Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện kim bảng, tỉnh hà nam (Trang 35 - 39)

Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Những kinh nghiệm, bài học trên thế giới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Kinh nghiệm của Thái Lan

Phát huy lợi thế đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu: Vào những năm 1980, Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng từ chiến lược ưu tiên công nghiệp hoá đô thị sang chiến lược vừa công nghiệp hoá đô thị, vừa công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn; kết hợp giữa đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo hướng đa dạng hóa, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có và giảm bớt rủi ro thị trường. Nhờ đó, cơ cấu nông sản thời kỳ 1988 - 1998 biến đổi theo hướng: cao su, hoa quả, chăn nuôi và mía đường tăng nhanh; lúa gạo và ngô tăng chậm; khoai mì và đậu tương giảm mạnh (Lê Đình Thắng, 1998).

Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu:

Gần đây, Thái Lan chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, xuất khẩu. Bên cạnh đầu tư mạnh cho chọn lọc, lai tạo và ứng dụng các giống cây, con có năng suất và chất lượng cao, Thái Lan tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp ở nông thôn, hình thành được ngành cơ khí nông nghiệp và chế biến nông sản tương đối hiện đại, góp phần làm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia xuất khẩu: Để gia tăng khả năng tiêu thụ nông sản ổn định và tăng thu nhập cho nông dân, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp khác nhau tham gia xuất khẩu nông sản thông qua chính sách giảm thuế xuất khẩu, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các nhà xuất khẩu; dựa trên quy mô kho chứa để khuyến khích các nhà xuất khẩu xây dựng thêm kho chứa nông sản kết hợp với đầu tư hệ thống phơi sấy, chế biến tại địa bàn nông thôn (Lê Đình Thắng, 1998).

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý là:

Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ: Năm 1978, Trung Quốc tiến hành thực hiện phương thức khoán sản phẩm đến hộ nông dân, từng bước đa dạng hóa sở hữu ở nông thôn và tập trung đầu tư cho nông nghiệp với các nội dung chủ yếu là đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học tạo giống cây trồng, vật nuôi tốt đưa vào sản xuất, tăng cường thủy lợi hóa, cơ giới hóa và hóa học hóa. Đến năm 1997, trên 40% diện tích lúa sử dụng giống lai cho hiệu quả cao, tăng phân bón từ 80 kg/ha (1952) lên 257 kg/ha (2002), bảo đảm tưới tiêu nước cho 1/2 diện tích canh tác.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt hướng về xuất khẩu: Cùng với hiện đại hóa nông nghiệp, Trung Quốc còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi, đa dạng hóa trồng trọt và tăng cường xuất khẩu nông sản. Tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi trong GDP nông nghiệp năm 1978 là 80% và 15%, đến năm 1997 là 56% và 30%.

Điều chỉnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hội nhập: Để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, cơ cấu kinh tế nông nghiệp Trung Quốc được điều chỉnh với mục tiêu dài hạn là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại hoá, nhất thể hóa với sản phẩm chất lượng và năng suất cao, có thể bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển bền vững. Mục tiêu ngắn hạn là tập trung nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm đặc sản có lợi thế, tăng cường ý thức về thương hiệu. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp và từng bước nâng cao tỷ lệ sản xuất chuyên môn hóa theo từng khu vực, phát triển mạnh dịch vụ nông nghiệp. Kết quả đạt được của năm 2003 so với năm 2000, diện tích cây lương thực sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước giảm từ 30,3 triệu ha xuống

còn 28,5 triệu ha, các cây trồng sử dụng nhiều lao động, nhất là rau quả tăng, tỷ trọng các sản phẩm có chất lượng tốt tăng đáng kể, trong đó lúa chất lượng cao vượt 50% và trái cây chất lượng cao đạt 30%.

Giảm thuế nông nghiệp cho nông dân, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn: Gần đây, để khắc phục tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và các khu vực, Trung Quốc đã thực thi chiến lược “Đại khai phá miền Tây” và tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thông qua chính sách giảm thuế nông nghiệp cho nông dân, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và phát triển hạ tầng ở khu vực nông thôn (Nhung Điện Tân, 2003).

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Các biện pháp đáng chú ý mà Hàn Quốc đã thực hiện để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bao gồm:

Phát triển nông nghiệp trang trại quy mô vừa và nhỏ: Từ những năm 1950, Hàn Quốc đã hình thành nền nông nghiệp trang trại trên cơ sở kinh tế hộ nông dân quy mô nhỏ, không phát triển các trang trại quy mô lớn, sản xuất kinh doanh theo phương thức sử dụng lao động làm thuê. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nông nghiệp ở giai đoạn này là bảo đảm lương thực. Vì thế, ngoài quản lý việc nhập khẩu lúa gạo, chính phủ đã tập trung cho đầu tư mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất lương thực.

Khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Bước sang giữa những năm 1960, Hàn Quốc tập trung vào nhiệm vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thông qua Chương trình phát triển các xí nghiệp, phong trào cộng đồng mới ở nông thôn, nhằm nâng cao tinh thần và điều kiện sống, giảm bớt khoảng cách thu nhập giữa vùng nông thôn và thành thị vào những năm 1970.

Khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ thông qua hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Để hiện đại hóa nông nghiệp, Hàn Quốc tập trung vào ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học và hóa học, tăng đầu tư cho thủy lợi và cải tạo đồng ruộng, thực thi chiến lược tổng thể về cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ khí nhỏ thông qua khuyến khích thành lập tổ cơ giới hóa nông nghiệp, cho nông dân vay 60% trong thời hạn 5 năm với lãi suất 6%/năm và hỗ trợ 40% tiền mua máy.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Để nâng cao chất lượng và hạ giá thành nông sản phục vụ xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc vào

đầu những năm 1990 có xu hướng chuyển sang nông nghiệp kỹ thuật cao, giảm sản xuất lúa, tăng sản xuất rau quả trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa, phát triển nhanh công nghiệp chế biến thực phẩm với gần 5.000 xí nghiệp lớn, vừa và nhỏ trên cả nước. Đến năm 2002, chỉ còn khoảng 57% nông dân Hàn Quốc làm nghề trồng lúa (Đinh Phi Hổ, 2003).

2.2.2. Những kinh nghiệm, bài học ở Việt Nam về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

* Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đang phát triển đô thị hóa với tiến bộ rất nhanh.

Hàng năm, có khoảng 1.000 hecta đất ngoại thành được chuyển mục đích sử dụng từ sản xuất nông nghiệp sang xây dựng cơ bản, khu công nghiệp, khu đô thị mới...Nhưng theo yêu cầu chung của thành phố, mặc dù đất nông nghiệp giảm nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp không những không được giảm mà còn phải tăng, giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp ngoại thành phải ngày càng cao hơn. Do đó, Thành phố HCM đã xác định phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngoại thành là nhằm chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống tạo ra giá trị thấp, sang nền kinh tế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, tập trung vào các chương trình chuyển giao các tiến bộ về giống và đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng rau, trồng hoa, cây kiểng, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Qua đó giá trị sản xuất ước tăng bình quân 5,9%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công tác dự báo, kết hợp xây dựng nông thôn mới. Tỷ trọng các ngành đến cuối năm 2013 so với năm 2010 như sau: trồng trọt từ 26,7% tăng lên 27,9%; chăn nuôi giảm từ 44,2% còn 39,1%; thủy sản từ 21,1% lên 25,8%; lâm nghiệp từ 1,3 còn 0,9%. (Đinh Phi Hổ, 2003)

Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả khá, phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao. Diện tích gieo trồng cây hoa

cảnh năm 2013 ước đạt 2.090 ha, tăng 9,42% so năm 2010; diện tích gieo trồng rau đạt 14.863 ha, tăng 14,3%; tổng đàn bò sữa 95.000 con, tăng 19,5%; sản lượng sữa tươi đạt 246.000 tấn.

Bên cạnh đó, thành phố HCM tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn vay ưu đãi cho 9.152 hộ, tổng vốn đầu tư 3.844,8 tỷ đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 2.220,2 tỷ đồng. Nhìn chung, mặc dù hàng năm tổng diện tích đất nông nghiệp có giảm nhưng giá trị và hiệu quả sản xuất vẫn tăng, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 66,6% so với khu vực thành thị. Đến năm 2012, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 41,2% so với năm 2010, bằng 80,5% so với khu vực thành thị (Sở Nông nghiệp - PTNT thành phố Hồ Chí Minh, 2014).

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện kim bảng, tỉnh hà nam (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)