CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1.4. Kinh nghiệm quản lý chi NSNN trong nước và quốc tế
1.4.1. Kinh nghiệm của một số địa phương trên thế giới
1.4.1.1. Kinh nghiệm quản lý chi ngân sách nhà nước tại Singapore.
Từ một thuộc địa với thu nhập thấp, Singapore đã phát triển thành một quốc gia công nghệ cao và được coi là một nước công nghiệp mới. Sự phát triển của Singapore dựa trên sự lãnh đạo quyết đoán, chiến lược ưu tiên công nghiệp, chính sách FDI cố kết và lợi nhuận, và sự quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Năm ngân sách của Singapore bắt đầu từ 01/4 và kết thúc vào 31/3 năm sau.
Dự toán ngân sách nhà nước được trình lên Quốc hội vào khoảng tháng 9. Các Nghị sỹ có 5 ngày để xem xét và đọc báo cáo về ngân sách, sau đó, các Nghị sỹ sẽ thảo luân về ngân sách trong 3 ngày. Đến cuối ngày thứ 3 thì Bộ Trưởng Bộ tài chính sẽ
giải trình và tiếp thu ý kiến của các Nghị sỹ. Đến tháng 12, dự toán ngân sách nhà nước được trình lên Nội Các. Tháng 1, Nội Các sẽ xem xét thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước. Đến tháng 3 thì dự toán ngân sách nhà nước được trình lên Quốc hội để biểu quyết và sau đó Tổng thống phê chuẩn; Sau khi Tổng thống phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước có giá trị pháp lý như một đạo luật ngân sách thường niên.
Quốc hội có 2 Uỷ ban để giám sát về ngân sách nhà nước;
Uỷ ban Tài khoản công; sẽ xem xét về quyết toán ngân sách nhà nước cùng với báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Uỷ ban Tài khoản công có mối quan hệ chặt chẽ và khăng khít với Kiểm toán Nhà nước. Nói cách khác, Uỷ ban tài khoản công của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán và thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Uỷ ban này thường tập trung vào những vấn đề bất thường, những sai phạm, không phù hợp với mục tiêu ngân sách ban đầu đưa ra.
Khi Singapore chuyển sang quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra thì công việc của Uỷ ban này và của Tổng Kiểm toán Nhà nước không chỉ là việc chỉ ra những sai phạm, mà điều quan trọng hơn là cần đánh giá tính hiệu quả của quản lý NSNN.
Uỷ ban Dự toán sẽ xem xét dự toán chi tiêu của Chính phủ và đánh giá các báo cáo chi tiêu ngân sách định kỳ 6 tháng của các Bộ. Uỷ ban Dự toán có mối quan hệ khăng khít và chặt chẽ với Bộ Tài chính.
Khi Singapore chuyển sang quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra thì Uỷ ban này chú trọng vào việc phân tích các chính sách vĩ mô, mà không đi vào chi tiết dự toán chi tiêu của các Bộ như trước nữa. Các Nghị sỹ trong Uỷ ban Dự toán phát biểu và tranh luận nhiều hơn về các chính sách, chương trình, mục tiêu của từng Bộ, dưới góc độ chính sách và trên phạm vi tổng thể, có quyền chất vấn các Bộ trưởng và tiến hành điều chỉnh ngân sách giữa các Bộ đến mức tối thiểu là 100 đô la Singapore, đề xuất ưu tiên ngân sách cho các nhịêm vụ và lĩnh vực trọng tâm. Uỷ ban Dự toán tiến hành bỏ phiếu về ngân sách cho từng Bộ theo 2 lần:
Bỏ phiếu lần 1: Mục đích là xem xét cắt giảm hoặc điều chỉnh bao nhiêu ngân sách đối với từng Bộ.
Bỏ phiếu lần 2: Mục đích là quyết định số ngân sách mới cho từng Bộ sau khi đã cắt giảm và điều chỉnh.
Uỷ ban Dự toán sẽ báo cáo về ngân sách mới cho từng Bộ lên Quốc hội và Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết chung. Khi Quốc hội không thông qua dự toán ngân sách nhà nước thì Chính phủ được phép sử dụng khoản tiền nhưng không quá nửa số ngân sách của năm trước. Trường hợp có chi tiêu đột xuất phát sinh trong năm tài chính, Chính phủ lập dự toán ngân sách bổ sung và trình Quốc hội. Dự toán ngân sách bổ sung cũng được xem xét thông qua giống như khi xem xét dự toán ngân sách chính thức.
Chính phủ Singapore đã dành một lượng vốn đầu tư thích đáng từ NSNN để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH, cho ra đời nhiều khu công nghiệp tập trung tạo ra những tiền đề vật chất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Từ những năm 1970 nền kinh tế Singapore đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động, hiện đại hoá ngành vận chuyển quốc tế, nâng cấp hệ thống viễn thông. Một trong những kinh nghiệm trong quản lý đầu tư của Singapore đó là: Thành lập ra những tổ chức chịu trách nhiệm từng khâu (từ xúc tiến đầu tư, tài chính, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, giải phóng mặt bằng...); ban hành hệ thống pháp luật, chính sách ưu tiên thúc đẩy đầu tư (như thuế, lao động...)...;
1.4.1.2. Kinh nghiệm quản lý chi NSNN của tỉnh Đông Hưng - Trung Quốc.
Ở Trung Quốc ngân sách nhà nước không lồng ghép và được chia thành 5 cấp: Cấp trung ương, Cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã. Trước cải cách, việc lập dự toán ngân sách ở Trung Quốc căn cứ chủ yếu vào tình hình thực hiện năm trước với quy trình đơn giản và không rõ ràng, không bắt buộc phải lập dự toán. Các đơn vị sử dụng ngân sách rất thụ động trong việc đề xuất nhu cầu chi tiêu của mình. Các đơn vị sự nghiệp có thu phí tự sử dụng kinh phí thu được và để ngoài ngân sách, Nhà nước không kiểm soát được. Các đơn vị thực hiện chi tiêu ngân sách bằng hình thức rút kinh phí trực tiếp từ Ngân hàng nhân dân Trung Quốc.
Từ năm 2000 đến nay, quản lý ngân sách ở Đông Hưng - Trung Quốc đã được cải cách mạnh mẽ trên 3 mặt: Cải cách khâu lập dự toán ngân sách, đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý NSNN, cải cách công tác kho quỹ.
Đối với khâu lập dự toán và quyết định dự toán: Cơ quan quản lý NSNN giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán hàng năm, đồng thời lập kế hoạch tài chính ngân sách 3 - 5 năm để làm căn cứ ổn định ngân sách. Dự toán phải thông qua Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp. Việc lập và quyết định dự toán ngân sách hàng năm theo từng cấp.
Quy trình lập dự toán được thực hiện theo hình thức 2 xuống 2 lên: Vào tháng 6 hàng năm, cơ quan tài chính ban hành hướng dẫn lập dự toán năm sau, trên cơ sở đó các đơn vị dự toán lập khái toán gửi cho cơ quan tài chính lần thứ nhất.
Sau khi nhận được khái toán của đơn vị, khoảng tháng 9-10 hàng năm cơ quan tài chính có văn bản yêu cầu đơn vị lập lại dự toán trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách. Các đơn vị dự toán tiến hành điều chỉnh lại khái toán và gửi lại cơ quan tài chính lần thứ hai trước ngày 15/12 hàng năm. Sau đó cơ quan tài chính tổng hợp xin ý kiến UBND, cuối cùng trình HĐND phê chuẩn dự toán. Sau khi HĐND phê duyệt trong vòng 01 tháng cơ quan tài chính phê chuẩn dự toán chính thức cho các đơn vị, giao số bổ sung cho ngân sách cấp dưới (cơ quan tài chính không tiến hành thảo luận, không làm việc trực tiếp với đơn vị dự toán và ngân sách cấp dưới, không thẩm định dự toán phân bổ chi tiết).
Định mức chi ngân sách được phân bổ theo từng ngành đặc thù khác nhau và quy định khung mức để từng cấp chính quyền địa phương quyết định cụ thể. Việc phân cấp chi ngân sách được quy định rõ ràng, trong đó NSTW đảm bảo chi cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao, môi trường và các hoạt động của cơ quan nhà nước cấp trung ương; NSĐP của chính quyền cấp nào có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chi do cấp đó quản lý, ngoài ra còn thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách cấp trên giao.
Về bổ sung ngân sách cấp trên cho cấp dưới theo 2 loại:
+ Bổ sung cân đối là khoản hỗ trợ căn cứ vào mức độ giàu nghèo của từng địa phương cụ thể;
+ Bổ sung có mục tiêu là bổ sung theo đề xuất cụ thể của các Bộ chủ quản đối với các công trình, dự án trên địa bàn địa phương.
Các chính sách đầu tư được vận dụng theo từng lĩnh vực:
- Đối với chi giáo dục đào tạo: Luật giáo dục đã quy định không phải đóng
học phí 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Các trường dân lập, bán công tự thành lập và hoạt động, không phải nộp thuế và tiền thuê đất. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được phép vay vốn tín dụng để đầu tư trang thiết bị giảng dạy, đồng thời chủ động sử dụng nguồn thu học phí, thu từ tiền sử dụng đồ dùng học tập để trả nợ khi đến hạn. Các trường thuộc Bộ, ngành, đơn vị lập thì phải tự lo kinh phí, Chính phủ xét thấy cần thiết thì hỗ trợ một phần Chính quyền thực hiện khoán chi cho tất cả các trường.
- Đối với chi nông nghiệp: Sau khi có Luật nông nghiệp, các chính sách của chính phủ được ban hành theo hướng hỗ trợ nông dân, nâng cao nhận thức về nông nghiệp đối với nông dân, tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giải quyết nạn đói, nghèo ở nông thôn bằng cách tạo ra nhiều việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống, thúc đẩy văn hoá phát triển ở nông thôn. Các chính sách tài chính được cụ thể hoá như miễn giảm thuế nông nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi, xây dựng vùng chuyên canh, cung cấp thông tin về nông nghiệp cho nông dân, hỗ trợ nhà cho nông dân, cho vay ưu đãi đối với nông dân nghèo có thu nhập dưới 850 tệ để phát triển sản xuất.