3.4. B IỆN PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC MỎ KHAI THÁC ĐÁ VÔI
3.4.1. Các biện pháp bảo vệ môi trường đang áp dụng và đánh giá hiệu quả thực hiện
Hoạt động khai thác, chế biến đá vôi luôn làm phát sinh nhiều loại chất thải khác nhau bao gồm khí thải, bụi, nước thải, tiếng ồn, độ rung… trong đó bụi thải là đối tượng cần quan tâm nhất.
3.4.1.1. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do bụi
Như đã phân tích ở trên, bụi phát sinh từ các đơn vị hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản chủ yếu từ giai đoạn khai thác (hoạt động khoan nổ mìn, xúc bốc lên xe chuyển về trạm nghiền), giai đoạn nghiền sàng đá (hoạt động của trạm nghiền) và giai đoạn vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
* Đối với hoạt động khoan nổ mìn
Do đây là hoạt động đặc thù của loại hình khai thác khoáng sản nên các doanh nghiệp phải tuân theo quy chế hoạt động vật liệu nổ do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Sở Công thương trực tiếp quản lý, kiểm tra và giám sát thực hiện.
Để đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ nổ mìn, thuốc nổ và phụ kiện nổ phù hợp, hiện đại. Công nhệ nổ mìn đang áp dụng phổ biến hiện nay là nổ mìn vi sai nhằm đảm bảo chất lượng đập vỡ đất đá, giảm lượng đá văng ra xa, giảm chấn động làm sập lở tầng, bờ mỏ, bãi thải và các công trình khác trong khu vực, không tập trung năng lượng, sinh ít bụi, giảm các tác động xấu tới môi trường. Thuốc nổ được sử dụng chủ yếu là thuốc nổ Anfo, thuốc nổ nhũ tương vừa thoả mãn điều kiện phá vỡ đất đá, đem lại hiệu quả cao trong khai thác: đảm bảo kĩ thuật, hạ giá thành, an toàn cũng như bảo vệ tốt môi trường.
Một số rất ít doanh nghiệp lớn đã trang bị và sử dụng thiết bị khoan hiện đại thế hệ mới có kèm theo hệ thống hút và lọc bụi, với thiết bị này việc phát sinh bụi trong công tác khoan lỗ để nổ mìn có thể giảm thiểu một cách tối đa. Tuy nhiên do giá thành tương đối cao nên đến nay hầu hết đơn vị khai thác vẫn sử dụng thiết bị khoan thế hệ cũ, chưa có hệ thống hút và lọc bụi.
Đánh giá hiệu quả: Các biện pháp khống chế tác động xấu do nổ mìn hiện đang được khuyến khích sử dụng. Phương pháp nổ vi sai phi điện được áp dụng sẽ hạn chế
72
đá văng xa, giảm chấn động khi nổ mìn nên sẽ giảm đáng kể lượng bụi do giảm được lượng thuốc nổ.
* Đối với hoạt động san gạt, xúc bốc
Các doanh nghiệp tiến hành phun nước ở những điểm phát sinh nhiều bụi tránh bụi phát tán ra xa. Lượng nước sử dụng để phun nước được lấy từ hồ lắng nằm trong biên giới mỏ (nếu có) hoặc từ những thung ngập nước tự nhiên ở xung quanh mỏ.
- Tại các gương xúc, gương khoan: bụi đất phát sinh là nguồn phát tán trên diện tích rộng nên việc thu gom và xử lý bụi rất khó khăn, hầu như không thực hiện được.
Tuy nhiên khi gương khai thác có độ ẩm cao thì lượng bụi phát sinh là không đáng kể (điển hình là vào những ngày trời mưa phùn hoặc không khí ẩm ướt) và không phát tán vào khu vực xung quanh Vì vậy, khi trời hanh nắng thì các công ty dùng xe tưới nước, hoặc phun nước trước khi nổ mìn.
- Sau quá trình nổ mìn, các công ty sẽ sử dụng xe để phun nước tưới nước trước khi san gạt xúc bốc, nhằm giảm lượng bụi hình thành do quá tprình san gạt, xúc bốc và xây dựng hệ thống nước phun sương khu vực nghiền sàng và khu văn phòng.
- Tại khu vực trạm nghiền sàng: bụi phát sinh chủ yếu là các hạt có kích thước lớn, dễ lắng đọng, khả năng phát tán ra ngoài môi trường là không cao do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân vận hành. Thực tế có một số đơn vị phun nước vào đầu máy nghiền sơ cấp qua một đầu phun (tự chế) với định mức khoảng 1m3 cho 100 m3 đá sản phẩm và đem lại hiệu quả xử lý khá tốt.
Hình 7. Hệ thống phun nước tại trạm nghiền sàng
73
* Đối với hoạt động vận chuyển sản phẩm
Các đơn vị khai thác đá nằm trong cùng một khu vực kết hợp với nhau để hoàn thiện và nâng cấp các tuyến đường trong và ngoài mỏ nhằm làm giảm bụi do gió cuốn và xe chạy tạo ra. Các tuyến đường chính được rải nhựa hoặc đổ bê tông và thường xuyên duy tu, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng. Thực tế trước khi có quy định quản lý nghiêm ngặt tải trọng xe thì các xe vận chuyển đá thường xuyên tự ý chở quá tải trọng cho phép từ 2 – 3 lần, đồng nghĩa với việc lượng bụi phát sinh lớn hơn và các tuyến đường bị xuống cấp nhanh chóng. Thời điểm hiện nay thì vấn đề này đã được hạn chế tối đa do các xe vận chuyển không dám chở quá tải như trước đây.
Ngoài ra, huyện Thanh Liêm đã có cơ chế sử dụng xe phun nước tưới đường giảm thiểu bụi với sự góp vốn đầu tư và duy trì của tất cả các đơn vị khai thác trên địa bàn. Biện pháp này ngay lập tức mang lại hiệu quả với tần suất phun nước 4 lần/ngày nắng nóng khô hanh, 2 lần/ngày râm mát. Tuy nhiên, do có nhiều bất đồng giữa các đơn vị cùng sử dụng tuyến đường chung nên chính sách này không duy trì được lâu dài như mong muốn.
Hình 8. Xe chở nước tưới đường Đánh giá hiệu quả:
Theo Đề án cải thiện chất lượng không khí khu vực thị trấn Kiện Khê triển khai từ năm 2010, các đơn vị hoạt động khoáng sản phải góp tiền mua và sử dụng thường xuyên xe phun nước tưới đường để giảm thiểu bụi ở khu vực đường vận chuyển đi qua thị trấn Kiện Khê (nơi tập trung cao số lượng điểm mỏ và là điểm nóng về ô nhiễm bụi tại huyện Thanh Liêm).
74
Mặc dù thời gian đầu biện pháp này có đem lại hiệu quả giảm thiểu bụi phát sinh tuy nhiên do bất đồng giữa các doanh nghiệp cùng sử dụng đường, chi phí duy trì việc tưới đường khá lớn, các công ty vẫn mang tư tưởng “cha chung không ai khóc” và thiếu cơ chế giám sát cũng như chế tài xử lý vi phạm nên cho đến thời điểm hiện tại hoạt động này không được duy trì.
3.4.1.2. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải
Như đã phân tích ở trên, khí thải phát sinh chủ yếu từ hoạt động nổ mìn, hoạt động của các phương tiện vận chuyển nguyên liệu về trạm nghiền sàng cũng như vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ và hoạt động của các máy móc phụ trợ (máy nén khí, máy đập…).
* Đối với khí thải từ hoạt động nổ mìn
Khi nổ chất nổ là quá trình xảy ra phản ứng oxy hóa các chất cháy (H2, C) mà oxy có ngay trong thành phần của bản thân chất nổ. Muốn cho sản phẩm khí nổ là những chất không độc đối với cơ thể con người và môi trường thì số lượng oxy phải vừa đủ để oxy hóa hoàn toàn các chất nghĩa là H2 bị oxy hóa thành H2O và C bị oxy hóa thành CO2. Trong trường hợp này chất nổ có phản ứng oxy hóa bằng 0. Nếu thành phần chất nổ thiếu oxy để oxy hóa hoàn toàn ta gọi là cân bằng âm. Lúc đó C chuyển thành CO, nếu trong thành phần chất nổ thừa oxy và để oxy hóa người ta gọi là cân bằng dương và oxy thừa + nitơ tạo thành NO hoặc NO2. Trong những sản phẩm khí nổ độc hại nhất là CO và NO.
Tỷ lệ các loại khí độc phụ thuộc vào thành phần chất nổ. khi cân bằng oxy âm lớn thì tạo thành CO nhiều hơn NO. Sản phẩm khí độc, bụi tạo thành khí nổ hòa lẫn vào không khí, xâm nhập vào đất đá, chưa đầy các khe nứt và lỗ hổng trong đất đá gây ngộ độc cho con người. Thời gian phân tán đám mây bụi, khí ra khỏi giới hạn mỏ kéo dài khoảng 30 phút.
Dựa vào cơ sở trên để hạn chế khí độc CO sinh ra khi nổ mìn, các doanh nghiệp đã lựa chọn công nghệ nổ mìn, thuốc nổ và phụ kiện nổ. Thuốc nổ sử dụng phổ biến hiện nay là loại thuốc nổ thân thiện với môi trường (có cân bằng oxy thấp hoặc xấp xỉ bằng 0), sản xuất trong nước như thuốc Anfo, nhũ tương và lựa chọn phương án nổ
75
mìn tiên tiến (nổ vi sai), vừa đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành vừa hạn chế ô nhiễm, hạn chế phát sinh khí độc.
Đánh giá hiệu quả: Hiện nay, việc quản lý vật liệu nổ được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm ngặt, nếu đơn vị không thực hiện nghiêm túc các quy định sẽ không được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ để tiến hành khai thác mỏ do đó hiệu quả mang lại rất cao.
* Đối với khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc phụ trợ
Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị vận tải, máy nén khí, hiệu chỉnh, sửa chữa kịp thời các loại xe, máy nhằm đảm bảo chế độ làm việc tốt nhất, an toàn, năng suất cao và sinh ra khí thải độc hại ít nhất.
Kiểm tra, thay thế kịp thời xe, máy đã hết hạn sử dụng cũng là một biện pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm lượng khí thải phát sinh.
Sử dụng xe, máy mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của nhà sản xuất trong quá trình sử dụng.
Xe ô tô vận chuyển không chở quá trọng tải quy định, nhằm giảm lượng khí thải phát sinh, kéo dài tuổi thọ xe cũng như tuổi thọ của các cung đường vận chuyển, giảm lượng nguyên liệu và sản phẩm rơi vãi, bảo vệ môi trường nói chung.
Đánh giá hiệu quả: Nói chung việc thực hiện tương đối nghiêm túc, các doanh nghiệp khai thác dài hạn đã tập trung vốn để đầu tư đồng bộ thiết bị và xe cộ hiện đại nên có thể giảm thiểu được khí thải phát sinh ngay tại nguồn.
3.4.1.3. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải
Như đã trình bày, nguồn nước thải đáng chú ý có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn tiếp nhận nếu không được xử lý trước khi xả thải là nước thải sinh hoạt từ khu vực văn phòng. Tại khu vực văn phòng của các mỏ, toàn bộ lượng nước thải từ khu vệ sinh được thu gom và xử lý tại các bể tự hoại với lưu lượng không lớn và thành phần chứa nhiều chất hữu cơ dễ phân huỷ.
76
Hình 9. Cấu tạo bể tự hoại 3 ngăn
Bể tự hoại là công trình đồng thời làm 2 chức năng: lắng và phân huỷ cặn lắng.
Nước trong bể được bố trí chảy qua lớp bùn kị khí (trong điều kiện động) để các chất hữu cơ được tiếp xúc nhiều hơn với các vi sinh vật trong lớp bùn. Nước thải sau bể tự hoại sẽ được thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Cặn lắng được giữ lại trong bể từ 6 - 8 tháng, dưới ảnh hưởng của các vi sinh vật kỵ khí các chất hữu cơ bị phân huỷ, một phần tạo thành các chất khí, một phần tạo thành các chất vô cơ hoà tan.
Đánh giá hiệu quả: Qua kết quả quan trắc định kỳ chất lượng nước thải sinh hoạt sau xử lý của một số mỏ trên địa bàn huyện cho thấy đa số các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép cho thấy biện pháp này có đem lại hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, các giá trị đo đạc chưa vượt giới hạn cho phép nhưng vẫn ở mức cao, xấp xỉ giới hạn. Nếu có yếu tố nào đó ảnh hưởng đến bể tự hoại tất yếu sẽ làm giảm hiệu suất xử lý, do đó vẫn cần có biện pháp bổ sung để nâng cao và duy trì hiệu quả xử lý.