Đường Trường Sơn, vừa là con đường nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam, vừa là con đường vận tải chiến lược, đưa sức người sức của cũng như là nơi căn cứ chiến lược của quân và dân ta góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ- Ngụy trường kỳ của dân tộc.
Quyết ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược của ta, chỉ trong 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, địch đã sử dụng 733.000 lần chiếc máy bay tiêm kích và cường kích, đánh 152.000 trận, trút xuống Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Ngoài ra, chúng còn mở 120 cuộc hành quân càn quét, nống lấn và tiến hành hoạt động biệt kích 1.235 vụ nhằm phá hoại tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta. Mỹ đã biến Trường Sơn thành nơi thử nghiệm các chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, cũng như các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ. Để giữ vững tuyến đường, bảo vệ an toàn cho mỗi chuyến hàng, một thế trận chiến tranh nhân dân được tạo lập bao gồm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công và nhân dân trên địa bàn với hàng nghìn kho tàng, binh trạm, lán trại, trận địa chiến đấu,… Với thế trận chiến tranh nhân dân đó, các lực lượng trên tuyến đường có thể vừa đánh địch bảo vệ giao thông, khắc phục cầu, đường ở các trọng điểm địch đánh phá, vừa có thể bảo đảm mọi mặt tại chỗ (quân y, lương thực) cho các lực lượng vận tải trên tuyến đường. Đặc biệt, thế trận chiến tranh nhân dân ở Trường Sơn không chỉ tiêu hao, tiêu diệt địch
rộng khắp, mà còn đối phó hiệu quả với lực lượng không quân và lục quân địch, bảo vệ hàng nghìn ki-lô-mét đường. Cùng với lực lượng phòng không chốt giữ yếu địa, lực lượng phòng không cơ động và các lực lượng khác có mặt ở Trường Sơn đã tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp để đánh trả có hiệu quả không quân địch. Cũng nhờ thế trận này, mà các lực lượng từ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân trên tuyến đường đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc hành quân càn quét, các thủ đoạn phá hoại của địch.
Từ năm 1959 đến năm 1975, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược này đã đánh 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên, bắt và gọi hàng trên 11.000 tên địch;
bắn rơi 2.455 máy bay các loại, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Để có được thắng lợi to lớn đó, hơn 02 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, gần 03 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là minh chứng cho sự ác liệt, gian khổ, hy sinh của các lực lượng trên tuyến đường.
Để có thể đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần, chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Phát huy những kinh nghiệm tác chiến của chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và căn cứ vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã đề ra chủ trương chiến lược:
“giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn”. Như vậy chúng ta có thời gian chuẩn bị thế, lực và thời cơ để đánh địch, giành thắng lợi. Theo đó, cách mạng miền Nam phải là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, huy động sức mạnh cả nước. Trong điều kiện thực lực tại chỗ còn hạn chế thì miền Bắc - hậu phương lớn, cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Tuy nhiên, nguồn lực của miền Bắc sau kháng chiến chống Pháp cũng còn nhiều khó khăn; sự giúp đỡ viện trợ của bạn
bè quốc tế cũng thực hiện từng bước,… Xuất phát từ thực tế đó, hầu hết các kế hoạch tác chiến chiến lược trên chiến trường miền Nam, đều gắn với vấn đề vận chuyển lực lượng, vũ khí và trang bị quân sự cho chiến trường - trực tiếp là thông qua tuyến vận tải Trường Sơn và được thực hiện theo kế hoạch với sự chủ động chuẩn bị hết sức chu đáo và thận trọng. Điển hình là, “ năm 1968, để bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân giành thắng lợi, ngay từ mùa khô năm 1967 - 1968, chỉ riêng vật chất, tuyến vận tải Trường Sơn đã chuyển 63.024 tấn hàng hóa cho các chiến trường và bảo đảm vật chất cho bộ đội hành quân đạt 31.054 tấn” [25, tr. 287] chuẩn bị cho cuộc Tiến công chiến lược 1972, trong mùa khô 1971 - 1972, đã vận chuyển tổng cộng 64.785 tấn. “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển lần lượt 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại” [1, tr.318.], trong đó có cả vũ khí hạng nặng, như: pháo cơ giới, xe tăng,... góp phần quan trọng, quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiểu kết chương 3
Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; thực hiện “chiến tranh ngăn chặn”,
“chiến tranh bóp nghẹt”, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học-công nghệ quân sự Mỹ để hòng đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Trường Sơn. Trên không, hàng vạn lượt chiếc máy bay đủ loại, ném xuống tuyến đường hàng triệu tấn bom đạn. Dưới đất, dọc các tuyến đường là hàng rào điện tử, là bom từ trường, mìn vướng nổ, bom “tinh khôn”, bom bi, bom lá, chất độc hóa học dày đặc của kẻ thù.
Sự đánh phá ác liệt của địch cùng với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng
Trường Sơn trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, sức sáng tạo và khả năng chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của bộ đội Trường Sơn. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã bất chấp hiểm nguy, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đoàn kết, thương yêu đùm bọc, sống chết có nhau, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.
Cả tuyến đường Trường Sơn là một chiến trường rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bừng bừng khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng; con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa chiến công, làm nên huyền thoại đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam, nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù.
Những tháng năm rầm trời bom đạn ấy, miền Bắc dã dốc toàn bộ sức mạnh của cả chế độ cho miền Nam, với tinh thần “Tất cả cho tiến tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lớp lớp thanh niên rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông đất nước, lên đường đánh giặc với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại…21 năm chiến tranh, 70% số gia đình miền Bắc có người thân chiến đấu ngoài mặt trận, nhiều gia đình mấy cha con cùng chiến đấu ở miền Nam; trên ruộng đồng, 63% lao động là nữ. Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh, bao người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, “ba đảm đang” cho người thân yên lòng ra trận.