CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
2.1. Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh
2.1.2. Đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2015, trong năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước liên tiếp có những diễn biến hết sức phức tạp. Trên cơ sở dự báo sát tình hình, lường trước những khó khăn, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, năm 2012, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phát triển ổn định, đúng hướng và thu được những kết quả quan trọng:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP, giá so sánh 1994) năm 2012 đạt 7,4%, trong đó: Giá trị tăng thêm (giá so sánh 1994) của các ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,1%; ngành dịch vụ tăng 13,7%. Trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là khó khăn của ngành than và sự thay đổi về cơ chế, chính sách biên mậu của nước bạn... đã ảnh hưởng rất
lớn đến tăng trưởng của Tỉnh. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 7,4% là mức tăng khá so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,2%).
(2) Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) ước đạt 30.079,5 tỷ đồng, bằng 99%
so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp Trung ương 18.626,9 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ; công nghiệp địa phương 6.393,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 5.059,2 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
(3) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá:
- Trồng trọt: Toàn tỉnh gieo trồng được 69.785,8 ha cây trồng các loại đạt 102% kế hoạch; trong đó cây lương thực 49.629,8 ha, bằng 102% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 232.688 ngàn tấn, hoàn thành kế hoạch đề ra (kế hoạch 232.000 tấn), năng suất lúa ước đạt 48,2 tạ/ha.
- Chăn nuôi: Chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã xảy ra 3 loại dịch bệnh là cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc nên số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm nhẹ so với cùng kỳ.
- Lâm nghiệp: Công tác trồng mới rừng tập trung đạt 13.589 ha, vượt 14,3%
kế hoạch. Toàn tỉnh có 316.578 ha đất có rừng; độ che phủ đạt 51,5% hoàn thành mục tiêu đề ra.
- Thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 88,8 nghìn tấn, vượt 7% so với kế hoạch và tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó: sản lượng khai thác ước đạt 57,7 nghìn tấn, vượt 13% so với kế hoạch và tăng 2,9% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 31,1 nghìn tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ và giảm 2,7% so với kế hoạch.
(4) Đầu tư phát triển:
- Đầu tư xã hội: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 37.282 tỷ đồng; vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 18.806 tỷ đồng, chiếm 50,4%, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.248 tỷ đồng; vốn ngoài nhà nước 13.476 tỷ đồng, chiếm 36,1%.
- Đầu tư từ ngân sách: Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước là 4.248 tỷ đồng. Khi giao vốn cho các địa phương, các huyện đã chủ động phấn đấu tăng thu tiền sử dụng đất và tăng tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung vốn xây dựng cơ bản và vốn ngân sách Trung ương. Tính đến thời điểm báo cáo đạt 6.532,1 tỷ đồng.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm đầu tư toàn diện, tập trung bố trí 1.446,56 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, đặc biệt ưu tiên cho một số dự án lớn trọng điểm, động lực như: Dự án Cải tạo nâng cấp đường Tỉnh lộ 340; Đường tránh phía Bắc thành phố Hạ Long, đoạn Vũ Oai - Quang Hanh; giải phóng mặt bằng đường quốc lộ 18A, đoạn Hạ Long - Uông Bí.
- Vốn đầu tư nước ngoài: Hoạt động xúc tiến, vận động và thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả nổi bật. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô quốc gia. Nhiều văn bản hợp tác được ký kết, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Thu hút vốn FDI năm 2012 cao so với năm 2011 cả về số dự án và tổng vốn đăng ký (4/3 dự án; 411,972/26,4 triệu USD=15 lần). Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,156 tỷ USD. Một số dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để thực hiện như: dự án đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án đường dẫn và cầu Bắc Luân II, dự án xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn, Trung tâm thương mại và siêu thị BigC...
(5) Thu, chi ngân sách nhà nước
Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, tổng thu, chi NSNN trên địa bàn Tỉnh vẫn vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ, nằm trong số các địa phương có số thu đạt khá.
- Thu NSNN trên địa bàn năm 2012 thực hiện 29.880 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, trong đó: Thuế XNK ước thực hiện 11.200 tỷ đồng, tăng 26% so với dự toán và tăng 8% so với cùng kỳ; thu nội địa (cân đối NSĐP) ước thực hiện 18.680 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, các khoản thu được để lại quản lý qua ngân sách ước thực hiện 232 tỷ đồng, bằng 109% dự toán.
- Tổng chi ngân sách địa phương năm 2012 (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước) ước đạt 18.368 tỷ đồng, bằng 107% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 6.532,1 tỷ đồng, đạt 103% dự toán; chi thường xuyên 7.320,9 tỷ đồng, đạt 111%
dự toán. Kết quả thực hiện một số khoản chi lớn: chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo 2.305,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán; chi sự nghiệp Y tế 1.217,1 tỷ đồng, tăng
5% so với dự toán; chi sự nghiệp khoa học công nghệ ước thực hiện 50,6 tỷ đồng; các nhiệm vụ chi chính trị quan trọng phát sinh 102,8 tỷ đồng...