CHƯƠNG 2. SỰ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN XÃ ĐÔNG YÊN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
2.1. Thực trạng sự biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
2.1.4. Sự biến đổi trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo
Đời sống tín ngưỡng của người nông dân xã Đông Yên gắn chặt với nền văn minh lúa nước cho nên rất đa dạng và phong phú. Từ lâu, tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Thành Hoàng làng, thờ người có công xây dựng, thờ người bảo vệ làng, thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ cây, thờ con vật, thờ linh vật, thờ mây, mưa, sấm, chớp,... sớm trở thành đức tin và ăn sâu vào nếp sống của cư dân nông nghiệp.
Nhân dân xã Đông Yên chủ yếu là những người nông dân làm nông nghiệp, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, khi phải đối mặt với thiên tai,
địch họa khiến mùa màng thất thoát họ sinh ra tâm lý sùng bái tự nhiên. Tín ngưỡng đa thần xuất hiện từ đây, họ thờ thần sấm, thần mưa, thần cây,...với ước nguyện mong cho mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cao quý của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân xã Đông Yên nói riêng. Qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, những nét đẹp cổ truyền ấy không hề mất đi mà luôn được giữ gìn, phát huy. Để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ mỗi gia đình đều lập ban thờ riêng, cầu cho vong linh người đã khuất luôn ở bên cạnh, phù hộ cho con cháu. Đối với gia đình truyền thống bàn thờ luôn được chọn đặt ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà, đó là vị trí chính giữa phía trong của gian giữa, hướng về phía Nam để tôn vinh tổ tiên. Ngày nay, do sự thay đổi và phát triển về kiến trúc nên nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên thay cho kiểu nhà truyền thống, vị trí bàn thờ được đặt trong phòng riêng của tầng thượng, nơi có sự giao hòa với khí cũng là nơi tĩnh lặng, trang nghiêm nhất. Bên cạnh đời sống tín ngưỡng phong phú, đa dạng đời sống tôn giáo của người nông dân Xã Đông Yên có phần mộc mạc, đơn giản. Họ chủ yếu tin và theo đạo Phật, riêng xóm Trại Vàng thuộc Đông Hạ khoảng 1200 giáo dân theo đạo Công giáo. Hiện nay, thực hiện nếp sống văn hóa trong ma chay, cưới hỏi được mọi người chú trọng, họ tự giác loại bỏ các hủ tục lạc hậu như lăn đường, rải tiền, vàng mã ra đường trong đám ma.
Để thỏa mãn niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng không thể thiếu công cụ và địa điểm thực hành tôn giáo. Do vậy, trong nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tôn giáo tín ngưỡng đối với việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, chính quyền địa phương và nhân dân xã Đông Yên cùng quyên góp tiền bạc và sức lực khôi phục di tích đình, chùa, miếu đang ngày một xuống cấp. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đông Yên từ năm 2012 đến năm 2018, các cán bộ và nhân dân toàn xã đã phục dựng thành công bốn ngôi đình ở bốn làng, 5 ngôi chùa, 16 ngôi miếu với tổng kinh phí là 5 tỷ 879 triệu đồng.
Công trình đình, chùa trên địa bàn xã Đông Yên không chỉ là các điểm diễn ra hoạt động bồi dưỡng đời sống tinh thần cho nhân dân mà đồng thời là các di tích kháng chiến, di tích lịch sử. Đình Đông Hạ thờ Đặng Long Uyên tướng của Vua Hùng và Mai Trang công chúa- nữ tướng của Hai à Trưng được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI vào thời Lê Trung Hưng. Đình kiến trúc chữ “đinh”, cửa hướng nam, nằm trên đồi, trước cửa có ao trong sân có cây đa cổ thụ, phía trong đại bái là Hậu cung. Thể hiện rõ ý nghĩa lịch sử thờ hai vị tướng có tài của dân tộc trong đình có câu đối: “Tích hiển Xa La nhất tiết phương danh lưu thủy quốc - Lực phù Trưng Nữ thiên thu chính khí tiện Mai Trang”. Có nghĩa là Tích hiển Xa La (tên cũ của làng Đông Hạ) một dạ trung trinh ghi danh vì nước - Trợ phù Trưng Vương ngàn năm rạng ngời chính khí Mai Trang”. Với những ý nghĩa lịch sử và giá trị trên năm 1996 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) trao bằng công nhận là di tích Lịch sử- văn hóa cấp tỉnh cho đình Đông Hạ. Đình thôn Yên Thái được xây dựng năm 1731 vào thời Hậu Lê thờ Đặng Công Oánh – một trong những khởi tổ của dòng họ Đặng danh gia. Là người văn võ song toàn được vua trọng dụng làm tướng. Đặng Công Oánh dùng đức độ và tài thao lược của mình để thu phục quân thù mang lại hòa bình cho dân tộc. Từ thời Tiền Lê đến nhà Trần, nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn đều xếp Đặng Công Oánh vào “ ách Linh Thần”.
Cho phép làng Yên Thái thờ làm Thành hoàng. Năm 2005 đình Yên Thái đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đình Thượng ở Việt Yên thờ Tản Viên Sơn Thánh tam vị quốc chúa Đại Vương, Đình Hạ thờ Mai Trang công chúa. Ở Việt Yên đình và chùa không những là di sản văn hóa lịch sử mà còn là di tích cách mạng thời kháng chiến, từng là địa điểm họp bàn chiến lược của thành viên Mặt trận Việt Minh. Đặc biệt gác chùa Việt Yên làm theo kiểu hai tầng, tám mái là một trong hai gác chuông chùa đẹp nhất ở huyện Quốc Oai. Năm 2008 nhân dân thôn Việt Yên lấy làm tự hào vì Đình và chùa đều được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đình Đông Thượng thờ tướng quân Đặng Long Uyên được xây dựng ngay sát bờ sông Tích. Tuy nằm ở các thôn khác nhau nhưng đình, chùa trên địa bàn xã Đông Yên đều
mang một ý nghĩa thống nhất là “hộ quốc, an dân”. Cứ 5 năm một lần các đình luân phiên tổ chức hội làng - lễ hội văn hóa dân gian hướng tới kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa hoặc ngày chiến công của chư vị Thành Hoàng đồng thời thông qua lễ tế cầu cho dân làng “quốc thái, dân an”, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Mỗi làng đều có ngày quy định mở hội, đình Yên Thái mở hội vào mồng 4 tháng giêng, đình Việt Yên vào ngày mồng 8 tháng giêng, đình Đông Hạ và Đông Thượng là ngày 21 tháng 5.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người nông dân xã Đông Yên có “bát ăn, bát để”. Cùng với sự tăng lên của vật chất, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần nói chung và các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lễ hội tăng lên. Kinh phí tổ chức lễ hội ngày càng dồi dào, chủ yếu là từ nhân dân. Có một điểm rất đặc biệt là việc quyên góp xây dựng, tu bổ chùa người nông dân đều tình nguyện tham gia. Nhưng đối với việc kêu gọi ủng hộ sửa sang các công trình đường, trường trạm thì lại rất khó. Điều đó cho thấy, trong tâm thức của người dân, các thiết chế văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng.
Trong lễ hội ở xã Đông Yên hiện nay các vật lễ, thờ, đồ cúng và vật dụng trang hoàng không còn sơ sài, đơn giản nữa mà được đầu tư hơn, cờ hoa lấp lánh treo khắp khu vực diễn ra lễ hội và đường làng nơi kiệu rước đi qua.
Trang phục của người tham gia lễ tế thiết kế tỉ mỉ, màu sắc sặc sỡ. Trong phần lễ, các khí tự được bày ra và rước đi quanh làng, có dàn hợp âm, hợp xướng sử dụng các khí cụ góp phần tung hô cho xướng tế, hỗ trợ người khiêng rước. Ngoài chiêng trống, thanh la, kèn ra nét đặc biệt ở hội làng Đông Yên có “ mõ Đông La - tù và Yên Thái”. Trong lễ hội làng Đông Hạ có tiếng mõ và hội làng ở Yên Thái có tiếng tù và. Với kích thước to lớn kết hợp với cách đánh, cách thổi có nghệ thuật của người sử dụng, tiếng mõ, tiếng tù và đã làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, tính thiêng của các nghi lễ. Thông qua phần lễ, người dân được giao lưu với các đấng thần linh, thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Mọi người khi tham gia lễ hội đều cảm thấy tự hào và
vinh dự vì được thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên, các vị thành hoàng làng, lại được hòa mình vào không trí trang nghiêm, thiêng liêng của buổi lễ. Sau đó thể hiện tài năng khéo léo, thông minh của mình trong phần hội thông qua các trò chơi dân gian như múa lân, chơi cờ người, thổi cơm thi ở hội làng Việt Yên, Đông Thượng, Đông Hạ, thi vật, đánh đu, chơi cờ tướng trong hội làng Yên Thái. Theo biên bản phỏng vấn số 2 (ông Đỗ Văn L, 47 tuổi) cho biết:
“Đối với tôi mà nói hội làng có ý nghĩa rất quan trọng và thiêng liêng. Qua đó tôi được thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với vị Thành hoàng làng.
Tham gia lễ hội cho tôi thỏa mãn nguyện vọng, được kết nối với các vị thần linh. Sống trong không khí náo nhiệt, linh thiêng của lễ hội tôi thực sự cảm thấy an tâm, được nghỉ ngơi hưởng thụ hòa vào giá trị văn hóa truyền thống.
Mỗi lần tham gia lễ hội tôi cảm thấy mình gắn bó bền chặt với làng và thân thiết hơn với hàng xóm, anh em xa gần cũng quen được nhiều người bạn mới.
Cuộc sống làm nông nghiệp rất vất vả, tham gia hội làng là một trong số những hoạt động tôi cảm thấy mình được thực sự nghỉ ngơi, tinh thần phong phú hơn rất nhiều”.
Trên thực tế, quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi tính “đóng kín” của làng xã, đem theo nhiều loại hình tôn giáo, nghi lễ mới. Hiện nay, ngoài hội làng truyền thống, lễ cúng cơm mới,... các lễ hội sự kiện, festival nông nghiệp, lễ hội trái cây,... xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng có điểm khác so với lễ hội truyền thống là thời lượng và nội dung của phần hội nhiều hơn phần lễ, mang tính chất quảng bá du lịch, đặc sản vùng miền,... nhiều hơn. Thông qua lễ hội hiện đại, nhân dân địa phương có cơ hội kết nối cộng đồng, mở rộng mối quan hệ, trao đổi, giao lưu văn hóa, làm giàu thêm đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình.
Bên cạnh những yếu tố tích cực thì còn tồn tại một số tiêu cực trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và hoạt động lễ hội ở xã Đông Yên như mua thần bán thánh, mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo gây mất đoàn kết bên lương bên giáo. Một số cá nhân, tổ chức núp dưới bóng tổ chức lễ hội mới để truyền
giáo, kinh doanh chuộc lợi. Hiện tượng tà đạo Ngọc phật Hồ Chí Minh, Long hoa di lặc,... làm mù quáng niềm tin tôn giáo của người dân, biến dạng những giá trị nhân văn sâu sắc, hao mòn giá trị truyền thống.