KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN SỬ DỤNG THUỐC ĐIỀU TRỊ

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An (Trang 61 - 65)

4.1.1. Tuổi, giới tính và thể trạng của bệnh nhân

Phần lớn bệnh nhân trên 55 tuổi chiếm tỷ lệ 86,1 %, trong đó nhóm tuổi từ 55 – 69 chiếm tỷ lệ 55%. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là 65,7 ± 10,8 (năm). Bệnh nhân ít tuổi nhất là 30 tuổi, cao tuổi nhất là 87 tuổi. Nghiên cứu của một số tác giả Nguyễn Phương Dung (2011) [10], Nguyễn Toàn Thắng (2013) [21], Trương Thị Nhung (2014) [18] tiến hành tại các bệnh viện khác nhau đều có kết quả tương đồng. RLLPM là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuổi cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Điều trị rối loạn lipid máu còn mang một ý nghĩa dự phòng tiên phát và cả dự phòng thứ phát rất lớn đối với biến cố tim mạch.

Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân nam (70%) cao hơn bệnh nhân nữ (30%). Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu Hoàng Thị Thu Hương (2009) [13], Hoàng Thị Thu Minh (2011) [17]. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Toàn Thắng (2013) [21], Trương Thị Nhung (2014) [18] thì tỷ lệ nữ nhiều hơn nam. Khác biệt này có thể do các nghiên cứu được tiến hành tại các bệnh viện, các cộng đồng trên các quần thể bệnh nhân có bệnh lý khác nhau.

Chúng tôi tiến hành đánh giá thể trạng của bệnh nhân giá theo tiêu chuẩn WHO 2000 áp dụng cho người dân các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đối tượng bệnh nhân có thể trạng bình thường chiếm tỷ lệ cao nhất 62,2%. Bệnh nhân béo phì chiếm 36,1 % trong đó chủ yếu là giai đoạn tiền béo phì (32,8%). Một số nghiên cứu Hoàng Thị Thu Hương (2009) [13], Nguyễn Toàn Thắng (2013) [21], Trương Thị Nhung (2014) [18] cũng cho kết quả tương tự là bệnh nhân thể trạng bình thường chiếm tỷ lệ cao nhất, tỷ lệ bệnh nhân béo phì chiếm khoảng 1/3 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân béo phì thấp hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Mỹ Loan, Trương Quang Bình (2009) (53,9%) [16]. Đối với bệnh nhân béo phì, việc tăng cường luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn uống,

thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong điều trị RLLPM. Béo phì là một trong những nguyên nhân gây RLLPM. Ngoài ra nguyên nhân gây RLLPM có thể do nguyên phát (di truyền, các bệnh về gen) và nguyên nhân thứ phát (thói quen ăn uống, sinh hoạt, bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như THA, BMV, ĐTĐ hoặc do tác động của một số thuốc…).

4.1.2. Đặc điểm bệnh lý của bệnh nhân

RLLPM là yếu tố khởi phát cho quá trình hình thành và phát triển của vữa xơ động mạch, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim… [54]. RLLPM thường gặp ở các đối tượng có bệnh lý tim mạch - chuyển hóa như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường và cần phải có biện pháp điều trị phòng ngừa tiên phát và phòng ngừa thứ phát cho bệnh nhân.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, các bệnh lý phối hợp liên quan mật thiết với RLLPM là tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường với tỷ lệ tương ứng là 86,1%, 74,4%, 26,1%. Phần lớn bệnh nhân có 2 bệnh lý phối hợp, trong đó bệnh lý phối hợp bệnh mạch vành và tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất 58,3%. Bệnh nhân có 3 bệnh lý phối hợp bệnh mạch vành, tăng huyết áp và đái tháo đường chiếm tỷ lệ 9,4%. Kết quả nghiên cứu tương tự của tác giả Nguyễn Phương Dung (2011) bệnh nhân có đa yếu tố nguy cơ chiếm 54,7% [10]. Nghiên cứu của Trương Thị Nhung (2014) các bệnh lý tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường có tỷ lệ lần lượt là 80%, 33,5%, 45,5% [18].

4.1.3. Chức năng gan, thận của bệnh nhân ở thời điểm bắt đầu điều trị

Ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận, sự chuyển hóa và thải trừ thuốc khỏi cơ thể giảm làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và tăng nguy cơ độc tính. Trong nghiên cứu số bệnh nhân có men gan tăng cao hơn giới hạn bình thường là 38 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 21,1%, trong đó 12 bệnh nhân (6,7%) tăng đồng thời ASAT và ALAT nhưng không có bệnh nhân nào có chỉ số ASAT/ ALAT > 3 lần giới hạn bình thường.

Về chức năng thận, nhóm đối tượng bệnh nhân Clcr 50-89 ml/phút chiếm tỷ lệ cao nhất 58,3%. Bệnh nhân có Clcr ≥ 90 ml/phút chiếm 14,5%. Bệnh nhân có

có độ tuổi trên 70. Đây là những đối tượng cần lưu ý về liều dùng một số thuốc điều trị RLLPM để hiệu chỉnh phù hợp, đặc biệt là các thuốc thải trừ qua thận.

4.1.4. Phân loại mức độ rối loạn lipid máu của bệnh nhân

Các chỉ số lipid máu trung bình của bệnh nhân ở mức cao hơn giới hạn bình thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 46,7% bệnh nhân có nồng độ cholesterol toàn phần trong giới hạn bình thường, chỉ có 25% bệnh nhân có cholesterol toàn phần cao ≥ 6,2 mmol/l, 28,3% bệnh nhân có cholesterol toàn phần ở mức cao giới hạn ≥ 5,2 mmol/l. Nồng độ cholesterol toàn phần trung bình của bệnh nhân là 5,28 ± 1,18, thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Toàn Thắng (2013) là 6,5 ± 1,2 [21].

LDL-C là nguyên nhân gây vữa xơ động mạch. Trong nghiên cứu của chúng tôi, số bệnh nhân có chỉ số LDL-C đạt tối ưu < 2,6mmol/l và gần tối ưu

<3,4 mmol/l tương ứng là 29,4% và 26,7%, trong khi đó bệnh nhân có chỉ số LDL-C cao ≥ 4,1 mmol/l và rất cao ≥ 4,9 mmol/l chỉ đạt 14,4% và 3,9%. Nồng độ LDL-C trung bình của bệnh nhân là 3,25 ± 0,86 không phải là mức cao nhiều so với giới hạn bình thường. Tuy nhiên, với nghiên cứu của chúng tôi 91,1% bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao nên hầu hết bệnh nhân cần điều trị RLLPM để phòng biến cố vữa xơ động mạch.

Tăng triglycerid máu thường liên quan đến hạ HDL-C và tăng LDL nhỏ đậm đặc. Vì vậy, ảnh hưởng của tăng triglycerid máu trên BTMXV có thể do tình trạng hạ HDL-C và tăng LDL nhỏ đậm đặc. Do còn thiếu các bằng chứng thuyết phục nên hiện nay, triglycerid chưa được xem là YTNC BTMXV. Đa số bệnh nhân có nồng độ triglycerid cao hơn giá trị bình thường, chiếm 76,7% trong đó 45,6% bệnh nhân có nồng độ triglycerid ở mức cao ≥ 2,3 mmol/l và 6,1% ở mức rất cao ≥ 5,7 mmol/l. Một trường hợp bệnh nhân có nồng độ triglycerid rất cao 12,86 mmol/l và các chỉ số cholesterol toàn phần 7,84 mmol/l, LDL-C 4,11 mmol/l, HDL 1.06 mmol/l.

Triglycerid cao là yếu tố góp phần vào nguy cơ tim mạch còn tồn dư, làm tăng nguy cơ BMV với tất cả các mức LDL-C. Kết quả từ nghiên cứu PROVE IT-TIMI 22 trial của Miler M. và cộng sự cho thấy dù mức LDL-C giảm với statin liều cao thì những bệnh nhân có TG ≥ 2,3 mmol/l vẫn có nguy cơ tử vong, nhồi máu cơ tim, hội chứng

vành cấp tăng 56% so với nhóm TG < 2,3 mmol/l [41]. Nghiên cứu của Đào Thu Giang và cộng sự (2011) cho thấy nguy cơ BMV trong 10 năm tới ở nhóm bệnh nhân tăng triglycerid cao hơn có ý nghĩa thống kê so với đối tượng có nồng độ triglycerid bình thường [11]. Đối với những bệnh nhân có TG ≥ 500 mg/dl (5,7 mmol/l) ưu tiên hàng đầu là điều trị dự phòng viêm tụy cấp chứ không phải mục tiêu tim mạch.

Tăng HDL-C tiên đoán giảm mảng xơ vữa và hạ HDL-C có liên quan đến gia tăng biến cố và tử vong ở bệnh nhân bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, do còn thiếu các bằng chứng thuyết phục về hiệu quả can thiệp loại RLLM này trên nguy cơ BTMXV, nên hạ HDL-C chưa được xem là mục tiêu điều trị chính BTMXV. HDL- C trung bình của bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là 1,02 ± 0,2 mmol/l. Số bệnh nhân có nồng độ HDL-C thấp (< 1mmol/l) chiếm gần một nửa với tỷ lệ 45,6%. So sánh với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thanh Xuân và cộng sự (2010) [24] trên bệnh nhân có tổn thương động mạch vành có chỉ số HDL-C trung bình tương tự là 0,99 ± 0,25 mmol/l. Nghiên cứu của Đàm Thị Lâm (2013), nồng độ HDL-C là 1,04

± 0,05 mmol/l [15]. Một nghiên cứu của Trần Văn Thi và cộng sự (2013) trên 100 bệnh nhân đã được chụp mạch vành tại Viện tim, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy nồng độ HDL-C của bệnh nhân có tổn thương mạch vành thấp hơn đáng kể so với các bệnh nhân không có tổn thương mạch vành [22].

Kết quả cũng tương tự với nghiên cứu của Lâm Kim Phượng và cộng sự (2011), cho thấy nồng độ HDL-C thấp của bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là một yếu tố nguy cơ cao của BMV [20].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nhóm bệnh nhân tăng lipid hỗn hợp và nhóm bệnh nhân tăng triglyceid chiếm đa số với tỷ lệ tương ứng 49,5% và 27,2%.

Bệnh nhân tăng cholesterol đơn thuần chiếm tỷ lệ thấp nhất 3,9%. Bệnh nhân có chỉ số lipid máu bình thường chiếm 19,4% tuy nhiên đây là những đối tượng bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao và rất cao được chẩn đoán bệnh mạch vành, đái tháo đường. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phương Dung (2011) [10], Nguyễn Toàn Thắng (2013) [21], Trương Thị Nhung (2014) [18] cho kết quả tương tự với nhóm bệnh nhân tăng lipid máu hỗn hợp chiếm tỷ lệ cao nhất và nhóm bệnh nhân tăng cholesterol máu đơn thuần chiếm tỷ lệ thấp nhất.

4.1.5. Đánh giá nguy cơ tim mạch của bệnh nhân

Trong nghiên cứu, bệnh nhân RLLPM được đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch theo hướng dẫn của NCEP ATP III và thang điểm Flamingham. Việc phân loại nguy cơ tim mạch giúp xác định sự cần thiết của việc điều trị bằng thuốc RLLPM, ảnh hưởng đến lựa chọn và phối hợp thuốc cho bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao và rất cao chiếm tỷ lệ 91,1%, trong đó bệnh nhân nghiên cứu mắc nhiều yếu tố nguy cơ như THA, BMV, ĐTĐ tạo nên mối tương quan chặt chẽ giữa RLLPM và các bệnh lý tim mạch. Kết quả trên phù hợp với nghiên cứu Nguyễn Phương Dung (2011) tại viện Tim mạch Việt Nam có tỷ lệ nhóm bệnh nhân nguy cơ cao và rất cao chiếm 93,5% [10].

Nghiên cứu của Trương Thị Nhung (2014) tỷ lệ bệnh nhân nguy cơ cao và rất cao là 82% [18]. Với các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao, việc sử dụng thuốc điều trị RLLPM để dự phòng tiên phát và thứ phát các biến cố tim mạch là hết sức cần thiết.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)