Giải pháp quản lý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 88 - 94)

3.5. Đ Ề XUẤT CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

3.5.1. Giải pháp quản lý

3.5.1.1. Giải pháp trước mắt

- Tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Ủy ban nhân dân các xã có núi đá) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, về bảo vệ môi trường, về vật liệu nổ… ở các cấp quản lý khác nhau. Sự phối hợp này cần thể hiện nghiêm túc và chặt chẽ dưới dạng văn bản ghi nhớ về quy chế làm việc phối hợp giữa các đơn vị, có sự tham gia ký kết giữa các bên liên quan. Nội dung văn bản phải nêu rõ quy chế trao đổi thông tin kịp thời, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình làm việc trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường. Muốn làm được điều này cần sự phối hợp và chỉ đạo của lãnh đạo cả hai đơn vị cấp cao nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thực tế đã có một số lần tiếp xúc giữa các Sở ban ngành nhằm đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề mỗi ngành chỉ quản lý một lĩnh vực nhưng lại không chịu trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi vì không tìm được tiếng nói chung. Các đơn vị quản lý Nhà nước thông thường chỉ quản lý trong thời gian làm việc hành chính thông thường (8h/ngày, từ thứ 2 đến thứ 6) nhưng doanh nghiệp không chỉ làm việc theo lịch hành chính như vậy. Khoảng thời gian còn lại trong ngày và 2 ngày nghỉ cuối tuần sẽ không có đơn vị Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình.

Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát môi trường lại đảm bảo quản lý toàn thời gian và có thể đột xuất kiểm tra các cơ sở khi có dấu hiệu nghi vấn hoặc phản ánh của người dân vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, tất cả các ngày trong tuần nhưng lại có quy định về bảo mật thông tin và nghiệp vụ ngành. Điều đó dẫn tới việc Cảnh sát môi trường có thể tự theo dõi, điều tra và xử lý doanh nghiệp vi phạm không cần phải trao đổi hay chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý Nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước dần dần bị giảm sút ‘‘quyền lực’’ của mình, doanh nghiệp cũng thấy không ‘‘sợ’’ bằng Cảnh sát môi trường. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho việc trao đổi thông tin giữa các ngành không được thực hiện thường xuyên.

82

- Tăng cường các buổi tiếp xúc, trao đổi mở về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động cũng như những chính sách pháp luật đối với hoạt động khoáng sản, môi trường. Từ đó thống nhất những biện pháp giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển một nền công nghiệp khai khoáng bền vững.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Lồng ghép nhiều nội dung vào buổi tập huấn để tránh lãng phí và làm mất thời gian của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động khoáng sản về việc thực hiện Thiết kế cơ sở và Báo cáo ĐTM, Đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó cần tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với những doanh nghiệp cố tình không thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, bảo vệ sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Nếu phát hiện vi phạm cần kiên quyết xử lý, tránh để tình trạng nể nang (do có yếu tố chính trị bảo kê cho doanh nghiệp lớn) dẫn đến giảm tính răn đe của pháp luật và hiện tượng

“nhờn luật” đang có biểu hiện ngày càng rõ nét.

- Tăng cường các biện pháp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý của các cán bộ quản lý từ cấp tỉnh tới cấp xã về cả mặt khoáng sản và mặt môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải đi kèm với đầu tư, hoàn thiện vật lực phục vụ công tác quản lý. Trang bị các máy móc quan trắc nhanh để có thể kiểm tra bất chợt và nhanh chóng tại từng doanh nghiệp, tránh tình trạng báo trước theo kế hoạch kiểm tra dẫn đến sự đối phó có chủ đích của doanh nghiệp.

- Khi xảy ra hiện tượng khiếu kiện cần nhanh chóng xử lý một cách toàn diện, quyết liệt, nghiêm túc, triệt để, tránh tình trạng không xác định được đối tượng cần xử lý hoặc xử lý kiểu giơ cao đánh khẽ hoặc để doanh nghiệp đe dọa người dân tham gia khiếu kiện.

- Lãnh đạo tỉnh không nên rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của các sở ngành nhằm chạy theo chỉ tiêu thành tích cải cách thủ tục hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì việc cơ quan chuyên môn không có đủ thời gian cần thiết để xem xét, xử lý

83

hồ sơ vội vàng có thể dẫn đến nhiều sai sót, và việc trả giá cho những sai sót có thể rất tốn kém hoặc kéo dài trong suốt thời gian được cấp phép khai thác.

Đã có nhiều cơ sở khai thác đá vôi tuy chưa hoàn thành tất cả các yêu cầu về mặt thủ tục hành chính đối với lĩnh vực môi trường nhưng lại được Lãnh đạo tỉnh cấp Giấy phép khai thác trước và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cho phép hoàn thiện thủ tục sau hoặc làm thật nhanh để đẩy hồ sơ giấy tờ khớp với ngày tháng ban hành Giấy phép. Điều này khiến cơ quan chuyên môn rất khó trong việc thực hiện đầy đủ và đúng mức chức năng của mình dẫn đến chất lượng hồ sơ không đạt yêu cầu.

- Tăng cường chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự đổi mới thiết bị máy móc nhằm tăng hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp với mục đích đầu tư nâng cấp các hạng mục bảo vệ môi trường thông qua hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam (đã đi vào hoạt động từ năm 2015).

3.5.1.2. Giải pháp lâu dài

Ngoài những giải pháp trước mắt, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đưa ra quy định khuyến khích và dần dần tiến tới bắt buộc áp dụng những giải pháp mang tính chất toàn diện và lâu dài, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho công tác bảo vệ môi trường nói chung.

* Thứ nhất: cần nghiên cứu triển khai công tác kiểm toán môi trường ở nhiều cấp độ, từ cấp độ đơn vị doanh nghiệp đến mức độ kiểm toán nhà nước. Đây là giải pháp mang tính chất toàn diện, cần thiết và tương đối phù hợp với điều kiện hiện nay của nhiều địa phương có ngành khai thác khoáng sản, không chỉ với riêng tỉnh Hà Nam.

Năm 1998, Viện Thương mại Quốc tế (ICC) đã đưa ra khái niệm ban đầu về Kiểm toán môi trường như sau: kiểm toán môi trường là một công cụ quản lý bao gồm sự ghi chép một cách khách quan, công khai các tổ chức môi trường, sự vận hành các thiết bị, cơ sở vật chất với mục đích quản lý môi trường bằng cách trợ giúp quản lý, kiểm soát các hoạt động và đánh giá sự tuân thủ các chính sách của công ty bao gồm sự tuân thủ theo các tiêu chuẩn môi trường.

84

Các mục tiêu chính mà một cuộc kiểm toán môi trường hướng tới là :

- Đánh giá được sự tuân thủ, chấp hành của nhà máy, công ty đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nguyên tắc, thủ tục quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Đánh giá được mức độ phù hợp, sự hiệu quả của các chính sách quản lý môi trường nội bộ của công ty, nhà máy.

- Thúc đẩy việc quản lý môi trường của các nhà máy diễn ra tốt hơn.

- Duy trì niềm tin của người dân đối với chính sách môi trường của Nhà nước.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên trong các nhà máy về việc thi hành các chính sách môi trường.

- Tìm kiếm các cơ hội cải tiến để sản xuất và bảo vệ môi trường tốt hơn.

- Thiết lập và thi hành được một hệ thống quản lý môi trường hữu hiệu, phù hợp cho các công ty.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa có doanh nghiệp khai thác đá vôi nào thực hiện kiểm toán môi trường, do đó trước mắt tỉnh cần nghiên cứu ban hành quy chế thực hiện việc kiểm toán đối với doanh nghiệp khai thác đá vôi. Cần xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kiểm toán và dần dần tiến tới quy định bắt buộc việc kiểm toán trong tương lai.

Trước hết, cần phải tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm toán cho chính cán bộ quản lý môi trường các cấp, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện việc kiểm toán tại cơ sở trên địa bàn tỉnh với sự chuyển giao kiến thức của các cán bộ kiểm toán cấp trên. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành bại của các cuộc kiểm toán diễn ra sau đó. Quá trình kiểm toán cần được thực hiện đối với toàn bộ quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích cuối cùng là:

tăng cường năng lực quản lý của các cơ quan chức năng địa phương và tăng cường nhận thức cũng như hành động thiết thực của chủ các doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững cơ sở sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn.

Để từng bước hình thành và ban hành được quy định về kiểm toán nói trên cần tập trung nguồn nhân lực và vật lực tiến hành kiểm toán thí điểm ở một số doanh nghiệp có sản lượng khai thác lớn. Đây sẽ là những mô hình mẫu, từ đó có thể nhân

85

rộng mô hình ra phạm vi rộng hơn, áp dụng với những doanh nghiệp có sản lượng nhỏ hơn và cả những ngành nghề khác. Đối với những mô hình mẫu này cần làm đầy đủ các bước của một quy trình kiểm toán, thực hiện bài bản và thuần thục trong một khoảng thời gian liên tục để phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của chủ cơ sở trong việc đầu tư và vận hành các hệ thống giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp theo cần tổng kết mô hình, rút kinh nghiệm để cải tiến quy trình nhằm đạt hiệu quả kiểm toán tốt nhất, từ đó mới tiến hành nhân rộng mô hình ra phạm vi rộng hơn trong một và nhiều ngành nghề khác nhau.

* Thứ hai: giải pháp này mang tính chất vĩ mô hơn, có ý nghĩa mang tầm quốc gia và thế giới, đồng nghĩa với nó là bảo đảm nâng cao giá trị của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Yêu cầu bắt buộc đặt ra là Việt Nam phải tham gia Ủy ban Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI).

EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị đối với tài nguyên dầu khí và khoáng sản, nhằm thúc đầy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Các quốc gia thực hiện EITI sẽ công bố thông tin liên quan đến các khoản chi trả cho thuế, giấy phép, hợp đồng khai thác, quá trình khai thác, sản xuất và hoạt động khác của ngành công nghiệp khai thác. Hiện nay đã có 53 quốc gia, hơn 80 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, 90 tổ chức tài chính và 400 tổ chức dân sự trên thế giới ủng hộ và tham gia EITI.

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2007 nhưng tới nay vẫn chưa cam kết tham gia. Các chuyên gia cho rằng, EITI là một công cụ phù hợp, có hiệu quả trong phạm vi khuôn khổ hiến pháp hiện hành ở Việt Nam. Về bản chất EITI hoạt động theo cơ chế yêu cầu các công ty khai khoáng và cơ quan Nhà nước công khai các khoản thu chi từ hoạt động khai khoáng và được giám sát bởi một Ủy ban đa bên. Đối với Việt Nam, việc tham gia EITI sẽ giúp tăng nguồn thu cho Chính phủ, bởi gần đây có những dấu hiệu cho thấy tại một số địa phương có tới 50% lượng khoáng sản bị xuất lậu, chưa kể có dấu hiệu báo cáo thấp đi một khối lượng sản lượng khoáng sản đáng kể. Bên cạnh đó, việc tham gia EITI sẽ tăng tính cạnh tranh toàn cầu cho các doanh nghiệp. Đồng thời, nhờ việc cung cấp thông tin chất lượng tốt hơn, EITI còn tạo ra một hình thức tham gia cùng quản lý của cải tài nguyên thiên nhiên cho nhân dân, nâng cao hiệu

86

quả công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng, làm giảm thiểu các rủi ro căng thẳng giữa các hoạt động khai thác và cộng đồng cư dân địa phương.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đã cho phép khai thác nhiều loại khoáng sản, từ đó cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, mặt trái của các hoạt động khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp là sự tác động xấu đến tự nhiên, làm biến đổi địa hình, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Cho nên việc chấp thuận ký kết và tham gia EITI trong tương lai sẽ giúp Việt Nam nâng cao tính công khai, minh bạch trong các ngành công nghiệp khai khoáng, hạn chế được nạn buôn lậu, tham nhũng, hối lộ...

Riêng đối với ngành khai thác đá vôi không chỉ tại tỉnh Hà Nam mà còn tại các tỉnh thành khác trên phạm vi toàn quốc, nếu Việt Nam gia nhập EITI đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải từng bước minh bạch hóa các con số chi phí, doanh thu, lợi nhuận. Trong số đó có các chi phí không chính thức hoặc kê khai khống cho nhiều mục đích có cả mục đích đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường, làm cho giá thành sản phẩm bị đội lên cao nhưng chất lượng không được cải thiện, môi trường không được bảo vệ. Với sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban đa bên, phần chi phí – lợi ích, giá thành trên một đơn vị sản phẩm và hiệu quả bảo vệ môi trường sẽ trở thành các yếu tố tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Từ đó, khách hàng sẽ được tiếp cận đầy đủ, chính xác thông tin về chất lượng sản phẩm, quá trình tạo ra sản phẩm và có thể đưa ra lựa chọn những sản phẩm giá thành phải chăng và thân thiện với môi trường hơn. Một môi trường kinh doanh lành mạnh bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, và nếu làm tốt thì giá trị của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước được cải thiện, nâng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tất nhiên những nội dung trên mới mang tính chất định hướng cho tương lai, vì ngay cả khi Việt Nam ký kết tham gia EITI thì cũng cần một thời gian nhất định để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy trình công bố thông tin của mình. Đó cũng là thời gian cần thiết cho các cơ quan quản lý cấp địa phương nắm bắt phương thức quản lý mới và tìm cách phát huy hiệu quả của phương thức này đối với công tác bảo vệ môi trường trong ngành khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá vôi nói riêng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động khai thác đá vôi trên địa bàn huyện thanh liêm, hà nam (Trang 88 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)