4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
4.1.1. Điều kiện tự nhiên
Huyện Yên Dũng gồm 19 xã và 2 thị trấn, là huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên là 19.174,38 ha chiếm 4,71% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh với dân số là 136.221 người chiếm 8,38% dân số của tỉnh Bắc Giang. Huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Bắc Giang, trung tâm huyện cách thành phố Bắc Giang 16 km, cách thủ đô Hà Nội 60 km theo đường quốc lộ 1A. Địa giới hành chính bao gồm:
- Phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang;
- Phía Đông bắc giáp huyện Lục Nam;
- Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương qua sông Thương;
- Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh qua sông Cầu;
- Phía Tây giáp huyện Việt Yên.
Hình 4.1. Sơ đồ vị trí huyện Yên Dũng
Yên Dũng có thuận lợi cơ bản là nằm sát thành phố Bắc Giang, trên trục đường quốc lộ 1A, nên có nhiều cơ hội để giao lưu với thị trường bên ngoài, tiếp
cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
4.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Địa hình của huyện Yên Dũng có thể chia thành 2 vùng rõ rệt; vùng đồi núi và vùng đồng bằng.
Phần lãnh thổ có địa hình phức tạp nhất là dãy núi Nham Biền chạy cắt ngang địa bàn huyện, qua các xã Nội Hoàng, Yên Lư, Tiền Phong, Nham Sơn, Tân Liễu, Cảnh Thuỵ, Tiến Dũng và thị trấn Neo. Đỉnh cao nhất của dãy Nham Biền có độ cao là 254 m so với mặt nước biển.
Phần lớn diện tích canh tác của huyện Yên Dũng nằm ở địa hình vàn, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, như gieo trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Với địa hình đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện có thể phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị sản phẩm cao.
4.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thủy văn
* Khí hậu: Theo số liệu điều tra theo dõi trong vòng 20 năm (từ 1995-2015) của trạm khí tượng thuỷ văn Bắc Giang cho thấy :
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình hàng năm của huyện là 23,70C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 28,80C (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 16,40C (tháng 1). Biên độ dao động nhiệt giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 12,40C. Nhiệt độ cao tuyệt đối ghi nhận được ở vùng này là 41,20C, nhiệt độ thấp tuyệt đối là 30C.
Lượng mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.500 – 1.600 mm, nhưng năm cao nhất đạt tới 2.358 mm. Mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 6,7,8,9 là nguyên nhân gây ra ngập lụt. Tháng 8 có lượng mưa trung bình cao nhất tới 3.992 mm, tháng 10 có lượng mưa thấp nhất 244 mm. Cá biệt có những năm vào tháng 11, 12 hoàn toàn không mưa.
Độ ẩm: Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 82%, tháng cao nhất khoảng 92%, tháng thấp nhất khoảng 60%.
Bức xạ nhiệt: Số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.722 giờ, thuộc loại tương đối cao, thích hợp để canh tác 3 vụ trong năm.
Hướng gió: Gió thổi theo hai mùa rõ rệt: Gió Đông Bắc về mùa khô và gió Đông Nam về mùa mưa. Các tháng 4,5,6 thỉnh thoảng xuất hiện gió Tây Nam khô nóng, song ít ảnh hưởng tới sản xuất.
Các tháng 7,8,9 do mưa nhiều, cường độ mưa lớn, nên hay gây ngập úng, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất vụ mùa. Tháng 12, tháng 1 thường có rét đậm, đôi khi có sương muối, gây khó khăn cho khâu làm mạ và gieo cấy vụ chiêm xuân.
* Thủy văn: Huyện Yên Dũng được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi gồm:
- Sông Cầu chạy dọc ranh giới giữa huyện Yên Dũng với huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, chiều dài 25 km;
- Sông Thương chạy cắt ngang lãnh thổ huyện theo chiều từ Tây Bắc xuống Đông Nam có chiều dài 34 km;
- Sông Lục Nam chạy dọc ranh giới của huyện Yên Dũng với huyện Lục Nam, có chiều dài 6,7 km.
Cả 3 dòng sông này hợp lưu với nhau ở phần ranh giới phía đông của huyện. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời cũng là hệ thống tiêu thoát nước của phần lớn các xã trong huyện. Tuy nhiên, hệ thống sông này cũng là nguy cơ đe doạ lũ lụt hàng năm vào mùa mưa bão đối với huyện.
4.1.1.4. Các nguồn tài nguyên khác
- Tài nguyên đất: Theo tài liệu thổ nhưỡng do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng năm 2005, trên địa bàn huyện Yên Dũng có 5 nhóm đất với 12 loại đất chính là nhóm đất phù sa, nhóm đất bạc màu, nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá.
- Tài nguyên nước:
+ Nguồn nước mặt: Sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất của huyện, tổng chiều dài trên phần lãnh thổ huyện Yên Dũng là 65,7 km, trữ lượng nước rất dồi dào. Ngoài ra, toàn huyện còn khoảng 780 ha ao, hồ, đầm các loại với trữ lượng nước khá lớn, phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu sản xuất tại chỗ.
+ Nguồn nước ngầm: Hiện tại chưa có nguồn tài liệu điều tra khảo sát về trữ lượng nước ngầm trên toàn huyện, nhưng theo kết quả khảo sát sơ bộ thì mực nước ngầm ở vào khoảng 15-25 m, chất lượng khá tốt, có thể khai thác để sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất.
- Tài nguyên rừng: Huyện Yên Dũng có trên 1.700 ha rừng sản xuất và gần
300 ha rừng phòng hộ. Rừng chủ yếu là rừng mới trồng theo chương trình 327 của Chính phủ. Diện tích đất trống có thể phát triển trồng rừng còn ít. Do vậy cần có những biện pháp bảo vệ và chăm sóc nguồn tài nguyên rừng hiện có, khai thác hiệu quả, hợp lý, đảm bảo môi trường bền vững.
- Tài nguyên khoáng sản: Dọc theo sông Cầu và sông Thương có khoáng sét chất lượng khá tốt là nguyên liệu sản xuất gạch ngói, gốm sứ. Nhờ vậy mà ở các xã ven bờ hai dòng sông này nghề sản xuất vật liệu xây dựng rất phát triển, tiêu biểu nhất là xã Yên Lư, Thắng Cương, Đồng Việt... Ngoài khoáng sét, huyện Yên Dũng hầu như không có loại khoáng sản nào có giá trị và trữ lượng khai thác công nghiệp.
- Tài nguyên nhân văn: Toàn huyện có 49 điểm di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng trong đó nổi tiếng nhất là chùa Vĩnh Nghiêm thuộc xã Trí Yên (còn gọi là chùa Đức La), được xây dựng từ thời Lý là nơi vua Trần Nhân Tông cùng các đệ tử sáng lập hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam Tổ, được rất nhiều du khách tham quan, lễ viếng.
Huyện Yên Dũng có cảnh quan thiên nhiên tương đối đa dạng. Dãy núi Nham Biền là một dãy núi thấp nằm giữa vùng đồng bằng có sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam bao bọc. Trong tương lai nếu được đầu tư có thể trở thành vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp phục vụ phát triển du lịch.