Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B-52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích.
Bên cạnh việc tăng cường ném các loại bom, mìn xuống đường Trường Sơn, địch còn rải chất độc hóa học, thả biệt kích, thám báo hoạt động quấy phá ta, gây cho công binh nhiều khó khăn.
Nhưng quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bao gồm bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa
tuyến, đồng bào các dân tộc và nhân dân nước bạn, với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt, đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Những thủ đoạn chiến thuật của địch đánh phá ngăn chặn chi viện và phương thức tác chiến của ta:
1. Đối với thủ đoạn gây trọng điểm: Từ gây trọng điểm đơn đến gây trọng điểm kép, gây trọng điểm lớn đến gây trọng điểm liên hoàn cực lớn.
Địch cho máy bay cường kích oanh tạc, cho B52 rải thảm, kết hợp cả cường kích oanh tạc với B52 rải thảm, đánh liên tục dài ngày, đánh hủy diệt trên một khu vực lớn.
- Bộ đội công binh: Tổ chức trận địa chốt tại trọng điểm, sử dụng nhân lực, thuốc nổ, xe máy khắc phục nhanh hậu quả đánh phá của địch; dùng xe phóng từ phá bom từ chiến trường; mở đường vòng, đường tránh giải tỏa trọng điểm. Mở thành nhiều trục dọc, trục ngang bảo đảm cầu đường luôn luôn thông suốt trong mọi tình huống, vô hiệu hóa hoàn toàn gây trọng điểm của địch.
- Bộ đội phòng không: Xây dựng trận địa phòng không tại vùng trọng điểm, nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá của địch và cách đánh ta để bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ hoặc máy bay Mỹ sợ bắn rơi nên ném bom không trúng đường, trúng xe. Đánh chế áp máy bay bằng các loại cao pháo, tên lửa, đánh trực tiếp vào đội hình của địch, đẩy địch lên cao, ra xa, ném bom không trúng đường, trúng xe. Cơ động trên đường phục kích máy bay địch thấp.
- Bộ đội thông tin: Xây dựng mạng lưới thông tin khép kín, khi địch oanh tạc mất liên lạc, kịp thời xuất kích nối lại, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
- Bộ đội xe: Sử dụng đội hình hành tiến tập trung, đi gọn, đường thông dùng chiến thuật bôn tập, đường tắc tập kết gọn ở hai đầu trọng điểm, khi đường thông dùng chiến thuật mật tập qua trọng điểm nhanh gọn nhất.
2. Đối với thủ đoạn địch đánh theo kiểu “ săn tìm đuổi diệt” dọc đường:
Xe hoạt động dọc đường vận chuyển; đối tượng gồm cả xe, hàng và người theo quy luật vận chuyển của ta: từ ngoài vào từ 16 giờ đến 23 giờ, từ trong ra từ 24 giờ đến 5 giờ sáng.
- Bộ đội công binh: Tổ chức nhiều mũi nhọn trang bị bộc phá, địch đánh phá gây tắc ở đâu xung kích khắc phục hậu quả ngay ở đó.
- Bộ đội phòng không: Cơ động lực lượng theo đội hình xe, đánh trả máy bay địch; bố trí rải rác lực lượng phòng không trên dọc đường đánh địch bảo vệ đội hình xe tiến công.
- Bộ đội xe: Thực hiện chiến thuật đi phân tán từng tốp nhỏ; đi trên nhiều tuyến, nhiều trục khác nhau, tránh địch oanh tạ, luồn lách vượt qua vùng đánh phá của địch.
3. Đối với thủ đoạn tập kích đoàn xe, chặn đầu, chặn đuôi, oanh liệt diệt gọn bằng các lợi bom phá, bom cháy, bom bi.
Phương thức đối phó của ta là khi xe hành tiến trên đường có hình dạng thùng đấu hoặc bên ta là luy dương bên ta luy âm thì phải dãn đội hình, khi có máy bay địch nhanh chóng cho xe chui vào các khe cạn, lái xe vào ẩn các hầm dọc đường
Thường xuyên đăng ký tổng hợp, phân tích cách đánh phá của địch rút ra quy luật đánh phá ngăn chặn của địch, phán đoán được cách đánh của địch để cho xe nơi địch chưa đánh, tránh nơi địch sắp đánh, cho xe đi giờ địch không đánh, tránh cho xe đi vào giờ địch sắp đánh để vô hiệu hóa sự đánh phá của địch, bảo đảm vận chuyển an toàn.
4. Đối với thủ đoạn dựng tuyến ngăn chặn vượt sông
Ta xây dựng một thế trận vượt sông, có nhiều điểm vượt, bằng các phương thức: Ngầm cầu kết hợp, công khai và bí mật kết hợp, thật và giả kết hợp.
Ngầm cầu bí mật thực hành ngụy trang và che giấu triệt để, các bến vượt dùng sảo cỏ xanh xếp liền bắc ngầm, nam ngầm, xóa hết dấu vết xe trên bến vượt, ngụy trang đường phía Bắc, đường phía Nam ngầm bằng trồng cây che hẳn con đường, che hẳn chiếc xe, địch không phát hiện được.
Có nhiều ngầm, cầu bí mật xây dựng dọc triền sông. Cứ 5km có một bến vượt. Đường lên xuống bến vượt là đường “kín”, cấu tạo hết sức bất ngờ hoàn toàn trái quy luật thông thường, địch không tìm ra được đầu mối của đường, đầu mối của ngầm.
5. Đối với thủ đoạn dùng AC 130 đánh vào đội hình xe ban đêm.
Sau khi nắm được thủ đoạn của địch, chúng ta đã có những phương thức đối phó đặc biệt có hiệu quả như sau:
- Chia cung vận chuyển thành nhiều cung ngắn, lợi dụng thời gian máy bay AC 130 chưa đến, lợi dụng thời gian máy bay AC 130 rút về, tổ chức cho xe chạy việt dã đến nơi giao hàng và quay về căn cứ trong đêm. Cách này đạt hiệu quả tốt, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian, về sau địch thay đổi giờ hoạt động.
- Rào đường “hở” thành đường nửa “hở”, nửa “kín”, tổ chức chỉ huy chặt chẽ cho xe chạy ngày lấn từng đoạn.
- Mở đường “kín” một tuyến nối liền với đường “hở” cho xe chạy ngày đường “kín” và cho xe chạy đêm trên đường “hở”.
- Cải tạo đường “hở” thành đường nửa “kín”, nửa “hở” cho xe chạy ngày.
- Mở một tuyến đường “kín” xuyên Trường Sơn cho đội hình xe lớn chạy ngày, đồng thời duy trì một lượng xe nhỏ tiếp tục chạy trên đường “hở”
để giữ bí mật cho đường “kín”.
Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, “ bộ đội Trường Sơn đã giành được những thắng lợi to lớn: khôi phục được 4541km đường, san lấp 947 hố bom, mở thêm được 556km đường chính, 44km đường tránh và hàng trăm kilomet đường chiến dịch cũng như đường vào kho” [13, tr. 41]. Đồng thời ta đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá huỷ hơn 100 xe quân sự.
“ Để có thành công đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 3 vạn người bị thương; trên 6500 chiếc xe, máy bị hỏng, cháy; 400 khẩu pháo bị phá hủy, 9 vạn tấn hàng bị cháy và đặc biệt là những di chứng chất độc hóa học còn truyền lại đến hôm nay và đời sau, rất ngậm ngùi, nhức nhối” [8, tr.44].