Lí luận về hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang (Trang 26 - 34)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở TRƯỜNG MẦM NON

1.3. Lí luận về hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo

Nhu cầu nhận thức là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, xuất hiện từ khi đứa trẻ mới sinh ra và thể hiện mạnh mẽ nhất vào cuối độ tuổi nhà trẻ đầu tuổi mẫu giáo.

Mức độ đầu tiên của nhu cầu nhận thức ở trẻ mầm non là trẻ có ấn tượng với thế giới bên ngoài. Trẻ thích tiếp xúc, chơi và khám phá thế giới thiên nhiên, thế giới đồ chơi, các hiện tượng xảy ra xung quanh… Càng ngày, sự tiếp xúc cá nhân và nhận thức của trẻ càng chiếm vị trí đáng kể.

Mức độ thứ hai của nhu cầu nhận thức ở trẻ mầm non là tính ham hiểu biết. Tính ham hiểu biết thể hiện trong cách trẻ đặt câu hỏi với người lớn về các sự vật hiện tượng ở thế giới xung quanh của trẻ. Nội dung và tính chất của câu hỏi phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Những câu hỏi Tại sao? Như thế nào?

Thường được trẻ đưa ra cho người lớn. Những câu hỏi ấy không chỉ nhằm mục đích để trẻ biết mà còn tạo tiền đề để trẻ phát triển tư duy.

Mức độ cao của tính ham hiểu biết là hứng thú nhận thức. Hứng thú nhận thức thể hiện ở mong muốn trẻ muốn biết cái mới, làm rõ cái chưa hiểu về đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng xung quanh. Hứng thú nhận thức của trẻ thể hiện trong hoạt động vui chơi, hoạt động học và các hoạt động khác.

Ở lứa tuổi mầm non nhận thức của trẻ chỉ mang tính nhận diện; trẻ có thể gọi tên được sự vật hiện tượng, biết nó là cái gì nhưng không thể giải thích vì sao nó lại thế. Nói một cách khác, trẻ chưa biết tách dấu hiệu bản chất ra khỏi sự vật hiện tượng. Khi có sự hướng dẫn của người lớn trẻ có thể nhận biết được các thuộc tính của sự vật hiện tượng nhưng cũng chỉ là những thuộc tính bề ngoài.

Trẻ có thể nhận biết chính xác các thuộc tính của sự vật hiện tượng khi trẻ trực tiếp hành động trực tiếp với đối tượng.

Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo được thể hiện ở các mốc phát triển sau:

Lứa tuổi trẻ mẫu giáo bé (3-4 tuổi) (giai đoạn tư duy trực quan- hành động): Trẻ thích các hoạt động chân tay và khám phá bằng các giác quan. Có thể nắm các thông tin thông qua giao tiếp và các cách đơn giản, dễ hiểu. Hay đặt câu hỏi nhưng không phải lúc nào cũng hiểu câu trả lời. Bắt đầu nhận ra các mối quan hệ nhân quả đơn giản dưới dạng các câu hỏi đơn giản: Tại sao? để làm gì? như thế nào? Có thể móc nối các sự kiện khi thảo luận nhưng có thể gặp khó khăn trong phát âm, diễn đạt bằng lời nói. Trẻ cần được người lớn chú ý nghe và nói lại rõ ràng hơn những gì trẻ nói. Học tốt nhất trong những tình huống cụ thể có ý nghĩa với bản thân chúng và khi có sự tin tưởng, khích lệ của người lớn.

Trẻ mẫu giáo của mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) (giai đoạn tư duy trực quan- hình tượng): Trẻ hay sử dụng các trò chơi đóng vai (chơi giả vờ) để xử lý thông tin mới và để hiểu các khái niệm phức tạp. Bắt đầu hiểu thí nghiệm là gì và trở nên có chủ định cũng như sáng tạo hơn trong việc khám phá. Thường thích các thí nghiệm do chúng tạo ra hơn là các thí nghiệm do người lớn hướng dẫn. Bắt đầu suy nghĩ lập kế hoạch cho một hoạt động, chẳng hạn như nghĩ về việc gieo hạt trước khi trẻ thực hiện hành động thực tế này. Bắt đầu đưa ra những dự đoán dựa trên những gì trẻ được trải nghiệm. Thích nghĩ ra các lời giải thích về những gì quan sát được, thường thêm các chi tiết tưởng tượng vào các sự việc.

Thích nói chuyện với những trẻ khác khi chơi và thử nghiệm. Bắt đầu sử dụng các hình vẽ để trình bày và diễn đạt ý kiến. Thích nói để người lớn ghi lại và thử tự viết.

Trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) (giai đoạn tư duy lôgic): Có nhiều thông tin về một số sự vật, hiện tượng nào đó nhưng chưa có hiểu biết đầy đủ về sự vật, hiện tượng đó. Có thể tự tạo ra các thí nghiệm để xem việc gì sẽ xảy ra và nghĩ ra lời giải thích cho những gì trẻ quan sát được, mặc dù trẻ vẫn chưa đủ khả

năng sử dụng suy luận lôgic và trừu tượng. Có thể làm một số thí nghiệm do cô hướng dẫn và có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau. Thường dành nhiều thời gian và chú ý hơn vào các hoạt động mà trẻ thích. Thích chơi theo nhóm 5 - 6 trẻ và thích trao đổi trong nhóm nhỏ. Có thể nắm bắt các khái niệm trừu tượng nhưng trẻ vẫn cần các sự việc có thực để giải thích các khái niệm đó.

Thích vẽ và viết để ghi lại các sự việc.

Có thể thấy rằng, những đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo chịu sự tác động mạnh mẽ của đặc trưng tâm lý lứa tuổi, đặc điểm hoàn cảnh sống, hoàn cảnh gia đình, đặc trưng vùng miền. Do đó, trong quá trình tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục và phát triển nhận thức cho trẻ, cần phải chú ý đến các yếu tố đó để lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phù hợp và hiệu quả.

1.3.2. Mục tiêu của giáo dục mầm non trong lĩnh vực phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo

Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm thông tư số 17/2009/TT- BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi: Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời [4] [5] [6].

Chương trình giáo dục mẫu giáo nhằm giúp trẻ em từ 3 - 6 tuổi phát triển hài hoà về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào học ở trường tiểu học. Trong đó mục tiêu phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo gồm:

Giúp trẻ hình thành các kỹ năng phát triển của bản thân như: Kỹ năng quan sát, kỹ năng nhận diện vấn đề, kỹ năng phán đoán, kỹ năng so sánh và phân loại,…

Hình thành sự hiểu biết và nhận thức của trẻ về những vấn đề, sự vật, sự việc ở môi trường, xã hội xung quanh.

Giúp trẻ hát triển toàn diện về các kỹ năng của bản thân

Coi trọng việc tạo hứng thú cho trẻ trong các hoạt động nhận thức.

Chú ý việc phát triển các KN cho trẻ chú ý PT tính sáng tạo, tạo cho trẻ cách học, cách suy nghĩ, tư duy như thế nào?.

Quan tâm hình thành và phát triển khả năng biểu đạt, suy nghĩ của trẻ (bằng hành động, hình ảnh, lời nói).

Cụ thể mục tiêu phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo gồm:

- Giúp trẻ ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng XQ.

- Giúp trẻ có khả năng QS, SS, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định.

- Giúp trẻ có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề đơn giản theo những cách khác nhau.

- Giúp trẻ có khả năng diễn đạt sự hiểu biết bằng các cách khác nhau (bằng hành động, hình ảnh, lời nói...) với ngôn ngữ nói là chủ yếu.

- Giúp trẻ có một số hiểu biết ban đầu về con người, sự vật, hiện tượng XQ và 1 số khái niệm sơ đẳng về toán.

1.3.3. Nội dung phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo Nội dung lĩnh vực PTNT ở mẫu giáo bao gồm 3 phần:

+ Khám phá khoa học

+ Làm quen với 1 số khái niệm sơ đẳng về toán + Khám phá xã hội

ND kiến thức chia theo mức độ của các độ tuổi

Tên gọi: thể hiện coi trọng các hoạt động khám phá, tự trải nghiệm

Các kỹ năng: QS, SS, phân loại, giải quyết vấn đề được coi trọng, đặc biệt là kỹ năng QS và phát hiện MQH giữa các sự vật hiện tượng, giữa các hình, các số.

Cụ thể:

a) Khám phá khoa học

- Các bộ phận của cơ thể con người.

- Đồ vật.

- Động vật và thực vật.

- Một số hiện tượng tự nhiên.

b) Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán - Tập hợp, số lượng, số thứ tự và đếm.

- Xếp tương ứng.

- So sánh, sắp xếp theo qui tắc.

- Đo lường.

- Hình dạng.

- Định hướng trong không gian và định hướng thời gian.

c) Khám phá xã hội

- Bản thân, gia đình, họ hàng và cộng đồng.

- Trường mầm non.

- Một số nghề phổ biến.

- Danh lam, thắng cảnh và các ngày lễ, hội.

1.3.4. Hình thức tổ chức phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non

1.3.4.1. Tổ chức phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo trong họat động có chủ đích Lựa chọn hình thức hoạt động có chủ đích thực chất là hình thức tổ chức tiết học. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, cần thiết để giúp trẻ nắm vững kiến thức và biết được trẻ hiểu bài đến đâu, cũng là cách giúp trẻ lưu tâm vì vậy cách lựa chọn hình thức của giáo viên với các hình thức như: Học theo

nhóm, học theo tổ các bạn ngồi dối diện cùng nhau học, cùng nhau trao đổi kiến thức và sửa sai cho nhau để trẻ được thực hành, trải nghiệm trên đồ vật, đồ chơi nhiều hơn. Hình thức học nhóm đối với trẻ là một trong những cách học mang lại hiệu quả cao nhất bởi khi học nhóm trẻ sẽ không còn nhút nhát và luôn biết cách cùng bạn trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ mà cô giáo giao phó.

Vì vậy trong giờ học giáo viên tổ chức cho trẻ học theo nhóm bằng cách chia ra các nhóm nhỏ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm và yêu cầu hoàn thành công việc sau một khoảng thời gian nhất định để trẻ tự khám phá, trải nghiệm nhằm xác định sự hiểu biết của mình sau đó giáo viên mới hỏi kết quả của từng nhóm và có sự động viên kịp thời để các nhóm luôn có sự thi đua.

Trong quá trình trẻ học nhóm giáo viên luôn quan sát các hoạt động của nhóm để thấy được khả năng nhận thức cho trẻ. Đối với nhóm kém hơn giáo viên dành thời gian cho trẻ nhiều hơn và đặc ra các câu hỏi đơn giản, dễ hiểu gần gũi với trẻ, đối với nhóm có nhận thức khá hơn giáo viên đưa các câu hỏi khó hơn đòi hỏi khả năng tư duy nhiều hơn để những trẻ khá bớt nhàm chán vì không học lại những gì mà mình đã biết còn với những trẻ yếu sẽ tiếp thu được các kiến thức vừa với khả năng của mình.

Như vậy với hình thức học nhóm tạo cho trẻ được thoải mái, tự do khám phá, tự mình nêu lên các ý tưởng để cùng các bạn thảo luận và tìm ra kết quả tốt nhất cho nhóm của mình.

1.3.4.2. Tổ chức phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo thông qua trò chơi Như chúng ta đã biết đối với trẻ mầm non thì “học mà chơi, chơi mà học” điều này cũng khẳng định rằng chơi cũng là một phần không thể thiếu đối với trẻ, vậy chơi làm sao và trò chơi nào để chơi mà học là điều cần chú ý khi giáo viên lựa chọn nhằm mang lại hiệu quả và phù hợp là điều rất quan trọng. Để tăng tính hấp dẫn của hoạt động nhận thức cũng như thay đổi hình thức dạy học giáo viên nên áp dụng những trò chơi sáng tạo vào các giờ học có tác dụng khích lệ trẻ

tốt hơn. Khi tham gia tiết học thông qua hình thức vui chơi trẻ tiếp thu được kiến thức về toán, về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội là phương tiện vừa để nhận biết cũng như củng cố kiến thức trong trẻ sau mỗi tiết dạy.

Trò chơi không chỉ đơn thuần là trò chơi mang tính giá trị, phát triển vận động mà còn có cả ý nghĩa giáo dục, phát triển trí tuệ của trẻ. Ngoài ý nghĩa phát triển ngôn ngữ, mở rộng mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng, phát huy sự tự tin chủ động của trẻ thì hình thức tổ chức hoạt động phát triển nhận thức thông qua chơi còn giúp trẻ hình thành các biểu tượng về toán và môi trường xung quanh như kĩ năng đếm, so sánh, nhận biết số lượng của nhóm đối tượng.

1.3.4.3. Tổ chức phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo thông qua chơi ngoài trời Chơi ngoài trời là một trong những hoạt động mà trẻ hứng thú và quan tâm nhất. Đây là hoạt động mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh. Chơi ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Chính vì vậy, tổ chức hoạt động phát triển nhận thức, đặc biệt việc cho trẻ khám phá về môi trường tự nhiên thông qua hình thức chơi ngoài trời sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao. Khi trẻ tham gia các hoạt động chơi ngoài trời trẻ được nhận thức về thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá và quan tâm đến những gì xảy ra ở cuộc sống xung quanh mình. Qua chơi ngoài trời, trẻ thỏa mãn nhu cầu hoạt động, nhu cầu tìm hiểu khám phá của trẻ, được quan sát thế giới xung quanh, khám phá những điều mới lạ từ thiên nhiên giúp trẻ tăng thêm vốn sống và nhất là trẻ được tự do hoạt động. Chơi ngoài trời tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống. Thông qua dạo chơi ngoài trời trẻ được tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, được khám phá, thỏa mãn tính tò mò, thích thú của trẻ.

1.3.5. Phương pháp phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo

- Phương pháp thực hành thao tác với đồ vật, đồ chơi: Trẻ sử dụng và phối hợp các giác quan, làm theo sự chỉ dẫn của giáo viên, hành động đối với

các đồ vật, đồ chơi (cầm, nắm, sờ, đóng mở, xếp chồng, xếp cạnh nhau, xâu vào nhau,...) để phát triển giác quan và rèn luyện thao tác tư duy.

- Phương pháp dùng trò chơi: sử dụng các loại trò chơi với các yếu tố chơi phù hợp để kích thích trẻ tự nguyện, hứng thú hoạt động tích cực giải quyết nhiệm vụ nhận thức, nhiệm vụ giáo dục đặt ra.

- Phương pháp nêu tình huống có vấn đề: Đưa ra các tình huống cụ thể nhằm kích thích trẻ tìm tòi, suy nghĩ dựa trên vốn kinh nghiệm để giải quyết vấn đề đặt ra.

- Phương pháp luyện tập: Trẻ thực hành lặp đi lặp lại các động tác, lời nói, cử chỉ, điệu bộ theo yêu cầu của giáo viên nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng đã được thu nhận.

- Phương pháp trực quan - minh họa (quan sát, làm mẫu, minh hoạ)

Phương pháp này cho trẻ quan sát, tiếp xúc, giao tiếp với các đối tượng, phương tiện (vật thật, đồ chơi, tranh ảnh); hành động mẫu; hình ảnh tự nhiên, mô hình, sơ đồ và phương tiện nghe nhìn (phim vô tuyến, đài, máy ghi âm, điện thoại, vi tính) thông qua sử dụng các giác quan kết hợp với lời nói nhằm tăng cường vốn hiểu biết, phát triển tư duy và ngôn ngữ của trẻ.

- Phương pháp dùng lời nói

Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (đàm thoại, trò chuyện, kể chuyện, giải thích) nhằm truyền đạt và giúp trẻ thu nhận thông tin, kích thích trẻ suy nghĩ, chia sẻ ý tưởng, bộc lộ những cảm xúc, gợi nhớ những hình ảnh và sự kiện bằng lời nói. Lời nói, câu hỏi của giáo viên cần ngắn gọn, cụ thể, gần với kinh nghiệm sống của trẻ.

- Phương pháp giáo dục bằng tình cảm và khích lệ

Phương pháp dùng cử chỉ điệu bộ kết hợp với lời nói thích hợp để khuyến khích và ủng hộ trẻ hoạt động nhằm khơi gợi niềm vui, tạo niềm tin, cổ vũ sự cố gắng của trẻ trong quá trình hoạt động.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang (Trang 26 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)