Chương 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THIỀU VỚI DÒNG CHẢY CỦA YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.2.2. Nguyễn Quang Thiều và các truyện ngắn có yếu tố kỳ ảo
Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 13 tháng 02 năm 1957 tại làng Chùa venbờ sông Đáy thuộc xã Sơn Công – Huyện Ứng Hòa – Tỉnh Hà Tây cũ (Nay thuộc Hà Nội). Những ký ức về làng quê nghèo, nơi có dòng sông Đáy hiền hòa thơ mộng gắn liền với những huyền thoại, lễ nghi, với những hủ tục, lề thói của
27
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
người làng quê và cả những con người nồng hậu, chân chất... chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông từ tuổi ấu thơ, là điểm tựa tinh thần để nhà văn tìm về sau bao bươn trải gian nan và nó cũng đã trở thành ngồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong mỗi trang văn, trang thơ của ông.
Bắt đầu viết văn từ năm 1983, Nguyễn Quang Thiều là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Và ở bất cứ một lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng gặt hái được những thành công nhất định và tạo được những dấu ấn sâu đậm đối với bạn đọc. Có sức viết dồi dào ở nhiều loại hình nghệ thuật nhưng Nguyễn Quang Thiều chủ yếu được biết đến là nhà thơ, như chính ông đã nói: “Bạn muốn gọi tôi là gì cũng được nhưng thơ ca vẫn là thứ tôi mê đắm nhất. Bởi đó là nơi tôi được sống thật với mình nhất, được tự do nhất, thậm chí… ‘rồ dại’ nhất! Thi ca là giấc mơ của tôi, toàn bộ thế giới bên trong tôi - nơi không ai có thể vào được” [30]. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận vị trí đáng kể của văn xuôi trong sự nghiệp sáng tác của ông với 20 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Ông cũng được nhiều nhà phê bình đánh giá là cây bút “có nghề”. Để tạo được những thành công đó, ngoài sự nỗ lực và quá trình làm việc nghiêm túc, sự say mê và tài năng của bản thân còn bởi nhà văn có luôn có sự sáng tạo, làm mới mình trong cách viết. Xuất phát từ quan niệm như một tuyên ngôn trong văn chương: “làm mới lại những gì đã cũ, làm sống lại những gì đã chết”, Nguyễn Quang Thiều đã đem đến những cách tân nghệ thuật đáng chú ý cho văn học đương đại Việt Nam. Theo ông “nghệ thuật chân chính phải sinh ra từ sự đam mê, không vụ lợi. Để có thể chìm đắm trong đời sống nhằm phát hiện những vẻ đẹp hay cảm nhận nỗi đau chung để truyền đi, gợi mở những thông điệp nhân văn thì trước hết, người sáng tác phải được là chính mình, sống cho chính mình. Người cầm bút phải viết như một nhu cầu, thói quen hàng ngày, coi đó là một lẽ đương nhiên, một việc cần phải làm. Còn nếu viết chỉ như một cuộc chơi, một sự giải tỏa ẩn ức, phiền muộn tức thời hay để ám chỉ một cá nhân, sự việc nào đó thì không bao giờ đến được văn chương đích thực” [30].
28
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều không có độ dày về sự kiện, nhân vật, mà chỉ là một lát cắt, có khi rất nhỏ về cuộc đời; ông cũng không tập trung khai khác những kịch tính, những cao trào mà thiên về cốt truyện tâm lý, đậm chất trữ tình, được xây dựng từ những chất liệu đời thường, giản dị nhưng luôn được điểm vào đó những mạch cảm xúc, suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật làm cho câu chuyện trở nên sâu lắng. Yếu tố trữ tình trong văn xuôi của ông đã góp phần tạo nên những trang văn giàu chất thơ đan xen với nội dung phản ánh hiện thực, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với độc giả. Đúng như nhận định của PGS.TS. Đinh Trí Dũng trong bài Mạch trữ tình trong truyện ngắn thế hệ nhà văn sau 1975: “Người đọc cũng khó quên một mùa hoa cải bên sông, một làng Chùa với những bến sông, cổng làng, bờ đê, ruộng lúa...”(Dẫn theo [45, tr 15]).
Cũng khai thác đề tài chiến tranh, nhưng nhà văn đã không nhìn lên những ánh hào quang của chiến công và sự chiến thắng mà ông cúi xuống để thấy, để cảm nhận và phản ánh những sự thật đau lòng mà chiến tranh gây ra cho con người, đó là những bi kịch thời hậu chiến, bi kịch của những người lính sau chiến tranh, bi kịch của những người phụ nữ... Viết về con người, nhà văn quan tâm đến số phận của cá nhân. Nổi bật lên trong đó là những chuyện đời tư, những số phận riêng, những bi kịch, những mâu thuẫn trong đời sống tình cảm con người. Nhà văn xoáy sâu vào những sự thật nghiệt ngã, những tình cảnh trớ trêu, phũ phàng của cuộc đời, dù là trong chiến tranh hay trong cuộc sống thường nhật, để từ đó khắc họa nên những số phận khác nhau của con người.
Nguyễn Quang Thiều cũng luôn suy nghĩ về lẽ sinh tử trong cõi đời. Trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn có nói rằng: “Để cái chết trở nên giản dị và mang những bí ẩn khám phá đối với tôi thì chỉ có đời sống của chúng ta đang sống và suy nghĩ về đời sống ấy. Khi ấy, cái chết không phải là chết nữa mà nó là một đời sống với hình thức mới. Tôi quan niệm đời sống là hiện tại (hôm nay) và cái chết là tương lai (ngày mai). Và chúng ta nhìn nhận cái chết như là một ban mai đến với thế gian này”(Dẫn theo [45, tr 20]). Điều đó càng làm
29
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
ông thêm chắt chiu những giây phút mình sống; chia sẻ, cảm thông và nhân ái với con người hơn. Cõ lẽ vì thế mà khi viết về những câu chuyện của những hồn ma, tác giả lại cho rằng“Những câu chuyện ma ấy đều liên quan đến những người cụ thể ở mỗi làng quê và có cả những câu chuyện liên quan đến những người thân yêu đã khuất của trong gia đình mình. Nhưng vì khi sống có những oan khuất, những trắc trở, những đau buồn, những tiếc nuối, những ân nghĩa, những khát khao... mà khi chết vẫn hiện về như muốn nói với những người đang sống một điều gì đó hoặc muốn làm một điều gì đó... Nó thật như những câu chuyện tôi được nghe lúc nhỏ nơi thị trấn xưa kia. Nó thật như chính những gì chúng ta nếm, cầm nắm, chạm vào. Những gì chưa giải quyết xong ở "cõi này" thì sẽ được giải quyết nốt ở "cõi bên kia", mọi sự rất công bằng. Sống tốt nhận tốt, sống xấu nhận xấu, tất cả đều nhân quả và có lí do của nó”[56, tr 6].
Trong ký ức của nhà văn, những câu chuyện ma ấy gắn liền với những năm tháng ấu thơ. Ngày đó, thôn quê với những mái nhà lợp rạ lúp xúp, cây cối rậm rạp, nhiều chim chóc, nhiều hoang thú và côn trùng. Đêm xuống, cả làng chìm trong bóng tối, không có tivi, không có đài phát thanh, không có sách, thậm chí không có đèn vào các buổi tối. Lũ trẻ con ngày đó chẳng biết làm gì vào những buối tối như thế ngoài việc được bà hay mẹ kể chuyện cho nghe. Điểm nổi bật nhất của những chuyện kể hồi đó là hầu hết các câu chuyện đều mang tính kỳ bí mà chúng ta gọi là chuyện ma. Tập truyện “Cô gái áo xanh, những chuyện kì bí của làng” lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể như thế. Bối cảnh câu chuyện chính là làng Chùa ven sông Đáy, quê hương ông. Tập truyện có hai mươi truyện ngắn là hai mươi câu chuyện về ma. Đó là bóng ma của một cô gái trẻ, cứ vào đêm trăng mùa hạ lại khỏa thân, tóc thả dài trôi theo dòng nước lấp loáng, cất lời hát rờn rợn, rủ đàn ông xuống sông tắm cùng rồi dìm chết; Đó là hồn ma của một thầy giáo cứ nửa đêm lại trở về ngôi làng than khóc, đến nhà nào là lấy những ngón tay móng dài cào ngang dọc lên tất cả những cánh cửa gỗ của nhà đó; Đó là hồn ma của cô gái chửa hoang, vừa chèo đò lại chợt cười khúc khích và chợt khóc như trẻ sơ sinh lừa người dân trong làng lên đò rồi
30
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
dìm chết; Đó là ma nồi chõ với lời năn nỉ đau đớn “Xin đưa tôi về nhà”; Đó là hồn ma của con trai cụ Doãn đêm đêm lại đi hái trộm trầu và xé cau trộm cau về cho mẹ; Đó là hồn ma của cậu bé Đúc hiện lên rủ chúng bạn đá bóng cùng...
Mỗi câu chuyện đều chứa trong mình đầy huyền bí của cuộc sống, có vay có trả, nhân quả báo ứng. Và điểm thú vị ở cuốn sách là tác giả đều cố gắng đi tìm nguồn gốc sự sinh ra của những bóng ma đó. Những hồn ma là ảo nhưng lại luôn xuất phát từ những câu chuyện thật với những con người thật. Người đọc hiểu bóng ma cô gái trên sông kia do bị hãm hiếp mà chết, giờ cô hiện lên để lôi kéo, giết những kẻ có dã tâm muốn chiếm đoạt thân xác cô. Để cô không còn hại người nữa, làng bèn lập đàn tế, với đại diện các xóm, cùng lá bùa là lời xin lỗi gửi tới cô gái bị hãm hại khi còn quá trẻ. Chuyện về người chèo đò lúc nửa đêm thì hóa ra chẳng có gì xa lạ. Người chèo đò đó vốn là người làng, chửa hoang, bị cạo đầu bôi vôi, buộc bè chuối trôi sông mà chết. Nay làng biết nguồn gốc, bỏ đi hủ tục cạo đầu, bóng ma thấy an ủi không tìm về nữa. Hay chuyện hồn ma cứ tối tối hiện lên ăn trộm cau và trầu, không phải nghịch phá, mà đằng sau đó là câu chuyện của tình mẫu tử, lòng hiếu nghĩa. Khi bà mẹ già nghiện trầu cau hơn nghiện cơm, nhà lại nghèo, người con trai duy nhất chết đi bà sống một mình. Nay hồn ma anh con trai về đi ăn trộm cho mẹ. Người mẹ chết, từ đấy trong làng chẳng nhà nào mất trầu cau nữa... Lý giải được nguồn gốc sự sinh ra những bóng ma đó chúng ta sẽ thấy những con ma trong “Cô gái áo xanh, những chuyện kì bí của làng” không hề đáng sợ, không có răng nanh, lưỡi đỏ như cách người ta vẫn tưởng tượng để dọa nạt trẻ con. Đó đều là con người. Đặc biệt, những câu chuyện trên luôn kết thúc rất có hậu. Ở đó, bạn đọc gặp được sự sẻ chia về sự công bằng và biết ơn, sẽ nhận ra từ những câu chuyện kỳ bí ấy những thông điệp nhân văn cho cuộc sống hiện tại.
Tập truyện “Mùa hoa cải bên sông” không dày đặc yếu tố kì ảo như “Cô gái áo xanh, những chuyện kì bí của làng” mà chỉ thấp thoáng những điều kỳ ảo:
Những giấc mơ kì lạ của Ân và Mật trong “Hai người đàn bà xóm trại”; Lời khẳng định của người cô cứ vào mùa hoa tầm xuân nở người chồng đã mất của cô
31
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
lại trở về trong “Người với hoa tầm xuân”; Ngần thấy mình xinh đẹp hơn khi nhặt được chiếc lông chim mầu đỏ huyền diệu trong “Chiếc lông chim mầu đỏ”; Hình ảnh một đứa trẻ mới đẻ mắt trong như mắt cá, nhìn vào bờ, cứ cười ba tiếng rồi lại khóc ba tiếng trong “Mùa hoa cải bên sông”;Tiếng gọi của mẹ May nghe âm ấm, mơ hồ trong đêm trong “Gió dại”; ... Những câu chuyện đó luôn chứa đựng đời sống tâm linh hiện hữu ngoài cuộc sống thực. Chính nỗi niềm mong nhớ, tình yêu, sự thủy chung chờ đợi của Ân và Mật, của những người vợ lính trong chiến tranh đã khiến giấc mơ về một ngày đoàn tụ với người chồng thân yêu luôn hiển hiện trong tâm trí. Chiếc lông chim màu đỏ nhỏ nhoi, nhưng mang theo cả một huyền thoại của làng quê, đem đến cho Ngần niềm tin vào bản thân và tình yêu, cô không còn tự ti về sắc vóc của mình. Chính niềm tin vào bản thân và tình yêu đã làm cho cuộc đời cô thay đổi, để đón nhận một tình yêu thật chân thành. Hay bằng một giác quan kì lạ của tình máu mủ mà May dường như nghe thấy tiếng gọi của mẹ dù chưa tìm thấy mẹ....
Kỳ diệu đấy, mà cũng rất đỗi thân quen, gần gũi. Và ở ngay bên mình, quanh mình đấy, nhưng cũng đầy gợi mở con người vươn xa bằng đời sống tâm hồn phong phú, phóng khoáng. Nhà văn nói với chúng ta rằng, biết cảm nhận, thẩm thấu và nâng niu những điều nhỏ bé, bình dị, thì bản thân chúng, bản thân đời sống chung của chúng ta, và bản thân mỗi người nữa, sẽ lớn lên đến vô cùng. Đó cũng chính là điểm chung của “Mùa hoa cải bên sông” và “Cô gái áo xanh, những chuyện kỳ bí của làng”.
Tiểu kết chương 1
Với việc tìm hiểu và trình bày quan niệm về yếu tố kì ảo, dòng chảy kì ảo trong tiến trình văn học Việt Nam, chúng tôi đã có những cơ sở cần thiết bước đầu cho việc nghiên cứu khái quát về khuynh hướng văn học có yếu tố kì ảo ở Việt Nam đương đại cũng như xác định được vai trò, vị trí của Nguyễn Quang Thiều trong khuynh hướng ấy.
32
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
Văn học có yếu tố kì ảo là một dòng chảy âm thầm mà bền bỉ trong nền văn học nhân loại. Bản thân nó cũng không ngừng biến đổi qua những giai đoạn khác nhau nhằm truyền đạt những quan niệm khác nhau về thế giới và con người. Trong văn học Việt Nam, yếu tố kì ảo cũng luôn có sự biến đổi trong các giai đoạn vận hành của nó, lúc rầm rộ khi trầm lắng nhưng cũng chứng tỏ được sức sống của mình. Sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới yếu tố kì ảo một lần nữa tái sinh trong văn học đương đại. Sự tái sinh này đã góp phần đem lại cho văn học đương đại Việt Nam một diện mạo mới mẻ trên cơ sở bảo lưu truyền thống và kế thừa những tinh hoa của văn học thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong mạch nguồn dòng chảy kỳ ảo của văn học Việt Nam đương đại, Nguyễn Quang Thiều đã để lại những dấu ấn khó phai. Dưới ngòi bút của ông, yếu tố kì ảo đã trở thành công cụ đắc dụng trong việc truyền tải những vấn đề của con người đương đại. Từ đó giúp người đọc khám phá thêm lối đi riêng về nghệ thuật viết truyện ngắn, đồng thời cảm nhận được chiều sâu nhân văn và triết lý được ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện kể của ông.
33
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
Chương 2