Tác động của các nguồn gây ô nhiễm đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 66 - 70)

3.2. Ả NH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC ĐÁ VÔI ĐẾN MÔI TRƯỜNG

3.2.4. Tác động của các nguồn gây ô nhiễm đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội

a. Tác hại của bụi đá

Đây là vấn đề ô nhiễm chính trong quá trình hoạt động khai thác đá. Bụi phát sinh chủ yếu từ quá trình bốc xúc, nổ mìn, hoạt động của phương tiện vận chuyển ra vào mỏ... Bụi ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân làm việc tại khai trường và người dân qua lại khu vực này. Bụi bám trên bề mặt da có thể gây viêm da, tấy đỏ, ngứa, xót… Nếu vào phổi, bụi sẽ gây kích thích cơ học và phát sinh phản ứng xơ hoá phổi, gây ra các bệnh về đường hô hấp. Các hạt bụi có kích thước 0,5 – 5 m là nguy hiểm nhất vì có thể vào tận phế nang.

b. Tác hại của các khí thải gốc axit

Các khí SOx là những chất gây ô nhiễm kích thích, thuộc vào loại nguy hiểm nhất trong số các chất khí gây ô nhiễm không khí. ở nồng độ thấp khí SO2 có thể gây co giật ở cơ trơn của khí quản. Mức độ nặng hơn sẽ gây tăng tiết dịch niêm mạc đường hô hấp trên, cao hơn nữa làm sưng niêm mạc. Tác hại của SO3 còn ở mức cao hơn và khi có cả SO2 và SO3 cùng tác động thì tác hại càng lớn. SO2 có thể gây nhiễm độc da, làm giảm nguồn dự trữ kiềm trong máu, đào thải amoniac ra nước tiểu và kiềm ra nước bọt. Độc tính chung của SO2 thể hiện ở rối loạn chuyển hoá protein và đường, thiếu vitamin B và C, ức chế enzym oxydaza. Sự hấp thụ lượng lớn SO2 có khả năng gây bệnh cho hệ tạo huyết và tạo ra methamoglobin tăng cường quá trình ôxy hoá Fe2+

thành Fe3+.

Khí NO2 là một khí kích thích mạnh đường hô hấp. Khi ngộ độc cấp tính bị ho dữ dội, nhức đầu, gây rối loạn tiêu hoá. Một số trường hợp gây ra thay đổi máu, tổn thương hệ thần kinh, gây biến đổi cơ tim. Tiếp xúc lâu dài có thể gây viêm phế quản thường xuyên, phá huỷ răng, gây kích thích niêm mạc. ở nồng độ cao 100 ppm có thể gây tử vong.

60

Các khí SO2, NOx khi bị ôxy hoá trong không khí và kết hợp với nước mưa tạo nên mưa axit gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cây trồng và thảm thực vật. Khi nồng độ SOx, trong không khí khoảng 1-2ppm có thể gây chấn thương đối với lá cây sau vài giờ tiếp xúc. Đối với các loại thực vật nhạy cảm giới hạn gây độc kinh niên khoảng 0,15-0,30ppm. Nhạy cảm nhất đối với SO2 là thực vật bậc thấp như rêu, địa y.

Sự có mặt của SO2, NOx trong không khí nóng ẩm cũng làm tăng cường quá trình ăn mòn kim loại, phá huỷ vật liệu bê tông và các công trình xây dựng nhà cửa.

c. Tác hại của các khí CO và CO2

Khí oxyt cacbon CO là một chất gây ngất cho người do nó có ái lực với Hemoglobin trong máu mạnh hơn oxy nên nó chiếm chỗ của oxy trong máu, làm cho việc cung cấp oxy cho cơ thể bị giảm. ở nồng độ thấp, CO có thể gây đâu đầu, chóng mặt. Với nồng độ bằng 10 ppm có thể gây gia tăng các bệnh tim. ở nồng độ 250 ppm có thể gây tử vong. Công nhân làm việc tại các khu vực nhiều CO thường bi xanh xao, gầy yếu.

Khí cacbonic CO2 cũng là một loại khí gây nguy hiểm cho sức khoẻ của con người. Khí cacbonic có thể gây rối loạn hô hấp phổi và tế bào do chiếm mất chỗ của ôxy. Với nồng độ 50.000ppm đã gây khó thở và nhức đầu, 100.000ppm gây ngất và ngạt thở đối với người.

3.2.4.2. Tác động của tiếng ồn và độ rung

Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm khá quan trọng và có thể gây ra các ảnh hưởng xấu tới môi trường và đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khoẻ của công nhân làm việc trực tiếp tại nơi phát sinh tiếng ồn. Tiếng ồn làm giảm năng suất lao động, làm giảm thính lực, dẫn tới bệnh điếc nghề nghiệp.

Nếu tiếng ồn cao hơn tiêu chuẩn sẽ gây ảnh hưởng sức khoẻ như mất ngủ, mệt mỏi. Tiếng ồn còn làm giảm năng suất lao động của công nhân trong khu vực sản xuất, làm kém tập trung tư tưởng có thể gây tai nạn lao động. Chịu tiếng ồn quá lớn liên tục trong 8 giờ kéo dài trong nhiều năm có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra tiếng ồn còn ảnh hưởng tới các cơ quan khác như chức năng thần kinh, gây bệnh nhức đầu chóng mặt và có cảm giác sợ hãi.

61

Chấn động, rung do khoan nổ mìn và hoạt động của các máy móc gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Gây các bệnh mãn tính: giảm thính lực, đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh … Độ rung làm chấn động địa chất gây ảnh hường đến các công trình xây dựng. Mặt khác, chấn động và độ rung cũng gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái xung quanh, đặc biệt là đối với các loại động vật trên hệ sinh thái cạn (gây áp lực đến nơi cư trú, thu hẹp phạm vi kiếm mồi, bản năng sinh học).

3.2.4.3. Tác động của nước thải

Trong khai thác và chế biến đá có khả năng gây suy thoái đến cả chất lượng nước mặt và nước ngầm, một số nguyên nhân dẫn đến suy thoái nguồn nước như sau:

- Các ion Ca2+, Mg2+ trong đất đá có thể làm thay đổi thành phần hoá học và độ cứng của nước.

- Sự gia tăng của hàm lượng chất lơ lửng trong nước mặt do nước mưa và nước chảy từ moong khai thác cuốn theo nhiều đất, cát và bột đá là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên nước do tăng độ đục nguồn nước giảm năng suất sinh học và gây bồi lắng cho nguồn tiếp nhận.

- Chất dinh dưỡng: N, P: Các chất dinh dưỡng gây hiện tượng phú dưỡng nguồn nước, ảnh hưởng tới chất lượng nước, sự sống thuỷ sinh.

- Các chất hữu cơ BOD5, COD: Các chất hữu cơ chủ yếu trong nước thải sinh hoạt là Carbonhydrate - hợp chất dễ dàng bị vi sinh vật phân huỷ bằng cơ chế sử dụng oxy hoà tan trong nước để oxy hoá các hợp chất hữu cơ.

Sự ô nhiễm các chất hữu cơ sẽ dẫn đến suy giảm nồng độ oxy trong nước do vi sinh vật sử dụng oxy hoà tan để phân huỷ các chất hữu cơ. Oxy hoà tan sẽ giảm gây tác hại nghiêm trọng đến tài nguyên thuỷ sinh.

3.2.4.4. Tác động đến môi trường cảnh quan, sinh thái

Cũng như môi trường đất, không khí, môi trường sinh thái cảnh quan là một trong những thành phần môi trường bị tác động nặng do khai thác đá. Những tác động của việc khai thác đá tới môi trường bao gồm: làm biến đổi hệ sinh thái núi đá vôi do sự thay đổi địa hình, địa mạo, vi khí hậu của khu vực.

Hầu hết lớp phủ thực vật trong khu vực đang bị phá huỷ và đồng thời với nó là hệ sinh thái và cảnh quan mới được hình thành với sự chuyển đổi từ điều kiện rừng núi

62

sang điều kiện đồng bằng, thung lũng. Hệ động thực vật núi đá được thay thế bằng các sinh vật thuỷ sinh trong các ao hồ.

Quá trình nổ mìn tạo ra sóng đập không khí cùng với tiếng ồn lớn và liên tục làm các hệ động thực vật suy giảm do quá trình di cư của động vật, hệ thực vật lụi tàn hoặc không phát triển được.

Hệ sinh thái trên cạn: Bụi và khí thải của hoạt động khai thác sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Nhìn chung, các động vật nuôi cũng như các loài động vật hoang dã đều rất nhạy cảm với sự ô nhiễm môi trường. Hầu hết các chất ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước thải đều có tác động xấu đến thực vật và động vật. Biểu hiện chính của nó là làm cho cây trồng như rau, đậu, lúa, ngô, các cây ăn trái và các loài cây khác chậm sinh trưởng và phát triển.

3.2.4.5. Tác động đến môi trường kinh tế - xã hội a. Sức khoẻ cộng đồng

Đối với các hoạt động khai thác sản xuất đá, các nguồn ô nhiễm trong quá trình hoạt động đều có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ của con người trong vùng chịu ảnh hưởng. Tuỳ thuộc vào nồng độ và thời gian tác dụng của các chất ô nhiễm mà mức độ tác hại của chúng đối với sức khoẻ cộng đồng sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, do các núi đá thường nằm khá xa khu dân cư nên tác động chủ yếu sẽ rơi vào nhóm công nhân lao động trực tiếp và dân cư sống dọc theo các tuyến đường vận chuyển.

b. Kinh tế - xã hội

Hoạt động khai thác đá có các tác động tích cực sẽ đem lại một số lợi ích xã hội sau đây:

- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện;

- Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp;

- Tạo việc làm cho người lao động địa phương, góp phần làm thúc đẩy nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần cho họ.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực của hoạt động này là có thể gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân do chịu ảnh hưởng của bụi đá trên các tuyến đường vận chuyển hoặc cạnh tranh giữa các đơn vị mỏ liền kề, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

63 3.2.4.6. Tác động đến môi trường đất

Những tác động chính của quá trình khai thác đá đến môi trường đất là:

- Làm thay đổi địa hình tự nhiên và thay đổi mặt bằng khu vực.

- Chiếm dụng lâu dài diện tích núi đá sử dụng vào mục đích sản xuất đá.

- Đổ thải gây ô nhiễm môi trường đất xung quanh.

- Quá trình hoạt động khai thác thì sẽ làm thay đổi địa hình, địa mạo diện tích núi đá khai thác.

- Làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng.

3.2.4.7. Tác động đến hoạt động giao thông vận tải

Việc vận chuyển sản phẩm tiêu thụ sẽ làm gia tăng mật độ xe trên tuyến đường vận chuyển trong khu vực và làm xuống cấp chất lượng các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã quan trọng.

3.2.4.8. Tác động đến cơ sở sản xuất lân cận

Các mỏ đá nằm cạnh nhau nếu không bố trí thời gian nổ mìn lớn phù hợp và thực hiện các hiệu lệnh an toàn một cách thật nghiêm túc có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở liền kề, đá văng xa sau nổ mìn có thể ảnh hưởng đến công nhân tại mỏ liền kề.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)