Biển Đông là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới. Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, là một phần của Thái Bình Dương, kéo dài từ bờ Nam đảo Đài Loan xuống Bắc Indonesia, được bao bọc bởi 10 quốc gia và vùng lãnh thổ (Bắc giáp Trung Quốc, Đài Loan; Tây giáp Việt Nam, Campuchia; Nam giáp Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia; Đông giáp Philippines) và có rất nhiều đảo và quần đảo, trong đó có hai quần đảo lớn: Quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Ở đây có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan.
Biển Đông là một khu vực chứa đựng trong lòng nó nguồn tài nguyên to lớn. Về trữ lượng dầu mỏ theo tính toán là 4 tỷ m3 và khoảng 300 tỷ m3 khí đốt (đứng thứ hai so với khu vực Trung Đông). Thêm vào đó, nguồn dự trữ tiềm tàng là những khu vực sản xuất bao quanh (khu vực Nam Côn Sơn, Thanh Long, Đại Hùng ở ngoài khơi Việt Nam, Natuna ở phía Bắc Indonesia...). Về hải sản, đây là một vùng có ngư trường phong phú và nhiều tiềm năng. Về khoáng sản, có rất nhiều khoáng sản quý hiếm đã được phát hiện nằm dưới đáy biển. Theo con số điều tra của Ủy ban kinh tế của Liên hợp quốc về châu Á và Viễn Đông (ECAFE), dưới đáy biển Đông có nguồn dự trữ lớn về dầu hỏa và khí hydro - carbons. Chỉ tính riêng thềm lục địa xung quanh Trường Sa đã có trữ lượng khoảng 25 tỷ m3 gas, 105 tỷ thùng dầu và 300 nghìn tấn phốt pho... Biển Đông là biển nhiệt đới nên có trữ lượng cá và
hải sản rất lớn, chỉ tính riêng quanh quần đảo Trường Sa có thể cung ứng mỗi năm 7,5 triệu tấn cá, đem lại nguồn lợi hàng tỷ USD.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Đây là tuyến đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar) [70].
Do tiềm năng lớn về biển với nguồn tài nguyên và giá trị lưu thông thương mại nên biển Đông trở thành yết hầu về kinh tế, là mắt xích quan trọng trong chiến lược kinh tế, quốc phòng, an ninh không những của các nước trong khu vực mà còn rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu của các nước lớn.
Về lĩnh vực quân sự, biển Đông án ngữ lối qua lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là tuyến đường đi lại chủ yếu của Trung Quốc, của Mỹ với các nước đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á. Biển Đông có giá trị địa chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quân sự, có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh của các quốc gia có liên quan; là bàn đạp chiến lược để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, khống chế Tây Thái Bình Dương, Đông Bắc Ấn Độ Dương.
Những sự kiện diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy, biển Đông đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết trong những ý đồ chiến lược kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh của các nước lớn và các nước trong khu vực. Biển Đông hiện đang còn nhiều khúc mắc liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, quyền chủ quyền, quyền tài phán… của mỗi nước. Xuất phát từ lịch sử và truyền thống, mỗi nước đã thiết lập những vùng chồng lấn trên biển mà các nước liên quan đến biển Đông đang tích cực tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, những sự kiện
mà Trung Quốc liên tiếp gây ra những năm qua trên biển Đông đã làm cho tình hình trên biển Đông luôn bất ổn [144].
Đối với Ấn Độ, biển Đông không phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng khi gắn kết về sự thay đổi về môi trường quốc tế hiện tại (Mỹ suy yếu tương đối, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, châu Âu khủng hoảng…) kết hợp với ý định mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương, Nam Á để kiềm chế Ấn Độ thì biển Đông sẽ là con bài chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ trong cuộc chơi quyền lực với Trung Quốc.
Sự thay đổi trong cách tiếp cận biển Đông của Ấn Độ gần đây không hoàn toàn đến từ những lời khuyến khích hoa mỹ và to tát nhất của Hoa Kỳ đại loại như Ấn Độ là đối trọng với Trung Quốc, hay như lãnh đạo chính trị và có vai trò mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương…Nguyên nhân chủ yếu chính là hành động kiềm chế mà Trung Quốc đang thực hiện đối với Ấn Độ.
Là hai quốc gia lớn tại khu vực cũng như trên thế giới, và cũng là hai quốc gia có mối quan hệ phức tạp kéo dài đến tận ngày nay. Trung Quốc với chính sách bành trướng, thậm chí là ngạo mạn luôn thực hiện chính sách kìm chế Ấn Độ bằng nhiều phương thức, chính sách khác nhau, và chúng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình lịch sử.
Cuộc chiến chớp nhoáng năm 1962 Trung Quốc tiến hành đối với Ấn Độ với khẩu hiệu “Dạy cho một bài học” về khía cạnh nào đó đã thực sự tác động đến quốc gia Nam Á này. Thứ nhất, trong cuộc xung đột này, gần như mọi ngóc ngách, sự bố trí cũng như đường đi nước bước của quân đội Ấn Độ đã bị Trung Quốc nắm rõ như lòng bàn tay. Thất bại này là nỗi tủi hổ đối với Ấn Độ, thậm chí là nó tạo ra thái độ e dè đối với Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Ấn Độ trong con mắt của Trung Quốc chỉ là một cái nhìn coi thường, là kẻ chiếu dưới. Điều này càng khiến cho Ấn Độ bức bối và thậm chí là nuôi hận. Bức bối và hận thù đã khiến cho Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh, là căn bệnh kinh niên đối với Ấn Độ. Thứ hai, qua cuộc chiến này Ấn Độ rõ ràng đã rút ra bài học xương máu cho mình, đó là phải phát triển mạnh về quân sự đủ sức răn đe, luôn luôn đề phòng ông bạn láng giềng, mở rộng các mối quan hệ tạo tư thế răn đe.
Hiện nay, các mối đe dọa chủ yếu về an ninh đối với Ấn Độ là sự xói mòn ảnh hưởng chính trị tại khu vực; ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực. Bởi vậy những cách tiếp cận của Trung Quốc gần đây đối với khu vực này đã khiến cho Ấn Độ đang hết sức lo ngại. Sự lo lắng ngày một tăng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan
đang ngày càng phát triển, trở thành những đồng minh “trong mọi thời tiết” của nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư về kinh tế bao vây Ấn Độ, hay như việc chưa đồng ý với nguyện vọng của Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một địa vị ngang bằng với Trung Quốc, cho thấy chính sách kiềm chế, bao vây Ấn Độ trên mọi mặt trận.
Trung Quốc là quốc gia có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với nhiều quốc gia, Trung Quốc đã giải quyết những tranh chấp với tất cả ngoại trừ Ấn Độ. Những va chạm, xích mích, phô trương dọc biên giới hai bên vẫn thường xuyên xảy ra. Thời gian gần đây, quan chức chính phủ, báo chí Ấn Độ không ngớt phàn nàn về những vụ xâm phạm biên giới ngày càng leo thang từ phía Trung Quốc. Về những vụ xâm phạm biên giới, quân đội Ấn Độ đã ghi lại được 270 vụ xâm phạm biên giới và gần 2.300 trường hợp “tuần tra biên giới mang tính gây hấn” do Trung Quốc thực hiện năm 2008. Vào tháng 5/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony, Cố vấn An ninh Quốc gia Menon, đã cảnh báo đến Thủ tướng M. Singh về nguy cơ đối với đất nước, trong bản báo cáo, Bộ trưởng A.K. Antony cho rằng Trung Quốc hiện có khả năng triển khai hơn nửa triệu quân dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) trong một tháng khi có mối nguy cơ đe dọa cao từ Ấn Độ.
Những chính sách, hành động trên đang gây ra những mối lo ngại không những voiws giới cầm quyền Ấn Độ, mà nó còn tác động đến cả những học giả và người dân. Vì lẽ đó, chẳng có lý do gì buộc Ấn Độ phải “đứng im chịu trận”. Rõ ràng họ cần phải hành động trước khi quá muộn.
Chính sách kiềm chế của Trung Quốc đối với Ấn Độ tập trung vào các quốc gia láng giềng và những quốc gia có những xích mích với Ấn Độ. Đáp lại, Ấn Độ cũng sẽ có những hành động tương tự đối với Trung Quốc. Những tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng tại biển Đông và Hoa Đông sẽ được Ấn Độ tận dụng, điều này là động lực thôi thúc Ấn Độ đẩy mạnh “chính sách hướng Đông” của mình.
Trong bối cảnh văn hoá kiềm chế chiến lược của Ấn Độ, “chính sách hướng Đông”
của Ấn Độ mang tính cứng rắn thể hiện tầm nhìn rộng mở và khá quả quyết trong chính sách Trung Quốc của Ấn Độ. Bình luận trên tờ Thời báo Ấn Độ (Times of Indian) ngày 7/9/2010, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng “người Trung Quốc có sự quyết đoán mới … vì vậy, chúng ta cần thiết phải chuẩn bị” [130]. Điều này đánh dấu một sự xa rời đáng kể khỏi sự trầm lặng mà đã ngự trị trong các phát ngôn của chính quyền Ấn Độ về
Trung Quốc. Cột mốc thể hiện bước chuyển trong chính sách can dự biển Đông là quyết định hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại biển Đông giữa Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ (ONGC) với Việt Nam bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc. Trong cuộc họp báo của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ sang Việt Nam, ông Vishnu Prakash trả lời báo chí về sự phản đối của Trung Quốc đối với dự án khai thác dầu giữa hai nước rằng “Đây là chương trình hợp tác thương mại và kinh tế thiết thực với Việt Nam. Một trong những mặt hợp tác đó là về lĩnh vực năng lượng, hydro - carbons, cũng như năng lượng tái chế. Công ty ONGC Videsh Ltd đã phối hợp với Việt Nam thăm dò dầu khí ngoài khơi trong một thời gian và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác và một công ty khác là Essar Oil Ltd cũng đã được cấp phép thăm dò một lô khí đốt tại Việt Nam. Đây (năng lượng) là lĩnh vực hợp tác quan trọng và chúng tôi muốn phát triển việc này. Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam hay với bất cứ nước nào khác trên thế giới đều tuân thủ luật pháp, quy tắc và công ước quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về việc “ủng hộ tự do hàng hải” tại biển Đông [173].
Bên cạnh việc tự nâng cao khả năng kinh tế và quân sự, Ấn Độ tích cực thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng với khu vực Đông Nam Á thông qua các cơ chế, phương thức để củng cố và phát triển các mối quan hệ. Điều này cho phép Ấn Độ trực tiếp tham gia cạnh tranh ở khu vực chiến lược này…Việc can dự vào biển Đông một mặt nhằm tìm kiếm chỗ đứng trong khu vực, mở rộng môi trường chiến lược an ninh, mặt khác tạo thế cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, tạo áp lực lên Trung Quốc buộc nước này phải điều chỉnh chiến lược trong các vấn đề tại Ấn Độ Dương, Nam Á (trong đó nổi bật là vấn Trung Quốc hỗ trợ Pakistan nhằm đối phó với Ấn Độ) và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ tồn tại giữa hai nước hiện vẫn chưa được giải quyết.
Một trong những lợi thế của Ấn Độ trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực đó là việc Ấn Độ không có, hoặc chí ít là không thể hiện tham vọng bá quyền như Trung Quốc.
Điều này giúp cho Ấn Độ tạo được nhiều thiện cảm, sự tin tưởng hơn là những mối nghi ngờ, e ngại trong các mối quan hệ của các quốc gia khu vực đối với Trung Quốc. Nhằm tăng cường và thúc đẩy sự hiện diện trên biển Đông, hải quân Ấn Độ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận thường niên với các quốc gia khu vực: cuộc tập trận thường niên Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ luân phiên tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cùng với sự có mặt của hải quân Singapore, Nhật Bản và Australia; tập trận thường niên SIMBEX với Singapore…Các
cuộc viếng thăm chính thức của các tàu hải quân Ấn Độ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng được tiến hành thường xuyên với mật độ ngày càng tăng: tới Việt Nam, Philippines (1998 và 2001) và Malaysia (2000), các tàu chiến hải quân Ấn Độ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến thăm tới nhiều quốc gia ở toàn khu vực Đông Nam Á như Campuchia (2008), Indonesia (2004, 2008), Malaysia (2005, 2008), Philippines (2004), Singapore (2005), Việt Nam ( 2004, 2005, 2006, 2008).
Trong “chính sách hướng Đông”, Việt Nam chiếm vị trí quan trọng. Theo đánh giá của P.K. Patasani, thành viên Hạ viện Ấn Độ (Lok Sabha) thì “Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của Ấn Độ ở Đông Nam Á, cũng như đối với sự thành công của chính sách “Hướng Đông”. Với sự nổi lên của Trung Quốc thời gian gần đây, cùng với những thách thức mà nước này đặt ra đối với lợi ích của Ấn Độ, mối quan hệ song phương giữa hai nước đang ngày càng được củng cố mạnh mẽ.
Trong chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Fernades tới Việt Nam năm 2000, hai bên đã nhất trí “đào tạo hải quân chung, diễn tập chống cướp biển chung ở biển Đông, đào tạo chiến tranh rừng rậm, đào tạo chống bạo động; đào tạo phi công của không quân Việt Nam tại Ấn Độ, các chương trình sửa chữa phi cơ chiến đấu của Không quân Việt Nam, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết lập các cơ sở sản xuất trang thiết bị quân sự” [130]. Năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, Ấn Độ thông báo sẽ cung cấp gần 5.000 phụ tùng quan trọng dùng cho tàu chiến chống ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam và đầu năm 2008 cử một 4 chuyên gia sang đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình để tham gia các sứ mệnh của Liên hợp quốc. Tháng 11/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã thăm Ấn Độ với mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký vào tháng 7/2007. Quan hệ hai nước đã được nâng thành Quan hệ Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 7/2007) [130].
Trước những hành động can thiệp vào vùng “sân sau” Trung Quốc của Ấn Độ, Trung Quốc đã yêu cầu các nước ngoài khu vực “tránh xa” biển Đông, và “đánh tiếng” với Ấn Độ rằng, các hoạt động liên quan tới dầu khí trên biển Đông sẽ bị cho là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép, hay sự tham gia của nước này. Trung Quốc tiếp tục phản đối dự án thăm dò dầu khí của Ấn Độ trong khu vực, sau đó đưa ra tuyên bố về chủ quyền ở hai lô dầu khí Ấn Độ thăm dò. Bất chấp điều đó, Ấn Độ tiếp tục duy trì các dự án thăm dò trong khu