CHƯƠNG 2. SỰ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN XÃ ĐÔNG YÊN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
2.1. Thực trạng sự biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
2.1.3. Sự biến đổi trong đạo đức, lối sống
Dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan dẫn đến sự biến đổi về cơ cấu lao động, việc làm, đời sống kinh tế và môi trường xã hội ở nông thôn. Đạo đức, lối sống là một trong những yếu tố cấu thành nên ý thức xã hội, trước những thay đổi căn bản của tồn tại xã hội tất yếu sẽ nảy sinh yếu tố đạo đức, lối sống mới.
Sự biến đổi nổi bật nhất trong lĩnh vực đạo đức xã hội được thể hiện thông qua việc hình thành ý thức đạo đức mới, thiết lập các mối quan hệ rộng rãi, xây dựng lối ứng xử đẹp cho người nông dân. Năm 2018 Đoàn thanh niên huyện Quốc Oai phối hợp với Đoàn thanh niên các xã trên địa bàn, tổ chức thi tuyên truyền “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và trong huyện Quốc Oai” nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đúng mực ở nông thôn trong giai đoạn mới. Năm 2018 Ủy ban nhân dân kết hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc hỗ trợ xây mới 1 ngôi nhà, sửa chữa 2 ngôi cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, bệnh binh với tổng kinh phí là 80.000.000 đồng. Bên cạnh đó, chính quyền huy động sức người, sức của từ nhân dân tu sửa bia mộ liệt sỹ, vào ngày 27-07 hàng năm xã tổ chức thắp nến dâng hoa đối với người có công ở nghĩa trang liệt sỹ xã Đông Yên. Hội thanh niên và hội phụ nữ thay phiên nhau quét dọn, cắt cỏ, vệ sinh khu vực nghĩa trang, khu vực nhà văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp nơi công cộng. Chính quyền kêu gọi thành lập quỹ “đền ơn đáp nghĩa” giúp đỡ người thân, gia đình người có công trong các cuộc kháng chiến. Tìm hiểu, quan tâm giúp đỡ trẻ em mồ côi, tàn tật, người già neo đơn không nơi nương tựa theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”... Năm 2018 vừa qua, xã khảo sát thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành lập ban chỉ đạo vận động quỹ chăm sóc bảo vệ trẻ em. Tổ chức lớp tập huấn chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm phạm, phòng chống tai nạn thương tích cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, nhờ đó tỉ lệ trẻ em bị xâm hại và tai nạn giảm đáng kể. Phối hợp với hội người cao tuổi tổ chức thăm và tặng quà cho người cao tuổi nhân dịp tết nguyên đán và ngày Quốc tế người cao tuổi mùng 01 tháng 10. Trong
năm 2018 cả bốn thôn đến 95% hộ gia đình đăng ký danh hiệu “gia đình văn hóa”. Khoảng cách giữa các thế hệ thu hẹp, truyền thống hiếu thuận của con cái với ông bà, cha mẹ được phát huy hay sự quan tâm, chăm sóc của ông bà, cha mẹ với con cháu. Các phong trào gia đình văn hóa, làng văn hóa, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát huy. Những hành động đẹp ảnh hưởng sâu rộng đến ý thức đạo đức góp phần hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người nông dân nói riêng và nhân dân xã Đông Yên nói chung. Công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cá nhân, hộ gia đình làm kinh tế giỏi thường xuyên được biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng của xã. Thông qua đó, ý thức đạo đức và lối sống của người nông dân được nâng cao. Đồng thời, tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp tiến bộ, tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ mới, tiếp thu những kiến thức bổ ích để làm kinh tế.
Sự biến đổi trong lối sống của người nông dân xã Đông Yên được biểu hiện rất rõ rệt. Trước hết, là lối sống tích cực, chủ động trong lao động, trước đây ông cha quen sống lệ thuộc vào tự nhiên chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” để điều chỉnh hoạt động sản xuất. Thái độ thuận theo tự nhiên và hòa đồng với tự nhiên thậm chí sùng bái tự nhiên đã tồn tại rất lâu trong lối sống của người nông dân. Quá trình quan sát, lao động, sản xuất là nguồn gốc thực tiễn để sự hiểu biết và nhận thức của người nông dân về các hiện tượng quanh mình đầy đủ hơn. Do vậy, sự chủ động của họ trong cách thức tổ chức lao động sản xuất ngày càng cao, từng bước làm chủ , cải tạo và khai thác tự nhiên. Nó được thể hiện ra bằng hoạt động xây dựng hệ thống đê điều dọc theo bờ sông Tích nhằm ngăn chặn lũ lụt, ngập úng vào mùa mưa, bảo vệ diện tích lúa ven sông. Hoạt động xây dựng khu trồng trọt rau, củ, quả có hệ thống phun nước tự động và có mái che, không sợ nắng, mưa to ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng cây trồng. Năm 2012, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai căn cứ vào Quyết định số 2219/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng NTM xã
Đông Yên, huyện Quốc Oai đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, các mô hình kinh tế mới với sự hỗ trợ đắc lực từ các thành tựu khoa học công nghệ buộc người nông dân phải tiếp thu tri thức khoa học, học hỏi cách sử dụng các thiết bị hiện đại,... quá trình đó dần hình thành lối sống hiện đại, văn minh ở người nông dân .
Dưới sự tác động của quá trình CNH - HĐH lối sống nông nghiệp của người nông dân dần chuyển sang lối sống công nghiệp. Theo biên bản phỏng vấn số 3 (bà Lê Thị T, 33 tuổi) nhận thấy lối sống của người dân xã Đông Yên thay đổi như sau: “Theo như tôi thấy, người dân quê tôi vẫn trọng tình nghĩa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Từ khi lối sống công nghiệp mới xuất hiện lớp trẻ năng động, nhạy bén, chủ động hơn nhiều cả trong học tập và làm việc. Nhưng nó có hạn chế là lối sống nhanh, sống vội dẫn tới vô tâm, tình cảm giữa con cháu với ông bà, bố mẹ nhạt nhòa dần đi. Các tệ nạn như nghiện ngập, lô đề, cờ bạc, rượu chè, cá độ, sống thử,... bây giờ nhiều lắm”. Trước thời kỳ đổi mới, lối sống của người nông dân xã Đông Yên mang đậm tư duy, lối sống nông nghiệp, nó được thể hiện trong cách thức tiêu dùng của người nông dân. Giờ đây, nhu cầu tiêu dùng chuyển sang lối tiêu dùng của xã hội công nghiệp. Điều kiện vật chất của cư dân Đông Yên tăng lên không ngừng vì được nhận đền bù ruộng đất, kinh tế phát triển, các yếu tố trong nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại thay đổi chóng mặt. Điển hình là nhà cao tầng mọc lên san sát, nội thất rất tiện nghi, hầu hết dùng đồ điện tử. Chỉ trong khoảng một vài thập niên cuối thế kỷ XX sản phẩm của nền công nghiệp cao hầu như đều có mặt trong từng gia đình người dân Đông Yên, từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa cho đến máy vi tính, intrenet. Các phương tiện đi lại không chỉ có xe đạp mà có thêm xe đạp điện, xe máy, ô tô,… Theo đó, lối sinh hoạt kiểu nông nhàn giờ đây được thay thế bởi lối sinh hoạt có nhịp điệu gấp gáp. Lối sống công nghiệp khiến cho người lao động như cuốn vào mạch sống kinh tế thị trường, kinh tế trí thức, khoa học công nghệ. Tác phong lao động gấp gáp không cho phép người ta chần chừ, ỷ lại mà phải tự vận động, chớp thời cơ, giành giải trong môi trường sống chung của thời cuộc. Đây là điều kiện tốt cho việc phát
huy cao độ nhận thức, đánh giá, ý thức, tình cảm con người theo tiêu chí xã hội hiện đại, làm cho người nông dân và các cư dân trên địa bàn xã Đông Yên có điều kiện phát triển tinh thần, thể chất, lý trí, tình cảm. Hơn nữa, lối sống công nghiệp khiến cho lối sống tùy tiện ở người nông dân dần biến mất họ sống có quy củ, tuân thủ pháp luật, chấp hành tốt các quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hình thành lối sống mới tích cực, lành mạnh, hướng về cội nguồn và các giá trị văn hóa cổ truyền quyết tâm đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các mối nguy hại đầu độc thân thể, trí tuệ con người, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, công cuộc CNH – HĐH kéo theo lối sống đô thị, đã tạo ra lối sống cực đoan, thực dụng, tôn thờ đồng tiền, người ta bất cấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Lối sống tôn thờ đồng tiền làm suy đồi đạo đức, biến chất suy nghĩ, hành vi của một bộ phận người dân sống ở nông thôn nhất là các thanh niên đang ở độ tuổi mới lớn. Lối sống nhanh, sống vội, thích hưởng thụ chơi bời làm nảy sinh rất nhiều vấn đề nhức nhối trong môi trường xã hội nông thôn. Nạn nghiện hút, cờ bạc, cá cược, đánh nhau, rượu chè, bạo lực gia đình, con cái bất hiếu với ông bà cha mẹ, cha mẹ thiếu trách nhiệm với con cái, bạo lực học đường,... liên tiếp diễn ra khiến cho môi trường văn hóa ở nông thôn băng hoại, đời sống văn hóa tinh thần không còn khỏe mạnh, phong phú.