Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn về liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ
2.2.2. Thực trạng sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ở Việt Nam
Trong những thâp kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy
mô sản xuất...; đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hóa chất.
Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như:
rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.
Nông nghiệp hữu cơ được dựa trên các kiến thức khoa học kết hợp với sự màu mỡ của đất đai và các biện pháp cải tạo đất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đối với nông nghiệp hữu cơ, do mới phát triển vài năm gần đây ở Việt Nam. Quy mô còn rất nhỏ và mang tính thử nghiệm, nhưng nông nghiệp hữu cơ đã có sức hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của người sản xuất và tiêu dùng. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ đã sử dụng các biện pháp và quá trình canh tác được coi là lành mạnh về sinh thái và bền vững. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người. Trong nông nghiệp hữu cơ, nông dân không sử dụng phân bón hóa học và các chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật hoặc các chất diệt cỏ; nông nghiệp hữu cơ từ chối sử dụng các chế phẩm biến đổi gien.(Bùi Ngọc Châu, 2014).
2.2.2.2. Thực trạng liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ở Hà Nội
Thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau gần 12.000 ha; tương đương 29.000 ha gieo trồng/năm, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân.
Sau 5 năm thực hiện, được sự chỉ đạo sát sao của UBND Thành phố, sự cố gắng, nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành của Thành phố, các địa phương cơ sở; Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được các ngành, các cấp, và nông dân đánh giá cao.
Để đạt được mục tiêu của Đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với UBND thành phố ban hành Quyết định số 104/2009/QĐ-UBND “Quy định quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội”; Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 28/1/2010 “Phê duyệt định hướng Quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”.
Năm 2008, Hà Nội bắt đầu triển khai sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân - huyện Sóc Sơn do tổ Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU-ADDA tài trợ. Đến
năm 2012 tổ chức được 10 nhóm nông dân, diện tích rau hữu cơ đạt 13 ha. Năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với xã Thanh Xuân, trực tiếp là Hội nông dân xã Thanh Xuân triển khai các hoạt nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau hữu cơ để phát triển diện tích và phát triển nhóm nông dân. Kết quả từ năm 2012 đến năm 2015, số nhóm nông dân tăng 8 nhóm, diện tích rau hữu cơ đạt 11 ha; đến nay phát triển 18 nhóm nông dân (8-10 hộ/nhóm), tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 24 ha. Ngoài sản xuất rau hữu cơ theo các nhóm nông dân, một số doanh nghiệp tham gia sản xuất rau hữu cơ như: Công ty Việt Liên diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 3 ha trên địa bàn quận Long Biên, Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 10 ha trên địa bàn huyện Thạch Thất. Các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức quản lý sản xuất tập trung: thuê ruộng, thuê nhân công để tổ chức sản xuất.
Về tiêu thụ rau hữu cơ, Hà Nội hình thành 9 chuỗi liên kết với 47 cửa hàng, đại lý bán rau hữu cơ như: chuỗi VianGap 6, Tràng An 2, Eco Mat 2, Nông sản ngon 2, Bắc Ninh 2, Lục Thủy 2, chuỗi Công ty Tâm Đạt 20, thực phẩm ngon 1, thực phẩm sạch 39 Nhân Hòa 10. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các công ty, cửa hàng bán RAT theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình. Trung bình mỗi tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 - 50 tấn, Công ty Việt Liên 10 - 12 tấn, Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc 25 - 30 tấn. Với giá thu mua ổn định trung bình 15.000đ/1kg rau xanh các loại, bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất có mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí), Công ty Việt Liên 30 - 40 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc 80 - 100 triệu đồng/tháng (Thanh Tuyền, 2016).
2.2.2.3. Thực trạng liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ở Hải Phòng
Theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp TP Hải Phòng, số người có điều kiện và nhu cầu sử dụng rau hữu cơ tại thành phố rất lớn, khoảng 90.000 người, tương đương lượng rau hữu cơ tiêu thụ mỗi ngày từ 27-35 tấn. Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo sản phẩm chất lượng an toàn mà còn đảm bảo cân bằng sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường và các hệ lụy do sử dụng nhiều hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.
Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu với giá cao đồng thời cung cấp cho thị trường nội địa là cơ hội lớn cho nông nghiệp Hải Phòng.
Trong nhiều năm qua, sản xuất rau hữu cơ tại Hải Phòng vẫn chỉ mang tính thử nghiệm. Ngành nông nghiệp chưa có quyết định sản xuất cụ thể cho một đối tượng
cây trồng hữu cơ nào. Sản phẩm rau hữu cơ tiêu thụ tại Hải Phòng chủ yếu từ các tỉnh, thành khác như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Lâm Đồng.
Số lượng cung cấp cũng rất nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trong các siêu thị với chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thành phố.
Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị sinh thái, thời gian gần đây, Hải Phòng đã triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ tại các huyện An Dương, An Lão và Tiên Lãng. Mô hình do Trung tâm KN-KN Hải Phòng tổ chức thực hiện, đã thu hút 120 hộ tham gia với tổng diện tích 12 ha trồng rau cải ngọt và dưa chuột.
Chủ trương dần khắc phục những khó khăn và phát triển hơn nữa mô hình sản xuất rau hữu cơ. Sở NN-PTNT Hải Phòng cho rằng, với lợi ích nhiều mặt về sức khỏe, môi trường, hiệu quả kinh tế… của rau hữu cơ, Hải Phòng có thể nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các vùng chuyên canh rau hữu cơ và các vùng trong quy hoạch sản xuất rau an toàn của thành phố.
Tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng như Big C, Coop mart, Minh Khai…, giá bán rau hữu cơ cao hơn rau thông thường từ 30-50%. Sản phẩm hữu cơ của mô hình cũng được các doanh nghiệp, trường học, đặt hàng tiêu thụ. (Sở KH&CN Hải Phòng, 2014).