Nâng cao quy mô, phương tiện vận chuyển phục vụ tiền tuyến tuyến

Một phần của tài liệu Đường trường sơn trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn (1959 1975) (Trang 63 - 74)

2.4. ĐẦU TƯ NÂNG CẤP MỌI MẶT TUYẾN ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC TRƯỜNG SƠN ( 1973- 1975)

2.4.3. Nâng cao quy mô, phương tiện vận chuyển phục vụ tiền tuyến tuyến

Với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Thường vụ Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao các nhiệm vụ cụ thể:

+ Vận chuyển chi viện vật chất cho các chiến trường, bảo đảm hành quân cho các binh chủng; vận chuyển hàng quân sự và dân sinh cho vùng giải phóng Miền Nam cho các căn cứ trên đất Lào và Cam Pu Chia. Phải bảo đảm có dự trữ cần thiết vũ khí đạn dược, nhiên liệu, lương thực để chủ động trong mọi tình huống.

+ Xây dựng hệ thống đường chiến lược, đặc biệt coi trọng xây dựng cơ bản đường phía Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) thành đường quốc lộ xuyên Bắc - Nam, trọng tâm từ Quảng Bình đến Chơn Thành, gấp rút làm xong đoạn từ Quảng Bình đến Tây Nguyên.

Các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, kết hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, thiết kế tuyến

đường, lập kế hoạch nhân lực, vật tư, thiết bị thi công. Tuyến phía tây Trường Sơn phải duy trì sửa chữa, cải tạo nâng cấp chất lượng kể cả tuyến vượt cao nguyên Bô Lô Ven sang Đông Bắc Cam Pu Chia xuống miền Đông Nam Bộ.

Chú trọng giữ tuyến đường “kín”, phát triển đường sông, hoàn thành đường ống sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của chiến trường.

Gấp rút xây dựng vùng căn cứ địa hai phía Đông, Tây Trường Sơn thuộc vùng giải phóng Miền Nam, Trung Hạ Lào và Đông Bắc Cam Pu Chia.

Từng bước biến khu vực này thành một vùng phát triển mọi mặt, có dân cư đông đúc có mạng giao thông vận tải thuận lợi làm căn cứ vững chắc cho cả ba nước Đông Dương.

+ Thực hiện giúp Bạn một cách toàn diện trong tình hình mới về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội.

+ Tổ chức xây dựng lực lượng theo quy mô thích hợp với thời cơ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Đầu tháng 2 năm 1973 Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên và Cục trưởng Cục Tham mưu Công binh Phạm Văn Diêu về Hà Nội báo cáo với các cơ quan Nhà nước về kế hoạch xây dựng đường Đông Trường Sơn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Các Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phan Trọng Tuệ nghe báo cáo, sau đó Tư lệnh trực tiếp báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xác định đây là công trình có tầm cỡ quốc gia lâu dài, cực kỳ quan trọng, trước mắt chuẩn bị cho thời cơ giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc. Thủ tướng khen ngợi “ Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã chịu đựng hy sinh gian khổ, bền bỉ chiến đấu cực kỳ anh dũng, đầy mưu trí góp phần thích đáng vào quá trình chuyển biến cục diện trên chiến trường, cả nước và thế giới đều biết đến...

Nay được giao công trình kỹ thuật phức tạp, khối lượng rất lớn, đầy thử thách, Chính phủ sẵn sàng điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực

hiện” [ 25, tr. 523] .

Sau khi báo cáo, được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Truờng Sơn xác định nhiệm vụ mới về công tác cầu đường như sau:

+ Tiến hành xây dựng cơ bản tuyến đường chiến lược. Trong năm 1973, phải mở thông tuyến đường phía Đông từ Hương Hoá đến Khâm Đức, sau đó đến Sa Thầy - Bù Gia Mập, trọng tâm là đoạn Trao - Bến Giàng, đoạn tránh Đắc Pét, đoạn từ đường 19 đến Bù Gia Mập.

+ Cải tạo nâng chất lượng tuyến phía tây bảo đảm vận chuyển binh khí kỹ thuật cả 2 mùa, trọng điểm từ Bản Đông đi Plây Khốc, Tây Nguyên.

+ Cải tạo một số tuyến ngang: đường 20, đường 16. Đầu mùa khô khôi phục đường 9 đến Mường Phìn, đường 25 từ KG4 (Ka Nốt) đến Sa Ra Van, đường 23 từ khu E đến Pắc Xoòng, Tha Teng, Bản Phồn, At Tô Pơ để giao hàng cho Bạn.

+ Về công tác đảm bảo vật chất để phục vụ vận chuyển cho chiến trường và thi công xây dựng đường gồm việc phát triển đường ống phía tây xuống Tây Nguyên, rẽ ngang vào một số chiến trường, tiếp đó xây dựng tuyến đường ống phía đông Trường Sơn; hoàn chỉnh hệ thống thông tin tải ba và vô tuyến với các chiến trường; xây dựng hệ thống kỹ thuật bảo dưỡng, đại tu các loại xe máy đảm bảo hệ số kỹ thuật cao an toàn.

Giai đoạn này, binh chủng Công binh thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn là lực lượng chủ yếu đảm đương nhiệm vụ quan trọng xây dựng cầu đường cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn. Trong tình hình như vậy yêu cầu ngành Khảo sát Thiết kế phải được tổ chức lại tương xứng, để đảm đương được nhiệm vụ của mình trong thời kỳ mới, phục vụ cho nhiều đơn vị thi công lúc này đang được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị thi công hiện đại trên tuyến đường trải dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây.

Cụ thể, đầu năm 1973, lực lượng công binh bố trí trên hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn như sau:

Đường phía Đông:

+ Công binh Sư đoàn 471 củng cố, cải tạo đường số 15 từ Vĩnh Sơn đến Lâm Thạch, Khu vực Vĩnh Linh và đường 42, bắc Quảng Trị.

+ Công binh Binh trạm 14 khôi phục, cải tạo nâng cấp đường 14 từ đường 16A đến km 72 Hương Hoá.

+ Sư đoàn 473 khôi phục đường 14 từ Li Tôn (Km 110 ) đến Lan Nam Km 140 ) và từ A Lưới (Km 162 ) đến Trao ( Km 254), đường B71, B72 và khôi phục củng cố đường 15N.

Đường phía Tây:

+ Công binh Sư đoàn 472 khôi phục củng cố đường 129 từ Km 84 diểm gặp đường 128B đến đường số 9, các trục đường 24Đ, 22B.

Đến tháng 3 năm 1973, các trung đoàn công binh đã được bổ sung hoàn chỉnh về quân số, bổ sung cán bộ kỹ thuật, vật tư khí tài, trang thiết bị thi công nhằm bảo đảm được nhiệm vụ xây dựng cơ bản. Cho đến tháng 4 năm 1973, lực lượng tham gia xây dựng đường Trường Sơn đạt quân số 31.949 người trong đó 8542 thanh niên xung phong, 3219 dân công, còn lại là lực lượng công binh được đào tạo cơ bản về kỹ thuật thi công, sử dụng xe máy xây dựng, trong đó lực lượng xây dựng cơ bản 26.751 người chiếm 87%

quân số.

Cuối năm 1973, số lượng xe máy cho các đơn vị cũng được trang bị nhiều hơn các năm trước. Máy húc C100 Liên Xô có 111 chiếc, Hồng kỳ Trung Quốc 94 chiếc, 617 xe ben, 428 xe vận tải, bình quân mỗi trung đoàn được trang bị 6 máy húc, 20 xe ben phục vụ cho xây dựng cầu đường.

Sang đầu năm 1974 quân số xây dựng cầu đường được tăng cường, quân số lên đến 37.388 người, 221 máy húc, 632 xe ben, 428 xe tải, 51 xe lu,

99 máy ép hơi, 37 máy nghiền đá.

Về tổ chức chỉ huy, từ năm 1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức thành 4 sư đoàn Công binh:

+ Sư đoàn 472 gồm 6 trung đoàn 30, 35, 10, 39, 217 và 14.

+ Sư đoàn 473 gồm 6 trung đoàn 98, 6, 99, 509, 515 và 517.

+ Sư đoàn 470 gồm 5 trung đoàn 4, 551, 574, 575, và 529.

+ Sư đoàn 565 gồm 5 trung đoàn 34, 39, 576, 531, và 542

Tuỳ từng thời kỳ 22 trung đoàn công binh được điều chỉnh biên chế vào các Sư đoàn phụ trách khu vực phù hợp với nhiệm vụ được phân công.

Với một lực lượng lớn như vậy, lại được trang bị các phương tiện thi công cơ giới hùng hậu và hiện đại, nhịp độ, tốc độ thi công sẽ rất nhanh và cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, ngưòi chỉ huy dày dạn kinh nghiệm điều hành, chấc chắn công trình sẽ đạt được chất lượng kỹ thuật cao.

Đứng trước tình hình đó, công tác khảo sát thiết kế không những chỉ phải đi trước mà còn phải đáp ứng yêu cầu cao về mặt kỹ thuật. Công tác khảo sát thiết kế giờ đây phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy trình quy phạm Nhà nước đã ban hành. Để thực hiện được điều này, đơn vị khảo sát thiết kế phải xây dựng lại về tổ chức đơn vị, về quân số, về trình độ kỹ thuật.

Đồng thời, phải tiến hành đào tạo lại, đào tạo mới về con người và phải trang bị máy đo đạc hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngày 28 tháng 7 năm 1973 Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thành lập Tiểu đoàn Khảo sát 976 ban đầu có 3 đại đội: Đại đội 1 phụ trách tuyến Đông Trường Sơn, Đại đội 2 chịu trách nhiệm tuyến Tây Trường Sơn, Đại đội 3 là đại đội địa chất công trình và một trung đội thuỷ văn. Trung uý Phạm Tiến Chí được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng, Thượng uý Trần Văn Sắc là chính trị viên tiểu đoàn.

Điều khó khăn trước tiên là áp dụng quy trình, quy phạm cho địa hình đường Trường Sơn thế nào cho phù hợp. Để giải quyết kịp thời, cục Tham

mưu Công binh đã tranh thủ ý kiến các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đã công tác khảo sát thiết kế trên tuyến đường Trường Sơn nhiều năm, các chuyên gia Nhà nước, các kỹ sư biệt phái, dựa trên tình hình thực tế đã soạn thảo ra bản

“tiêu chuẩn kỹ thuật tạm thời” áp dụng cho từng đoạn cụ thể trên tuyến đưòng Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chấp thuận và ban hành theo các quyết định số 26, 27, 28 ngày 24/10/1973.

Bản tiêu chuẩn này cũng đã được Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ duyệt theo quyết định ngày 10/11/1973, cho phép làm mặt nhựa 7,00 mét đường Đông Trường Sơn và 3,50 mét cho đường Tây Trường Sơn.

Tiếp đó, ngày 17/11/1973, bằng văn bản 247/TTg, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã chính thức ký duyệt nhiệm vụ thiết kế đường Đông Trường Sơn, nội dung chính như sau:

- Đường Đông Trường Sơn điểm đầu từ Tân Kỳ (Nghệ An), điểm cuối Chơn Thành ( Bình Phước ) có chiều dài 1200 ki lô mét.

- Tiêu chuẩn cấp đường xây dựng: Cấp 4 miền núi, nền đường 9,00 mét, mặt đường 5,50 mét, cầu cống vĩnh cửu và bán vĩnh cửu.

- Bảo đảm cho hành quân cơ giới vận chuyển được cả 2 mùa tốc độ tối đa 60 km/giờ.

- Thời gian thi công 3 năm tính từ 1/4/1974.

Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng phụ trách toàn bộ từ khảo sát thiết kế, thi công đến nghiệm thu công trình. Các Bộ chức năng của Nhà nước theo trách nhiệm của mình giúp đỡ Bộ Quốc phòng hoàn thành công trình trong thời gian đã quy định.

Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ thi công từ Khe Gát (Quảng Bình) vào đến Chơn Thành (Nam Bình Phước), trước mắt yêu cầu tới Bù Gia Mập (Bắc Bình Phước).

Đây là cơ sở để Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai nhiệm vụ.

Tháng 8 năm 1973 phòng Thiết kế được thành lập, tách từ phòng Công trình thành 2 phòng nghiệp vụ: phòng Thiết kế (Lúc mới thành lập phòng có 9 người Hoàng Ngọc Châu (Phụ trách phòng), Phạm Hải, Trần Văn Cư, Đỗ Đức Dương,Trần Trọng Thảo, Hoàng Trung Nghĩa, Đặng Thị Hoa, Nguyễn Thị Hà và một chiến sỹ liên lạc).Và phòng Thi công. Đại uý Hoàng Ngọc Châu trợ lý phòng Công trình được cử phụ trách phòng Thiết kế. Phòng Thi công do đại uý Phạm Thọ phụ trách.

Đến tháng 2 năm 1974 phòng Thiết kế được kiện toàn, bổ sung kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cùng một số cán bộ biệt phái tăng cường có thời hạn từ Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, Ngành khác của Nhà nước để đảm bảo được nhiệm vụ.

Phòng Thiết kế được thành lập chi bộ trực thuộc Đảng bộ cục Tham mưu Công binh.

Để thực hiện được nhiệm vụ phục vụ chiến đấu của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương điều chỉnh kế hoạch bảo đảm cầu đường cải tạo rải đá các trục đường sau đây để có thể sử dụng vận chuyển phục vụ được cả hai mùa:

+ Phía Đông Trường Sơn, dựa trên cơ sở các đoạn đường đã có, xây dựng một tuyến đường dã chiến từ Quảng Trị đến Sê Rê Pốc. Xúc tiến xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư khí tài để từng bước triển khai thi công đường xây dựng cơ bản từ Khe Ve (Quảng Bình) vào Chơn Thành.

+ Phiá Tây Trường Sơn cải tạo, rải đá đường 128 đến Sê Rê Pốc, nối với tuyến Đông Trường Sơn.

+ Cải tạo, rải đá hai đường ngang vượt khẩu: đường 20 và đường 16 từ Quảng Bình sang Lào.

Tuy nhiên, tiếp đó để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 31/5/1973, Bộ Quốc phòng bổ sung, xác định nhiệm vụ cầu đường của Bộ Tư

lệnh Trường Sơn như sau:

+ Tuyến phía Tây Trường Sơn, cải tạo rải đá 2 trục ngang vượt khẩu đường 16 và đường 20, trục dọc theo đường 128B từ Lùm Pùm đến Na Bo trên đường số 9, vượt Tha Mé theo đường 22A, 22B vào Keng Nhang, vượt sông Sê Kông, Sê Ka Mán qua ngầm Sê Sụ, Phi Hà đến S9 - Điểm 5 phía đông nam Tà Xẻng (Km 612 đường 128) vào Plei Khốc., tổng chiều dài 577 ki lô mét.

+ Tuyến phía Đông Trường Sơn từ Bến Tất đến Cam Lộ theo đường số 9 đến Hương Hoá nối vào đường 14 đến Lan Nam, Trao, Bến Giàng, Khâm Đức, mở đường tránh Đắc Pét sang phía Tây (thời gian này quân Nguỵ còn đóng tại đồn Đắc Pét), Đắc Công vào Plei Khốc, cắt đường 19 tại Sê Rê Pốc đến điểm cuối Lộc Ninh, tổng chiều dài 1199 ki lô mét.

+ Ngoài ra Bộ còn giao cải tạo củng cố các trục ngang:

Đường số 9 Hương Hoá - Mường Phìn dài 105 ki lô mét.

Đường 25 đến Sa Ra Van dài 86 ki lô mét.

Đường 16 Bản Phồn đến Pắc Xoòng dài 120 ki lô mét.

Đường 18 Đắc Công đi Tân Cảnh dài 30 ki lô mét.

Đường Bản Phồn đi át Tô Pơ dài 112 ki lô mét.

Đường 19 từ Stung Treng đến đèo Phượng Hoàng dài 160 ki lô mét.

Đường từ K4 đi At Tô Pơ dài 180 ki lô mét.

+ Công binh Trường Sơn còn phải khôi phục tuyến đường từ Hạt Hài đến Lộc Ninh dài 474 ki lô mét qua đất Cam Pu Chia để hỗ trợ giao hàng cho chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Về thời gian Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu:

Đường phía Tây phải hoàn thành xong trong tháng 11/1973 đáp ứng cho việc vận chuyển mùa khô, sau đó tiếp tục cải tạo nâng cấp.

Đường phía Đông thực hiện với thời gian từ 3 đến 5 năm. Giai đoạn

đầu từ 1 đến 1 năm rưỡi rải đá mặt đường rộng 3,5 mét từ Bến Tất, Cam Lộ theo đường 9 đến Hương Hoá dọc đường 14 vào Tân Cảnh.

Tháng 10/1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có quyết định giải thể Tiểu đoàn 976 và thành lập 3 đại đội khảo sát tuyến đường, 1 đại đội khảo sát cầu và 1 đại đội khung huấn luyện chiến sỹ khảo sát do Cục Tham mưu Công binh trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy.

Tuy nhiên để đảm bảo được nhiệm vụ chuyên ngành đáp ứng được khối lượng công việc, thời gian và yêu cầu kỹ thuật Bộ đã giao nên Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định tổ chức kiện toàn đơn vị Khảo sát Công Binh, điều động cán bộ đủ năng lực để đủ sức hoàn thành được nhiệm vụ.

Ngày 26 tháng 2 năm 1974, tiểu đoàn Khảo sát 976 được thành lập lại tổ chức thành 6 đại đội khảo sát, 1 trung đội xử lý bom mìn và 1 đội xe vận tải phục vụ công tác cơ động khảo sát. Đội xe vận tải được trang bị các loại xe vận tải Hồng Hà, xe Zil để cơ động lực lượng trên địa bàn miền núi. Lái xe được điều động từ các tiểu đoàn xe vận tải, bổ sung các lái xe mới được đào tạo và hai thợ sữa chữa Nhà nước biệt phái.

Tiểu đoàn thành lập Đảng bộ bộ phận thuộc Đảng bộ cục Tham mưu Công binh. Các đại đội có các chi bộ đại đội trực thuộc Đảng bộ Tiểu đoàn.

Thời gian này, đại đội trưởng là các cán bộ kỹ thuật trung cấp cầu đường có kinh nghiệm nghề nghiệp đã công tác nhiều năm thuộc Đại đội Khảo sát 1 Công binh trước đây, với cấp hàm chỉ là thượng sỹ đến chuẩn uý chuyên nghiệp, một số kỹ sư mới tốt nghiệp trường đại học Kỹ thuật Quân sự có quân hàm thiếu uý giữ chức đại đội phó.

Các đại đội 1, 2 ,3, 5 là các đơn vị khảo sát đường. Đại đội 4 làm nhiệm vụ đo đạc khảo sát địa chất, điều tra thuỷ văn phục vụ cho công tác thiết kế nền, mặt đường cầu, cống. Đại đội 6 là khung tổ chức đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật khảo sát thiết kế đạt trình độ công nhân bậc ba trở lên.

Nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật của Tiểu đoàn Khảo sát 976 được giao là tiến hành khảo sát thiết kế toàn tuyến đường, trong đó bao gồm cả công tác thị sát, khảo sát định tuyến, lên hồ sơ và sơ bộ thiết kế ngoài hiện trường, tạm thời giao cọc, cao độ đào đắp cho đơn vị thi công.

Công tác khảo sát thiết kế được thực hiện tích cực và rất khẩn trương.

Các đại đội được đồng loạt bố trí trên toàn tuyến đường được triển khai theo tinh thần chiến dịch, với phương thức vừa thiết kế vừa thi công nhằm đáp ứng được yêu cầu thời gian của các đơn vị. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh cũng chỉ cho phép tài liệu thiết kế chính thức chỉ được giao chậm một số ngày nhất định, tuỳ theo mức độ khó khăn của từng địa đoạn để đảm bảo thuận lợi cho các đơn vị thi công.

Một phần của tài liệu Đường trường sơn trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn (1959 1975) (Trang 63 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)