Ngay từ rất sớm, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã chủ trương xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương lớn của cả nước. Tháng 3- 1955, tại Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa II, Đảng đã xác định miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tại hội nghị này, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt” [13, tr.67]
10 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1964) là khoảng thời gian hòa bình mà miền Bắc đã tận dụng để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế. Những cơ sở vật chất và kỹ thuật được tạo ra trong - thời kỳ này cùng với những thành công của Phong trào Hợp tác hóa đã tạo tiền đề và khả năng để miền Bắc thể hiện vai trò hậu phương của mình với tiền tuyến miền Nam. Nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho cách mạng miền Nam được triển khai ngay từ khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (1959).
Tuy vậy, phải đến tháng 1/1961, khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết về
“Phương hướng và công tác trước mắt của cách mạng miền Nam” thì công tác chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam mới được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện theo hướng đáp ứng những yêu cầu cụ thể của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương ở miền Nam. Thời kỳ này, cùng với tuyến vận tải chiến lược trên bộ được xây dựng từ năm 1959, tuyến vận tải trên biển cũng bắt đầu được hình thành để đáp ứng yêu cầu chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam đang tăng nhanh. Quân đội triển khai tổ chức các đơn vị “đi B” và hình thành các trung tâm huấn luyện cho lực lượng này. Cho đến năm 1964, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho các chiến trường ở miền Nam trên 40.000 quân và 3.000 tấn vũ khí.
Sau thất bại của chiến lược Chiến tranh đặc biệt, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam và leo thang chiến tranh ra phá hoại miền Bắc. Lúc này, miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, lại vừa phải dốc sức chi viện cho các chiến trường miền Nam. Mọi hoạt động tại hậu phương lớn miền Bắc đều được chuyển sang thời chiến theo tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Miền Bắc đã phải hai lần chuyển hướng, tiến hành động viên quy mô lớn sức người, sức của để chi viện cho cách mạng miền Nam; trong khi lại còn phải gồng mình chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ. Trong những năm 1965- 1975, miền Bắc đã động viên hơn 2 triệu thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, tổng số lao động ở miền Bắc được động viên chiếm tới 11% dân số.
Thậm chí vào các năm 1968, 1972, 1975 số nhân lực được động viên còn vượt quá số lao động xã hội tăng lên hằng năm. Thời kỳ cao điểm (từ năm 1965 đến năm 1972), hậu phương miền Bắc đã chi viện cho cách mạng miền Nam trên 670.000 quân (chiếm 43% tổng số quân động viên ở hậu phương
trong trong thời gian đó). Chỉ tính riêng trong năm 1968, miền Bắc đã đưa vào miền Nam 141.081 quân và cán bộ dân chính đảng cùng 72.499 tấn vũ khí và hàng hóa các loại. Liên tiếp trong ba năm sau đó (1969-1972), khi mà tình hình tại các chiến trường miền Nam gặp nhiều khó khăn, miền Bắc đã kịp thời chi viện tiếp 162.051 cán bộ, chiến sĩ và 111.045 tấn vật chất các loại.
Sự chi viện kịp thời và có hiệu quả này đã giúp cách mạng miền Nam nhanh chóng phục hồi, vượt qua được giai đoạn khó khăn sau Mậu Thân.
Trong 2 năm 1973-1974, miền Bắc đã huy động được 25 vạn thanh niên nhập ngũ thì 15 vạn trong số đó nhanh chóng được tổ chức huấn luyện và bổ sung tăng cường cho các chiến trường miền Nam cùng với 379.000 tấn vật chất (bằng 54% tổng khối lượng vật chất miền Bắc đưa vào miền Nam trong 16 năm trước đó) [34].
Tiểu kết chương 1
Đế quốc Mỹ đã có âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ những năm 1945 - 1946, nhưng phải đến năm 1950, Mỹ công khai giúp Pháp duy trì, đẩy mạnh cuộc chiến tranh và tìm cách thay chân Pháp thống trị Đông Dương. Từ tháng 7/1954, khi Pháp thất bại, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trên thực tế, đế quốc Mỹ đã dùng mọi lực lượng và thủ đoạn để thực hiện mưu đồ của mình.
Để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược đó, Việt Nam đã rất coi trọng xây dựng hậu phương về mọi mặt để có được tiềm lực to lớn nhằm bảm đảm hậu cần, nâng cao sức mạnh của của quân đội, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng. Suốt 21 năm chiến tranh (1954-1975) , miền Bắc vừa tiến hành xây dựng XHCN vừa làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương vững chắc , gắn chặt nhiệm vụ chiến lược của hậu phương với nhiệm vụ chiến lược của tiền tuyến . Chế độ xã hội ưu việt được thiết lập không những đảm bảo cho miền Bắc trở thành hậu phương vững mạnh toàn diện, được tổ chức chặt chẽ, mà còn mang lại cho người thợ trong xưởng máy, dưới hầm lò, người nông dân trên đồng ruộng, người chiến sĩ trên chiến hào, sức mạnh tập thể to lớn và niềm tin không gì lay chuyển vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tốt đẹp.
Đó là nguồn gốc, là nền tảng, tạo nên sức mạnh bền vững của hậu phương miền Bắc suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nhờ thế, suốt những năm xây dựng, chiến đấu gian lao mà rất đỗi hào hùng, miền Bắc đã vươn lên hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Sự đồng tâm, nhất trí của người hậu phương đã là một trong số những nhân tố nền tảng để Đảng ta đề ra và chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam trên cả hai miền, thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chương 2
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TRONG GIAI ĐOẠN (1959- 1975)