Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Cơ sở lý luận về quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại
1.1.2. Quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại
1.1.2.1.Những nhận thức về quản trị RRTD của ngân hàng thương mại
Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng nhằm đạt được các mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và giảm thấp nợ quá hạn, nợ xấu trong kinh doanh tín dụng, từ đó tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn của NHTM (Nguyễn Văn Tiến, 2010).
Theo Nguyễn Đăng Dờn: “Quản tri ̣ rủi ro tín dụng là một quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, đo lường, kiểm soát và tối thiểu hóa những tác động bất lợi của rủi ro.” (Nguyễn Đăng Dờn, 2012).
Tóm lại, quản trị rủi ro chính là quá trình các NHTM áp dụng các nguyên lý, các phương pháp và kinh nghiệm quản trị ngân hàng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình để giám sát phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác để ngăn chặn tổn thất thiệt hại cho ngân hàng, đồng thời không ngừng nâng cao sức mạnh và uy tín của ngân hàng trên thương trường. Quản trị rủi ro là bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mỗi NHTM, đồng thời với mỗi loại rủi ro cụ thể lại áp dụng các phương pháp quản trị riêng.
1.1.2.2. Mục tiêu quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại
Kinh doanh tín dụng một trong những hoạt động chủ đạo của NHTM.
Quản trị rủi ro tín dụng phải nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả của hoạt động tín dụng, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của NHTM ngay trong những điều kiện thị trường đầy biến động, nguy cơ rủi ro không ngừng gia tăng.
Nói một cách cụ thể hơn thì quản trị rủi ro tín dụng phải nhằm mục tiêu hạ thấp rủi ro tín dụng, nâng cao mức độ an toàn cho kinh doanh của mỗi NHTM bằng các chính sách, các biện pháp quản lý, giám sát các hoạt động tín dụng khoa học và hiệu quả.
Bên cạnh đó, quản trị rủi ro tín dụng còn nhằm mục tiêu:
- Phát hiện và xử lý những rủi ro giai đoạn lập hồ sơ tín dụng;
Trong giai đoạn lập hồ sơ tín dụng cho khách hàng, khách hàng thường cung cấp thông tin không đúng thực tế tình hình hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, các ngân hàng thương mại cần xác nhận lại độ chính xác của nguồn thông tin cung cấp qua khảo sát, điều tra hiệu trường để phát hiện những sai sót và gian lận trong quá trình lập hồ sơ.
- Phát hiện và xử lý những rủi ro giai đoạn phân tích tín dụng;
Trong giai đoạn phân tích tín dụng, các rủi ro phát sinh thường là các rủi ro tác nghiệp xuất phát từ việc thực hiện nghiệp vụ của cán bộ tín dụng. Cán bộ tín dụng trình độ chuyên môn thấp để xảy ra sai sót, hoặc cán bộ cố ý đánh giá sai khả năng của khách hàng. Từ đó ngân hàng gặp rủi ro khi cán bộ đưa ra các quyết định tín dụng không chính xác.
- Phát hiện và xử lý những rủi ro liên quan đến bảo đảm tín dụng;
Trong hoạt động tín dụng, để đảm bảo an toàn vốn vay của ngân hàng, các ngân hàng thường đưa ra các quy định về tài sản đảm bảo. Đây là nguồn thu hồi vốn chủ yếu của ngân hàng khi khách hàng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Do vậy, việc đánh giá chính xác giá trị tài sản đảm bảo là vô cùng cần thiết để giảm thiếu các rủi ro khi giá trị TSĐB không đủ đề bù đắp khoản vay. Khi ngân hàng đánh giá sai giá trị TSĐB sẽ dẫn đến rủi ro cho ngân hàng khi không thể thu hồi vốn từ việc thanh lý tài sản.
- Phát hiện và xử lý những rủi ro trong giai đoạn ra quyết định và giải ngân tín dụng.
Khi ra quyết định và giải ngân tín dụng, ngân hàng thương mại sẽ tiến hành xem xét sự đầy đủ của hồ sơ chứng từ (yêu cầu khách hàng bổ sung nếu thiếu);
kiểm tra mục đích sử dụng vốn của khách hàng và những điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã đầy đủ, thỏa mãn quyền lợi của khách hàng và ngân hàng hay chưa. Việc kiểm tra này sẽ giúp ngân hàng hạn chế được các rủi ro phát sinh về việc sử dụng vốn của khách hàng.
1.1.2.3. Mô hình quản trị RRTD
Mô hình QTRRTD là cách thức tổ chức quản lý, đo lường, kiểm soát rủi ro tín dụng nhằm khống chế rủi ro tín dụng trong một giới hạn cho phép theo nguyên tắc tối đa hoá lợi nhuận của tổ chức tín dụng.
Theo nghĩa rộng hơn, mô hình QTRRTD chính là hệ thống các mô hình bao gồm mô hình tổc hức QTRR, mô hình đo lường rủi ro và mô hình kiểm soát rủi ro được xây dựng và vận hành một cách đầy đủ, toàn diện và liên tục trong hoạt động quản lý tín dụng của NH. Mô hình QTRRTD phản ánh một cách hệ thống các vấn đề sau:
-Các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ nhằm thiết lập các giới hạn hoạt động an toàn và các chốt kiểm soát rủi ro trong một quy trình thực hiện nghiệp vụ
-Các công cụ đo lường, phát hiện rủi ro
-Các hoạt động giám sát sự tuân thủvà nhận diện kịp thời các loại rủi ro -Các phương án, biện pháp chủ động phòng ngừa, đối phó khi rủi ro xảy ra.
Hiện nay đang có hai mô hình phổ biến được áp dụng.Đó là mô hình QTRRTD tập trung và mô hình QTRRTD phân tán.
Mô hình quản trị rủi ro tín dụng tập trung
Mô hình QTRRTD tập trung được hiểu là công tác thẩm định khách hàng, QTRR của NH được tập trung ở hội sở chính hoặc theo vùng, miền. Các chi nhánh chỉ thẩm định sơ qua hoặc scan hồ sơ về hội sở chính để ra quyết định. Mô hình này tách biệt độc lập giữa 3 chức năng; Chức năng kinh doanh, chức năng QTRR và chức năng tác nghiệp (Trần Chiến Thắng, 2012).
- Ưu điểm
+ QTRR một cách hệ thống trên quy mô toàn NH, đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài.
+ Thiết lập, duy trì môi trường QTRR đồng bộ, phù hợp với quy trình quản lý gắn với hoạt động của bộ phận kinh doanh, nâng cao năng lực đo lường giám sát RR.
+ Xây dựng chính sách QTRR thống nhất cho toàn hệ thống.
+ Tách biệt hoàn toàn, độc lập chức năng kinh doanh, tác nghiệp, QTRRTD.
- Nhược điểm
+ Xây dựng và triển khai mô hình QTRRTD tập trung này đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian.
+ Phải có phần mềm hỗ trợ cho việc tổng hợp, phân loại số liệu từ chi nhánh lên Hội sở chính và theo các tiêu chí nhất định.
+ Đội ngũ cán bộ phải có kiến thức chuyên môn sâu, rộng và biết vận dụng lý thuyết vào công việc.
-Phạm vi áp dụng: Được thực hiện ở các NH có quy mô hoạt động lớn.
Mô hình quản trị rủi ro tín dụng phân tán
Mô hình QTRRTD phân tán được hiểu là công tác thẩm định khách hàng, QTRR của NH được thực hiện tại các chi nhánh riêng biệt. Hội sở chính chỉ có nhiệm vụ là chỉ đạo định hướng chung và thẩm định những KH vượt quá khả năng cho phép của chi nhánh. Mô hình này chưa tách biệt được độc lập giữa 3 chức năng;
Chức năng kinh doanh, chức năng QTRR và chức năng tác nghiệp.
-Ưu điểm
+ Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, đơn giản.
+ Giải quyết hồ sơ nhanh, tiết kiệm thời gian cho KH
+ Xây dựng và triển khai không mất nhiều công sức và thời gian.
-Nhược điểm
+ Nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu.
+ Không tách biệt hoàn toàn, độc lập chức năng kinh doanh, tác nghiệp, QTRR.
+ Việc quản lý hoạt động tín dụng đều theo phương thức từ xa dựa trên số liệu chi nhánh báo cáo lên hoặc quản lý gián tiếp thông qua chính sách tín dụng dẫn đến việc QTRRTD gặp nhiều khó khăn.
-Phạm vi áp dụng: Được thực hiện ở các NH có quy mô hoạt động nhỏ.
Tất cả các nội dung chiến lược, chính sách mà NH đề ra sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu không có một cơ cấu bộ máy tổ chức hợp lý. Ở các NHTM hiện đại theo chuẩn mực quốc tế có xu hướng chuyển từ cơ cấu QTRRTD phi tập trung sang xu hướng quản trị tập trung. Theo đó, sẽ hình thành một mô hình tổ chức QTRR thống nhất từ Hội đồng quản trị cấp cao có sự tư vấn của ủy ban QTRR đến bộ phận QTRR trực thuộc Ban điều hành, cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía Ban kỉểm soát của NHTM.
Mặt khác, để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động QTRRTD, hiện nay, ở hầu hết các NHTM đều chú trọng tách biệt 3 chức năng cơ bản, đó là chức năng kinh doanh (kiến tạo rủi ro), chức năng thẩm định (phê duyệt rủi ro) và chức năng giám sát (QTRR). Trong đó, chức năng QTRR được thực hiện bởi một bộ phận riêng biệt với tên gọi là Phòng/ bộ phận QTRR. Bộ phận này trực thuộc sự chỉ đạo của ban điều hành, cùng cấp với các phòng ban tác nghiệp khác, tuy nhiên hoạt động của bộ phận này tách biệt, không tham gia vào quá trình tác nghiệp để đảm bảo tính độc lập. Việc xây dựng bộ máy QTRR thích hợp sẽ tạo điều kiện để các chính sách quản trị đã ban hành được thực thi một cách hiệu quả hơn.