Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 50 - 59)

CHƯƠNG 2: ĐÔNG NAM Á TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA

2.3. Chính sách của Trung Quốc và Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á

2.3.1. Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á

2.3.1.1. Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm ở Đông Nam Á

Đông Nam Á được coi là mục tiêu đỏ trong chiến lược hướng Nam của Trung Quốc.

Để tạo ảnh hưởng sâu rộng tại đây, Trung Quốc đã kết hợp nhiều chiêu bài sức mạnh khác nhau, trong đó sức mạnh mềm vẫn được xác định là con bài chiến lược phục vụ cho quá trình xâm nhập và dần thẩm thấu khu vực này.

Thuật ngữ “sức mạnh mềm - soft power” (được hình thành bởi giáo sư của Đại Học Havard, ông Joseph Nye, Jr ) đề cập đến khả năng lôi kéo các nước khác bằng cách thu hút và thuyết phục các nước cùng hướng tới mục tiêu chung nào đó của mình.

Khi nói về sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đa số các nhà nghiên cứu chiến lược đều cho rằng, hiện nay đang là cơ hội ngàn vàng cho Trung Quốc thực thi chiến lược sức mạnh mềm tại các quốc gia Đông Nam Á, vì giai đoạn này có 2 cái lợi chính.

Thứ nhất, Mỹ bị chi phối khá lớn cả công và của vào cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Thời điểm này chính là cơ hội thuận lợi, mang lại thành công lớn cho Trung Quốc thực thi chiến lược mềm của mình.

Thứ hai, hiện nay một số quốc gia Đông Nam Á như Philipines, Lào, Campuchia, Myanmar,…. là những quốc gia được xếp trong danh sách nghèo nàn, lạc hậu, tham nhũng đang hoành hành và nhiều nguyên nhân khác có lợi cho quá trình thực hiện sức mạnh mềm của người Trung Quốc.

Đối với nhiều nhà phân tích, sự tăng tầm ảnh hưởng hay sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á và những nơi khác hầu như diễn ra trên lĩnh vực kinh tế hơn là quân sự, văn hóa, hay chính trị. Trung Quốc có khả năng tác động ngày càng lớn đối với các quốc gia khác xuất phát từ vai trò là nguồn hỗ trợ chính cho viện trợ, thương mại, và đầu tư quốc tế. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có được tiếng nói thông qua ngoại giao và một phần nào đó các nước Đông Nam Á ngưỡng mộ Trung Quốc là một biểu mẫu đáng khâm phục về phát triển kinh tế, văn hóa cổ kính và “cùng chung giá trị châu Á”. Thêm vào đó, cộng đồng người Hoa lâu nay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, và văn hóa của các quốc gia ở Đông Nam Á.

Cùng với việc viện trợ tài chính Trung Quốc đã làm dịu bớt nỗi lo lắng về các mối đe dọa quân sự hay kinh tế, đảm bảo với các nước láng giềng rằng Trung Quốc là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tạo ra lợi ích thật sự cho khu vực thông qua các nguồn viện trợ, mậu dịch và đầu tư.

Về mặt ngoại giao, vị thế của Trung Quốc trong thập kỉ qua đã có nhiều chuyển biến. Vào năm 2002, Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền về các hòn đảo tại khu vực ký vào “Tuyên bố về Cách ứng xử trên biển Đông” góp phần rất lớn trong việc làm giảm căng thẳng trong khu vực về vấn đề trên.

Về quan hệ song phương và quan hệ trong khu vực, một nghiên cứu về các quan hệ song phương của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á cho thấy có sự phân chia trong khu vực trong vùng như vị trí ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc đối với các quốc gia trong đất liền đặc biệt là Myanmar, Campuchia và Lào và vị trí ít ảnh hưởng hơn với các nước đảo quốc như Indonesia, Philippines và Singapore.

“Chính sách không can thiệp” của Trung Quốc ít xâm phạm vào các vấn đề nội bộ của khu vực. Trong khi phương pháp này có thể không đạt được sự khâm phục rộng rãi nhưng nó có thể làm ôn hòa dễ chịu đối với các chính phủ trong khu vực và được dư luận đánh giá cao bởi vì nó đảm bảo tôn trọng chủ quyền quốc gia.

Trung Quốc dần dần trở thành một thành viên rất năng động trong các tổ chức có quan hệ đa phương như ASEAN + 3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc); Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á (EAS) bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand và các nước ASEAN khác.

Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc cho Đông Nam Á đã có những tác động rõ ràng và ngày càng tăng đối với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc quản lý số lượng lớn các viện trợ kinh tế bao gồm viện trợ nhằm mục đích phát triển, các khoản vay lãi suất thấp và các hiệp ước đầu tư và mậu dịch. Chính sách ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc thường nhận được sự ủng hộ của các chính các nước Đông Nam Á cũng như nhiều người dân trong khu vực bởi vì điều này được xem như là sự tôn trọng chủ quyền quốc gia các nước.

Nguồn tài trợ của Trung Quốc tập trung tại khu vực chủ yếu như Myanmar, Campuchia và Lào được xem như là những nước nghèo nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc được xem là “Ông chủ bảo trợ chính về kinh tế” và tạo được sự “an toàn tuyệt đối” [81] đối với các nước này. Hỗ trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước khác. Trung Quốc cũng viện trợ khá lớn đối với các nước đã phát triển nhanh hơn như Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Trong hơn hai thập kỷ qua, thương mại giữa Trung Quốc với 10 nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) phát triển vượt bậc. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc từ năm 1997 - 2006 xuất khẩu tới các nước ASEAN tăng 450% và nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng 625%. Thông qua thương mại, đầu tư và du lịch, tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á được tăng cường mạnh mẽ. Những khuynh hướng này tiếp tục phát triển trong các năm tiếp theo khi mối quan hệ kinh tế được thắt chặt thông qua ký kết thực hiện Hiệp ước tự do thương mại (FTA) và các sáng kiến hợp tác khác.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc trong khu vực sẽ tăng khi các nền kinh tế Đông Nam Á ngày trở nên hội nhập sâu với Trung Quốc.

Theo quan điểm của ASEAN, Trung Quốc đang dần trở thành đối tác thương mại quan trọng. Theo số liệu của ASEAN, Trung Quốc xếp hạng ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ năm vào năm 2005, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và thị trường nhập khẩu lớn thứ ba.

Trung Quốc đã gia nhập vào quan hệ đối thoại với các nước ASEAN từ năm 1991 và được đủ tư cách ở vị trí đối tác đàm phán với các nước ASEAN năm 1996. Năm 2000, các quan chức Trung Quốc đề ra ý tưởng về một hiệp ước tự do thương mại Trung Quốc - Châu Á. Tháng 11/2002 , các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký một bản Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện để tạo ra một Khu vực tự do thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong vòng 10 năm. Tháng 11/2004, hai bên đã ký Hiệp định về thương mại hàng hoá trong khuôn khổ bản hiệp định về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó bao gồm một lịch trình về cắt giảm thuế quan và loại bỏ thuế quan đến mức thấp nhất (bắt đầu từ năm 2005) giữa hai phía. Ví dụ, đối với các quốc gia có nhịp độ phát triển nhanh hơn trong khu vực thuộc nhóm

“ASEAN 6” (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), mức thuế trên 20%, giảm xuống 20% trong năm 2005, 12% trong năm 2007, 5% vào năm 2009, và là 0 năm 2010. Một số sản phẩm “nhạy cảm” có thể sẽ giảm nhưng trong thời gian lâu hơn.

Lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN bao gồm nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hai chiều (song phương), phát triển lưu vực hạ lưu sông Mekong, giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch và y tế công cộng .

Trong tháng 1/2007, Trung Quốc và ASEAN ký kết Hiệp định thương mại về các hoạt động tự do thương mại của Trung Quốc - các nước ASEAN nhằm mục đích làm giảm bớt các thủ tục trong hoạt động mậu dịch. Trong một bài phát biểu năm 2005 để kỷ niệm 15 năm Quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo liệt kê bốn kết luận chính mà ông đã vạch ra từ sự tăng trưởng trong quan hệ song phương. Phát triển trong hòa bình là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Bình đẳng và tin cậy lẫn nhau là nền tảng của mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Cả hai bên đối xử với nhau công bằng và nỗ lực phát triển sự đồng thuận bằng cách tìm kiếm sự thống nhất chung và đặt những sự khác biệt sang một bên.

Hợp tác “Cùng thắng” (Win - Win) là mục tiêu cho mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Năm 2006, Ong Keng Yong, Tổng thư ký hiệp hội ASEAN, mô tả quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc ngày càng tăng: ASEAN xem Trung Quốc như là một người hàng xóm gần gũi và một đối tác đàm phán quan trọng với tiềm năng to lớn để cung cấp. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và dân số khoảng 1,3 tỷ người, Trung Quốc là một nhà tiêu dùng khổng lồ cho các sản phẩm của các nước thuộc ASEAN và là nguồn viện trợ vốn

nước ngoài đầu tư trực tiếp FDI cho khu vực trong tương lai. Ngoài ra, ASEAN cũng được lợi từ số lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đến thăm khu vực và ngược lại.

2.3.1.2. Trung Quốc tìm cách độc chiếm biển Đông

Trung Quốc tuy có lãnh thổ khổng lồ, song diện tích biển khá nhỏ. Với đường bờ biển khá ngắn và các hòn đảo không tranh chấp nằm không xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc được quốc tế thừa nhận không được lớn như các nước may mắn hơn: Mỹ 12 triệu km2, Nga 7,5 triệu km2, Canada 5,5 triệu km2, Nhật Bản 4,4 triệu km2, Trung Quốc 880.000 km2. Vì vậy, chiến lược biển hiện nay của Trung Quốc là vươn ra đại dương, trước hết khống chế “ba biển” – Hoàng Hải, Đông Hải (biển Nhật Bản), Nam Hải (người phương Tây gọi là Nam Trung Hoa, người Việt gọi là biển Đông). Trung Quốc tham vọng kiểm soát 80% diện tích biển Đông.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Kiểm soát được biển Đông, Trung Quốc sẽ khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và tác động trực tiếp tới quan hệ chiến lược giữa Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, một gọng kìm đang kẹp nước này. Từ khi bước vào thế kỷ XXI, với quốc lực tăng cường, Trung Quốc theo đuổi một chính sách Đông Nam Á và biển Đông mang tính hướng đích cao nhằm củng cố ảnh hưởng kinh tế trước hết là Đông Nam Á lục địa và độc chiếm biển Đông. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang xây dựng “Hạm đội tác nghiệp biển sâu” phục vụ khai thác dầu khí biển Đông, tăng thêm một hạm đội nữa trên biển Đông.

Độc chiếm biển Đông là mục tiêu lâu dài và xuyên suốt trong chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á nhằm tiến hành khai thác các nguồn lợi kinh tế, chính trị từ vùng biển này. Để thực hiện tham vọng và mục tiêu trên, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp chiến lược, sách lược có tính hai mặt rất khôn khéo và tinh vi, được tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Một mặt, Trung Quốc luôn luôn khẳng định chủ quyền đối với khu vực biển Đông trong vùng “lưỡi bò”, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Trung

Quốc ráo riết tăng cường thực hiện việc tăng chi phí quốc phòng, sớm xác định chiến lược biển và từng bước tiến hành các biện pháp lấn chiếm trên thực địa. Trung Quốc không bỏ lỡ thời cơ khi có điều kiện thực hiện việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, năm 1974 khi Việt Nam đang có chiến tranh và chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, năm 1988 khi Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế.

Mặt khác, Trung Quốc tìm cách phân hoá giữa các nước ASEAN với nhau nhằm phá thế “quần lang dạ hổ”, đồng thời tìm cách trung lập các nước lớn khác có lợi ích liên quan đến biển Đông, kiên quyết chống lại việc quốc tế hoá khu vực biển Đông.

Sau sự kiện dùng vũ lực đánh chiếm dải đá Vành Khăn năm 1995, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận về tranh chấp ở biển Đông bằng việc năm 2002, Trung Quốc chấp nhận là một bên ký kết DOC. Tuy vậy, đây chỉ có thể coi là sự thay đổi về chiến thuật chứ không phải thay đổi chiến lược của Trung Quốc đối với biển Đông.

Mặc dù đã ký kết DOC, nhưng để tiếp tục theo đuổi chính sách độc chiếm biển Đông của mình, Trung Quốc áp dụng chính sách lấn dần trên thực địa, tạo ra những “sự đã rồi”, khẳng định sự có mặt trên thực tế. Trung Quốc vừa lấn tới, vừa xoa dịu dư luận bằng các luận điệu và sử dụng các diễn đàn hợp tác hay đàm phán song phương với các nước để tránh bị các nước khác làm to chuyện. Có thể điểm qua một vài sự kiện từ năm 2007 đến nay để chứng tỏ Trung Quốc đang thực hiện các bước đi mới trong việc triển khai chiến lược đối với biển Đông và chuẩn bị cho những dự tính xa hơn: Tháng 12/2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam [164]; Ngày 8/11/2009, Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã quyết định thành lập Ủy ban thôn đảo “Vĩnh Hưng” và “Triệu Thuật” (tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam); 31/12/2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Ngày 5/8/2010, Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn; Ngày 24/6/2010, Ủy ban cải cách và phát triển Nhà nước Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010 - 2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử

dụng đối với các đảo không người ở; Ngày 29/4/2010, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2010 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông [113]….

Tuy triển khai những hành động vi phạm các nguyên tắc của DOC, nhưng trong nhiều tuyên bố Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ, tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (Code of Conduct, gọi tắt là COC). Trung Quốc luôn tận dụng mọi cơ hội để tuyên bố, quảng bá với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc phát triển hoà bình. Họ ra sức thuyết phục cộng đồng quốc tế là sự phát triển của Trung Quốc không đe doạ ai, mà chỉ mang lại cơ hội phát triển cho các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực: Tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi những người đồng cấp các nước ASEAN, trong đó cam kết: Trung Quốc muốn tạo dựng “một vùng biển hoà bình và hợp tác”; Trước và sau cuộc họp vòng 5 nhóm công tác liên hợp về thực hiện DOC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tháng 12/2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã công khai tuyên bố với thế giới: “Trung Quốc luôn coi trọng cao độ và thực hiện nghiêm túc DOC, nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác ở biển Đông, tạo điều kiện có lợi cho giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn định ở biển Đông” [113].

Tuy nhiên, một loạt các sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc hành động ngày càng ngang ngược, lời nói không đi đôi với việc làm và những hành động luôn nằm trong cái gọi là chiến lược chung bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm biển Đông, đi ngược lại với các cam kết của DOC. Từ sau vụ va chạm với tàu khảo sát Impeccable của Mỹ ngày 8/3/2009 và gửi Công hàm đến Liên hợp quốc ngày 7/5/2009 lần đầu tiên Trung Quốc lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích biển Đông [99].

“Đường lưỡi bò” gồm 9 đoạn (lúc đầu là 11 đoạn, sau này Trung Quốc bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc bộ), xuất phát từ Vịnh Bắc bộ, chạy sát bờ biển miền Trung của Việt Nam, xuống vĩ tuyến 4 độ, vòng gần bờ biển Indonesia, Malaysia và Philippines, kết thúc ở eo biển Luzong giữa Philippines và Đài Loan. Trong các bản đồ của Trung Quốc, “đường lưỡi bò” thường được thể hiện dưới dạng ký hiệu của đường biên giới quốc gia với dụng ý cho đó là đường biên giới trên biển.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH CẠNH TRANH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (1991 – 2012) (Trang 50 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)