CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO THANH KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM ,
2.2. Thực trạng quản lý rủi ro thanh khoản tại NHNTVN , CN Hải Dương
2.2.1. Thực trạng thanh khoản tại NHNTVN , CN Hải Dương
Hiện nay, NHNTVN , CN Hải Dương đang áp dụng theo chiến lược quản lý thanh khoản kết hợp, tức là một phần nhu cầu thanh khoản dự tính sẽ được đáp ứng bằng việc dự trữ tài sản thanh khoản cao, trong khi phần còn lại được giải quyết bằng những hợp đồng hạn mức tín dụng từ những ngân hàng đại lý hoặc từ những người cho vay khác.
Với nguồn dữ liệu thu thập được từ báo cáo thường niên ba năm từ 2015 đến 2017, luận văn chọn cách tiếp cận qua các tiêu chí và chỉ số thanh khoản sau đây để đánh giá tính thanh khoản và rủi ro thanh khoản của NHNTVN , CN Hải Dương
Bảng 2.6: Tình hình thanh khoản của NHNTVN , CN Hải Dương giai đoạn 2015-2017
Đơn vị: %
Năm 2015 2016 2017
Chỉ số trạng thái tiền mặt 1.01 0.90 0.77
Chỉ số trạng thái ngân quỹ 13.42 12.34 14.83
Chỉ số năng lực cho vay 61.68 66.93 64.11
(Nguồn: Tính toán dựa trên các số liệu tại các Báo cáo thường niên NHNTVN , CN Hải Dương các năm 2015, 2016, 2017)
2.2.1.1. Chỉ số trạng thái tiền mặt:
Chỉ số trạng thái tiền mặt được đo lường bằng tỷ lệ giữa tiền mặt trên tổng tài sản của ngân hàng và được tính vào cuối kỳ báo cáo.
Nhìn vào bảng số liệu ta thấy, chỉ số trạng thái tiền mặt của NHNTVN , CN Hải Dương đang giảm qua các năm 2015, 2016, 2017. Từ 1,01% năm 2015 xuống 0,9% năm 2016, và xuống còn 0,77% năm 2017. Như vậy nguyên nhân chỉ số trạng thái tiền mặt của ngân hàng giảm không phải vì tiền mặt giảm mà do tổng tài sản tăng lên, chủ yếu là tăng tiền gửi và cho vay đối với các TCTD khác và chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (trái phiếu Chính phủ, …). Do đó, cho thấy thanh khoản của ngân hàng tương đối tốt.
Thực tế, trong giai đoạn 2015 - 2017, NHNTVN , CN Hải Dương luôn chủ động dự trữ thứ cấp với số dư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng (bao gồm Trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN, tín phiếu kho bạc, trái phiếu công ty, trái phiếu NHTM…). NHNTVN , CN Hải Dương cũng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp huy động vốn, trong đó coi trọng nguồn vốn của tổ chức kinh tế và dân cư, vì vậy, thanh khoản của ngân hàng được đảm bảo tốt.
2.2.1.2. Chỉ số trạng thái ngân quỹ:
Chỉ số trạng thái ngân quỹ được tính bằng tổng ngân quỹ (tiền mặt, tiền gửi tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác) trên tổng tài sản. Chỉ số này càng cao trạng thái thanh khoản ngân hàng càng tốt.
Từ bảng số liệu ta thấy, ngân hàng duy trì trạng thái ngân quỹ tương đối ổn định, trên 10% giá trị tổng tài sản. Mặc dù năm 2017, tổng tài sản của ngân hàng tăng khoảng 50,8% so với năm 2016, nhưng trạng thái ngân quỹ của ngân hàng vẫn tăng lên từ 12,34% năm 2016 lên 14,83% năm 2017. Điều này cho thấy khả năng thanh khoản của ngân hàng ngày càng được cải thiện. Ngân hàng đang có xu hướng gia tăng trạng thái ngân quỹ để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu thanh khoản.
2.2.1.3. Chỉ số năng lực cho vay:
Chỉ số năng lực cho vay được tính bằng cho vay và cho thuê ròng trên tổng tài sản của ngân hàng.
Cũng như các NHTM khác ở Việt Nam, danh mục cho vay của NHNTVN , CN Hải Dương tương đổi ổn định, nằm trong khoảng từ 60% đến 70% tổng tài sản của ngân hàng.
Năm 2015, chỉ số năng lực cho vay của NHNTVN , CN Hải Dương là 61,68%; năm 2016 tăng lên là 66,93% và hạ xuống một chút trong năm 2017 (64,11%).
Danh mục này có thể đảm bảo lợi nhuận ổn định cho ngân hàng nhưng trong khi việc mua bán nợ giữa các ngân hàng cũng như chứng khoán hóa các khoản cho vay gần như chưa được thực hiện thì tỷ trọng danh mục cho vay lớn có thể sẽ làm giảm đáng kể khả năng thanh khoản của ngân hàng. Ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro.
2.2.1.4. Mức chênh lệch thanh khoản ròng
Theo số liệu tại các Báo cáo rủi ro thanh khoản năm 2015, 2016, 2017 tại các Báo cáo thường niên NHNTVN , CN Hải Dương, cho thấy: thông thường, nguồn vốn của ngân hàng khá dồi dào loại kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, tuy nhiên, loại nguồn vốn có kỳ hạn từ 1 năm trở lên rất thiếu. Do đó, ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay đầu tư trung, dài hạn, làm mất cân đối lớn về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ.
Tuy vậy, xét một cách tổng thể thì NHNTVN , CN Hải Dương vẫn đảm bảo đúng tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN. Đây cũng là tình trạng chung của các NHTM hiện nay.