CHƯƠNG 2. SỰ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN XÃ ĐÔNG YÊN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
2.2. Nguyên nhân và một số giải pháp phát huy tích cực, hạn chế tiêu cực trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
2.2.1 Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, diện mạo nông thôn Việt Nam có nhiều biến đổi. Nó phản ánh tốc độ phát triển kinh tế và chất
lượng đời sống văn hóa của người nông dân. Một mặt, chính sách của Đảng và Nhà nước ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân. Mặt khác, các yếu tố khách quan như nền kinh tế thị trường, CNH – HĐH, đô thị hóa,...góp phần tạo nên những biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân.
Vì vậy, nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân bao gồm:
Một là, nhận thức của các cấp chính quyền xã Đông Yên và bản thân người nông dân về việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần chưa thực sự đúng và đủ
Nhìn chung trình độ, chuyên môn của cán bộ các cấp chính quyền còn chưa cao. Khoảng hơn 30% cán bộ chưa có bằng tốt nghiệp cao đ ng, đại học đối với công việc đương nhiệm nên quá trình thực thi đường lối của Đảng, Nhà nước chưa thực sự ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể nhân dân, mức độ nắm bắt và truyền tải thông tin hạn chế. Không ít cán bộ, đảng viên nhận thức về vai trò của môi trường văn hóa còn hạn chế, phiến diện, coi văn hóa là phương tiện đơn thuần đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân dẫn đến coi nhẹ, thiếu quan tâm sâu sắc làm hạn chế thành quả của công tác xây dựng đời sống văn hóa cấp cơ sở. Một bộ phận cán bộ đảng viên xa rời quần chúng, có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, thoái hóa, biến chất làm mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Lối sống trọng đồng tiền sinh ra hiện tượng “mua quan, bán chức” hoặc dựa vào mối quan hệ để xin việc làm tại cơ quan địa phương.
Chưa nhận thức đúng đắn vai trò của giai cấp nông dân trong công cuộc phát triển kinh tế cũng như yếu tố đảm bảo chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của họ. Dẫn đến tình trạng chỉ đạo thiếu tập trung, cứng nhắc, lúng túng, bị động. Các thiết chế văn hóa ở nông thôn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa – văn nghệ chung, tủ sách công cộng,...còn sơ sài.
Bên cạnh đó là bản thân người nông dân chưa tự ý thức được vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới cũng như những hiểu biết nhất định về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình. Giai cấp nông dân cần thấy tự hào
vì trong quá khứ họ là lực lượng đông đảo của cách mạng, là những người đồng minh đáng tin cậy của giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức. Chính họ là những người gánh bom đạn, chịu đói khổ quyết tâm bám làng, giữ nước.
Có thể thấy, họ mang sức mạnh to lớn của một giai cấp có tinh thần cách mạng. Ngày nay, họ đóng vai trò là lực lượng chủ chốt làm thay đổi bộ mặt nông thôn và làm giàu cho nông nghiệp nước nhà, thành quả lao động của họ nuôi sống toàn xã hội. Như vậy, giai cấp nông dân nói chung và nông dân xã Đông Yên nói riêng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, do trình độ học vấn còn thấp, nghề làm nông vất vả bận bịu quanh năm, tình trạng đói nghèo diễn ra nên khả năng tiếp nhận chủ trương, chính sách còn hạn chế. Hơn nữa, người nông dân chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò của giai cấp mình nên tỏ ra lãnh đạm, không mấy quan tâm đến thời cuộc. Nó tất yếu dẫn đến sự thiếu hiểu biết, sẽ ra sao nếu như các chính sách phát triển, xây dựng đời sống người nông dân không được tiếp nhận trọn vẹn và thực thi chưa đúng. Hậu quả đáng tiếc nhất là cuộc sống nông dân sẽ đói khổ, đời sống văn hóa tinh thần không được bồi dưỡng trở nên cằn cỗi, văn hóa làng – văn hóa truyền thống dần biến mất, họ trở nên lúng túng và không biết cách tiếp thu chọn lọc trước nhiều luồng văn hóa khác nhau do quá trình hội nhập, bị hòa tan giữa biển văn hóa của nhân loại.
Hai là, Do tác động của quá trình CNH – HĐH tất yếu kéo theo quá trình đô thị hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên.
Dưới sự tác động của quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn công cuộc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở xã Đông Yên hiện nay vấp phải nhiều rào cản. CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn làm thu hẹp diện tích đất canh tác, nhiều hộ gia đình mất đất được đền bù một khoản tiền lớn. Tình trạng giàu lên trong chốc lát làm nảy sinh tâm lý muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ sau nhiều năm tháng phơi nắng, phơi sương vất vả với đồng ruộng. Các gia
đình chủ yếu sử dụng số tiền đó cho việc xây dựng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc, mua xe, đầu tư cho con cái học hành, đi nghỉ dưỡng,.. sự giàu lên đột ngột khiến cho họ có tâm lý bình thản, chủ quan, hưởng thụ. Nhất là đối với thế hệ lao động trẻ ở nông thôn, đến độ tuổi lao động nhưng không có việc làm do mất đất, mất ruộng lại sẵn có gia sản của bố mẹ, sinh ra thói lười biếng, lêu lổng, chơi bời, tiệc tùng, đua đòi, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Hơn nữa, quá trình CNH - HĐH kéo theo lối sống đô thị dần xâm nhập vào xã hội nông thôn. Theo lời của những hộ gia đình sống dọc theo tuyến đường quốc lộ 6A (tuyến đường huyết mạch nối từ thủ đô Hà Nội lên các tỉnh phía Tây – Bắc của đất nước) thì diện tích đất mặt đường hiện nay đến hơn 90% không còn thuộc quyền sở hữu của người dân địa phương. Chúng đã được bán lại cho chủ mới, họ đều là những người sống ở thành thị. Những năm trở lại đây, họ bắt đầu xây dựng nhà cao tầng, nhà biệt thự hiện đại, khang trang. Người dân thành thị có xu hướng trở về nông thôn an phận tuổi già. Chính vì những nguyên do đó, cấu trúc xã hội nông thôn có nhiều biến đổi, mật độ dân số đông đúc, tỉ lệ dân thành thị ngày một tăng. Đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng do có sự giao thoa giữa nhiều luồng văn hóa. Tuy nhiên, nó kéo theo lối sống nhanh, sống vội, quan trọng hóa đồng tiền dẫn đến tranh chấp đất đai, tiền bạc giữa những người trong gia đình, con cái bất hiếu với cha mẹ,...Một bộ phận không nhỏ người nông dân mang lối sống vị kỷ chỉ lo vun vén cho bản thân, chạy theo các giá trị vật chất, lợi ích cá nhân quên đi những giá trị tinh thần, lợi ích của cộng đồng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống. Nạn mại dâm, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, cá độ, trộm cắp,...diễn ra liên tiếp trên địa bàn.
Một bộ phận cán bộ mang tư tưởng trọng tiền tài, địa vị, quyền lực, chỉ lo chạy chức, ít gần dân, chưa làm tốt chức trách và nhiệm vụ của mình. Để giải quyết những vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ làm thay đổi căn bản tồn tại xã hội và ý thức xã hội.
Ba là, nền kinh tế thị trường đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên.
Trước tiên, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường đời sống của người nông dân ngày càng có nhiều biến đổi, văn hóa là lĩnh vực chịu ảnh hưởng không nhỏ. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tạo nền tảng cho các hoạt động văn hóa phát triển phong phú theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Nền kinh tế thị trường đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền với mục đích và hiệu quả kinh tế nó buộc người ta phải khắc phục lối tư duy cảm tính, kinh nghiệm của mình. Đòi hỏi người nông dân cần học tập, rèn luyện phương pháp tư duy lý tính dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Kinh tế thị trường luôn hướng đến lợi ích và hiệu quả tạo điều kiện kích thích, tăng năng suất lao động không ngừng, do vậy, người nông dân càng trở nên sáng tạo, năng động hơn. Những chủ thể sản xuất, kinh doanh độc lập, tự chủ về kinh tế đã được xác lập. Điển hình là mô hình sản xuất vườn – ao - chuồng của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đông Yên và có xu hướng ngày càng mở rộng về quy mô sản xuất. Nếu như trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, người nông dân đi muộn, về sớm, không quan tâm đến hiệu quả kinh tế thì, ngược lại, trong nền kinh tế thị trường họ phải đổi mới hoạt động sản xuất và dịch vụ nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ chế thị trường và các quy luật khách quan của nó tạo cho người nông dân tác phong khẩn trương, linh hoạt, năng động, nhạy bén. Họ đã biết cách tính toán, cân nhắc trong hoạt động kinh tế, biết tranh thủ thời gian, lựa chọn thời cơ, biết cách sử dụng hợp lý hơn những nguồn lực và lợi thế của mình trong quá trình sản xuất, dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất... để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Đồng thời, kinh tế thị trường góp phần làm phai mờ lối sống lạc hậu, lỗi thời, trì trệ và loại bỏ những sản phẩm lao động yếu kém về cả nội dung và hình thức ra khỏi thị trường. Mặt khác, kinh tế thị trường từng bước hình thành ở người dân lối sống tự chủ, tự lập, rèn luyện ý thức lao động, chủ động, tích
cực trong học tập. Rèn luyện cho họ những phẩm chất đạo đức về ý chí, lòng dũng cảm, nghĩa vụ, tính tự trọng ở mỗi con người cũng như toàn xã hội.
Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa, giúp cho người nông dân tích cực hơn trong quá trình xây dựng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở môi trường nông thôn. Mục đích của nền kinh tế thị trường là lợi ích và hàng hóa cho nên các mối quan hệ trong xã hội bị coi như một món hàng, kể cả sức lao động và tình cảm con người. Các mối quan hệ xã hội, lối sống, tình nghĩa của con người ngày càng ảnh hưởng nặng nề bởi lợi ích kinh tế, coi giá trị thị trường như một thước đo để đánh giá các giá trị khác. Đồng tiền xâm nhập vào các mối quan hệ thậm chí trở thành chuẩn mực hành vi, nguyên tắc đối nhân xử thế của một bộ phận không ít người. Từ đó sinh ra các tệ nạn xã hội như hối lộ, buôn lậu, móc nối kinh doanh trái phép, làm hàng giả, mua quan bán chức, mua điểm, bệnh thành tích,... Tất cả những điều này trở thành vật cản trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và trong cả mục tiêu xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Không thể phủ nhận những thành quả của nền kinh tế thị trường mang lại nhưng mặt trái của nó đã và đang ảnh hưởng lớn đến đạo đức trong kinh doanh, đời sống văn hóa của người nông dân. Nó dẫn đến tình trạng phân biệt giàu nghèo, phân biệt đ ng cấp tại xã Đông Yên, khiến cho đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân trở nên cằn cỗi, nghèo nàn.
2.2.2. Một số giải pháp phát huy tích cực và hạn chế tiêu cực trong đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
Đảng ta đã nhận định văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy của kinh tế - xã hội. Do vậy, đưa văn hóa vào trong đời sống nhân dân là việc làm vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số giải pháp đề xuất để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong môi trường xã hội nông thôn ở xã Đông Yên.
Thứ nhất, nhóm giải pháp về nhận thức
Nhận thức đúng sẽ dẫn tới hành động đúng. Đây chính là cơ sở để định ra đường lối, chủ trương phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân cả nước nói chung và người nông dân xã Đông yên nói riêng.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh, giai cấp nông dân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Trong thời đại hiện nay, với điều kiện 68% dân số Việt Nam là nông dân, muốn phát triển đất nước cần quan tâm hơn đến các vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là yếu tố quyết định đến vai trò phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các cán bộ, đoàn thể, đảng viên xã Đông Yên cần xây dựng các quy tắc làm việc mới và hình thức xử phạt thích đáng đối với các cán bộ có biểu hiện suy đồi đạo đức, phẩm chất và thái độ vô trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải đưa các nội dung xoay quanh đến việc giải quyết các vấn đề của người nông dân vào các kỳ họp, buổi sinh hoạt Đảng viên, coi đó là nhiệm vụ chính trị của tổ chức. Sự quan tâm, sát sao của các của các cấp chính quyền đến đời sống, công việc của người dân sẽ là động lực và cơ sở chính xác nhất để đưa ra những quyết sách kịp thời, hỗ trợ đúng lúc để đảm bảo đời sống vật chất và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người nông dân ngày một vững mạnh. Các kiến thức về pháp luật, hôn nhân gia đình, luật hành chính đất đai, luật giáo dục,... đều phải thường xuyên đưa vào chương trình phát thanh của huyện, xã, xóm làng. Cần tuyên truyền thường xuyên liên tục để người nông dân có thể nắm bắt và rèn rũa ý thức chấp hành pháp luật.
Đối với hoạt động trồng trọt chăn nuôi, tạo liên kết với cán bộ kỹ sư nông nghiệp từ các viện, trung tâm của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn mở lớp đào tạo, truyền thụ kiến thức cho bà con về kinh nghiệm sử dụng máy
móc trong canh tác, cách thức trồng, cấy, chăm bón cây đúng kỹ thuật, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã Đông Yên nhằm mang lại năng suất tốt nhất. Kết hợp tư vấn các giống vật nuôi theo nhu cầu của thị trường, giảng dạy kiến thức chăn nuôi thú y phù hợp với khí hậu và địa hình của địa phương nhằm thu kết quả tốt. Tăng cường tìm nguồn kinh phí hỗ trợ một phần hoặc hoàn toàn từ các trung tâm giống vật nuôi, cây trồng cho nông dân. Tập trung xây dựng hệ thống mương máng, kênh đào. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần hỗ trợ hội phụ nữ, hội thanh niên, hội nông dân mở các lớp dạy nghề thủ công nghiệp, sẵn có tại địa phương giúp nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế hộ gia đình.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả thì cần tăng thêm thời lượng phát sóng trên ti vi, trên đài phát thanh ở từng địa phương và tăng thêm số trang báo chí với các nội dung xây dựng đời sống văn hóa. Đảm bảo người dân tiếp cận đúng, đủ chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên bản tin phát thanh của xã thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, những hộ nông dân làm ăn kinh doanh giỏi để khích lệ tinh thần. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn để người nông dân phấn đấu đạt được thành quả trong kinh tế nông nghiệp và cả đời sống văn hóa tinh thần của chính mình. Ngoài ra, cần có những chính sách nhằm khôi phục, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp với thời đại mới. Hiệu quả của công tác tuyên truyền nằm ở những cán bộ văn hóa- đội ngũ tuyên truyền viên. Họ phải là những người có kiến thức về người nông dân, nhất là kiến thức về văn hóa, đồng thời phải nhanh nhạy để tiếp thu chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đó phải là những người có bản lĩnh, có tư tưởng chính trị vững vàng. Thường xuyên mở lớp tập huấn cho đảng viên, cán bộ nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, tri thức về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người nông dân của xã Đông Yên. Các đoàn thể, hội cần kết hợp với Hội nông dân của xã quan tâm đến đời sống người nông dân ở từng làng, từng xóm nhằm đưa ra