Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.4. Những nội dung nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo
Trong khuôn khổ của đề tài, nội dung nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo sẽ tập trung vào nghiên cứu một số nội dung chính sau:
2.1.4.1. Nâng cao chất lượng giáo trình, chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo thể hiện các mục tiêu của trường về kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học sau khi tốt nghiệp (Luật giáo dục, 2005). Chất lượng đào tạo của trường thể hiện ở khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học
sau tốt nghiệp. Trong điều kiện tiến bộ xã hội, khoa học công nghệ không ngừng phát triển thì chương trình đào tạo và giáo trình không tránh khỏi việc lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Việc đổi mới chương trình, biên soạn lại giáo trình là yêu cầu cấp thiết cần được các trường chú trọng để HSSV không bị bỡ ngỡ khi đi làm. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo của trường được giữ vững và nâng cao trong thời gian tới thì việc đổi mới chương trình, giáo trình là việc mà trường cần phải nghiên cứu và phải đẩy mạnh trong thời gian tới.
2.1.4.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý
Để nâng cao năng lực người giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH hiện nay hoạt động hiệu quả nhất chỉ có thể thông qua con đường đào tạo và bồi dưỡng. Nghị quyết của Đảng cũng đã nêu: “Khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng như đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và nâng cao năng lực chuyên môn ” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1997).
Giảng viên là người truyền đạt cho các em kỹ năng nghề nghiệp và lòng yêu nghề, để làm được điều đó giảng viên cần phải là người tâm huyết với nghề.
Giảng viên cần phải có kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm tốt. Ngoài ra một yếu tố quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp đó là kinh nghiệm thực tế của giảng viên. Thầy giỏi thì mới có trò giỏi vì vậy nhà trường cần thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
2.1.4.3. Nâng cao năng lực tài chính và cơ sở vật chất của trường
Nghị quyết 14 ngày 11/01/1979 của Bộ Chính trị về Cải cách giáo dục đã chỉ rõ: "Cơ sở vật chất - kỹ thuật của trường học là những điều kiện vật chất cần thiết giúp học sinh nắm vững kiến thức, tiến hành lao động sản xuất, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học hoạt động văn nghệ và rèn luyện thân thể…bảo đảm thực hiện tốt phương pháp giáo dục và đào tạo mới".
Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần 2 - Khóa VIII đã đề cập và khẳng định tầm quan trọng của cơ sở vật chất - kỹ thuật các trường học như sau: "Nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu sớm có một số trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh, tiêu chuẩn hóa và hiện đại hoá các điều kiện dạy và học”.
Những giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục cũng có đoạn nêu: "tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật các trường học " (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1997).
Có trang thiết bị tốt, GV mới có thể truyền thụ kiến thức cho sinh viên một cách có hiệu quả, mới có thể áp dụng được các phương pháp giảng dạy mình mong muốn. Có trang thiết bị tốt, hiện đại mới có thể đảm bảo chất lượng đào tạo, sau khi tốt nghiệp người học mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất nơi làm việc một cách có hiệu quả.
CSVC trang thiết bị là điều kiện cần thiết đối với người giảng viên trong quá trình thực hiện công việc giảng dạy. CSVC thiết bị tốt, hiện đại thì giảng viên mới có sự chủ động và khả năng lựa chọn sử dụng một cách phù hợp nhất cho bài giảng của mình.
Trong đào tạo nghề rèn luyện kỹ năng nghề và phẩm chất lao động nghề nghiệp – lòng yêu nghề cho người học là đặc biệt quan trọng. Để rèn luyện kỹ năng nghề tốt cho người học đòi hỏi hệ thống CSVC, trang thiết bị học tập thực hành phải phù hợp và cập nhật với thực tế sản xuất.
2.1.4.4. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đánh giá
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (2003), đánh giá được hiểu là nhận định giá trị. Trong giáo dục học, đánh giá được hiểu là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được đối chiếu với mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục.
Qua cách hiểu trên, đánh giá trong giáo dục không chỉ ghi nhận thực trạng mà còn đề xuất những quyết định làm thay đổi thực trạng giáo dục theo chiều hướng mong muốn của xã hội.
Kiểm tra, đánh giá là một nội dung quan trọng của hoạt động đào tạo. Kết quả kiểm tra, đánh giá giúp khoa và nhà trường xác định mục tiêu đào tạo có phù hợp hay không, việc giảng dạy của giảng viên có thành công hay không và quá trình học tập của sinh viên có hiệu quả hay không. Vì vậy, KTĐG ngoài chức năng là công cụ để kiểm định chất lượng đào tạo, giúp phân loại sinh viên còn là động lực để thúc đẩy thầy trò dạy và học tốt hơn.
Để kiểm tra, đánh giá đạt hiệu quả cần phải xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện và quy trình để phản ánh KQHT của sinh viên cũng như kết quả đào tạo của nhà trường một cách toàn diện, chính xác và khách quan.
Công tác kiểm tra và tổ chức thi cần thực hiện một cách chặt chẽ để hướng tới mục tiêu kết quả thật, chất lượng thật. Từ công tác tổ chức thi và đánh giá chặt chẽ làm cho người học sẽ có ý thức chủ động trong học tập và rèn luyện bản thân nếu muốn đạt kết quả cao, năng lực tốt.
2.1.4.5. Tăng cường mối quan hệ giữa trường với doanh nghiệp
Người sử dụng lao động chính là người đánh giá chất lượng đào tạo của trường một cách khách quan và chính xác nhất. Để HSSV ra trường có thể tìm được việc làm ngay, đúng chuyên ngành và mức lương phù hợp đòi hỏi các em phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng bám sát với thực tế, cần được thực hành, thực tập trong những môi trường chuyên nghiệp mà không ở đâu tốt hơn là chính tại các doanh nghiệp. Để có thể thu được những phản hồi kịp thời về chương trình đào tạo, chất lượng của HSSV ra trường từ phía doanh nghiệp đòi hỏi trường cần thường xuyên trao đổi, hợp tác và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.