Hoàn thiện các văn bản pháp lý và nâng cao chất lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 108 - 114)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

3.3. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

3.3.8. Hoàn thiện các văn bản pháp lý và nâng cao chất lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư

Mỗi một dự án đầu tư xây dựng, tiến độ thực hiện dự án nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào công tác thực hiện giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện GPMB phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế chính sách của nhà nước, về đơn giá bồi thường, năng lực trách nhiệm của đơn vị lập phương án, cũng như ý thức chấp hành của người dân. Như vậy để đẩy nhanh công tác thực hiện GPMB và giải quyết những bất cập còn tồn tại hạn chế trong công tác GPMB cần phải có những giải pháp như sau:

- Về phía nhà nước: Sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý về chính sách bồi thường GPMB như: ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013; Các văn bản nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai, đòi hỏi các văn bản trên phải chi tiết cụ thể, sát với thực tế, tránh tình trạng ra văn bản còn chung chung gây hiểu lầm trong dân chúng dẫn đến khiếu kiện kéo dài triền miên.

- Về phía tỉnh: Phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời về thi hành Luật đất đai, văn bản quy định về thực hiện công tác GPMB trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, và xu hướng có lợi cho người dân.

Hàng năm tỉnh phải giao cho các cơ quan tham mưu kiểm tra rà soát lại thị trường biến động về giá đất trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở ban hành giá đất hàng năm sao cho phù hợp sát với giá đất trên thị trường, đặc biệt lưu ý đến khu vực có dự án phải thu hồi đất GPMB

Thường xuyên kiểm tra rà soát điều chỉnh lại đơn giá bồi thường về tài sản công trình, vật kiến trúc, cây trồng vật nuôi theo đơn giá trên thị trường để khi áp tính toán bồi thường không gây thiệt hại kinh tế cho người dân (Nên áp dụng hệ số trượt giá theo chỉ số giá xây dựng).

Có chính sách an sinh cụ thể cho những người thu hồi đất nông nghiệp để ổn định cuộc sống lâu dài.

Phân cấp triệt để và rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, các cấp các ngành để chủ động trong công tác thực hiện GPMB.

- Về phía địa phương UBND các huyện, thành phố theo phân cấp về công tác GPMB của tỉnh: Sớm ban hành quy trình các bước thực hiện về công tác GPMB, lưu ý quy trình phải thật cụ thể, dễ thực hiện và nhanh gọn.

Trước khi tiến hành bồi thường GPMB phải tiến hành lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong vùng bị ảnh hưởng. Thực hiện quy chế công khai dân chủ công bằng và văn minh. Nếu có 2/3 số ý kiến của người bị ảnh hưởng đồng ý phương án đền bù thì phải triển khai đồng loạt, đồng thời có biện pháp cụ thể để cưỡng chế đối với số còn lại nếu họ không đồng ý thực hiện.

UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo sát sao các phòng ban, cơ quan chức năng thuộc cấp huyện liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, và giải quyết kịp thời những thắc mắc kiến nghị của dân đảm bảo sự công bằng khách quan và chính xác, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ GPMB và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

- Về phía cơ quan được giao thực hiện công tác GPMB: Sắp xếp bố trí những người có đủ năng lực kinh nghiệm, am hiểu pháp luật đồng thời phải có tư cách đạo đức, phải thật công bằng công khai, không vụ lợi trong công việc để giao phụ trách thực hiện GPMB. Ngoài ra cán bộ thực hiện GPMB phải có chế độ tiền lương khá hơn làm ở các lĩnh vực khác để họ chuyên tâm vào công tác chuyên môn, tránh hiện tượng làm sai xót, vụ lợi, không chính xác không công bằng dẫn đến khiếu kiện mất lòng tin.

Khi lập và phê duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ GPMB và tái định cư phải xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, vận dụng và áp dụng đơn giá phù hợp và chính xác về đất, tài sản trên đất, các lợi thế vị trí đất để từ đó áp dụng cho từng loại hình, từng dự án, từng hộ gia đình trong phạm vi bị ảnh hưởng tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, có thể làm tăng tổng mức đầu tư cho dự án.

- Đối với các đơn vị cấp xã có dự án đi qua:

Lãnh đạo cấp xã phải cử người có năng lực am hiểu về Luật Đất đai, chính sách bồi thường GPMB và thật sự có trách nhiệm phối kết hợp với các cơ quan đơn vị thực hiện GPMB của cấp huyện ngay từ khi triển khai thông báo thu hồi đất đến kết thúc công tác bồi thường hỗ trợ GPMB để giải quyết các thủ tục và vướng mắc trong quá trình lập và công bố chi trả tiền bồi thường. Tăng cường công tác nắm bắt ý kiến kiến nghị để tuyên truyền vận động giải quyết cho nhân dân trong khu vực được biết và hiểu về chính sách pháp luật nhà nước, về lợi ích của dự án đem lại để nhân dân cùng đồng thuận và chấp hành thực hiện GPMB.

PHẦN THỨ BA

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. KẾT LUẬN

Quản lý các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là vấn đề lớn và rất phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng bao gồm rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết một cách đồng bộ và bài bản, mỗi vấn đề đều có những tác động nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng. Nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân của sự hạn chế, tồn tại từ đó đề xuất những giải pháp cho vấn đề này là rất khó khăn. Do đặc thù của lĩnh vực xây dựng là các công trình thường được đầu tư xây dựng trong thời gian dài, trong khi các cơ chế chính sách của Nhà nước thường hay thay đổi, vì vậy nên công tác phân tích đánh giá các dự án đầu tư là gặp rất nhiều khó khăn.

Qua nội dung nghiên cứu đề tài “Phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định” tác giả đã tập trung giải quyết một số nội dung chính sau đây:

- Làm rõ khái niệm, nội dung quản lý nhà nước đối với công tác quản lý dự án đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN trên cơ sở nghiên cứu các văn bản pháp quy hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng của nhà nước Việt nam để phân tích nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và các chủ thể khác tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng. Thông qua các tài liệu, các kết quả nghiên cứu để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu.

- Trên cơ sở lý luận về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình để phân tích thực trạng công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh để thấy được những tồn tại, những vấn đề còn hạn chế về môi trường pháp lý, hệ thống tổ chức, trình độ năng lực chuyên môn cũng như năng lực điều hành dự án để đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh Nam Định

Với thời gian nghiên cứu có hạn, trong khi vấn đề nghiên cứu rộng và phức tạp. Mặc dù đã được sự tận tình giúp đỡ của các đồng nghiệp mà đặc biệt là sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo TS. Vũ Quang, nhưng sự hiểu biết của bản thân còn hạn chế, chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý chia sẻ của các thầy giáo, cô giáo và những người quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xây dựng để đề tài nghiên cứu được hoàn thiện hơn.

Tác giả luận văn này xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo Viện Kinh tế và quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy giáo hướng dẫn và các cơ quan ban ngành của tỉnh Nam Định đã tận tình giúp đỡ tác giả hoàn thiện luận văn này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2003), Luật Xây dựng , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội

2. Quốc hội (2005 và 2013) Luật Đấu thầu , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội 3. Quốc hội (2005), Luật Đầu tư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội

4. Quốc hội (2003 và 2013), Luật Đất đai , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội 5. Quốc hội (2002), Luật Ngân sách Nhà nước , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội 6. Quốc hội (2003), Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội

7. Quốc hội (2009), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư XDCB , Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội

8. Chính phủ (2009), Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

9. Chính phủ (2009), Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 sửa đổi bổ sung một số điều nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

10. Chính phủ (2009), Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu;

11. Chính phủ (2009), Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình

12. Chính phủ (2004), Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng

13. Chính phủ (2013), Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng thay thế nghị định số 209/2004/NĐ-CP

14. Chính phủ (2010), Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng

15. Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình- Học viện đào tạo cán bộ quản lý- Hà Nội năm 2010

16. Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát, đánh giá đầu tư- Công ty CP đầu tư và nghiên cứu quản lý kinh tế, Hà Nội năm 2012

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 108 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)