêng biệt.
Các biện pháp đề xuất phải xuất phát từ thực tiễn, từ thực trạng hoạt động PTNT cho trẻ MG, hướng đến khắc phục những hạn chế trong quản lý và tổ chức hoạt động PTNT cho trẻ MG, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Tính thực tiễn của các biện pháp quản lý phải thể hiện thông qua việc cụ thể hoá mục tiêu đường lối phát triển giáo dục của
Đảng, Nhà nước, các chế định của ngành vào chương trình hoạt động của nhà trường gắn với bối cảnh thực tiễn địa phương.
3.1.3. Nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ
Đảm bảo tính đồng bộ thể hiện ở chỗ các biện pháp PTNT cho trẻ MG ở trường mầm non khi đưa ra phải tác động đến tất cả các lực lượng tham gia, tác động vào tất cả các khâu, các yếu tố của hoạt động PTNT cho trẻ MG. Phải phát huy những mặt tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động PTNT cho trẻ MG tại các trường mầm non.
Việc đề xuất các biện pháp phải đồng bộ trong từng khâu của quy trình tổ chức hoạt động PTNT cho trẻ MG như: Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đánh giá. Sự đồng bộ từ nhận thức đến thái độ và hành vi giữa các thành viên tham gia vào hoạt động PTNT cho trẻ MG ở các trường mầm non, đó là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên phụ trách dinh dưỡng, phụ huynh…
3.1.4. Nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa
Khi nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý trong GD nói chung phải biết kế thừa các thành quả, kinh nghiệm trước, biết phát huy những yếu tố tích cực của các biện pháp truyền thống, đồng thời bổ sung thêm những biện pháp mới hiệu quả hơn, sáng tạo hơn phù hợp với xu thế, điều kiện và hoàn cảnh mới. Do đó, khi đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động PTNT cho trẻ MG cần phải đảm bảo tính kế thừa các biện pháp truyền thống mà trước đây đã có và đã thực hiện.
Việc kế thừa thực hiện theo cách: hoặc kế thừa toàn bộ các biện pháp, hoặc kế thừa những điểm tối ưu của mỗi biện pháp, tránh phủ định sạch trơn và tạo ra một hệ thống các biện pháp hoàn toàn mới mà không dựa trên thực tiễn. Kế thừa chính là sự tiếp nối giữa cái quá khứ (cái đã làm) với hiện tại (cái đang tiến hành) và tương lai (sự vận động và phát triển của vấn đề quản lý). Các biện pháp quản lý hoạt động PTNT cho trẻ MG mang tính kế thừa sẽ đem lại ý nghĩa:
Đảm bảo tính kế thừa khi đề xuất biện pháp quản lý yêu cầu nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong chỉ đạo thực tiễn về quản lý phải thấy được những ưu
điểm vượt trội của biện pháp quản lý mới trên cơ sở nền tảng là biện pháp quản lý cũ đang tiến hành. Sự đề xuất biện pháp phải theo kịp và phù hợp với thực tiễn quản lý giáo dục để có những biện pháp mới phù hợp và sát với thực tế.
Khi đó nguyên tắc kế thừa giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn biện chứng khi nhìn nhận, giải quyết các vấn đề quản lý tránh được tình trạng siêu hình. Nhà quản lý biết huy động vốn tri thức, kinh nghiệm đã có tiềm ẩn để góp phần giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn quản lý hoạt động PTNT ở các trường mầm non đặt ra.
3.1.5. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi
Một biện pháp đề xuất có tính khả thi tức là biện pháp quản lý đó phải có khả năng thực hiện trên thực tế, có khả năng tác động vào hoạt động của hệ thống chứ không chỉ dừng lại trên cơ sở lý thuyết. Việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp quản lý là một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra trong suốt quá trình quản lý.
Đảm bảo tính đồng bộ, tính thực tiễn và tính kế thừa là những điều kiện cần thiết nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo tính khả thi nếu không, tất cả các biện pháp tổ chức hoạt động PTNT đề xuất sẽ không thể thực hiện được và các biện pháp đó không có giá trị, ý nghĩa trong thực tế quản lý.
Đảm bảo tính khả thi khi đòi hỏi các biện pháp phải bám sát căn cứ lý luận và thực tiễn đã phân tích, phù hợp với điều kiện của các trường mầm non, phù hợp với năng lực của cán bộ quản lý, năng lực thực hiện của đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non.
Cơ sở vật chất, nguồn lực và sự đồng thuận của giáo viên, cán bộ quản lý, sự phối hợp của phụ huynh trong hoạt động PTNT cho trẻ MG cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính khả thi của hoạt động.
3.1.6. Nguyên tắc đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo
Trong quản lý nói chung và QLGD nói riêng có nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình quản lý, chính
vì vậy các biện pháp quản lý không thể bất di, bất dịch, không thay đổi, ngược lại các biện pháp ấy phải thực hiện một cách mềm dẻo, linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bản thân quá trình PTNT cho trẻ là một dạng lao động đặc thù của giáo dục mầm non, do đó chúng có tính linh hoạt và cơ hữu. Trong quá trình PTNT cho trẻ mầm non, có thể có những tình huống phát sinh nên các biện pháp quản lý cần có sự mềm dẻo để ứng phó kịp thời những thay đổi, diễn biến của tình hình thực tế.