Nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH (Trang 78 - 83)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

2.3. Đánh giá tình hình quản lý chi ngân sách của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2008-2012

2.3.4. Nguyên nhân của hạn chế

2.3.4.1. Nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Trung ương

- Công cụ quản lý chi NSNN là chế độ chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên trong 5 năm qua, mặc dù một số cơ chế chính sách cơ bản đã được Nhà nước ban hành, song việc ban hành thường chậm so với yêu cầu, còn nhiều quy định bất hợp lý, thiếu tính đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chủ yếu mang tính chất xử lý tình thế (điển hình là chính sách về tiền lương, phụ cấp, công tác phí, học bổng học sinh, chế độ hội nghị, cơ chế thu học phí, viện phí...). Hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai cũng chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương làm cho việc triển khai của địa phương còn nhiều lúng túng, chậm chễ. Ngoài ra một số các văn bản về đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu hoặc đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Cơ chế quản lý đầu tư hiện tại còn thiếu những chế tài, những quy định cụ thể nhằm kiểm soát và hạn chế việc phê duyệt dự án đầu tư. Chưa có quy định ràng buộc mối quan hệ giữa cấp phát vốn đầu tư với quyết toán vốn đầu tư hoàn thành nên việc yêu cầu chủ đầu tư quyết toán công trình XDCB hoàn thành rất khó khăn.

- Căn cứ chi ngân sách là các chế độ, định mức nhưng hệ thống định mức phân bổ ngân sách, định mức sử dụng ngân sách không phù hợp, chậm được sửa đổi bổ sung nên trên thực tế nhiều chế độ định mức chỉ mang tính kế hoạch, hướng dẫn là chính, ít

được các cơ quan đơn vị tuân thủ chấp hành. Nhiều loại đơn giá, định mức gắn liền với công tác quản lý chi thường xuyên nhưng chậm được ban hành, ví dụ như đối với sự nghiệp kiến thiết thị chính thì các định mức, đơn giá về chăm sóc cây xanh, sửa chữa điện chiếu sáng, nạo vét hố ga … chậm được ban hành dẫn đến hệ quả là chưa đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu đối với hoạt động phục vụ công cộng này.

- Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của tỉnh còn nhiều bất cập, còn thiếu nhất quán, dẫn đến tâm lý “lỳ” trong dân, cứ khiếu nại là được giải quyết thêm nên hay phát sinh khiếu kiện làm chậm tiến độ dự án.

- Chính sách tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách chưa được cụ thể hoá đầy đủ để có căn cứ thực hiện hiệu quả.

2.3.4.2. Nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý NSNN tỉnh Quảng Ninh

- Công tác tuyên truyền, quán triệt Luật NSNN đến các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chưa sâu sắc, chưa đạt được mục tiêu đề ra, do vậy nhận thức về Luật NSNN và các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN của các cơ quan đơn vị và của cán bộ còn hạn chế.

- Một số cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN chưa chấp hành tốt các quy định của Luật, chưa nâng cao ý thức quản lý sử dụng kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả.

Việc chấp hành cơ chế quản lý tài chính, quản lý chi tiêu NSNN chưa đúng quy định là nguyên nhân gây ra lãng phí ở một số khâu, một số khoản chi. Một số ít lãnh đạo, cán bộ công chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nâng cao ý thức tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách.

- Trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý sử dụng ngân sách, chế tài xử lý khi vi phạm còn thiếu dẫn đến khi có vụ việc vi phạm về tài chính xảy ra thường khó quy trách nhiệm cá nhân. Không ít lãnh đạo các cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn tư tưởng vận dụng tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý các khoản chi này. Mặt khác, do thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo cơ quan đơn vị dẫn đến tình trạng người thực hiện đúng và sử dụng có hiệu quả các khoản chi thường xuyên thì không được khen thưởng; người sử dụng tuỳ tiện kém hiệu quả thì không bị xử lý.

- Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa nhận thức đúng tinh thần của Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Các đơn vị này mới chỉ coi khoán kinh phí quản lý hành chính đơn thuần là việc tiết kiệm chi để tăng thu nhập

cho cán bộ, công chức mà chưa chú ý gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cải tiến biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả công tác. Vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào bao cấp từ NSNN, chậm đổi mới tư duy trong một bộ phận lãnh đạo và viên chức sự nghiệp.

Mặt khác, một số quy định về mức thu còn thấp do ban hành đã lâu nên không còn phù hợp (như phí chợ, học phí, viện phí …) không đảm bảo được hoạt động của đơn vị theo yêu cầu tự chủ.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư và xử lý vi phạm trong đầu tư XDCB, chi tiêu tài chính chưa được tiến hành thường xuyên. Việc kết luận, xử lý sai phạm còn chưa nghiêm minh, nhiều trường hợp còn nể nang, ngại va chạm, chưa xử ký kiên quyết đối với các đơn vị, chủ đầu tư có sai phạm để làm gương cho người khác. Đây là một nguyên nhân có ảnh hưởng rất lớn đến quản lý chi NSNN chưa hiệu quả, vì thực tế hiện nay cán bộ có chức, có quyền vi phạm trong quản lý chi tiêu ngân sách có dấu hiệu ngày càng tăng, trong khi số người bị phát hiện và xử phận rất ít. Chưa có cơ chế rõ ràng, cụ thể để thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, của các đoàn thể nhân dân đối với chi đàu tư xây dựng cơ bản từ NSNN, nhất là các công trình có huy động đóng góp của nhân dân. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực hiện tốt nguyên tắc công khai tài chính, làm hạn chế hiệu quả giám sát của cán bộ, công chức, của các đoàn thể chính trị - xã hội, của các tầng lớp nhân dân đối với việc quản lý và sử dụng NSNN tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và các cấp ngân sách.

- Đội ngũ cán bộ ngành tài chính ở các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, cấp xã vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trình độ còn bất cập, chưa được chuẩn hoá kịp thời để đáp ứng được tiến trình cải cách hành chính công.

Ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, phẩm chất, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong công tác quản lý và thực hiện dự án đầu tư XDCB (nhất là khối xã, phường) không đồng đều, còn bị hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Mặt khác, năng lực của các chủ đầu tư chưa theo kịp yêu cầu công tác quản lý nên chưa kiểm tra, giám sát được đơn vị tư vấn, nhà thầu dẫn đến hiệu quả quản lý chi đầu tư từ ngân sách còn chưa cao.

- Việc triển khai tin học hoá công tác kế toán theo dự án của Bộ Tài chính còn chậm, số lượng đơn vị tham gia vào chương trình tin học hoá của ngành tài chính mới chỉ dừng ở cấp tỉnh, cấp huyện và dồn công việc vào cơ quan KBNN dẫn

tới ách tắc trong khâu thanh toán, giảm chất lượng kiểm soát chi của Kho bạc. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa được chặt chẽ. Đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan Tài chính - KBNN - cơ quan Thuế có lúc có nơi còn chưa được nhịp nhàng, đồng bộ.

- Khi xây dựng định mức phân bổ, chưa tính toán đưa vào quản lý nguồn thu học phí, viện phí của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế theo quy định. Định mức chi quản lý nhà nước ở cấp xã tính theo quỹ lương còn thấp, không khuyến khích các đơn vị cấp xã thực hiện giao tự chủ sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính ở cấp xã.

Kết luận chương 2

Trong giai đoạn 2008-2012, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa cải cách kinh tế của Đảng, Nhà nước, tình hình KT-XH cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực, thu NSNN trên địa bàn tỉnh tăng đều hàng năm với tốc độ cao đã góp phần cân đối nguồn lực cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh, số chi ngân sách 5 năm 2008- 2012 ước đạt 56.614 tỷ đồng.

Công tác quản lý ngân sách đã được quan tâm, các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn, tạo thế chủ động trong quản lý điều hành, bám sát Luật NSNN, tăng cường các biện pháp, hình thức quản lý chi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực NSNN để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn Tỉnh Quảng Ninh.. Tuy nhiên bên cạnh đó công quản lý chi ngân sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn có một số điểm hạn chế cần được khắc phục và hoàn thiện.

Từ thực trạng công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, việc tìm ra giải pháp nhằm quản lý chi ngân sách tỉnh nói chung và công tác quản lý chi ngân sách các cấp chính quyền và đơn vị trong tỉnh nói riêng là một yêu cầu bức xúc đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong thời gian tới. Trong khuôn khô bàn Luận văn này, tác giải sẽ trình bày một số đề xuất, giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý chi NSNN trong Chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)