Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm may mặc
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.6. Cơ sở thực tiễn
2.1.6.1. Kinh nghiệm XTTM trên thị trường nội địa của một số nước trên thế giới
XTTM trên thị trường nội địa có vai trò quan trọng trong đối với tất cả các nền kinh tế khi thị trường xuất khẩu có những thay đổi theo chiều hướng bất ổn.
Một số nước có hoạt động xúc tiến thương mại nội địa rất tốt như Nhật Bản, Thái Lan…đã mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm:
a. Nhật bản
Nhật Bản là quốc gia có hoạt động xúc tiến thương mại nội địa rất tốt, họ có quan điểm rất rõ ràng về việc phát triển các sản phẩm do chính Nhật bản sản xuất ra trên thị trường Nhật Bản để ủng hộ việc tăng trưởng kinh tế nội địa. Tại Nhật Bản tất cả các hình thức xúc tiến thương mại như khuyến mại hay trưng bày giới thiệu hàng hoá, dịch vụ chỉ do các doanh nghiệp thực hiện. Vai trò chủ yếu của các cơ quan, tổ chức nhà nước là hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM như:
Tổ chức phòng trưng bày cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm;
Làm cầu nối, trung gian giữa các doanh nghiệp;
Hỗ trợ về thông tin bằng việc xây dựng website; phổ biến thông tin về thị trường trong, ngoài nước và các văn bản pháp quy mới;
Tổ chức các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài.
Giới thiệu hoặc tổ chức (hay phối hợp tổ chức) các hội chợ quốc tế, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp của quốc gia đối tác giao lưu, xúc tiến mua bán hàng hoá, dịch vụ;
Tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng, cách thức tiếp cận các thị trường nước ngoài;
Cho gắn logo quảng cáo trên website của mình...
Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản đều cấp kinh phí từ ngân sách cho hoạt động XTTM nội địa, đưa ra các chính sách thương mại nội địa ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước và thông qua đây gián tiếp trợ cấp các doanh nghiệp để phát triển thị trường nội địa. Ngoài ngân sách do Chính phủ cấp hàng năm, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tìm thấy lợi ích thiết thực trong việc tham gia các hoạt động XTTM nội địa. Chính nhờ việc quan tâm sát sao, quyết liệt trong định hướng phát triển hoạt động XTTM nội địa cùng với phát triển hài hòa hoạt động thương mại quốc tế mà nền kinh tế Nhật Bản đã trở thành một trong những nền kinh tế đứng đầu thế giới. (Ngọc Thành, 2014).
b. Thái Lan
Nhạy bén với nhu cầu của thị trường để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp. Với chiến lược này, Thái Lan đã trở thành nước có “công nghệ” xúc tiến thương mại nội địa mạnh nhất trong khu vực.
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chính phủ Thái Lan đã rất chú ý thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, hướng đến một nền sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các sản phẩm như dệt May, đồ gia dụng, trang sức cũng rất được quan tâm hỗ trợ. 10 năm trở lại đây, Thái Lan lại đặc biệt chú trọng tới phát triển dịch vụ dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, y tế và giáo dục.
Để phát triển XTTM nội địa là công việc không thể làm trong một sớm một chiếu. Vì vậy, Thái Lan đặc biệt quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp ở một số hoạt động sau:
+ Vấn đề thông tin thị trường: đây là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều rất thiếu. Không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp về nhu cầu của thị trường, Chính phủ Thái Lan còn giúp họ tìm hiểu về các tiêu chí đối với sản phẩm ở các vùng miền khác nhau để doanh nghiệp có thể tiếp cận.
+ Vấn đề đào tạo nhân lực: nhân lực cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại nội địa. Thái Lan đẩy mạnh
việc thành lập các trung tâm đào tạo kỹ năng thị trường cho các doanh nhân.
Đồng thời, thường xuyên tiến hành tổ chức các hội thảo, các khóa học với các diễn giả - đó là các doanh nhân thành đạt đến từ các tổng công ty lớn, các chuyên gia nước ngoài để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm.
+ Vấn đề phát triển sản phẩm. Thái Lan luôn quan niệm, trong thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ như hiện này, giá thành là một yếu tố quan trong nhưng không phải là quyết định. Vì vậy, Thái Lan đặc biệt chú ý hướng các doanh nghiệp tới thiết kế sản phẩm. Ngoài tổ chức các buổi hội thảo, còn khuyến khích đưa các thợ giỏi tới học hỏi ở những trung tâm thiết kế lớn như Tokyo, Milan… để cải tiến thiết kế đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường nội địa.
+ Mỗi năm ngay ở trong nước Thái Lan đều tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm quốc tế về các mặt hàng như: thực phẩm, trang sức… để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận và học hỏi được từ các doanh nghiệp cùng ngành hàng của nước bạn. Thường xuyên tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp trong nước đi tham quan, tham gia triển lãm tại nước ngoài.
Với sự cạch tranh rất lớn từ những sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước, hoạt động XTTM nội địa của Thái Lan đã có được chiến lược rõ ràng, hiểu và đánh giá đúng được nhu cầu của thị trường trong nước và khó khăn thực tế của doanh nghiệp. Vi vậy đã tránh được tình trạng lãng phí trong xúc tiến thương mại, thị trường nội địa có tăng trưởng ngày càng tốt hơn (Thúy Nhung, 2008).
2.1.6.2. Kinh nghiệm XTTM của một số công ty dệt may trong nước
Thị trường nội địa hết sức quan trọng đối với ngành dệt may hiện nay, hoạt động XTTM trên thị trường nội địa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp dệt may trong nước như May Việt Tiến, May Đức Giang đang có hoạt động XTTM hết sức mạnh mẽ và hiệu quả, từ những hoạt động XTTM đó có thể thấy một số điểm mạnh của các doanh nghiệp trên như:
a. Công ty May Việt Tiến
Điểm mạnh trọng hệ thống thông tin marketing:
Hệ thống thông tin marketing bao gồm con người, phương tiện thiết bị và qui trình thu thập, xử lý, phân loại, phân tích, đánh giá và phân phối những thông tin cần thiết, kịp thời, chính xác và đáng tin cậy cho những người có thẩm quyền
ra các quyết định marketing. Vai trò của hệ thống thông tin marketing là xác định nhu cầu thông tin của những người quản trị marketing, phát triển những thông tin cần thiết và cung cấp những thông tin đó cho họ một cách kịp thời và khả thi về mặt hiệu quả kinh tế. Công ty May Việt Tiến đã xây dựng được hệ thống thông tin marketing riêng, có chiều sâu, từ đó giúp cho hoạt động XTTM của công ty ngày càng phát triển.
Điểm mạnh trong công tác nghiên cứu thị trường:
Công ty May Việt Tiến là một tác nhân trên thị trường. Để có thể tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường May Việt Tiến phải xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh phù hợp, trong kế hoạch đó nhất thiết phải xác định rõ những phần thị trường (đặc biệt là thị trường trọng điểm) để khai thác những cơ hội hấp dẫn do thị trường đó mang lại nhiều hơn là những phần thị trường khác.
May Việt Tiến đang muốn phát triển thị trường truyền thống của mình sâu, rộng hơn nữa nên đã tiến hành nghiên cứu thị trường hết sức cặn kẽ. Nghiên cứu thị trường là để tìm hiểu thêm về nhu cầu của thị trường, những thay đổi mới trên thị trường để đáp ứng kịp thời, những sản phẩm, chiến lược kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh…Thông qua các phương pháp nghiên cứu thị trường, May Việt Tiến đã nhận ra vị trí của mình trên thị trường, nhận ra được phần thị trường cần chiếm lĩnh hay cần phát triển từ đó có phương hướng và đề ra các biện pháp đúng đắn để mở rộng và phát triển thị trường nội địa một cách thích hợp (Trung tâm kinh doanh thương mại, 2015).
b. Công ty May Đức Giang
Điểm mạnh trong đội ngũ cán bộ làm công tác marketing: Có thể nói May Đức Giang đang có một vị thế rất tốt trên thị trường may mặc nội địa, dù quy mô doanh nghiệp không lớn hơn những đối thủ cạnh tranh như Tổng công ty May 10 - CTCP, May Việt Tiến nhưng lại có những hướng đi hết sức đúng đắn, một trong những hướng đi đó là phát triển thị trường nội địa. Để làm được điều đó May Đức Giang đã tập trung rất lớn cho công tác marketing – XTTM, đội ngũ nhân viên làm công tác marketing của công ty đều là những người có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động marketing. Như chúng ta biết marketing là một lĩnh vực khá tổng quát và hội tụ nhiều yếu tố để làm nên một thương hiệu. Chính vì thế nhân viên cho bộ phận marketing cũng rất đa dạng: nhân viên lập chiến lược marketing, nhân viên sáng tạo, nhân viên PR,
nhân viên tổ chức sự kiện, copywriter... Mỗi vị trí này tại May Đức Giang đều có những ứng viên với tố chất riêng thích hợp. Chính nhờ vậy thì phần của công ty trên thị trường nội địa ngày càng được gia tăng. Sản phẩm và thương hiệu ngày càng được nhiều người biết đến (Trung tâm kinh doanh thương mại, 2015).
2.1.6.3. Bài học kinh nghiệm đối với Tổng công ty May 10 - CTCP
Tổng công ty May 10 - CTCP là một công ty có quy mô lớn với những sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001, tuy nhiên thị trường nội địa Tổng công ty May 10 - CTCP chiếm lĩnh chưa nhiều, chưa bắt kịp những đối thủ cạnh tranh trong việc giành thị phần cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm Tổng công ty May 10 - CTCP rộng rãi. Điều này một phần do định hướng phát triển của công ty, nhưng một phần không nhỏ do sự yếu kém của công tác marketing – XTTM. Hệ thống thông tin marketing cũng như công tác nghiên cứu thị trường chưa được tốt, còn chậm chạp dẫn đến sự tham mưu cho ban lãnh đạo còn nhiều hạn chế. Đội ngũ nhân viên marketing của công ty tuy đều có trình độ đại học nhưng hiểu biết chuyên sâu về marketing còn ít, một số không nhỏ không được đào tạo chuyên môn về marketing. Đây là những điểm cần hết sức lưu ý và cải thiện đối với Tổng công ty May 10 - CTCP để phát triển hơn thị phần của công ty đặc biệt là trong thị trường nội địa.