M ỘT SỐ BẤT CẬP VỀ MẶT CHÍNH SÁCH , PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 72 - 78)

Báo cáo kết quả thăm dò địa chất của các mỏ thường là không có hoặc không đầy đủ hoặc lấy lại tài liệu của những mỏ khác cùng khu vực do hầu hết các mỏ đều không được thăm dò, đánh giá trữ lượng chính xác, không có các tài liệu báo cáo địa chất cần thiết.

Thiết kế cơ sở do chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn thực hiện nhưng còn mang nặng tính hình thức và ít có cơ sở khoa học do tài liệu địa chất thiếu hoặc sơ sài, thông số đưa ra chỉ mang tính chất copy từ dự án khác chứ chưa tính toán sát với hiện trạng mỏ.

Từ đó dẫn đến Thiết kế cơ sở và Báo cáo đánh giá tác động môi trường không mang tính sát thực, xa rời với điều kiện thực tế của mỏ khi đi vào hoạt động.

Trên thực tế, yêu cầu để được cấp phép khai thác là doanh nghiệp phải lập và được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án cải tạo, phục hồi môi trường. Báo cáo này đưa ra những dự báo phát thải đối với hoạt động khai thác, chế biến đá vôi trên diện tích đã thăm dò và chuẩn bị xin cấp phép khai thác, có bao gồm vị trí, diện tích mỏ, khu văn phòng và trạm nghiền sàng.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những vấn đề bất cập rất đáng quan tâm. Mặt tích cực là nâng cao ý thức của cán bộ chuyên môn, quán triệt tư tưởng không gây phiền hà khó dễ cho doanh

66

nghiệp trong quá trình xem xét hồ sơ; đẩy nhanh thời gian xử lý hồ sơ và giản lược một số thủ tục trùng lặp, không cần thiết cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục hành chính cần thiết để đưa mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi đã trình hồ sơ xin cấp phép khai thác thì cơ quan chuyên môn lại phát hiện có sự chồng lấn với một hoặc một vài đơn vị mỏ lân cận khu vực xin cấp phép, từ đó doanh nghiệp lại phải rà soát, làm lại từ đầu các loại hồ sơ về Thiết kế cơ sở, Dự án đầu tư, Báo cáo ĐTM, Đề án cải tạo, phục hồi môi trường… Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp, kéo dài thời gian làm hồ sơ đồng nghĩa chậm đưa mỏ vào khai thác và nhiều hệ lụy khác.

Mặt khác, có nhiều trường hợp do chạy đua cấp phép cho các doanh nghiệp nhưng không xem xét kỹ thực địa dẫn đến các điểm mỏ nằm liền kề nhau nhưng không thể bố trí đủ diện tích để các đơn vị xây dựng đường vào mỏ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phía trong không thể làm đường vào khai thác mỏ của mình vì vướng mỏ phía ngoài. Hoặc có những điểm mỏ làm được đường vào nhưng không còn đất để bố trí xây dựng khu vực nghiền sàng và văn phòng. Hiện tượng này đã và đang xảy ra trên thực tế, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

3.3.2. Về vấn đề quản lý vật liệu nổ công nghiệp

- Thực hiện các quy định cấp Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong những yêu cầu để được cấp giấy phép chưa có nội dung về bảo vệ môi trường của các mỏ. Điều đó dẫn tới việc, trên thực tế dù doanh nghiệp có bị kiểm tra phát hiện vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến việc khai thác đá bình thường vì họ vẫn có vật liệu nổ để tiến hành khai thác.

- Sở Công thương là đơn vị quản lý vật liệu nổ, Sở Tài nguyên và Môi trường lại gồm 2 đơn vị riêng biệt cùng quản lý các đơn vị khai thác mỏ (trong đó phòng Khoáng sản quản lý việc cấp phép khai thác và các lĩnh vực có liên quan, Chi cục Bảo vệ môi trường quản lý chuyên biệt về lĩnh vực bảo vệ môi trường) và Cảnh sát môi trường quản lý theo nghiệp vụ của họ. Tuy nhiên, các đơn vị này ít trao đổi thông tin qua lại và chưa có cơ chế phối hợp một cách rõ ràng, đồng bộ để cùng nhau thúc đẩy việc

67

thực hiện pháp luật của doanh nghiệp mà chỉ chú trọng riêng lĩnh vực quản lý của đơn vị mình.

3.3.3. Về vấn đề thanh tra, kiểm tra

- Hiện nay, mỗi lần kiểm tra/thanh tra sẽ bao gồm đại diện của nhiều cơ quan quản lý các lĩnh vực khác nhau để tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đón quá nhiều đoàn kiểm tra của nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra phải được báo trước ít nhất 3 ngày và thời gian này các doanh nghiệp thường tận dụng để thực hiện các biện pháp mang tính chất đối phó với những vi phạm (nếu có) của cơ sở mình. Do đó, hiệu quả kiểm tra thường không cao và còn mang tính chất hình thức.

- Cá biệt có những đơn vị đóng cửa không cho phép đoàn kiểm tra vào làm việc hoặc không cử cán bộ có thẩm quyền ra làm việc với đoàn kiểm tra hoặc báo cáo là chưa nhận được thông báo kiểm tra nên không chuẩn bị điều kiện làm việc. Hiện tượng này làm cho việc thanh tra/kiểm tra không thể thực hiện theo kế hoạch và cũng chưa thực hiện chế tài xử lý mạnh tay.

3.3.4. Về vấn đề thực hiện các cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác đã được phê duyệt

* Đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Nếu thực hiện đúng mọi cam kết trong báo cáo ĐTM đã phê duyệt thì có thể nói sẽ rất ít các vấn đề về môi trường xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp không chú trọng đúng mức vấn đề thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như bảo vệ người lao động. Nguyên nhân có thể do ý thức chủ doanh nghiệp chưa cao không chịu bỏ vốn đầu tư các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hoặc biện pháp đã đầu tư không mang lại hiệu quả như dự tính ban đầu.

Khi làm hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo ĐTM thì có rất nhiều biện pháp bảo vệ môi trường được đưa ra nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không mang lại hiệu quả. Ví dụ ở những mỏ nằm ở vị trí cao, cách xa nguồn nước thì vào mùa hanh khô không thể có đủ nước để phục vụ mục đích sinh hoạt, do đó nước cho mục đích tưới phun giảm thiểu bụi cũng không có. Hoặc nền mặt bằng sân công nghiệp, khu văn phòng toàn đá sỏi không thể trồng cây đảm bảo thực hiện chức năng chắn bụi, giảm tiếng ồn như

68

trong cam kết. Nói cách khác, các yêu cầu về mặt pháp lý hiện nay còn mang tính chất lý thuyết và có thể không thực hiện được trong thực tế.

* Đối với Đề án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác

Đây là vấn đề rất nan giải, trong bối cảnh các mỏ cấp phép dài hạn có thời gian khai thác kéo dài từ 10 đến 30 năm và có thể lâu hơn. Trong thời gian đó, doanh nghiệp có thể sang tên đổi chủ, mua đi bán lại nhiều lần và cán bộ quản lý cũng thay đổi nhiều lần. Rất khó để duy trì công tác quản lý từ chủ doanh nghiệp này sang chủ doanh nghiệp khác vì ý thức thực hiện các quy định của pháp luật không giống nhau, tình hình kinh tế thị trường cũng khác nhau.

Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác sẽ tiến hành cải tạo, phục hồi cả khu vực sườn tầng, khu vực đáy mỏ, khu vực phụ trợ (trạm nghiền sàng, khu văn phòng) và khu vực bị ảnh hưởng xung quanh mỏ. Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết với hệ thống khai thác để lại sườn tầng sau khai thác, còn trên thực tế các đơn vị khai thác không để lại sườn tầng mà san phẳng đến tận đáy mỏ nên không có sườn tầng để trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường nữa.

Mặt khác, một số mỏ được cấp phép khai thác đến cốt âm so với mặt bằng chung, có nghĩa là sau khi khai thác sẽ để lại một “hố bom” rất to và sâu. Đối với những trường hợp này thì không thể thực hiện đổ đất lấp vào để trồng cây như đề xuất trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mà các doanh nghiệp chỉ để xuất làm rào chắn với biển cảnh báo xung quanh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho con người và động vật quanh khu vực chắn. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp không thực hiện công việc cải tạo mà cơ quan quản lý lấy số tiền doanh nghiệp đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường để tiến hành cải tạo cũng rất khó thực hiện trên thực tế.

Một vấn đề khác, đối với các mỏ ngắn hạn đã hết thời gian khai thác từ khi chưa có quy định cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường mà chỉ nộp tiền ký quỹ ở mức 500.000 đồng/ha (có doanh nghiệp nộp tiền và doanh nghiệp không chịu nộp tiền) thì không thể tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường đạt được yêu cầu như mục đích “đưa hiện trạng môi trường trở về gần nhất với trạng thái khi chưa khai thác” trong Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

69 3.3.5. Về vấn đề năng lực quản lý nhà nước

- Đội ngũ cán bộ, công chức chuyên ngành quản lý về hoạt động khoáng sản ở Hà Nam còn mỏng về lực lượng, chuyên môn nghiệp vụ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đã làm giảm hiệu quả của công tác này.

Do đó thực tế đã có nhiều mỏ đá được cấp phép nhưng cũng không thể tiến hành khai thác do nằm rất sâu trong thung lũng, không làm được đường vào mỏ. Mặt khác, do nhiều mỏ liền kề nhau phải đi chung 1 tuyến đường vận chuyển nên phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và gây khó khăn, phức tạp trong việc quản lý.

- Mặt khác, đội ngũ quản lý môi trường các cấp lại không có chuyên môn về ngành mỏ - địa chất và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau (ở cấp huyện cũng chỉ có 1-2 cán bộ môi trường, cấp xã là cán bộ địa chính kiêm nhiệm thêm lĩnh vực khoáng sản, môi trường) dẫn đến việc không quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Việc xin thêm chỉ tiêu biên chế để nâng cao số lượng cán bộ quản lý rất khó thực hiện, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay bộ máy nhà nước liên tục phải tinh giản biên chế.

- Tỉnh Hà Nam đang theo đuổi chính sách cải cách thủ tục hành chính để thực hiện mong muốn nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh do đó đã có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến môi trường, khoáng sản bị cắt ngắn thời gian xử lý so với thời gian quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó nguồn nhân lực và vật lực chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý công việc, lại phải chạy theo chỉ tiêu thời gian nên càng làm tăng nguy cơ xử lý hồ sơ chưa chặt chẽ.

- Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên vì cấp phép khai thác dài hạn cho các doanh nghiệp (từ 10 đến 30 năm) nên sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Chủ doanh nghiệp có thể thay đổi nhiều lần trong suốt thời gian mỏ hoạt động (do tình trạng mua – bán, sáp nhập doanh nghiệp) hoặc cán bộ phụ trách quản lý môi trường và khoáng sản hết thời gian công tác (do cán bộ đảm nhận nhiệm vụ khi đã gần đến tuổi về hưu) nên hồ sơ của các mỏ ngay từ đầu có thể quản lý chưa đồng bộ hoặc thất lạc trong quá trình chuyển đổi chủ doanh nghiệp hoặc bàn giao công việc, hồ sơ của cán bộ quản lý.

3.3.6. Về vấn đề ý thức thực hiện pháp luật của chủ doanh nghiệp

Như đã phân tích ở nhiều khía cạnh, tóm lại việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

70

có thực sự mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức thực hiện từ phía doanh nghiệp. Đó là những người quản lý và sử dụng lao động, đầu tư trang thiết bị máy móc để khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, đầu tư và vận hành các thiết bị xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn ai hết, họ cần phải hiểu giá trị của tài nguyên đang khai thác và bảo vệ môi trường lao động cho công nhân viên trong công ty mình cũng như môi trường sống nói chung. Tuy nhiên, trong thực tế thì đa phần chủ doanh nghiệp đều chỉ chú trọng tập trung vào việc nhanh chóng khai thác để thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận. Họ thuê đơn vị tư vấn với mục tiêu thực hiện các hồ sơ, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng nhất có thể mặc dù không quan tâm đến nội dung hồ sơ, chất lượng báo cáo trình cơ quan chức năng hoặc không quan tâm đến những cam kết phải thực hiện trong quá trình hoạt động đã nêu trong hồ sơ/báo cáo.

Khi đưa dự án vào hoạt động, vì nhiều lý do khác nên hệ thống khai thác không thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế, trang thiết bị phục vụ khai thác và chế biến đá không được đầu tư thay mới... Đồng thời với đó là việc công nhân không được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết hoặc có trang bị nhưng không bắt buộc sử dụng vẫn cho vào làm việc đã dẫn đến nhiều tai nạn lao động đáng tiếc.

Xét về góc độ bảo vệ môi trường, chủ doanh nghiệp mặc dù có lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM nhưng chỉ mang tính chất hình thức, vì trên thực tế họ thường không đầu tư đồng bộ và vận hành các hệ thống giảm thiểu ô nhiễm như cam kết đưa ra trong báo cáo. Họ có thực hiện cũng chỉ để đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra đã được báo trước lịch làm việc hoặc vào dịp chuẩn bị thuê đơn vị quan trắc đến đo chất lượng môi trường. Với việc tự bỏ tiền ra thuê đơn vị quan trắc, họ hoàn toàn có thể tác động đến kết quả đo đạc bằng cách yêu cầu làm cho số liệu

“đẹp” hơn hoặc vận hành hệ thống bảo vệ môi trường liên tục trong những ngày dự định quan trắc chất lượng môi trường.

71

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 72 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)