CHƯƠNG 1: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ HAI CƯỜNG QUỐC MỚI CỦA THẾ GIỚI
1.1.2. Chính trị - Xã hội
Sau hơn 3 thập kỉ tiến hành cải cách, mở cửa và phát triển kinh tế, tình hình chính trị - xã hội của Trung Quốc đã từng bước ổn định, cải cách thể chế chính trị đã thu được một số thành tựu quan trọng. Những thành tựu đó tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục xây dựng
“văn minh chính trị” và “văn minh tinh thần”.
1.1.2.1. Chính trị
Trong quá trình cải cách và phát triển, Trung Quốc đã thu được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực cải cách thể chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ hóa đời sống chính trị trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoài giao thì trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với một số vấn đề tương đối phức tạp.
Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước và tình hình chính trị quốc tế có những thay đổi sâu sắc và phức tạp hiện nay, Trung Quốc trong những năm qua, và trong những năm tới vẫn nỗ lực tranh thủ những nhân tố quốc tế có lợi để thúc đẩy quá trình trỗi dậy, tiến tới hoàn thành công cuộc hiện đại hóa đất nước. Tổng Bí thư Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quan điểm “Nhìn về toàn cục, 20 năm đầu của thế kỷ XX, đối với Trung Quốc là một thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng cần phải nắm bắt và có thể làm được nhiều việc lớn” [55, tr. 26].
Tổng Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã đưa ra nhận định: “Phân tích tổng hợp tình hình quốc tế và trong nước hiện nay cho thấy: Chúng ta đang đứng trước những cơ hội chưa từng có, và cả những thách thức chưa từng thấy, nhưng sự phát triển của nước ta vẫn ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, có thể làm được nhiều việc lớn”. Từ nhận định trên, có thể nhận thấy, Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm bắt thời cơ đẩy mạnh công cuộc cải cách mở cửa, hiện đại hóa đất nước, và “thống nhất Tổ quốc”. Tổng Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã đề cập vấn đề làm nổi bật “đặc sắc thực tiễn”, “đặc sắc lý luận”, “đặc sắc dân
tộc” và “đặc sắc thời đại” của “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, và vấn đề “thúc đẩy cải cách thể chế chính trị” ở Trung Quốc [55, tr. 26-27].
Trên cơ sở tình hình quốc tế, tình hình Trung Quốc, và quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc như trên, có thể khái quát một số nét cơ bản về tình hình đối ngoại và đối nội của Trung Quốc hiện nay như sau: Trung Quốc vẫn kiên trì chủ trương chiến lược tập trung nỗ lực vào công cuộc hiện đại hóa, và do đó cố gắng duy trì trạng thái hòa bình thế giới và hợp tác quốc tế. Trung Quốc muốn tranh thủ “thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng”, trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh địa – chiến lược quyết liệt và lâu dài với các đối thủ, chủ yếu là Mỹ. Còn về mâu thuẫn giữa các chế độ chính trị - xã hội thì sẽ hòa hoãn dần, Trung Quốc không còn mục tiêu “chống chủ nghĩa tư bản” ở các nước; Cạnh tranh địa – chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước lớn khác diễn ra gay gắt và phức tạp tại các “khu vực ngoại vi”, tức là “các nước xung quanh”. Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ để duy trì chế độ chính trị Bắc Triều Tiên, tiếp tục gây sức ép với Philippines và Việt Nam trên biển Đông, phân hóa ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc, cạnh tranh vừa quyết liệt vừa khôn ngoan với các cường quốc ở một số khu vực quan trọng trên thế giới;
Màu sắc chính trị (ý thức hệ, chế độ chính trị) trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc tiếp tục mờ nhạt. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại các nước có chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị cũng phản ánh xu thế đó; Chính trị đối nội của Trung Quốc, trong một số trường hợp đã phát triển theo hướng phù hợp với chính trị đối ngoại. Trong quá trình mở cửa, nhiều trào lưu tư tưởng chính trị phương Tây cũng đã du nhập Trung Quốc. Trung Quốc đã có những cải cách về thể chế chính trị để phù hợp với quan hệ đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tổ chức bộ máy hành chính…; “Một đất nước hai chế độ” cũng là một sự thể hiện cách giải quyết mối quan hệ đối nội và đối ngoại ở Trung Quốc [55, tr. 27-28].
Tóm lại, đường lối đối nội và đối ngoại chính trị đối nội của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hình thức là mâu thuẫn với chính trị đối ngoại (mâu thuẫn giữa chính trị xã hội chủ nghĩa với chính trị tư bản chủ nghĩa), nhưng về thực chất là không mâu thuẫn, bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết hợp chính trị đối nội và chính trị đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia. Có thể nói đó là một trong những đặc điểm của “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
1.1.2.2. Xã hội
Có thể nói, xã hội Trung Quốc hiện đang tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn, tiêu cực, song về cơ bản, Trung Quốc vẫn giữ được cục diện xã hội ổn định, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng kinh tế, chính trị, chấn hưng đất nước.
Trung Quốc đã hết sức nỗ lực tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Thời gian qua, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề “hạ cương” (nghỉ việc do cải cách doanh nghiệp nhà nước) ở thành phố và tình trạng dư thừa lao động nghiêm trọng ở nông thôn. Để tháo gỡ khó khăn này, Trung Quốc một mặt tăng cường công tác đào tạo, sắp xếp lại lực lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh sản xuất, mặt khác củng cố, mở rộng hệ thống xí nghiệp hương trấn, từng bước giải quyết hợp lí xu thế di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, tạo việc làm ổn định hơn cho người lao động. Ngoài ra, Trung Quốc còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hệ thống thị trấn, thị tứ; quan tâm phát triển nền nông nghiệp thâm canh với trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt quan tâm nghiên cứu sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến… nhằm tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Kết quả, Trung Quốc đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu việc làm đang diễn ra nghiêm trọng ở đất nước này. Chỉ tính riêng trong năm 2004 đã có 9,8 triệu lao động thành phố thị trấn tìm được việc làm, tăng 800 ngàn người so với mục tiêu dự kiến; số người đăng kí thất nghiệp ở thành phố thị trấn là 4,2%, thấp hơn 0,5% so với dự kiến; số người “hạ cương” tìm lại được việc làm đạt 5,1 triệu [22, tr. 4]. Theo báo cáo của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong hai năm 2010 và 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 4,1%.
Cũng theo báo cáo này, năm 2011, Trung Quốc đã tạo ra 12 triệu chỗ làm mới (cao hơn đáng kể hơn so với mức kế hoạch là 9 triệu chỗ làm mà Chính phủ dự trù hàng năm).
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành một số cải cách quan trọng về chính sách bảo đảm an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Chế độ trợ cấp thất nghiệp cho những đối tượng “hạ cương” được duy trì và điều chỉnh tương đối thích hợp trong nhiều năm nay, hỗ trợ cơ bản cho người mất việc làm duy trì cuộc sống. Đồng thời, Trung Quốc tích cực thực hiện chiến lược xóa đói nghèo ở các vùng nông thôn, tích cực thực hiện các chính sách và biện pháp giảm gánh nặng cho nông dân, đặc biệt là chế độ thuế nông nghiệp.
Nhờ vậy, Hội nghị lần thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X (3/2005) của Trung Quốc đã khẳng định một số thành tựu xã hội đạt được trong năm 2004: thu nhập bình quân đầu người ở thành thị đạt 9.422 NDT (khoảng 1.150 USD), thu nhập thuần của nông
dân đạt 2.936 NDT (tăng 7,7% và 6,8%); số người nghèo tuyệt đối và thu nhập thấp ở nông thôn giảm 2,9 triệu và 400 ngàn so với năm 2003; tiêu chuẩn trợ cấp cơ bản đối với người về hưu và tiêu chuẩn đảm bảo cuộc sống tối thiểu của cư dân một số thành phố, khu vực được nâng cao; số người tham gia bảo hiểm theo các chế độ dưỡng lão, khám chữa bệnh, thất nghiệp và tai nạn lao động đạt 163 triệu, 124 triệu, 106 triệu và 68,23 triệu.
Trong các lĩnh vực khác như khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường..., Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng khẳng định. Dù còn nhiều bất cập, song nhiều năm lại đây, sự nghiệp khoa học giáo dục của Trung Quốc đã có những bước tiến lớn, nhằm hướng tới tiêu chí “khoa giáo hưng quốc” (khoa học giáo dục chấn hưng đất nước). Về y tế, mặc dù đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong nhiều đại dịch, song Trung Quốc cũng là một trong số những quốc gia xử lí kiên quyết và triệt để tình trạng diễn biến dịch bệnh, khắc phục nhanh hậu quả do chúng gây ra. Theo số liệu thống kê năm 2008, Trung Quốc đã xây dựng các trung tâm phòng chống bệnh tật tại 9 tỉnh, 241 thành phố và 1.410 huyện; 290 trung tâm cấp cứu và 2.074 hệ thống chữa trị bệnh truyền nhiễm [51, tr.25].