Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Bài học kinh nghiệm trong quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại
1.4.1. Kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại trong nước
1.4.1.1. Kinh nghiệm của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng Cách đây vài năm VPBank là một trong số các NHTM hoạt động yếu kém, hiệu quả thấp, quy mô nhỏ. Đặc biệt là hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp rơi vào tình trạng xấu, có dấu hiệu rủi ro cao, nợ quá hạn tăng đột biến, khả năng thanh toán kém vì vậy được xếp vào tình trạng quản lý đặc biệt của NHNN. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, ban lãnh đạo VPbank đã sắp xếp cải tổ lại toàn bộ hoạt động của mình, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Sau hai năm hoạt động VPbank đã có nhiều khởi sắc, dần đi vào ổn định và hiệu quả, quy mô ngày càng tăng và được mở rộng, thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, nợ xấu giảm xuống dưới 1%. Để đạt được kết quả đó, VPbank đã tích cực tìm giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng nói chung và chất lượng tín dụng đối với cácdoanh nghiệp nói riêng. Trong đó, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro đã được VPbank đặc biệt chú trọng thể hiện ở một số điểm:
- Ban hành sổ tay tín dụng:
Sổ tay tín dụng là cuốn cẩm nang hệ thống và tổng hợp các quy định chung, các bước cơ bản mà mỗi cán bộ tín dụng cần thực hiện trong quy trình tác nghiệp.Sổ tay tín dụng được xây dựng với mục đích trở thành công cụ hỗ trợ quan trọngcho mỗi cán bộ tín dụng tra cứu để thực hiện phần hàng công việc của mình một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó sổ tay tín dụng còn đề cập đến nội dung quản lý rủi ro tín dụng để các nhà quản lý có thể điều hành tín dụng trong khuôn khổ pháp lý và để kiểm soát, loại trừ các rủi ro tín dụng đã được lường trước.
Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của VPbank được xây dựng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.Thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để tiến hành chấm điểm, xếp loại khách hàng. Mục tiêu của chính sách khách hàng nhằm tăng cường quan hệ, có chính sách ưu tiên về lãi suất, phí, điều kiện tài sản đảm bảo với các nhóm khách hàng xếp hạng cao và ngược lại hạn chế quan hệ tín dụng, tăng cường các biện pháp đảm bảo với các nhóm khách hàng xếp hạng thấp hơn.
- Xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát vốn vay
Các nhân viên phòng nghiệp vụ trực tiếp và quản lý hồ sơ các khoản vay có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, việc trả nợ, kiểm tra tình hình tài sản đảm bảo của khách hàng để hạn chế rủi ro nhằm đảm bảo an toàn vốn vay. Đánh giá mức độ tín nhiệm và phân loại khách hàng, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm để đảm bảo hoạt động tín dụng luôn an toàn, hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay phù hợp với VPbank và đặc điểm kinh doanh, sử dụng vốn của khách hàng.
Từ việc nâng cao chất lượng tín dụng của VPbank chúng ta có thể thấy rằng:
để chất lượng tín dụng được nâng cao thì đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, thực hiện chính sách khách hàng và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản trị rủi ro là những giải pháp quan trọng nhất.
1.4.1.2. Kinh nghiệm của Vietcombank
Vietcombank là một trong bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam về vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động và số lượng ngân hàng.
Vietcombank luôn chú trọng đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng phục vụ đặc lực cho công tác quản trị kinh doanh và phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng tiên tiến.
- Trong quản trị RRTD, Vietcombank ủy quyền phê duyệt cấp tín dụng cho các chi nhánh trên cơ sở xếp hạng tín dụng của mỗi khách hàng và xếp hạng của chính từng chi nhánh tương ứng.
+ Đối với các món vay trong quyền phán quyết, cán bộ tín dụng tại chi nhánh là người tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định xét duyệt các điều kiện vay vốn và đưa ra ý kiến của mình về việc cấp tín dụng sau đó trình lãnh đạo phòng tín dụng.Giám đốc là người quyết định cuối cùng việc cấp tín dụng.
+ Đối với những món vay vượt quyền phán quyết, chi nhánh trong hệ thống Vietcombank thông qua ban tín dụng.Ban tín dụng tái thẩm định hồ sơ vay vốn và đưa ra ý kiến tham mưu Tổng giám đốc.
- Vietcombank phân cấp cho chi nhánh quyền phán quyết tín dụng tối đa đối với một khách hàng phù hợp với yêu cầu điều kiện sau:
+ Tuân thủ các quy định của pháp luật và chế độ ngân hàng về hoạt động tín dụng, đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro tín dụng;
đảm bảo cho vay chính xác, kịp thời phục vụ khách hàng; xác định quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp điều hành trong hoạt động tín dụng, phù hợp với các quy trình nghiệp vụ và mạng lưới hoạt động; phù hợp với đặc điểm của tổ chức và hoạt động, quy mô, điều kiện, khả năng và đặc điểm của từng đơn vị phù hợp với năng lực của người được phân cấp, ủy quyền cũng như năng lực kiểm soát rủi ro của đơn vị được phân cấp.
- Vietcombank xây dựng các giới hạn an toàn trong hoạt động tín dụng, bao gồm:
+ Giới hạn tín dụng cho toàn bộ hệ thống: được xây dựng căn cứ vào các quy định pháp luật và định hướng của NHNN, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mình, Vietcombank xem xét và quyết định về giới hạn tín dụng cần thiết trong từng thời kỳ.
+ Giới hạn tín dụng cho các ngành, sản phẩm, khu vực địa lý: được xây dựng trên cơ sở phân tích, báo cáo về xu hướng phát triển, nhu cầu vốn, mức độ rủi ro của các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm trên thị trường; để hạn chế rủi ro tín dụng do tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực chủ yếu; đồng thời căn cứ vào các điều kiện hiện có Vietcombank xây dựng các giới hạn tín dụng phù hợp đối với các ngành, sản phẩm tín dụng, khu vực địa lý trong từng thời lý nhất định.
- Công tác kiểm tra kiểm soát hoạt động cho vay do bộ phận kiểm tra và giám sát tín dụng độc lập đảm nhiệm. Bộ phận này là một bộ phận thuộc Ban kiểm tra, kiểm toán nội bộ, hoạt động hoàn toàn độc lập với các Ban nghiệp vụ tín dụng nhằm đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng một cách khách quan. Bộ phận này thực hiện các nhiệm vụ như: đánh giá mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và quy trình quản trị rủi ro từ góc độ kinh doanh của từng phòng ban nghiệp vụ tại Trung tâm điều hành; thường xuyên kiểm tra và đánh giá việc nghiêm túc chấp hành pháp luật, các quy định của NHNN Việt Nam và các quy định, chính sách của Vietcombanktrong
lĩnh vực tín dụng nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm, sai lệch và khuyết điểm trong hoạt động tín dụng, từ đó đề xuất các biện pháp chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục có hiệu quả; kiểm soát hoạt động tín dụng trong toàn hệ thống Ngân hàng.
1.4.2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Qua kinh nghiệm quản trị RRTD của một số ngân hàng thương mại Việt Nam, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Kạn như sau:
Thứ nhất, xây dựng quy trình tín dụng quy định rõ trách nhiệm các khâu nghiệp vụ, tách biệt giữa bộ phận tiếp nhận hồ sơ khách hàng, bộ phận thẩm định cho vay và thu nợ, tránh chồng chéo giữa các bộ phận, gây mất thời gian cho khách hàng.
Thứ hai, xây dựng hệ thống các tiêu chí để chấm điểm khách hàng.Việc chấm điểm khách hàng có thể dựa trên mô hình phù hợp. Sau khi có kết quả chấm điểm khách hàng, ngân hàng cần đưa ra những chính sách đối xử với từng khách hàng.
Thứ ba, sử dụng những biện pháp hỗ trợ như thiết lập quỹ dự phòng rủi ro, mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi, tiền vay, phân chia giới hạn rủi ro… giúp hạn chế được rủi ro đáng kể trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thứ tư, tăng cường công tác thu thập, lưu trữ thông tin và giám sát khoản vay. Công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay được tăng cường giúp thu thập thêm thông tin để đánh giá, xếp hạng khách hàng hoặc khoản vay, từ đó có thể giúp các NH quản lý rủi ro một cách toàn diện hơn.
Thứ năm, cần thành lập tại mỗi TCTD một bộ phận quản trị rủi ro tín dụng có đủ trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp để có thể quản trị được hoạt động tín dụng một cách có hiệu quả.Bộ phận đó phải độc lập với bộ phận tín dụng tại mỗi TCTD.