Chấp hành dự toán chi NSNN

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH (Trang 23 - 27)

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

1.2. Nội dung của quản lý chi Ngân sách nhà nước

1.2.2. Chấp hành dự toán chi NSNN

Chấp hành dự toán chi NSNN là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, tài chính và hành chính nhằm đảm bảo các chỉ tiêu đã giao trong dự toán chi NSNN năm trở thành hiện thực.

Mục tiêu của chấp hành chi NSNN là việc đảm bảo các chỉ tiêu chi ghi trong kế hoạch ngân sách năm từ khả năng, dự kiến thành hiện thực. Qua đó góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Đối với công tác quản lý điều hành chi NSNN, chấp hành chi NSNN là khâu cốt yếu có ý nghĩa quyết định với một chu trình ngân sách. Nếu khâu lập kế hoạch đạt kết quả tốt thì cơ bản chỉ dừng lại trên giấy tờ, nằm trong dự kiến còn dự kiến có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào việc chấp hành. Hơn nữa, chấp hành chi ngân sách có tốt thì khâu tiếp theo là quyết toán chi ngân sách mới thực hiện tốt được.

Nội dung chấp hành chi NSNN gồm: Phân bổ và giao dự toán chi NSNN, tổ chức chi NSNN, kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN.

1.2.2.1. Phân bổ và giao dự toán chi NSNN.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc Hội về dự toán chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ chi ngân sách cho các Bộ, ngành ở Trung ương và cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 20/11 năm trước.

Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ chi Ngân sách cho các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 25/11 năm trước.

Trên cơ sở Quyết định của TTCP giao nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cho tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định dự toán chi ngân sách, phương án phân bổ ngân sách tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp dưới trước ngày 10/12 năm trước.

Căn cứ Nghị quyết HĐND tỉnh, Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, UBND

các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ chi ngân sách của UBND cấp trên; UBND cấp dưới trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán chi ngân sách và phương án phân bổ ngân sách cấp mình chậm nhất 10 ngày kể từ ngày HĐND cấp trên Quyết định dự toán và phân bổ ngân sách.

Sau khi nhận được dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị dự toán phải tổ chức phân bổ và giao dự toán chi ngân sách cho từng đơn vị trực thuộc trước ngày 31/12 năm trước.

1.2.2.2. Tổ chức chi NSNN và nguyên tắc kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN.

* Điều kiện chi ngân sách nhà nước

Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã có trong dự toán chi ngân sách nhà nước được giao

- Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền qui định.

- Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

- Có đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán theo quy định.

* Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN.

- Tất cả các khoản chi NSNN phải được kiểm tra, kiểm soát trong quá trình chi trả, thanh toán. Các khoản chi phải có trong dự toán NSNN được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

- Mọi khoản chi NSNN được hạch toán bằng đồng Việt Nam theo niên độ ngân sách, cấp ngân sách và mục lục NSNN.

- Việc thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp từ KBNN cho người hưởng lương, trợ cấp xã hội và người cung cấp hàng hóa dịch vụ; trường hợp chưa thực hiện được việc thanh toán trực tiếp, Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán qua đơn vị sử dụng NSNN.

- Trong quá trình kiểm soát, thanh toán, quyết toán chi NSNN các khoản chi sai phải thu hồi giảm chi hoặc nộp ngân sách. Căn cứ vào quyết định của cơ quan

tài chính hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu hồi cho ngân sách nhà nước theo đúng trình tự quy định.

* Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN được quy định cụ thể như sau:

- Trách nhiệm của cơ quan Tài chính:

+ Thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp việc phân bổ không phù hợp với nội dung trong dự toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, không đúng chính sách, chế độ thì yêu cầu cơ quan phân bổ ngân sách điều chỉnh lại;

+ Đảm bảo tồn quỹ ngân sách nhà nước các cấp để đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Luật. Trường hợp tồn quỹ ngân sách các cấp không đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan tài chính được quyền yêu cầu (bằng văn bản) Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán một số khoản chi về mua sắm, sửa chữa theo từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo cân đối quỹ ngân sách nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính được giao của đơn vị;

+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, không đúng chế độ quy định hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo, thì có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán.

+ Chịu trách nhiệm nhập dự toán chi ngân sách vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (sau đây gọi tắt là TABMIS) theo quy định về hướng dẫn quản lý điều hành ngân sách nhà nước trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS.

- Trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách:

+ Đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách được giao và quyết toán ngân sách theo đúng chế độ quy định. Lập chứng từ thanh toán theo đúng mẫu do Bộ Tài chính quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung chi đã kê trên bằng kê chứng từ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước.

+ Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm Quyết định chi theo chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao.

+ Quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; đúng định mức mua sắm, trang bị tài sản; đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất và mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước:

+ Kiểm soát các hồ sơ, chứng từ chi và thực hiện thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách đủ điều kiện thanh toán theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính Phủ.

+ Tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách; xác nhận số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

+ Kho bạc Nhà nước có quyền tạm đình chỉ, từ chối thanh toán và thông báo bằng văn bản cho đơn vị sử dụng ngân sách biết; đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong các trường hợp sau: Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các khoản chi không đảm bảo đủ các điều kiện chi.

* Trình tự thực hiện cấp phát chi thường xuyên:

- Căn cứ vào dự toán NSNN được giao, tiến độ triển khai công việc và điều kiện chi ngân sách, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, kèm theo các tài liệu cần thiết theo chế độ quy định;

- KBNN kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu do đơn vị sử dụng ngân sách gửi, thực hiện việc thanh toán khi có đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.

- Việc thanh toán vốn và kinh phí ngân sách thực hiện theo nguyên tắc trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cho người hưởng lương, trợ cấp xã hội và người cung cấp hàng hoá, dịch vụ;

- Đối với các khoản chi chưa có điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp,

Kho bạc Nhà nước tạm ứng cho đơn vị sử dụng ngân sách để chủ động chi theo dự toán được giao.

* Trình tự thực hiện việc cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản:

- Căn cứ vào dự toán ngân sách năm được giao, giá trị khối lượng công việc đã thực hiện và điều kiện chi ngân sách, chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh toán kèm theo các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật gửi cơ quan cấp phát vốn;

- KBNN kiểm tra hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư và thực hiện thanh toán khi có đủ các điều kiện theo quy định;

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)