Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định mua thịt lợn của người tiêu dùng ở huyện yên dũng, tỉnh bắc giang (Trang 45 - 48)

PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HUYỆN YÊN DŨNG, TỈNH BẮC

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Yên Dũng nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang tiếp giáp:

Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Yên Dũng

Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng (2016) - Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương qua sông Thương

- Phía Đông Bắc giáp với huyện Lục Nam - Phía Tây giáp huyện Việt Yên

- Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh qua sông Cầu

- Phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.

Huyện Yên Dũng nằm liền kề với khu tam giác kinh tế phía Bắc và gần một số trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc

Ninh; trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và được xác định là một trong 04 huyện, thành phố trọng điểm của tỉnh Bắc Giang trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Với vị trí địa lý trên, huyện Yên Dũng có nhiều cơ hội trao đổi, giao thương với thị trường bên ngoài, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tiên tiến (Phòng NN và PTNT huyện Yên Dũng, 2016).

3.1.1.2. Địa hình

Địa hình của huyện Yên Dũng chia thành 02 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi và vùng đồng bằng.

Phần lãnh thổ có địa hình phức tạp nhất là dãy núi Nham Biền chạy cắt ngang địa bàn huyện, qua các xã Nội Hoàng, Yên Lư, Tiền Phong, Nham Sơn, Đồng Sơn, Tân Liễu, Cảnh Thuỵ, Tiến Dũng và thị trấn Neo. Đỉnh cao nhất của dãy Nham Biền có độ cao là 254 m so với mặt nước biển.

Phần lớn diện tích canh tác của huyện Yên Dũng nằm ở mức địa hình vàn, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Với địa hình đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện có thể phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị sản phẩm cao (Phòng NN và PTNT huyện Yên Dũng, 2016).

3.1.1.3. Điều kiện khí hậu, thời tiết

Yên Dũng nằm trong vùng chịu khí hậu nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt.

Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9 khí hậu thường nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khí hậu thường khô hanh có kèm theo mưa phùn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình hàng năm của huyện là 23,30C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28,8oC (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 16,40C (tháng 1). Biên độ dao động nhiệt giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 12,00C. Nhiệt độ cao tuyệt đối ghi nhận được ở vùng này là 41,20C, nhiệt độ thấp tuyệt đối là 3,30C.

Lượng mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1553mm, năm cao nhất đạt tới 2358mm. Mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 6,7,8,9 là nguyên nhân gây ra ngập lụt. Tháng 8 có lượng mưa trung bình cao nhất tới 297mm, cá biệt có năm lên tới 756mm, tháng 12 có lượng mưa thấp nhất (16mm).

Độ ẩm: độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 82%, cao nhất là 85%, thấp nhất là 77%.

Bức xạ nhiệt: số giờ nắng trung bình hàng năm là 1722 giờ, thuộc loại tương đối cao, thích hợp để canh tác 3 vụ trong năm.

Với đặc điểm khí hậu như trên, cho phép trên địa bàn huyện có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng với các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, tuy nhiên cần lựa chọn hệ thống cây trồng hợp lý để tránh tình trạng úng ngập trong mùa mưa ở các vùng trũng ven sông và tình trạng khô hạn trong mùa khô ở vùng đồi núi.

Đồng thời cũng có những ảnh hưởng đến việc khai thác sử dụng đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện như tiến độ thi công các công trình, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trong mùa mưa…

Huyện Yên Dũng được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi gồm:

- Sông Cầu chạy dọc ranh giới giữa huyện Yên Dũng và huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với tổng chiều dài 25 km.

- Sông Thương chạy cắt ngang lãnh thổ huyện theo chiều từ Tây Bắc xuống Đông Nam có chiều dài 34 km.

- Sông Lục Nam chạy dọc ranh giới của huyện Yên Dũng với huyện Lục Nam, có chiều dài 6,7 km.

Cả 3 dòng sông này đều thuộc hệ thống Lục Đầu Giang, hợp lưu với nhau ở phần ranh giới phía Đông của huyện. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời cũng là hệ thống tiêu thoát nước của phần lớn các xã, thị trấn trong huyện.

Chế độ thủy văn của các con sông phụ thuộc chủ yếu vào chế độ mưa và khả năng điều tiết của lưu vực. Chế độ thuỷ văn được chia theo hai mùa rõ rệt:

Dòng chảy mùa lũ: Thường từ tháng 6 đến tháng 9 (chậm hơn so với thời gian mùa mưa 1 tháng. Lượng nước trên các sông trong mùa lũ thường chiếm khoảng 75 - 85% tổng lượng dòng chảy trong năm, tuy nhiên phân bố không đều giữa các tháng, lưu lượng lớn nhất thường xuất hiện vào tháng 7.

Dòng chảy mùa kiệt: Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng nước trên sông chỉ chiếm 15 - 25% tổng lượng nước trong năm, tháng có lưu lượng nhỏ nhất trong năm thường xảy ra vào các tháng 1, 2, 3 và tùy từng sông.

Nhìn chung các sông chảy qua địa bàn huyện đều có hàm lượng phù sa lớn bồi

đắp nên những vùng đất phù sa màu mỡ dọc 2 bên sông. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có hệ thống các hồ, đầm đóng vai trò điều hòa dòng chảy, cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân (Phòng NN và PTNT huyện Yên Dũng, 2016).

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định mua thịt lợn của người tiêu dùng ở huyện yên dũng, tỉnh bắc giang (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)