Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm may mặc
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm may mặc trên thị trường nội địa
2.1.5.1. Môi trường vĩ mô
a. Môi trường kinh tế - dân cư
Môi trường kinh tế
Sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam được đánh dấu bời các sự kiện: Việt Nam thực hiện cam kết AFTA, là thành viên của ASEAN, APEC, WTO… Hình ảnh Việt Nam đang dần được bạn bè thế giới biết đến, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành may mặc phát triển.
Môi trường dân cư
Tại các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng, quá trình đô thị hoá và phân bố lại dân cư diễn ra mạnh mẽ. Các đô thị ngày càng mở rộng và đông đúc. Dòng người từ các vùng quê đổ ra thành phố làm ăn. Đây là yếu tố làm tăng nhu cầu về mọi mặt của người dân trên địa bàn các thành phố lớn, là cơ hội rất lớn đối với các công ty hướng tới thị trường may mặc nội địa.
Quy mô và tốc độ tăng dân số là khía cạnh quan trọng tác động đến quy mô nhu cầu. Quy mô dân số của một vùng, một khu vực càng lớn thì báo hiệu một quy mô thị trường lớn.
b. Chính trị- pháp luật
Trước tình hình chính trị thế giới đang bất ổn thì Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là một nước ổn định về chính trị với sự lãnh đạo của chính Đảng duy nhất Đảng Cộng Sản Việt Nam với đường lối chính sách đúng đắn. Tình hình chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi cho các công ty may mặc yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, hệ thống hành lang pháp luật của nước ta đang được cải thiện một cách rõ nét. Bộ luật đầu tư cũng đang dần được cải thiện với thủ tục nhanh chóng, đơn giản, gọn nhẹ và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Đây là nhân tố quan trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
c. Nhân tố tự nhiên- công nghệ
Điều kiện tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên;
đất đai, sông biển, các nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, tài nguyên rừng biển, sự trong sạch của môi trường, nước và không khí,... Có thể nói các
điều kiện tự nhiên luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người (đặc biệt là các yếu tố của môi trường sinh thái), mặt khác nó cũng là một yếu tố đầu vào hết sức quan trọng của ngành Dệt may. Trong rất nhiều trường hợp, chính các điều kiện tự nhiên trở thành một yếu tố rất quan trọng để hình thành lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của thị trường may mặc, đặc biệt là thị trường nội địa.
Công nghệ là một trong trong những yếu tố rất năng động, những cơ hội có thể đến từ môi trường công nghệ đối với các doanh nghiệp dệt may có thể là:
Công nghệ mới có thể tạo điều kiện để sản xuất sản phẩm rẻ hơn với chất lượng cao hơn, làm cho sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Thường thì các doanh nghiệp đến sau có nhiều ưu thế để tận dụng được cơ hội này hơn là các doanh nghiệp hiện hữu trong ngành. Sự ra đời của công nghệ mới có thể làm cho sản phẩm có nhiều tính năng hơn và qua đó có thể tạo ra những thị trường mới hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên áp lực tác động của sự phát triển công nghệ và mức chi tiêu cho sự phát triển công nghệ của ngành dệt may thường cao. Quá trình đánh giá những cơ hội và đe dọa mang tính công nghệ trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố bên ngoài.
d. Môi trường văn hóa xã hội
Môi trường văn hóa xã hội tắc đọng rất lớn đến thị trường dệt may nội địa.
Một số những đặc điểm cần chú ý là sự tác động của các yếu tố văn hoá xã hội thường có tính dài hạn và tinh tế hơn so với các yếu tố khác, thậm chí nhiều lúc khó mà nhận biết được. Mặt khác, phạm vi tác động của các yếu tố văn hoá xã hội thường rất rộng, nó xác định cách thức người ta sống làm việc, sản xuất, và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ. Như vậy những hiểu biết về mặt văn hoá xã hội sẽ là những cơ sở rất quan trọng cho các công ty may mặc trong quá trình quản trị chiến lược. Các khía cạnh hình thành môi trường văn hoá xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động kinh doanh như: Những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, về lối sống, về nghề nghiệp; Những phong tục, tập quán, truyền thống; Những quan tâm và ưu tiên của xã hội; Trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội...
Bên cạnh đó dân số cũng là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến các yếu tố khác của môi trường vĩ mô, đặc biệt là yếu tố xã hội và yếu tố kinh tế.
Những thay đổi trong môi trường dân số sẽ tác động trực tiếp đến sự thay đổi của môi trường kinh tế và xã hội và ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Những thông tin của môi trường dân số cung cấp những dữ liệu quan trọng cho các nhà quản trị trong việc hoạch định chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường, chiến lược tiếp thị, phân phối và quảng cáo.
2.1.5.2. Môi trường vi mô
Mục tiêu cơ bản của mọi công ty là thu lợi nhuận. Nhiệm vụ cơ bản của hệ thống quản trị marketing là đảm bảo sản xuất ra những mặt hàng hấp dẫn với thị trường mục tiêu, làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Những thành công của chỉ đạo marketing hay xúc tiến thương mại còn phụ thuộc vào các nhân tố của môi trường vi mô như: nội bộ doanh nghiệp, nhà cung ứng, đối thủ cạnh tranh, khách hàng…
a. Đối thủ cạnh tranh
Hiện nay trong thị trường may mặc nội địa, các doanh nghiệp chỉ mới hiểu được các khách hàng của mình thôi là chưa đủ để thành công. Họ còn phải am hiểu về các đối thủ cạnh tranh của mình nữa, để có thể hoạch định các chiến lược XTTM cạnh tranh có hiệu quả.
Những năm gần đây, việc phát triển thị trường nội địa của các doanh nghiệp may mặc ngày càng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt cả trên thị trường từ những doang nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp may mặc không có con đường nào khác ngoài việc phải củng cố khả năng cạnh tranh của mình. Họ phải bắt đầu chú ý đến các đối thủ cạnh tranh cũng như các khách hàng mục tiêu của họ.
Để đạt mục tiêu kinh doanh, các doanh nghiệp phải xác định được những nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu, và đem lại sự hài lòng cho họ một cách có kết quả và hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh. Do vậy, chiến lược XTTM chẳng những phải phù hợp với khách hàng mục tiêu mà còn phải thích nghi với những chiến lược của các đối thủ cạnh tranh.
b. Khách hàng
Khách hàng là mục tiêu cuối cùng của hoạt động XTTM, hiện nay khách hàng của các doang nghiệp may mặc bao gồm cả khách hàng trong nước và khách hàng nước ngoài. Để đảm bảo được sự thu hút đối với khách hàng mà đặc biệt là khách hàng nội địa là điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Khi
phân tích khách hàng các doanh nghiệp sẽ giải quyết được các vấn đề sau: khách hàng thật sự của mình là ai, doanh số bao nhiêu, làm sao tiếp cận được họ, ai mới là người quyết định cuối cùng, từ đó phân khúc khách hàng và tìm ra những biện pháp để thu hút khách hàng về phía mình.
c. Nội bộ doanh nghiệp
Môi trường nội bộ là rất quan trọng đối với doanh nghiệp ngành may, vì vậy việc đánh giá môi trường nội bộ cần được thực hiện thường xuyên bao gồm việc tìm ra những điểm yếu và điểm mạnh bên trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến tính cạnh tranh chiến lược của doanh nghiệp. Mục đích là tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu, điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp định hình nội dung và sứ mệnh chiến lược. Việc phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu từ môi trường nội bộ sẽ giúp doanh đưa ra được định hướng phát triển từ nhân lực đến máy móc, công nghệ từ đó các doang nghiệp ngành may có thể tìm ra những phương pháp tốt nhất để phát triển XTTM trên thị trường nội địa.
d. Nhà cung ứng
Các nhà cung ứng cung cấp các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp hoạt động. Đó là tài chính, điện, nước, vật tư, máy móc thiết bị. Nếu quá trình cung cấp các đầu vào này bị trục trặc thì ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh. Đặc biệt, giá cả và dịch vụ của nhà cung cấp có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp phải hiểu biết, quan tâm và xây dựng mối quan hệ bền vững với các nhà cung cấp.
Những nhà cung ứng trong ngành may là những công ty kinh doanh về nguyên vật liệu dùng ngành may: vải chiếm 95%, chỉ may, chỉ thêu, khuy…ngoài ra còn có một số nguyên vật liệu khác như bao bì, túi P.E… Hiện nay nguồn cung ứng chủ yếu của các doang nghiệp ngành may là từ các nước EU, Trung Quốc… điều này khiến cho thị trường may mặc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài.
e. Trung gian Marketing
Trung gian Marketing là các tổ chức kinh doanh tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Các trung gian này rất quan trọng, do vậy doanh nghiệp phải biết lựa chọn các trung gian phù hợp và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các trung gian.
Trung gian Marketing trong ngành may gồm các đại lý bán buôn, bán lẻ, các đại lý phân phối độc quyền, các công ty vận chuyển, kho vận. Họ giúp cho doanh nghiệp trong khâu phân phối hàng hoá, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể có các doanh nghiệp lớn tự tổ chức lấy quá trình phân phối, tức là thực hiện kênh phân phối trực tiếp mà không qua trung gian, hoặc tự tổ chức nghiên cứu thị trường... Tuy nhiên, cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nghĩ tới việc chuyên môn hoá mọi hoạt động của mình. Do vậy, các trung gian Marketing có vai trò rất quan trọng. Họ giúp cho công ty tiết kiệm được chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, triển khai nhanh chóng hoạt động kinh doanh, và mở rộng thị trường (Nguyễn Thị Hồng Vân, 2013).