Phần 2. Tổng quan về tài liệu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Yêu cầu ngoại cảnh đối với cây rau
Nguồn gốc có ảnh hưởng rất lớn đến yêu cầu của cây đối với điều kiện ngoại cảnh và biện pháp kỹ thuật canh tác. Mỗi loại rau có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, ở từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau yêu cầu các yếu tố ngoại cảnh thích hợp là khác nhau.
Trong quá trình phát triển đó cây rau sống trong môi trường thường xuyên chịu tác động của các yếu tố khí tượng và các tác động vật lý, hoá học, sinh học khác. Rau tiếp thu và đồng hoá có chọn lọc những tác động từ bên ngoài và từng bước hình thành nên những yêu cầu cụ thể đối với các yếu tố ngoại cảnh.
2.1.3.1. Nhiệt độ không khí và nhiệt độ đất đối với rau
Nhiệt độ tác động lên cây bằng nhiều cách: bằng số lượng, trị số nhiệt độ, bằng biến động của chỉ số nhiệt, bằng tần xuất xuất hiện các trị số nhiệt, bằng thời gian tác động dài hay ngắn, bằng thời kỳ tác động, bằng sự chênh lệch nhiệt độ theo thời gian, v.v...
Nhiệt độ là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sinh trưởng và phát triển của cây. Mỗi loài rau có một nhiệt độ thích hợp, tuỳ theo xuất xứ của loại cây mà miền nhiệt độ có thể tương đối thấp (15-200C), trung bình (16- 280C), và nhiệt độ cao (20-300C). Từ miền nhiệt độ thích hợp đi về hai phía cao hơn hoặc thấp hơn sẽ hình thành các miền nhiệt độ ít thích hợp, gây hại và gây chết cây (Nguyễn Như Hà, 2006).
Theo Tạ Thu Cúc và cs. (2000), tốc độ sinh trưởng cây rau phụ thuộc vào sự cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, độ ẩm với điều kiện nhiệt độ thích hợp nhất. Yêu cầu của cây rau đối với nhiệt độ phụ thuộc vào nguồn gốc, giống, kỹ thuật trồng trọt và sự thuần hoá bồi dưỡng của con người.
2.1.3.2. Yêu cầu ánh sáng đối với rau
Ánh sáng là yếu tố cần thiết đối với sản xuất rau vì ánh sáng quyết định 90- 95% năng suất cây trồng (Tạ Thu Cúc và cs., 2000).
Đối với rau, ánh sáng tác động thông qua thành phần ánh sáng, cường độ ánh sáng và thời gian chiếu sáng.
Cường độ ánh sáng thay đổi theo vĩ độ, thời vụ, mạnh nhất vào mùa hè, rồi mùa xuân và mùa thu, yếu nhất trong mùa đông.
Ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên đối với cây rau còn phụ thuộc vào độ dài ngày, độ cao so với mặt nước biển, mùa vụ trong năm, mật độ trồng, vĩ độ, mây, bụi, không khí...v.v (Tạ Thu Cúc và cs., 2000).
Đối với ruộng rau cường độ ánh sáng cũng khác nhau tuỳ thuộc vào sự bố trí mật độ trồng, hướng của luống, hình dáng cây và tình hình xen canh...v.v
Các loại rau yêu cầu ánh sáng không giống nhau, nhu cầu ánh sáng của một loại rau nhưng ở các thời kỳ sinh trưởng khác nhau thì khác nhau.
Thành phần ánh sáng cũng ảnh hưởng đến phẩm chất rau: ánh sáng chứa nhiều tia tím làm tăng hàm lượng Vitamin C trong rau, ánh sáng đỏ kích thích sự vươn dài của lóng.
2.1.3.3. Yêu cầu nước đối với rau
Nước là nguyên nhân hạn chế lớn nhất đến năng suất và chất lượng rau.
Trong sản xuất nông nghiệp, lượng mưa cung cấp phần lớn cho cây trồng một phần đáng kể lượng nước, đặc biệt là ở những vùng không có hệ thống thuỷ lợi chủ động. Để sản xuất cây trồng có hiệu quả đòi hỏi cần nắm quy luật của mưa để tận dụng, khai thác và lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý.
Yêu cầu nước từng loại rau, từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau.
Căn cứ vào yêu cầu của rau đối với độ ẩm tương đối của đất và không khí, người ta sắp xếp các loài rau vào các nhóm sau: Nhóm thích nghi với độ ẩm cao (85-90%), nhóm thích nghi với độ ẩm tương đối cao (70-80%), nhóm thích nghi với độ ẩm thấp (55-65%) và nhóm thích nghi với độ ẩm rất thấp (45-55%).
2.1.3.4. Phản ứng của rau đối với độ chua (pH) của đất
Hầu hết các loại rau thích hợp với độ chua trung tính hoặc hơi chua. đối với rau độ pH trong đất thích hợp từ 5,0-6,8, nếu pH <5,0 và >9,0 dễ gây độc cho rau, rau phát triển yếu tạo điều kiện thuận lợi cho một số vi sinh vật gây bệnh.
Bảng 2.2. Độ pH thích hợp cho các loại rau
pH = 5,0-6,8 pH = 5,5-6,8 pH = 6,0-6,8
Cà, khoai tây, cà rốt, hành ta, thì là, rau diếp, dưa hấu.
Đậu cô ve, cải củ, su hào, súp lơ, cải xanh, dưa chuột, cà chua, tỏi ta, bí ngô.
Đậu cô ve, cải củ, su hào, súp lơ, cải xanh, dưa chuột, cà chua, tỏi ta, bí ngô.
Nguồn: Nguyễn Như Hà (2006) 2.1.3.5. Đạm trong cây và vai trò của đạm đối với đời sống cây trồng
a. Đạm trong cây
Tỷ lệ đạm trong cây có biên độ dao động từ 1-6% trọng lượng chất khô. Tỷ lệ đạm ở bộ phận non cao hơn ở bộ phận già, trong thời kỳ hình thành quả, đạm tập trung vào cơ quan sinh sản.
Trong cây đạm nằm chủ yếu trong các protein. Trong thành phần protein đạm chiếm 15-17%, trong điều kiện bình thường qua tỷ lệ đạm tổng số người ta có thể suy ra đạm thô trong cây.
Đạm trong cây tồn tại dưới dạng hợp chất hữu cơ hòa tan (các amin và amit). Một lượng rất nhỏ đạm và trong điều kiện dinh dưỡng đạm không bình thường, tồn tại trong cây dưới dạng NH4+ và NO3-.
Tỷ lệ giữa đạm hữu cơ và đạm vô cơ thể hiện tình trạng tổng hợp hữu cơ trong cây. Thiếu gluxit và thiếu các điều kiện cho việc khử đạm nitrat, cho quá trình amin hóa thì tỷ lệ trên giảm xuống.
b. Vai trò của đạm đối với đời sống cây trồng
Nitơ (N) nằm trong nhiều hợp chất cơ bản cần thiết cho sự phát triển của cây như diệp lục và các chất men. Các bazơ nitơ là thành phần cơ bản của axit nucleic, trong các ADN và ARN của nhân tế bào, nơi cư trú các thông tin di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp protêin.
Do vậy N là yếu tố cơ bản trong việc đồng hoá các bon (C), kích thích sự phát triển của bộ rễ và hút các yếu tố dinh dưỡng khác.
Cây trồng được bón đủ đạm lá có màu xanh lá cây thẫm, sinh trưởng khỏe mạnh, chồi búp phát triển nhanh, năng suất cao.
Theo Bùi Quang Xuân và cs. (1998), với cải bắp liều lượng đạm có quan hệ chặt với năng suất ở mức 200kg N/ha, năng suất cải bắp đạt cao nhất 430 tạ/ha, ở mức dưới 200kg N/ha thì năng suất đạt thấp 320 tạ/ha.