CHƯƠNG 2. SỰ BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN XÃ ĐÔNG YÊN HIỆN NAY - THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
2.1. Thực trạng sự biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên hiện nay
2.1.1. Sự biến đổi trong nhận thức, tư tưởng
Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, muốn nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người nông dân, trước hết phải thay đổi nhận thức của Đảng bộ, các cấp chính quyền và chính bản thân giai cấp nông dân. Bởi vì, nhận thức đúng sẽ dẫn tới hành động đúng, quá trình nhận thức nhanh chóng, kịp thời góp phần xây dựng hệ tư tưởng mới phù hợp với những biến đổi của thời đại. Đóng vai trò là gốc rễ cho mọi hành động, hoạt động nhận thức tư tưởng giữ vị trí quan trọng nhất đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân xã Đông Yên.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đông Yên năm 2018, lĩnh vực trồng trọt đạt 35 tỷ 800 triệu đồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đạt 186 tỷ 433 triệu đồng bằng 263,7% so với cùng kỳ. Những kết quả đạt được cho thấy sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc thay đổi nhận thức, tư tưởng đưa ra các chính sách mới nhằm phát triển kinh tế tại địa phương. Trên
cơ sở tiếp thu chủ trương Đảng và chính sách của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với quá trình CNH – HĐH, năm 2012 Đảng bộ và nhân dân Đông Yên cùng thực hiện công cuộc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây cũng là một tiêu chí nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, diện tích đất trồng trọt, canh tác của mỗi hộ gia đình được quy hoạch thành một đến hai mảnh lớn, hoàn toàn xóa bỏ tình trạng phân bố nhỏ lẻ, manh mún tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây, người nông dân chủ yếu cày cấy bằng sức người, sức trâu bò thì bây giờ máy cày, máy bừa, máy gặt lúa, máy phụt lúa,… dần đảm nhiệm những công việc vất vả đó. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi được tính toán kỹ lưỡng, lắp đặt máy làm mát, máy cấp nước, máy vệ sinh chuồng trại tự động thậm chí một số hộ gia đình đầu tư máy kiểm tra chất lượng dinh dưỡng trong đất trồng, trong thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng đầu ra theo tiêu chuẩn của ISO, vietGAP,... Một số hộ gia đình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay vì trồng lúa hết mảnh ruộng đó họ bắt tay vào làm kinh tế mới với mô hình vườn – ao - chuồng. Kết hợp giữa trồng trọt cây ăn quả với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt đem lại lợi nhuận cao.
Để hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất kinh tế Đảng bộ và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ sửa sang, làm mới các công trình công cộng đặc biệt là hệ thống mương máng và giao thông nội đồng. Do địa hình ở xã Đông Yên chủ yếu là gò đồi cho nên không thể thiếu các kênh dẫn nước, trước đây do hạn chế kinh phí xây dựng người dân thường phải tát nước từ dưới ruộng sâu lên đến chín mười bậc nhưng bây giờ hệ thống mương máng đã được hoàn thiện đảm bảo nước tưới cho tất cả các diện tích trồng trọt. Bức tranh đồng ruộng tại xã Đông Yên hiện nay như được tô vẽ thêm bởi những con đường bê tông kiên cố vắt ngang dọc qua cánh đồng. Nếu như trước đây bà con nhân dân phải đi lại trên con đường đất, lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa khô thì hiện nay hơn 90% đường nội đồng được bê tông hóa, diện
tích đất nông nghiệp gần hoặc sát đường cái, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân tập trung sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển.
Hơn nữa, năm 2017 Ủy ban nhân dân xã Đông Yên triển khai mở “phòng một cửa”. Nó cho phép tiếp nhận, nhanh chóng xử lý tất cả các yêu cầu của bà con nhân dân, thủ tục hành chính không rườm rà, không cần đợi lâu. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản kích thích quá trình trao đổi, phân phối sản phẩm. Cho phép người nông dân mở rộng thị trường, liên kết làm ăn kinh tế với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa phương.
Những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền xã Đông Yên khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở địa phương nhanh chóng, bộ mặt nông thôn khoác lên một tấm áo mới. Cùng với đó là đời sống vật chất của bà con nhân dân tăng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống. Bên cạnh chính sách phát triển kinh tế, các cấp chính quyền quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Công trình đình, chùa, miếu, nhà văn hóa, sân chơi thể thao,… được sửa sang, xây mới phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của bà con nhân dân. Những năm gần đây, các câu lạc bộ múa, câu lạc bộ hát của hội phụ nữ và đoàn thanh niên bắt đầu hoạt động trở lại. Đảng ủy, chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí tổ chức liên hoan văn nghệ vào dịp tết trung thu, đêm giao thừa, các hoạt động vui chơi thể dục, thể thao tết nguyên đán,…ở mỗi làng. Không chỉ có vậy, các câu lạc bộ thể thao như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền,…cũng được các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể hỗ trợ quỹ thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên tổ chức các buổi giao hữu giữa các xã, huyện trên địa bàn. Như vậy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền tại xã Đông Yên có nhiều thay đổi tích cực trong chính sách phát triển kinh tế địa phương và ý thức tốt việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân. Tuy nhiên, để đạt được những thành quả đó không thể thiếu được vai trò của giai cấp nông dân – những người trực tiếp lãnh hội và thực hiện chính sách.
Người nông dân tại xã Đông Yên hiện nay không chỉ mong muốn được
“ăn no, mặc ấm” mà hơn thế họ muốn được “ăn no, mặc đẹp, ở sang trọng”.
Sự biến đổi trong nhu cầu hưởng thụ đó phản ánh tư tưởng tiến bộ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, hai nữa là sự tự nhận thức của người nông dân về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của chính bản thân mình.
Công cuộc dồn điền đổi thửa xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân được sở hữu từ một đến hai mảnh ruộng lớn tạo điều kiện cho họ sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở xã Đông Yên dần chuyển từ mô hình kinh tế thuần nông sang mô hình kết hợp vườn – ao – chuồng. Nếu như trước đây người nông dân bị động trước tự nhiên và các chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước thì bây giờ họ chủ động tìm nguồn vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy bừa, máy gặt, máy sấy lúa, máy ấp trứng,… vừa phục vụ cho gia đình vừa kiếm thêm thu nhập. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đông Yên năm 2010 và năm 2018 cho thấy thu nhập bình quân đầu người từ mức 20 triệu 539 nghìn đồng/
người/ năm tăng lên 41 triệu 365 nghìn đồng/ người/ năm, con số này cho thấy biến đổi tích cực trong tư duy làm nông nghiệp của người nông dân. Mô hình kinh tế mới cho phép người nông dân mở rộng quy mô làm ăn, liên kết giữa các hộ gia đình với nhau chịu trách nhiệm trên từng công đoạn, họ bắt đầu làm quen với hình thức hợp tác rộng rãi, đôi bên cùng có lợi. Không chỉ có vậy, người nông dân biết cách giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng thông qua các trang mạng trực tuyến, mạng xã hội,… Hình thức quảng bá sản phẩm này không chỉ giới hạn mức độ tiếp cận giữa làng này với làng khác mà được mở rộng trong phạm vi cả nước.
Trên cơ sở đời sống vật chất khá giả hơn, trình độ dân trí ngày một cao người nông dân dần ý thức việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình và cho toàn xã hội. Nó thể hiện ra là tính tự giác của họ trong đóng góp tiền của, sức lực để xây dựng đình, chùa, công trình công cộng, tổ chức lễ hội, liên hoan văn hóa văn nghệ,… theo báo cáo của ủy ban nhân dân
xã Đông Yên năm 2015, số tiền quyên góp để tu tạo đình, chùa, xây dựng nhà văn hóa trong toàn xã là 925 triệu đồng. Một số câu lạc bộ thể dục, thể thao, múa hát được thành lập, hoạt động trong khuôn khổ làng, thường xuyên tổ chức các buổi giao hữu, giao lưu giữa các làng với nhau thậm chí giữa các xã với nhau nhằm tăng tính đoàn kết, mở rộng mối quan hệ, học tập lẫn nhau.
Bên cạnh những điểm tích cực đó còn tồn tại một số hạn chế như các cấp chính quyền và bản thân người nông dân chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế địa phương cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chính mình. Khi tiếp nhận chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước một bộ phận cán bộ địa phương tỏ ra lúng túng, không nắm bắt hết nội dung dẫn đến hiệu quả thực thi kém. Một số cán bộ chuyên trách văn hóa coi hoạt động văn hóa chỉ là một phong trào, mang tính thời điểm chưa chú ý xây dựng chương trình, kế hoạch lâu dài cho việc xây dựng đời sống văn hóa cấp cơ sở. Chưa tạo được dòng chảy liên tục, chưa làm cho văn hóa thấm sâu và nếp nghĩ, nếp cảm mỗi hành vi ứng xử của con người. Hai nữa, một bộ phận người nông dân muốn sống và làm việc theo thói quen, kinh nghiệm cũ, ngại đổi mới, không có niềm tin vào thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại xã Đông Yên chưa tương xứng với tiềm lực phát triển, đời sống văn hóa tinh thần có phần cẵn cỗi.
2.1.2. Sự biến đổi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.