CHƯƠNG 3 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
3.2 Một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh
3.2.1 Giải pháp về công tác tổ chức quản lý
3.2.1.1 Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý:
Đề ra được mục tiêu và phương hướng là rất quan trọng, song muốn biến những mục tiêu phương hướng ấy thành hiện thực thì phải có một tổ chức phù hợp. Hiện nay bộ máy của công ty cồng kềnh và chồng chéo, vì vậy nhất thiết phải sắp xếp lại theo hướng tinh giảm, khắc phục hướng ngược lại là bộ máy không đầy đủ, không chặt chẽ. Cụ thể Công ty cần thực hiện một số công việc chủ yếu sau:
1) Đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của Công ty;
bồi dưỡng, đào tạo, mạnh dạn bổ nhiệm những cán bộ có đủ năng lực vào các vị trí quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng người trong ban giám đốc phụ trách từng lĩnh vực như : kinh doanh, tài chính, quản lý kỹ thuật, nhân sự,...
2) Thực hiện kiện toàn, sắp xếp sử dụng hợp lý lại lực lượng cán bộ công nhân viên tại phòng ban Công ty; tiếp tục bổ sung những cán bộ có năng lực cho lĩnh vực quản lý kỹ thuật, sắp xếp lại lực lượng cán bộ làm công tác kinh doanh cho hợp lý trên cơ sở tăng cường chất lượng cán bộ.
3) Bộ máy quản lý của Công ty hiện nay được xây dựng theo tuyến chức năng, chỉ đạo trực tuyến. Nó có một số ưu điểm như chuyên môn hoá cao, định rõ được nhiệm vụ của đơn vị như trong cùng một Tổng kho việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn lại do hai đơn vị độc lập nhau thực hiện, nhiều khi công việc chồng chéo lên nhau, khó kiểm soát. Mô hình chỉ đạo trực tuyến chỉ phù hợp trong điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh trong phạm vi hẹp, mô hình tổ chức nhỏ, ít đầu mối. Trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt, diễn biến phức tạp thì sắp xếp các đơn vị có cùng chức năng là phù hợp, nó phát huy được tính chủ động sáng tạo ở cơ sở, gắn được trách nhiệm với quyền lợi của cơ sở, tạo điều kiện cho Công ty hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đối với bộ máy Công ty hiện nay có thể đưa ra mô hình tổ chức sắp xếp như sau:
Thứ nhất: Sáp nhập đội bảo vệ vào Tổng kho Thượng lý và sáp nhập các bộ phận đảm bảo kỹ thuật trong kho của xưởng cơ khí vào Tổng kho.
Thứ hai: Thành lập Xí nghiệp dịch vụ trên cơ sở sáp nhập kho vật tư và bộ phận còn lại của xưởng cơ khí.
Thứ ba: Thành lập Xí nghiệp vận tải trên cơ sở sáp nhập Trạm dịch vụ và kinh doanh xăng dầu đường thuỷ và đội xe vừa tổ chức kinh doanh vừa vận chuyển tạo chân hàng cho các khách hàng.
Thứ tư: Các phòng, ban chức năng cũng cần được sắp xếp lại để giảm đầu mối: Sáp nhập phòng hành chính quản trị vào phòng TCCB-LĐTL.
Thứ năm: Xác định lại chức năng nhiệm vụ tham mưu của các phòng ban chức năng, tránh những việc hai phòng cùng tham gia, hoặc có những việc phòng nào làm cũng được nên hay bị bỏ trống.
Khi thành lập mới các đơn vị trực thuộc của Công ty và sắp xếp lại các phòng ban chức năng thì trong bộ máy của Công ty tỉ lệ gián tiếp chỉ còn chiếm 4-5% tổng số CBCNV, bao gồm các bộ phận sau:
- Ban giám đốc gồm: Giám đốc và 02 Phó giám đốc.
- Các phòng nghiệp vụ gồm 05 phòng:Phòng Kinh doanh, Phòng Kế toán tài chính, Phòng Quản lý kỹ thuật, Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Tin học.
- Các đơn vị trực thuộc gồm: Tổng kho xăng dầu Thượng Lý, Xí nghiệp dịch vụ, Xí nghiệp vận tải, Hệ thống các cửa hàng.
Trong tình hình hiện nay bộ máy của Công ty phải gọn nhẹ, năng động, linh hoạt đủ năng lực để triển khai các mục tiêu phát triển.
3.2.1.2 Nâng cao chất lượng nhân lực:
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, để phát triển Công ty phù hợp với tình hình thực tế, công tác tổ chức cán bộ phải được thường xuyên quan tâm: Tiếp tục bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, công nhân có tay nghề cao nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh với mục tiêu: "Xây dựng và phát triển nguồn lực con người của Công ty về mọi mặt, đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, xây dựng một
đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật nghiệp vụ có trình độ giỏi, đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, lao động với năng suất, chất lượng và ngày càng hiệu quả".
Với mục tiêu đó, trên cơ sở số người hiện có, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ sản xuất trong từng năm, từng thời kỳ, Công ty cần xây dựng kế hoạch định hướng về nhu cầu sử dụng lao động trong giai đoạn dài để có kế hoạch thực hiện định hướng đó bằng cách tiến hành tuyển dụng mới kết hợp với đào tạo mới, đào tạo lại. Đây vừa là mục tiêu vừa là biện pháp để thực hiện tốt việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty.
1) Công ty cần có kế hoạch đào tạo lại, bổ sung mới lực lượng cán bộ và lực lượng lao động. Hình thức đào tạo phải hết sức phong phú và có chọn lọc, tránh đào tạo một cách máy móc, không có chất lượng hoặc không phù hợp với thực tế yêu cầu của Công ty. Kế hoạch đào tạo phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và có chiến lược lâu dài trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tránh việc nhấn mạnh lĩnh vực này mà quên lĩnh vực kia để khi cần thì việc bố trí cán bộ lúng túng và thiếu hụt. Trong những năm qua tốc độ tăng trình độ đại học không đáng kể, nếu có thì chỉ tập trung ở lĩnh vực kinh tế, còn lĩnh vực kỹ thuật lại không được quan tâm, nhất là lĩnh vực tự động hoá, điện, điện tử, tin học.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, công ty cần tiến hành đánh giá lại toàn bộ chất lượng lao động, từ đó căn cứ vào năng lực để bố trí và căn cứ vào mục tiêu phát triển của công ty để có kế hoạch đào tạo cụ thể.
2) Chương trình đào tạo phải được đổi mới thiết thực, tránh việc đào tạo rập khuôn và lệch lạc trong thời gian trước. Chương trình đào tạo nâng bậc cho công nhân phải sát thực tiễn, không được coi việc học và thi nâng bậc chỉ nhằm mục đích nâng lương cho công nhân, qua việc đào tạo nâng bậc cho công nhân để nâng cao trình độ lý thuyết và tay nghề thực hành là chính.
Người lao động hưởng bậc lương nào phải tương xứng với đóng góp vào sản xuất kinh doanh của Công ty theo mức đó.
3) Song song với việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thì công tác cán bộ cũng phải được đổi mới cho phù hợp “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”. Đối với công ty, công tác cán bộ chiếm vị trí quan trọng trong quá trình phát triển nói chung và thực hiện chương trình hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật của công ty nói riêng. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, lề lối làm việc, có nhiệm vụ mới thành lập tổ chức, có tổ chức mới bố trí cán bộ, không vì cán bộ mà thành lập tổ chức. Mỗi cán bộ trong tổ chức phải có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng. Việc tuyển chọn cán bộ phải thực hiện theo tiêu chuẩn đủ năng lực chuyên môn, nhiệt tình có trách nhiệm, có đạo đức cách mạng và lập trường chính trị vững vàng. Đổi mới trẻ hoá đội ngũ cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn và có sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp các độ tuổi đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa và tính phát triển, giữ vững đoàn kết, ổn định nội bộ.
4) Đội ngũ cán bộ công nhân viên là một trong những nguồn lực góp phần quyết định tới việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty, vì vậy cần thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho người lao động có cuộc sống ổn định, gắn bó với đơn vị; tìm kiếm, giải quyết đủ việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở đảm bảo tăng năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển; giải quyết đầy đủ kịp thời các chế độ khác đối với người lao động như chế độ nâng lương, nâng bậc, ốm đau thai sản, nghỉ thôi việc, nghỉ hưu,... để tạo tâm lý yên tâm gắn bó giữa người lao động với Công ty.
3.2.1.3 Giải pháp về số lượng lao động
Thực tế trong những năm qua lực lượng lao động của Công ty tương đối đông và việc bố trí sắp xếp chưa thật hợp lý, vì vậy làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu năng suất của Công ty. Để khắc phục tình trạng này Công ty cần áp dụng những biện pháp sau:
1) Mở rộng mạng lưới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các loại hình dịch vụ để giải quyết số lao động còn dôi dư, số lao động làm việc không đúng ngành nghề đào tạo; đồng thời tăng doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
2) Động viên khuyến khích cán bộ, nhân viên làm việc tại các phòng ban chức năng cũng như các đơn vị trực thuộc kiêm nhiệm công việc theo hướng
“đa năng”, nhằm hạn chế việc tuyển dụng thêm, tiết kiệm chi phí tiền lương và tăng năng suất lao động trong Công ty.
3) Thực hiện biện pháp “đổi hạt” nhằm giải quyết số lao động có trình độ chuyên môn thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao cho về nghỉ chế độ trước độ tuổi lao động và thay thế bằng con cái của chính những cá nhân đó đã được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp vào làm việc tại Công ty. Biện pháp này tạo ra một thế hệ công nhân nhiều đời làm việc cho Công ty, đồng thời góp phần vào việc nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động, giảm sức ép về việc làm, thu nhập đối với gia đình CBCNV trong Công ty.