CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ VĂN HÓA, ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN ĐÔNG YÊN
1.1. Quan niệm về văn hóa, đời sống văn hóa, đời sống văn hóa
1.1.2. Đặc điểm của giai cấp nông dân Việt Nam
Nông dân Việt Nam là giai cấp xã hội đặc biệt được hình thành trong quá trình tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy và quá trình phát triển của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Giai cấp nông dân tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Với nền sản xuất nhỏ, sở hữu nhỏ về tư liệu sản xuất, họ là những người sống ở nông thôn và chủ yếu làm nông nghiệp.
Bản thân người nông dân vừa là nhà sở hữu vừa là người lao động. Họ sở hữu ruộng đất, canh tác trên chính mảnh đất đó có thể đủ hoặc không đủ nuôi sống bản thân và gia đình họ, sản xuất ra lương thực, thực phẩm để cung cấp cho xã hội, sản xuất ra công cụ lao động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Người nông dân Việt Nam không xa lạ gì với hình ảnh “ Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nó phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp có phần lạc
hậu, thô sơ. Với tính chất cá thể, tự cấp, tự túc là chủ yếu đúng như C.Mác đã nhận định: “Mảnh đất cỏn con, người nông dân và gia đình anh ta, cạnh đó lại một mảnh đất cỏn con khác, một nông dân khác và một gia đình khác. Một nhóm những đơn vị ấy tập hợp thành một làng, một nhóm làng tập hợp thành tỉnh. Và có khi cả cái khối lớn dân tộc cũng được hình thành bằng cách đơn giản cộng những đại lượng cùng tên lại, đại khác cũng giống như một cái bao tải đựng những củ khoai tây hình thành một bao tải khoai tây vậy” [6; 264].
Tính chất cá thể đã tách biệt mỗi gia đình thành một đơn vị kinh tế độc lập, rời rạc với phương thức sản xuất phân tán.
Vì vậy, người nông dân không có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế, tư tưởng, tổ chức, vì vậy trong lịch sử, giai cấp nông dân không có hệ tư tưởng độc lập mà chủ yếu phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội.
Người nông dân cũng không phải là một tập đoàn xã hội thống nhất. Trong sự phát triển của lịch sử, tính chất xã hội và cơ cấu xã hội thay đổi theo từng loại hình xã hội, các hình thái sản xuất, các phương thức sản xuất khác nhau.
Song, không thể phủ nhận vai trò của giai cấp nông dân trong lịch sử. Khi đề cập đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân C. Mác và Ph. Ăngghen đã kh ng định nông dân là người bạn đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân. Các ông cũng nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân trong việc thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ công nhân – nông dân là cái gốc của cách mạng. Cho đến nay, giai cấp nông dân ở nhiều quốc gia vẫn là lực lượng xã hội quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước. Với những điều kiện quy định nên bản chất của mình giai cấp nông dân Việt Nam bao gồm các đặc điểm sau:
Thứ nhất, Giai cấp nông dân Việt Nam có phương thức sản xuất trồng lúa nước là căn bản
Do điều kiện địa tự nhiên của Việt Nam với những vùng đồng bằng rộng lớn, nằm trong khu vực Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm,
mưa nhiều thích hợp cho việc trồng lúa nước. Mặc dù có “rừng vàng, biển bạc” nhưng những người nông dân nơi đây không dựa hoàn toàn vào rừng và biển, mà chủ yếu dựa vào việc làm nông nghiệp.
Với đồng bằng châu thổ phì nhiêu như đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có truyền thống lúa nước lâu đời, lại có mật độ dân số khá cao nên từ lâu cư dân nông nghiệp Việt Nam đã luôn tiến hành thâm canh cây lúa và trồng hoa màu để đạt năng suất cao, giải quyết bài toán về mật độ dân số và lương thực. Vì vậy, sản xuất lúa gạo làm lương thực chính đã trở thành phương thức sản xuất và sinh sống truyền thống của hầu hết các làng xã Việt Nam trong lịch sử. Khi nhắc đến văn hóa Việt Nam không thể không nhắc đến làng xã và văn minh lúa nước với vai trò quan trọng đối với người nông dân. Cả hai yếu tố này cùng quyết định đời sống nông nghiệp của người nông dân ở nông thôn. Do đó, có thể thấy đặc trưng đầu tiên của người nông dân được thể hiện trong lối sống, nếp nghĩ chính là sự trọng nông, trọng kinh nghiệm và rất thực tiễn. Chính điều này đã tạo nên tính ổn định, bền vững, tính cố kết chặt chẽ, tính cộng đồng, tính hướng nội trong văn hóa làng Việt.
Thứ hai, nông dân vừa là một giai cấp vừa không phải là một giai cấp.
Nông dân là một giai cấp bởi lẽ họ là những người có sở hữu tư liệu sản xuất trong tay và là lực lượng hết sức đông đảo trong xã hội. Trong lịch sử, giai cấp nông dân thể hiện vị trí và vai trò của mình thông qua việc liên minh với giai cấp công nhân để giải phóng chính mình và toàn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột. Hiện nay, người nông dân lại tiếp tục kh ng định vị trí của mình trong công cuộc đổi mới đất nước bằng cách CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống giai cấp mình. Tuy nhiên họ lại là những người tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất, cụ thể là đất đai. Hơn nữa, các mảnh đất do người nông dân sở hữu không tập trung ở một chỗ mà phân tán khắp nơi.
Đó là điều kiện chủ yếu hình thành nên tính manh mún, nhỏ lẻ trong cách thức sản xuất và phương thức sinh sống của người nông dân.
Nông dân không phải là một giai cấp. Bởi lẽ, phương thức sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ làm sản sinh tính biệt lập nhất định giữa các làng xã. Sự liên kết trong tư tưởng, sản xuất kinh tế, trao đổi sản phẩm mang tính chất rời rạc, cho nên giai cấp nông dân không có điều kiện hình thành cho mình một hệ tư tưởng chung, thống nhất. Do vậy, lợi ích chung của nông dân không hợp thành một lợi ích độc lập mà phụ thuộc vào lợi ích của các giai cấp thống trị, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản – vì thế, nông dân không có hệ tư tưởng, không có khả năng tổ chức ra các đảng chính trị của riêng mình. Sống trong chế độ xã hội nào thì nông dân bị chi phối bởi lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội ấy, bị phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Trên thực tế chúng ta nhận thấy: trong xã hội Phong kiến ở Việt Nam, lợi ích của nông dân bị phụ thuộc vào lợi ích của giai cấp địa chủ trong mối quan hệ “phát canh thu tô”; đời sống tinh thần của nông dân là đời sống của “thần dân”, của tá điền. Nhân dân ở nhiều nước trong xã hội tư bản chủ nghĩa, nông dân bị giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản bóc lột dưới hình thức lợi nhuận trong nông nghiệp và địa tô tư bản chủ nghĩa. Chỉ khi làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mới được giải phóng triệt để.
Thứ ba, giai cấp nông dân vừa có tinh thần cách mạng, vừa mang tư tưởng bình quân, cục bộ.
Giai cấp nông dân luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử.
Đứng trên quan điểm duy vật, lịch sử các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã xác định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân trong lịch sử xã hội loài người. Trong học thuyết của mình, Mác, Ăngghen, Lênin đã chỉ ra nông dân là nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị.
Mác và Ăngghen cho rằng trong quá trình cách mạng của giai cấp công nhân không thể thiếu vai trò của giai cấp nông dân, đồng thời, người nông dân cũng hiểu rõ đâu mới là người bạn thực sự của giai cấp mình, “Người nông dân thấy rằng giai cấp vô sản thành thị- giai cấp có sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản
là người bạn đồng minh, là người lãnh đạo tự nhiên của mình” [6; 269]. Ở đại đa số quốc gia trên thế giới, nông dân là lực lượng xã hội to lớn, là lực lượng cách mạng quan trọng.
Vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê nin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tính cách mạng của giai cấp nông dân. Người nhận định: nông dân Việt Nam chiếm đại bộ phận trong dân cư, họ là giai cấp chịu nhiều tầng áp bức bóc lột, thực dân, phong kiến và cả một bộ phận phú nông. Hồ Chí Minh nhìn thấy ở người nông dân sức mạnh tiềm tàng, mặc dù bị áp bức dã man về kinh tế, chính trị, bị đầu độc về tinh thần những họ không chỉ chịu đựng. Dưới ách áp bức, bóc lột người nông dân đã nuôi ý chí, tinh thần phản kháng mãnh liệt. Họ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước, với nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc. Người cũng nhận định rằng giai cấp nông dân sẽ cùng giai cấp công nhân và các tầng lớp khác đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời muốn đẩy mạnh nông nghiệp phát triển và xây dựng nông thôn mới trước hết cần phải chú ý đến người nông dân. Cũng chính là xây dựng mọi mặt trong đời sống người nông dân.
Tinh thần đoàn kết cách mạng thể hiện đặc tính cố kết cộng đồng bền chặt của người nông dân. Tuy nhiên tính cộng hữu, cộng mệnh, cộng cảm cũng có những phái sinh thể hiện ra là tính bình quân và cục bộ địa phương.
Nó xuất phát từ trong điều kiện của lịch sử và chế độ xã hội ở nước ta. Khi công cụ lao động còn thô sơ, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, người nông dân làm nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Họ kết nối với nhau để cùng cấy cày, cùng chăm bón, cùng thu hoạch sản phẩm. Họ hợp tác để cùng phòng chống thiên tai, địch họa, chiến tranh, ách áp bức bóc lột do đó mối quan hệ giữa những thành viên cùng sống trong làng vô cùng chặt chẽ. Người nông dân mang lòng tự tôn của làng mình, sống tuân theo lệ làng, chết tuân theo luật làng. Làng đối với họ là một khái niệm thiêng liêng cho nên người nông dân bám làng mà sinh sống. Vận mệnh của họ gắn chặt với vận mệnh của
làng, do vậy không có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho nên tầm nhận thức, tư duy chỉ gói gọn sau cổng làng, ít người đã vượt khỏi ranh giới ấy. Vì vậy, phần lớn người dân mang tính cục bộ địa phương. Hơn nữa, nền kinh tế nước ta có giai đoạn theo chế độ bao cấp với chủ trương công hữu tất cả của cải xã hội. Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, phân phối theo tem phiếu. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tính tập thể bình, tư tưởng bình quân trỗi dậy. Nó dẫn tới việc ỷ lại, trông chờ vào người khác, người nông dân luôn bị động, chậm trễ. Vì vậy, nó hạn chế sự phát triển của nông thôn, nông nghiệp và đời sống người nông dân. C. Mác sớm đã nhìn ra tính chất này “Tiểu nông là một khối quần chúng đông đảo mà tất cả các thành viên đều sống trong một hoàn cảnh như nhau, nhưng lại không nằm trong mối quan hệ nhiều mặt với nhau. Phương thức sản xuất của họ không làm cho họ liên hệ với nhau mà lại làm cho họ cô lập với nhau” [6, 264]. Trong giai đoạn hiện nay, người nông dân cũng đã có nhiều thay đổi về phương thức sinh hoạt cũng như lối sống. Song, do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nông nghiệp nên tính cào bằng, cục bộ vẫn còn tồn tại chưa khắc phục được triệt để hoàn toàn.