Nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện kim bảng, tỉnh hà nam (Trang 27 - 30)

Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.3. Nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp một cách khoa học và hợp lý là giảm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, thủy sản. Trong trồng trọt thì giảm tỷ trọng sản xuất lúa, tăng tỷ trọng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao ở cả 3 vụ (Vụ Xuân, Mùa và Đông) nhằm tăng giá trị thu trên một đơn vị diện tích sản xuất. Tuy nhiên, đối với huyện Kim Bảng sản xuất lúa vẫn là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân trong huyện. Do vậy, cần chuyển dịch cơ cấu trà lúa, giống lúa để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất lúa.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tích tụ ruộng đất, chuyển mạnh một phần diện tích đất

sản xuất lúa để xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Sản xuất rau, quả sạch và trồng hoa), tạo thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người dân và phục vụ cho khu du lịch Tam Chúc, các khu công nghiệp trong huyện và địa bàn lân cận… Từng bước tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, xác định hợp lý cơ cấu đàn lợn, đàn gia cầm, đàn bò... Thực hiện phương thức chăn nuôi kết hợp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế. Từng bước phát triển thuỷ sản trở thành thế mạnh, kết hợp nuôi thả những giống cá có hiệu quả kinh tế cao với việc phát triển hệ thống tiêu thụ, đưa giá trị thu nhập ở khu vực này tăng cao hàng năm (Lê Đình Thắng, 1998).

2.1.3.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng thể hiện sự tái phân công lao động theo vùng lãnh thổ. Dựa trên những lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa lý, kinh tế - xã hội của mỗi vùng mà hình thành các vùng kinh tế. Các vùng kinh tế này có những đặc điểm khác nhau nhưng có điểm chung là dựa vào những lợi thế đó để khai thác có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng kinh tế trong vùng nhằm tạo ra sự phát triển. Kinh tế vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nhằm khai thác những lợi thế từ lao động, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để xây dựng một chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh theo hướng chuyên môn hoá, đa dạng hoá. Chuyển dịch cơ cấu vùng còn làm cho những diện tích đất trước đây chưa sử dụng, hoặc sử dụng chưa hiệu quả, hoặc chưa chuyển đổi được sang hướng sản xuất phù hợp được sử dụng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, khi có một cơ cấu kinh tế vùng hợp lý sẽ thu hút được vốn đầu tư từ bên ngoài nhằm duy trì và phát triển kinh tế vùng đó (Bùi Tất Thắng, 1994).

Trong nền kinh tế thị trường, ở mỗi vùng, ngành nào có ưu thế cạnh tranh sẽ phát triển nhanh. Từ đó, kéo theo các ngành khác có liên quan cùng phát triển cả về qui mô và tốc độ theo một quan hệ, tỷ lệ nhất định, qua đó đạt hiệu quả kinh tế cao nhất của vùng. Xác định cơ cấu kinh tế vùng hợp lý sẽ tạo cơ sở để khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn những tiềm năng về tài nguyên, sức lao động, cơ sở vật chất hiện có của từng vùng. Điều này quyết định tốc độ phát triển kinh tế hàng hoá ở nông thôn mỗi vùng cũng như cả nước. Khi có biến đổi lớn trong vùng kinh tế về kết cấu hạ tầng và tình hình kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trình độ dân trí, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sự xuất hiện của những tiến bộ mới trong công nghệ sinh học, nhu cầu mới của thị trường… sẽ xuất hiện những

ngành sản xuất - kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao hơn. Để phát triển các ngành mũi nhọn ở các vùng kinh tế nông thôn, trong quá trình xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế vùng cần coi trọng tác động vĩ mô của Nhà nước thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách như: Khuyến nông, xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách thuế ưu đãi và những thông tin cần thiết… (Trần Văn Chử, 2013).

2.1.3.3. Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường luôn tồn tại những hình thức sở hữu khác nhau.

Chính sự đa dạng hoá sở hữu đã quyết định sự tồn tại của các thành phần kinh tế. Sự khác nhau giữa các thành phần kinh tế thể hiện ở trình độ xã hội hoá, sự phát triển của lực lượng sản xuất, trình độ tổ chức quản lý, phương thức phân phối sản phẩm và các mối quan hệ về lợi ích. Mỗi thành phần kinh tế có bản chất và những đặc điểm riêng. Lợi ích của các thành phần kinh tế vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn và có mối quan hệ với nhau, cùng tồn tại với nhau trong một nền kinh tế. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã trở thành tất yếu trong đời sống xã hội của nhiều nước trên thế giới. Do đó, phải tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế trong nông nghiệp ở nước ta được thực hiện theo hướng đảm bảo để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế (Đinh Phi Hổ, 2003).

2.1.3.4. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lao động

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lao động là sự tái phân công lao động dựa vào các lợi thế trong quá trình phát triển sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lao động nhằm tạo ra đủ việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, phát huy năng lực của lao động, đóng góp hiệu quả hơn cho khu vực, cho vùng, cho đất nước, cho sự phát triển và ổn định kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lao động được thực hiện trên cơ sở kế hoạch, chiến lược qui hoạch đội ngũ cán bộ, công nhân, nông dân… theo một cơ cấu hợp lý để từ đó phát huy được thế mạnh về lao động. Trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nước ta từng bước được nâng cao, cơ sở vất chất kỹ thuật của nông nghiệp ngày càng hiện đại, khai thác có hiệu quả hơn những tiềm năng to lớn của nền nông nghiệp nhiệt đới phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy

nhiên, bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện khoa học công nghệ trên thế giới phát triển cao, nhất là công nghệ tin học, công nghệ sinh học, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo trình độ công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Xu hướng chung hiện nay là phải tăng tỷ trọng công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại kết hợp với khai thác lợi thế của công nghệ truyền thống (Vũ Đình Thắng, 2004).

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện kim bảng, tỉnh hà nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)