CHƯƠNG 1: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ HAI CƯỜNG QUỐC MỚI CỦA THẾ GIỚI
1.2.2. Chính trị - Xã hội
Ấn Độ là một liên bang với một hệ thống nghị viện nằm dưới sự khống chế của Hiến pháp Ấn Độ. Đây là một nước cộng hòa lập hiến với chế độ dân chủ đại nghị, trong đó
“quyền lực đa số bị kiềm chế bởi các quyền thiểu số được bảo vệ theo pháp luật”. Chế độ liên bang tại Ấn Độ xác định rõ sự phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và các bang. Chính phủ tuân theo theo sự kiểm tra và cân bằng của Hiến pháp. Chính phủ liên bang gồm ba nhánh: Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.
Với sự phát triển nhanh, mạnh về kinh tế, vai trò chính trị của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới được nâng cao. Ấn Độ ngày nay thu hút quan tâm chú ý của nhiều nước.
Kể từ khi độc lập vào năm 1947, Ấn Độ duy trì các quan hệ thân mật với hầu hết các quốc gia. Trong những năm gần đây, quốc gia này đóng vai trò then chốt trong Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực, Tổ chức Thương mại Thế giới và một số diễn đàn khu vực khác. Ấn Độ có các mối quan hệ kinh tế gần gũi với các khu vực Nam Mỹ, châu Á, và châu Phi; quốc gia này hiện đang theo đuổi “chính sách hướng Đông” nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia ASEAN, Nhật Bản, và Hàn Quốc xoay quanh nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kinh tế và an ninh khu vực. Về quan hệ với các nước lớn, Ấn Độ cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ấn Độ đã có nhiều bước đi hết sức tích cực để cải thiện và thúc đẩy mối quan hệ với nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực như hợp tác kinh tế, quân sự cũng như ngoại giao.
1.2.2.2. Xã hội
Sau hơn hai thập kỷ tiến hành cải cách toàn diện đất nước, Ấn Độ đã thu được nhiều thành tựu xã hội quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và an sinh xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục trong sự phát triển về kinh tế, xã hội nên Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Chính sách Quốc gia về giáo dục (National Policy of Education – NPE) năm 1986, được sửa đổi năm 1992. Mục tiêu của chính sách này là giáo dục phải đóng vai trò tích cực và tham gia vào việc điều chỉnh xã hội cũng như sự mất cân bằng giữa các khu vực, nâng cao vị thế phụ nữ, đảm bảo vị trí xứng đáng cho những người có hoàn cảnh khó khăn và các dân tộc thiểu số. Ở cấp độ quốc tế, Ấn Độ đã cam kết “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” và “Giáo dục cho mọi người”. Ở cấp quốc gia, Ấn Độ cam kết tăng chi tiêu ngân sách cho giáo dục đến 6% GDP và phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2009, Chính phủ tiến thêm một bước trong việc khẳng định quyền được giáo dục của trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra. Luật Quyền của Trẻ em đối với Giáo dục bắt buộc và miễn phí được Quốc hội thông qua khẳng định quyền được giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 [90, tr. 1].
Vấn đề cải tiến chất lượng giáo dục, nâng cao các kỹ năng cũng như tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện được Chính phủ Ấn Độ thực hiện thông qua những cải cách trong thi cử. Giáo dục đại học và công nghệ tiếp tục khởi sắc với nhiều đề án thành lập các trường đại học, các viện công nghệ, viện quản lý mới cả ở cấp trung ương và cấp bang.
Trong chiến lược phát triển xã hội, Chính phủ cũng đã đưa ra một số biện pháp, sáng kiến để chăm sóc sức khoẻ và phát triển mạng lưới y tế trong cộng đồng. Ấn Độ có cơ sở hạ tầng y tế công cộng ba cấp được cấu trúc tốt, bao gồm các trung tâm y tế cộng đồng, các trung tâm y tế cấp trung gian và các tiểu trung tâm phân bố rộng khắp trên toàn nông thôn và các khu vực bán đô thị; các bệnh viện chuyên khoa và các trường đại học, cao đẳng y tế thì lại phân bố chủ yếu tại các khu vực đô thị. Tuy nhiên, những bất cập trong cơ sở hạ tầng này bao gồm thiếu nhân sự, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hạ tầng y tế giữa thành thị và nông thôn, và để cung cấp các dịch vụ y tế với giá cả phù hợp, Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình và đề án, trong đó quan trọng là Nhiệm vụ quốc gia về y tế nông thôn (National Rural Health Mission - NRHM) [88, tr. 285]. NRHM được đưa ra năm 2005 để cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, giá cả phải chăng và có trách nhiệm cho các vùng nông thôn, đặc biệt tập trung vào người nghèo và các vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh giáo dục, y tế, vấn đề phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xuất bản
năm 2010, chỉ số HDI của Ấn Độ là 0,519 so với mức 0,389 năm 1990 và 0,440 năm 2000 [89, tr. 292].
Từ năm 1991, Ấn Độ đã thực hiện nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo đạt được hiệu quả. Các chương trình này đều hướng đến việc tạo thêm công ăn việc làm cho phần đông dân số sống dưới mức nghèo khổ, đào tạo nghề hoặc hỗ trợ họ thông qua việc thành lập các tổ chức tín dụng. Qua nhiều năm thực hiện cải cách, tỷ lệ nghèo đói của Ấn Độ đang có xu hướng giảm. Kết quả nghiên cứu theo phương pháp khảo sát đồng dạng (URP) cho thấy, năm 1993 - 1994, tỷ lệ nghèo đói của Ấn Độ là 36% (trong đó tỷ lệ nghèo đói vùng nông thôn là 37,3%) đến năm 2004 - 2005, tỷ lệ này là 27,5%. Kết quả nghiên cứu theo phương pháp khảo sát hỗn hợp (MRP) cho thấy, tỷ lệ nghèo đói của Ấn Độ năm 1999 - 2000 là 26,1% và đến năm 2004 - 2005 giảm xuống còn 21,8% [88, tr. 273]. Những con số trên tuy vẫn còn cao so với các quốc gia châu Á khác nhưng với Ấn Độ, đó là những tiến bộ vượt bậc trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của đất nước có số dân lớn nhất Nam Á này cũng tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới đưa ra tháng 4/2008, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2000 là 450 USD, năm 2005 là 730 USD và năm 2006 là 820 USD. Như vậy, từ năm 2000 đến năm 2006, mức tăng GDP bình quân theo đầu người của Ấn Độ là 26%/năm trong khi mức tăng của Trung Quốc, cường quốc kinh tế mới nổi khác của châu Á, là 24.4%/năm từ 1997 - 2005 (từ 6.420 lên 14.040 NDT/năm) [78, tr. 13].
Tình trạng bất bình đẳng ở Ấn Độ tăng ít hơn rất nhiều so với ở các quốc gia đang phát triển khác. Chỉ số Gini - thước đo đánh giá về tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trên thang điểm từ 0 đến 100 - của Ấn Độ là 33, so với 41 của Mỹ, 45 của Trung Quốc và 59 của Brazil [10, tr. 41]. Trong vấn đề bình đẳng giới, xã hội Ấn Độ đang diễn ra những chuyển biến sâu sắc, vị thế của người phụ nữ Ấn Độ ngày càng được nâng cao, khoảng cách bất bình đẳng giới vốn tồn tại hàng ngàn năm tại đất nước này đã đang được xóa dần.
Về việc làm, năm 2006, Ấn Độ có 270 triệu người trong độ tuổi lao động. Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng, vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có lực lượng lao động lớn nhất thế giới với 986 triệu người [34, tr. 220].
Những thành tựu chính trị, xã hội trong hơn hai thập kỷ qua của Ấn Độ là cơ sở của những bước tiến dài về phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Cuộc cải cách tuy diễn ra muộn
và quá trình thực hiện cải cách diễn ra chậm nhưng nó thực sự là phương thuốc đúng đắn cho một đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng nguy kịch như Ấn Độ vào năm 1991. Ấn Độ ngày nay tự hào đứng trong hàng ngũ các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ cũng được xem là cường quốc mới nổi của thế giới. Tuy nhiên Ấn Độ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải cách toàn diện nền kinh tế xã hội và giải quyết những vấn đề còn tồn tại dai dẳng ở đất nước này, như tỷ lệ tử vong trẻ em cao, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, tình trạng phân biệt và đối xử theo đẳng cấp và bất hoà tôn giáo…